Trời chưa sáng hẳn, ông Tư đã thức ra cái bàn nhỏ bắc dưới mái hiên nhà ngồi nhâm nhi bình trà nóng cùng tôi. Hôm nào vào giờ này, ông cũng gọi tôi sang. Hai chúng tôi vừa ngồi uống trà vừa nói chuyện đông, chuyện tây.
MINH ĐIỀN
|
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Trời chưa sáng hẳn, ông Tư đã thức ra cái bàn nhỏ bắc dưới mái hiên nhà ngồi nhâm nhi bình trà nóng cùng tôi. Hôm nào vào giờ này, ông cũng gọi tôi sang. Hai chúng tôi vừa ngồi uống trà vừa nói chuyện đông, chuyện tây.
Thằng Tiến và thằng Tài- hai đứa cháu nội của ông- cũng thức theo. Với cái tiết trời se lạnh, thằng Tiến ngồi thu tay trên võng, còn thằng Tài cứ đeo lấy tay ông Tư, tay cầm miếng bánh tráng nướng nhai nhỏm nhẻm. Thấy vậy ông Tư hỏi hai đứa nó:
- Sao hai đứa không ngủ tiếp đi, thức làm chi cho sớm mà ra ngồi ở đây?
Tôi nghe thằng Tiến trả lời ông nó:
- Ông nội hứa soạn cho con mẩu chuyện kể về Bác Hồ mà. Cô giáo đã phân công con sưu tầm để kể trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Hôm nay, con phải nộp mẩu chuyện ấy để cô xem trước. Con không thức bây giờ, nếu lỡ ông đi chợ, ai đưa cho con, rồi biết bao giờ ông về mà đợi lấy.
Ông Tư cười khà khà:
- Nội viết rồi, để trên bàn học của con đó.
Nghe ông Tư nói vậy, thằng Tiến mừng nhảy chân sáo. Nó chạy ngay vào bàn học, thấy vậy ông Tư nói với theo:
- Con coi nội dung trong đó ưng không, nếu ưng rồi thì con ra mượn bác Sáu chỉ viết phần giới thiệu và kết thúc cho hay, để lúc kể chuyện hấp dẫn được người nghe, biết không!
Thằng Tiến nghe những lời ông Tư dặn, nhưng nó chưa vội trả lời, bật đèn đọc lại tờ giấy ông Tư viết cho nó.
Nhắc mới nhớ nghen! Ông Tư là dân tiền khởi nghĩa đó. Sau này còn tập kết ra Bắc nữa. Lúc tập kết ra ngoài ấy, ông là bộ đội Phòng không trực tiếp chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Vì vậy mà ngày nào lúc chạng vạng tối, cũng có một vài người bạn già của ông đến ngồi uống nước trà.
Rồi ôn lại những chuyện kháng chiến vào thời trai trẻ của mình. Có biết bao chuyện hấp dẫn, ly kỳ được họ thay nhau nhắc lại, có cả chuyện một lần được Bác Hồ đến thăm nữa. Cứ chuyện nọ sọ sang chuyện kia, nhưng lại hấp dẫn vô cùng. Tôi cũng thích nghe lắm. Những lúc như vậy, thằng Tiến thường chui vào mùng nằm thò cái đầu ra để nghe các ông kể chuyện.
Có hôm, chưa nghe xong hết câu chuyện, nó lại ngủ lúc nào không hay. Đang ngồi nói chuyện với ông Tư, thằng Tiến đem tờ giấy mà ông nó viết, chìa trước mặt tôi, nó lí nhí nhờ tôi chỉ nó viết phần giới thiệu như lời ông nó vừa nhắc khi nãy. Mẩu chuyện mà ông viết hôm nay, tôi đã từng được nghe ông kể rồi- chuyện diễn vào thời gian ông năm sáu mươi, sáu mốt gì đó.
Lần ấy, đơn vị ông Tư được Bác Hồ trực tiếp đến thăm, được Bác tận tay phát cho mỗi người một điếu thuốc. Qua câu chuyện này, mình cần học cách yêu thương, quan tâm, chăm sóc người khác của Cụ Hồ. Nhất là tình cảm của Bác dành cho người miền Nam ruột thịt. Lúc đó, Bác thương bộ đội miền Nam lắm.
Ông Tư quay sang thằng Tiến, thằng Tài căn dặn:
- Ông chỉ viết theo yêu cầu của cô giáo thôi, nhưng để học tập làm theo Bác Hồ thì ở tuổi của các con bây giờ còn nhỏ, chỉ cần thực hiện tốt 5 điều Bác dạy thiếu nhi thì tốt lắm rồi. Tùy theo hoàn cảnh, tùy theo thời gian mà áp dụng từng điều dạy vào cuộc sống sao cho hiệu quả. Ví dụ như đến trường đến lớp phải đoàn kết tốt, hay kỷ luật tốt để có một tập thể vững mạnh, giữ gìn vệ sinh chung để có một môi trường sống và học tập sạch đẹp văn minh.
Không phải cứ thấy rác nơi công cộng rồi tới đó để dọn dẹp là văn minh đâu. Chừng nào các con vứt rác cảm thấy mắc cỡ, phải tìm nơi thích hợp mới bỏ, lúc đó mới là văn minh. Bởi vậy nên các con phải học và thấm nhuần mới được. 5 điều ấy tuy các con thấy ngắn gọn nhưng đến người lớn như ông nội và bác Sáu ở đây thực hiện chưa chắc đã trọn vẹn đâu.
Nghe ông nói vậy, thằng Tài liền khoe:
- Hôm rồi có đoàn thanh tra về trường con. Thầy gọi đọc “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”, con đọc ro ro. Thầy liền hỏi con cuối năm học lực và đạo đức được xếp loại gì? Rồi có đạt được danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ không? Sau khi con trả lời, thầy vuốt đầu, khen con ngoan nữa đó ông nội.
Ông Tư bảo:
- Con thuộc nằm lòng 5 điều Bác dạy như vậy là tốt rồi. Nhưng nếu làm được đúng theo những lời dạy mà con vừa đọc nữa thì tốt hơn. Bây giờ ông hỏi hai con nghe! Cuối năm, các con có được giấy khen không? Có biết đóng góp phần nhỏ bé từ tiền ăn sáng để giúp bạn trong lớp vượt khó hay đồng bào mình nơi vùng thiên tai bão lũ không? Có đoàn kết tốt với bạn bè trong lớp hay là anh em trong gia đình không?…
Ông Tư hỏi tới đâu, thằng Tài đều trả lời “có” đến đó nên ông vui lắm. Ông kéo nó về phía mình, ôm nó vào lòng và không ngừng khen ngợi.
Tôi góp lời:
- Các con làm tốt hết các điều đó là đã yêu Tổ quốc, yêu đồng bào mình rồi. Có nghĩa là thực hiện tốt 5 điều Bác dạy. Tuổi các con còn nhỏ thì biểu hiện tình yêu Tổ quốc mình, đồng bào mình bằng những công việc nhỏ.
Có điều bác Sáu nhắc các con, là mình làm được việc tốt rồi thì cần làm tốt hơn nữa những điều còn lại trong lời dạy của Bác Hồ. Phải biết giữ gìn vệ sinh chung, biết học hỏi văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình nhất là văn hóa giao thông khi ra đường như đội nón bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, phải đi đúng làn đường khi tham gia giao thông.
Lúc ấy ngoài sân, có tiếng thằng con tôi sang rủ thằng Tiến và thằng Tài đi học. Hai đứa tụi nó liền đi vào bên trong sửa soạn. Còn ông Tư vén chiếc áo, lấy tiền đưa cho hai anh em nó. Trên môi ông nở nụ cười hài lòng trước biểu hiện của các đứa cháu mình.
Hôm ấy, thằng con tôi đi học về, nó thỏ thẻ với tôi về chuyện thằng Tiến. Nghe ra tôi mới biết. Lúc vào lớp, thằng Tiến đã nộp mẩu chuyện mà nó dày công chuẩn bị cho cô giáo. Cô đọc qua một lượt và tỏ vẻ rất hài lòng về câu chuyện ấy. Nhưng cô cũng không quên hỏi lại:
- Em sưu tầm câu chuyện này ở đâu?
Thằng Tiến trả lời cô:
- Thưa cô, từ lời kể của ông em ạ.
Cô giáo lại hỏi:
- Hồi chiến tranh ông em là bộ đội à?
Thằng Tiến trả lời với cô giáo về ông nó không sót chữ nào.
Nghe nó nói, cô giáo nở cười và đề nghị:
- Câu chuyện này đã đảm bảo được nội dung. Ngày mai, em đại diện lớp mình kể trong buổi sinh hoạt dưới cờ đi. Nhưng sau lời giới thiệu, em thêm phần chú thích về ông em là chiến sĩ Phòng không năm xưa, đã từng gặp Bác Hồ và đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Trước hết, em trình bày trong lớp cho các bạn góp ý rồi sửa lại cho hoàn chỉnh nhé.
Cuối buổi học hôm đó, sau lời giới thiệu và mục đích yêu cầu của cô chủ nhiệm, thằng Tiến đứng lên kể lại mẩu chuyện mà mình đã chuẩn bị. Kể xong, nó nhận được tràng pháo tay tán thưởng của bạn bè làm cho nó thêm tự tin hơn. Sau buổi học, bạn bè cùng lớp với thằng Tiến, trong đó có thằng con trai tôi nữa, chúng nó theo thằng Tiến hỏi rất nhiều về ông của nó.
Được nước, thằng Tiến lại kể cho các bạn nghe rất nhiều chuyện về ông Tư, như chuyện chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, chuyện đi tập kết, chuyện bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, làm chúng bạn nó tỏ ra thích thú. Thằng con tôi không muốn chịu lép vế nên cũng tham gia câu chuyện chiến đấu của tôi ngày trước trên bưng biền Đồng Tháp. Cứ thế, câu chuyện về chiến đấu vẫn còn tiếp diễn sau đó, làm lảng đi những chuyện bẫy chim đồng, chuyện thả diều, đá bóng… vốn là “hot” nhất của mấy đứa trẻ.
Cũng theo lời kể của con tôi thì cuối năm học đó, thằng Tiến được bầu chọn là cháu ngoan Bác Hồ, đại diện trường đi nhận giấy khen. Trong buổi học, cô giáo yêu cầu cả lớp bình chọn 5 bạn trong lớp đủ các tiêu chuẩn là cháu ngoan Bác Hồ. Tất nhiên là thằng Tiến được bình chọn rồi. Vậy mà nó từ chối:
- Thưa cô, em xin cám ơn các bạn, cám ơn cô đã chọn em, nhưng em xin nhường vinh dự này đến các bạn khác xứng đáng hơn em ạ.
Cô giáo nghiêm nghị hỏi:
- Lý do tại sao?
Nó trả lời trong nghẹn ngào:
- Thưa cô, ông em nói em chưa thực hiện được trọn vẹn 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, như là em còn có tính hay ganh tỵ, hay sáng dậy chưa xếp mùng mền gọn gàng ạ!
Cô giáo im lặng, nghĩ ngợi một lúc, rồi cô mới nói:
- Thấy được lỗi sai, biết sửa sai cũng xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ rồi đó các em.
Rồi cô kể cho lớp nghe mẩu chuyện “Ai ngoan sẽ được thưởng”. Cả lớp ngồi im phăng phắc lắng nghe: Vào một buổi sáng, Bác Hồ đến thăm trại nhi đồng.
Vừa thấy Bác, các cháu nhỏ đã chạy ùa tới, quây quanh Bác. Ai cũng muốn nhìn Bác cho thật rõ. Bác đi giữa đoàn học sinh, tay dắt hai cháu nhỏ nhất. Mắt Bác sáng, da Bác hồng hào. Bác cùng các cháu đi thăm phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, nơi tắm rửa… Khi trở lại phòng họp, Bác ngồi giữa các cháu và hỏi các cháu chơi có vui không.
Ăn có no không? Các cháu có bị cô giáo phạt không?... Trong đó có một bạn nhỏ giơ tay nói “Thưa Bác, ai ngoan thì được ăn kẹo, ai không ngoan thì không được ăn kẹo ạ!” Thế là, các bạn nhỏ đứng thành vòng tròn rộng. Bác cầm gói kẹo chia cho từng người.
Đến lượt Tộ, em không dám nhận, chỉ khẽ thưa: “Thưa Bác, hôm nay cháu không vâng lời cô. Cháu chưa ngoan nên không được ăn kẹo của Bác”. Lúc ấy, Bác Hồ của chúng ta cười trìu mến và Bác nói: “Cháu biết nhận lỗi, thế là ngoan lắm! Cháu vẫn được phần kẹo như các bạn khác”.
Kể xong cô giáo hỏi cả lớp:
- Thế bạn Tiến của lớp chúng ta có xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ không các em?
Cả lớp đồng thanh đáp lại lời cô:
- Có ạ!
Cô giáo nở nụ cười thật tươi bước đến xoa đầu và nói lời khen ngợi.
Còn tôi, một người hàng xóm thân thiện của ông Tư, phải lấy tấm gương của ba ông cháu hàng xóm này để phấn đấu. Với ước mong, trên bước đường học tập và thành nhân của con trai tôi sẽ luôn xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Tôi tin, ước mong của tôi sẽ thành hiện thực.