Truyện ngắn: Tiến quân ca

11:08, 19/08/2023

Buổi sáng mùa thu trong mát. Ngoài đường, xe cộ qua lại như mọi khi nhưng dường như đông đúc hơn, người người xôn xao cười nói. Trong vườn vỏ hồng rám nắng. Bé Thu rất thích đi lại, vui chơi dưới tán hồng này.

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng


HOÀNG KHÁNH DUY

Buổi sáng mùa thu trong mát. Ngoài đường, xe cộ qua lại như mọi khi nhưng dường như đông đúc hơn, người người xôn xao cười nói. Trong vườn vỏ hồng rám nắng. Bé Thu rất thích đi lại, vui chơi dưới tán hồng này.

Độ chừng giữa mùa thu, khi nắng sắc lại và gió cũng lạnh hơn để sắp sửa chuyển mình sang mùa đông rét ngọt, những trái hồng chín bói trên cành, thơm bát ngát. Tôi nhớ ngày chưa lấy chồng, khi hai ba con đi du lịch, ba tôi đã đem gốc hồng này từ trên miền núi cao sương lạnh về trồng, sợ không sống, hoặc nếu sống sẽ èo uột và không ra quả. Thế mà cây hồng nhanh chóng bén rễ vào đất, xanh lá, vươn mình và một ngày mùa thu tôi đã reo lên khi thấy hồng ra trái.

Bé Thu nôn nao đợi đến ngày ông ngoại hái trái hồng chín đầu mùa, nâng niu trên tay rồi mang lên bàn thờ cúng bà. Sau đó, ông sẽ xẻ trái hồng ra thành nhiều phần đều nhau cho con cháu. Ông dặn: Sống là phải sẻ chia.

Mùa thu này, hồng ra trái, bé Thu cũng đã vào lớp một. Bài học hát đầu tiên mà bé Thu được học là “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Đêm trước tôi đã dạy bé Thu thuộc lời thứ nhất của bài hát, vì lời thứ nhất phổ biến hơn và tự thuở nào đã ăn sâu vào tâm hồn dân tộc mình. Bé Thu thuộc rất nhanh, trước khi đi ngủ, bé hát tôi nghe rành rọt từng câu chữ. Sáng nay, chủ nhật, tôi dạy con bé hát trong khu vườn xanh lá. Nắng vàng rực rỡ rọi qua tán hồng, làm sáng bừng da dẻ trái hồng sắp sửa chín trên cành cây. Bé Thu đi loanh quanh gốc hồng, vừa đi vừa hát tíu tít, tay huơ huơ một điệu múa kỳ lạ:

- Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca...

Tôi hứng khởi vỗ tay, khen bé Thu hát giỏi. Nhưng ba tôi thì tỏ vẻ không hài lòng lắm. Ông ngồi trên chỗ chiếc bàn đá đặt giữa khu vườn, dưới tán hồng, uống trà và ăn chút bánh ngọt đầu ngày. Thấy tôi dạy con bé hát, ông xua tay, chau mày:

- Không được! Dạy con bé hát như vậy là không được!

Tôi sững sờ. Tôi đã kiểm tra rất kỹ và bé Thu hát chẳng sai lấy một chữ. Vậy tại sao ba tôi vẫn không hài lòng?

Tôi chưa kịp hỏi lại thì ba tôi lên tiếng, giọng nghiêm:

- Hát “Tiến quân ca” phải hát rõ ràng từng chữ, từng câu. Hát bằng giọng điệu hùng hồn, mạnh mẽ, dứt khoát. Phải đứng trang nghiêm, tay đặt lên ngực, giơ ngang trán hoặc khép vào người... chứ không được chạy nhảy lung tung như thế! Cháu có biết không, từng câu, từng chữ của “Tiến quân ca” được đánh đổi bằng máu và nước mắt của biết bao người đấy!

Không khí trầm lặng. Cả khu vườn bất giác ngột ngạt và nghiêm nghị hẳn. Bé Thu không đùa nữa. Con bé cũng hiểu được đôi phần. Còn tôi, tôi nhận cái sai về phần mình nhiều hơn cả!

Bài “Tiến quân ca” vang lên. Giọng của ba tôi. Tôi và bé Thu đứng lặng đặt tay trái lên ngực mình, nghe rõ tiếng đập thình thịch của trái tim và xúc cảm tự hào trào dâng khó tả. Tôi và con lẩm nhẩm hát theo, chợt thấy mắt mình cay sè. Giai điệu của “Tiến quân ca” từ người thương binh bỗng trở nên hùng hồn, mạnh mẽ, như tiếng rì rầm, tráng lệ của núi sông...

***

Ba tôi từng là một người lính rất trẻ hòa vào dòng người bước đi rầm rập trên những ngả đường ra trận. Tôi rất ngưỡng mộ ba mình, ngưỡng mộ thế hệ của ba. Không hiểu sao thế hệ ấy lại anh dũng và bất khuất đến thế, họ đã sẵn sàng gác lại những gì riêng tư nhất, xếp chúng vào trong chiếc ba lô như một kỷ niệm để ra đi chiến đấu. Không ít người đã nằm lại chiến trường xưa, cũng có người trở về như ba tôi, nhưng cơ thể cũng không lành lặn. Một chân của ba tôi đã mất đi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này, thay vào đó là chiếc chân giả bằng gỗ. Chỗ khớp nối với chân thật- mặc dù đã được lót bằng tấm cao su non nhưng mỗi khi ba đi lâu lại đau vô kể, và mỗi khi trời rét thì chân ba tôi lại đau nhức âm ỉ suốt một mùa dài.

Bây giờ thì ba tôi đã ngoài chín mươi. Ba thường hay đùa: “Tuổi già nhưng sức không yếu”. Ba tôi khỏe thật. Ba thích làm vườn, nghe nhạc “đỏ” và đọc văn học cách mạng. Những quyển sách không ưng ý, ba tôi bĩu môi, vờ cao giọng: “Viết tệ quá! Không ra chiến trường, không xả thân vào chốn hiểm nguy đạn lửa khó mà viết tốt được. Chiến tranh khốc liệt hơn nhiều!”.

Tôi biết vậy. Thế hệ tôi, và sau này là bé Thu, may mắn sinh ra và lớn lên trong thời bình nên không phải chứng kiến cảnh bom rơi đạn lạc, hiểm nguy cận kề. Chiến tranh chỉ được hiện lên qua hình dung của tôi khi đọc sách sử, văn học, qua những thước phim tài liệu và đặc biệt là qua lời kể của ba tôi. Có lẽ vì người già thường hay nói chuyện “hồi xửa hồi xưa”, ba hay kể về những trận đánh, về những người đồng đội, dù ba đã quên đi ít nhiều.

Sáng mùa thu này, mùa thu tháng Tám, khi hai bên đường được treo cờ đỏ sao vàng phấp phới, trước sân nhà tôi cũng treo cờ. Bé Thu hỏi ông ngoại: “Chưa Tết mà treo cờ làm gì?”, ba tôi phì cười: “Để mừng ngày đại thắng chứ còn để làm gì nữa?”. Bé Thu chưa hiểu, ba tôi giải thích:

- Ngày này năm xưa (1945), quân và dân nước Việt Nam mình đã nổi dậy Tổng tiến công, giành lấy chính quyền từ tay thực dân, mở ra một trang mới vẻ vang và sáng rực cho đất nước...

Mắt ba tôi long lanh, dường như những tia nắng đầu ngày tinh khôi đã rọi vào khiến đôi mắt đã từng nhìn thấy đau thương và cả hạnh phúc ấy thêm phần long lanh hơn nữa. Tôi biết câu nói của ba khiến bé Thu khó hiểu, cũng như việc tại sao bé Thu không được lớn lên cùng ba và mẹ mà chỉ có mỗi mình tôi, còn ba Thu thì ở một nơi khác, cùng một người phụ nữ khác. Tôi có giải thích, nhưng khá mập mờ, vì tôi không muốn làm tâm hồn con bé phải tổn thương, trong khi Thu còn quá nhỏ. Có lẽ bé Thu cũng rối rắm như vậy!

Tôi thuyết minh lại lời ba:

- Đó là ngày nước mình chiến thắng đó, Thu!

Ba tôi gật đầu lia lịa, nhìn lá cờ bay mà lòng cũng phấp phới theo. Bé Thu đã hiểu được phần nào, rồi mai này lớn hơn con bé sẽ được học lịch sử, sẽ biết được và tự hào về một dân tộc bất khuất, một đất nước anh hùng, kiên trung, không bao giờ gục ngã trước bất kỳ cơn bão nào.

Cao hứng, ba tôi kể thêm cho tôi nghe về cái ngày đại thắng ấy. Ba hòa vào dòng người tiến về thành phố, reo hò, vui sướng, cầm lá cờ trên tay vẫy vẫy trong làn gió mát lành trong biếc của mùa thu. Không khí của ngày hôm ấy ba tôi không bao giờ quên được. Tôi biết vậy vì ba cứ nhắc kể với tôi hoài. Tôi biết rằng ba cũng muốn tôi, bé Thu và những thế hệ sau tiếp hiểu sâu về lịch sử dân tộc mình và tự hào hơn vì mình là công dân nước Việt Nam.

Giai điệu “Tiến quân ca” lại vang lên. Lần này, bé Thu của tôi không hiếu động chạy nhảy nữa. Con bé đứng lặng lẽ nhìn tôi rồi làm động tác chào cờ giống tôi và ba. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy thiêng liêng vô cùng. Trái tim tôi rung đập mạnh trong lồng ngực. Tôi không dám thở mạnh, sợ ba tôi bị âm thanh ấy đánh thức. Ba đang sống trong ngày hòa bình nhưng lòng ba tôi đang hồi tưởng về những ngày xa xưa ấy, về những ngày đất nước mình trở mình hồi sinh và phát triển, như một con sóng vẫy vùng giữa biển cả quê hương.

Rồi tôi chợt thấy chạnh lòng. Biết ba tôi còn bao nhiêu mùa thu nữa được đứng dưới màu cờ đỏ sao vàng tung bay mừng ngày đại thắng? Ba cũng như chiếc lá trên cành hồng...

***

Bé Thu của tôi đã thuộc bài “Tiến quân ca”, hát đúng giọng điệu và con bé cũng biết tự hào vì khi hát tôi thấy mắt bé Thu đỏ hoe như sắp khóc. Ba tôi vui lắm. Ông nói:

- Hát về đất nước mình, nói về lịch sử mình thì phải làm cho đúng, cho hay. Tất cả là thiêng liêng, là quý giá vô cùng.

Ông quay sang Thu và nói:

- Thu, mai này lớn lên con phải học thật giỏi lịch sử dân tộc mình, con nhé! Nếu ông ngoại không còn thì bé Thu của ông sẽ bắt gặp bóng hình của ông ở trong trang sử ấy!

Nước mắt tôi lưng tròng.

Tôi thương ba lắm! Má đã rời xa chúng tôi rồi, còn mỗi mình ba. Tôi mong sao ba sẽ sống lâu bên tôi, bên bé Thu để kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà cho dù có nghe bao nhiêu lần đi nữa tôi cũng chẳng bao giờ biết chán...

Mùa thu, nắng vàng trải nhẹ. Từ trong vườn cây xanh mướt nhìn ra bên ngoài, tôi thấy dòng người hồ hởi lướt qua nhau. Khuôn mặt của ai cũng rạng ngời và đôi mắt sáng rực tự hào, vì hôm ấy những năm xa xưa ấy, chính là ngày đại thắng của toàn dân tộc: Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công!

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh