Truyện ngắn: Bên dòng Nước Mặn

10:06, 11/06/2023

Đã vào mùa mưa. Má tôi lăng xăng ôm mớ củi chất lên giàn bếp mặc dù củi vẫn chưa khô lắm. Đám bù mắt trong củi mục bay ra tứ lung tung. Năm nay mưa vào mùa muộn hơn năm ngoái, phải đến lấp lửng tháng sáu thì những đợt mưa mới bắt đầu rơi rả rít làm dậy lên mùi đất nóng ngày hè và mùi của đám rau tần dài lá, rau quế, rau thơm má trồng trong cái bồn sau nhà được rào lại bằng nhánh tre với lưới cũ. 
 

HOÀNG KHÁNH DUY 
 
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Đã vào mùa mưa. Má tôi lăng xăng ôm mớ củi chất lên giàn bếp mặc dù củi vẫn chưa khô lắm. Đám bù mắt trong củi mục bay ra tứ lung tung. Năm nay mưa vào mùa muộn hơn năm ngoái, phải đến lấp lửng tháng sáu thì những đợt mưa mới bắt đầu rơi rả rít làm dậy lên mùi đất nóng ngày hè và mùi của đám rau tần dài lá, rau quế, rau thơm má trồng trong cái bồn sau nhà được rào lại bằng nhánh tre với lưới cũ. 
 
Tôi ngồi nhìn má, nhìn mưa. Phải mà ngày nhỏ tôi bình thản ngồi vậy mỗi khi trời mưa tới chắc đã bị đơm roi vào đít. Bây giờ, má tôi không cho tôi làm gì cả, chỉ cần ngồi yên một chỗ, ngắm mưa rơi. Ban đầu trời còn giông, gió thổi xô những sợi mưa nghiêng ngả trên cánh đồng xa xa, cái ao sau nhà, làm giập mớ rau ngò của má, sau đó thì mưa chầm chậm rơi. Nắng ửng trong mưa. Một màu nắng đẹp.
 
Má mỏi chân ngồi xuống ghế, tôi rót cho má ly trà uống cho ấm bụng, đưa tay lau mấy vết bùn lấm lem trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của má. Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó thôi mà cả tôi và má đều đổi khác. Tôi trưởng thành hơn, còn tóc má tôi thì nhiều sợi bạc hơn. Trong khoảnh khắc đó, tự dưng tôi thấy thương má mình quá, dù chẳng có phút giây nào tôi ngưng thương má. Mưa vẫn rơi tí tách mái hiên. Nếu không có giọng nói ồm ồm của chú tôi vang lên khi ghé ngang qua cửa sau trút mớ cá rô non vào rổ thì chắc tôi đã khóc sướt mướt. 
 
- Khỏe chưa con gái? Ráng lên nghen. Ở đây ai cũng thương bây hết! 
Tôi gật đầu, mỉm cười với chú. 
Chú tôi cũng bạc nửa mái đầu.
 
***
Xóm Nước Mặn những ngày trời mưa buồn hiu hắt. Đám trẻ không đùa nghịch như mọi khi mà ru rú trong nhà, hoặc chiều muộn rủ nhau ra sông tập bơi một lúc rồi cũng chạy về để lại dòng sông vắng tanh dềnh dàng nước.
 
Tôi thường hay xuống bờ sông ngồi ngắm đám bông súng ma ngoi lên từ đáy nước và trổ bông tím ngát, hồi tưởng về tuổi thơ êm đẹp của mình. Ngày đó tôi cũng từng bơi qua bơi lại trên dòng sông này, sông không quá rộng, cũng không quá hẹp, vừa đủ để chú tôi cùng mấy người hàng xóm một tay một chân bắc cây cầu khỉ bằng thân tre mỡ nối đôi bờ.
 
Thuở trước, tôi cũng từng theo má mình bơi xuồng dọc dòng sông này nhổ bông súng đem ra chợ bán. Tiền bán được chẳng bao nhiêu, nhưng má chỉ tốn công chứ không tốn vốn, bông súng là của đất, cũng đủ mua mắm muối.
 
Xóm Nước Mặn giờ đây đổi khác hơn xưa. Những người một thời rời đi tha hương nay cũng trở về dựng nhà, bám trụ nơi đất tổ quê cha. Mấy mùa lúa trúng, những căn nhà lá tềnh toàng được thay thế bằng nhà tường, hoặc chí ít cũng là nhà gỗ vách tôn, lợp tôn. Đường bê tông không rộng nhưng sạch sẽ quanh co bên bờ sông, dưới bóng tre, bóng dừa, bóng ổi. Bông súng vẫn nở tím ngát trên dòng sông mỗi độ mưa về.
 
Nhìn dòng sông đắm mình trong bóng chiều. Bầu trời xa xa nhuộm đỏ một mảng quê, trùm xuống mấy căn nhà im lìm sau cơn mưa ban nãy. Tôi thấy xóm Nước Mặn đẹp quá! Tôi chạnh lòng tiếc nhớ tuổi xưa của mình. Khoảng thời gian tôi rời khỏi nơi này không quá lâu, nhưng nó đủ để má tôi, tôi và của Gia Minh trở thành những người khác. Thay đổi nhiều nhất có lẽ là tôi và Gia Minh. Tôi hỏi má:
 
- Anh Minh vẫn ở vậy sao má?
Má nhìn sâu vào mắt tôi. Nét buồn hiện ra trên gương mặt nhiều nếp nhăn của má:
- Nó có vợ chứ con. Con lấy chồng không lâu thì nó cưới một người con gái. 
- Sao con không nghe ảnh nói.
Má tôi chưng hửng:
- Con gặp nó rồi à? 
Tôi gật đầu:
- Ở bến đò… Hôm con về…
- Vợ nó bỏ đi rồi. Nó tâm sự, vợ nó chỉ hợp với chốn thị thành. Về đây buồn chết, chịu không nổi.
Lòng tôi nặng trĩu. “Gia Minh”- tên anh bất chợt vang lên trong trái tim tôi.
 
***
Những ngày ở xóm Nước Mặn, má đưa tôi đi hết thầy này đến bác sĩ nọ. Người ta chỉ má thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây… má tôi đều lặn lội tìm kiếm. Thấy má cực, tôi thương. Tôi nói với má hay là thôi, con cái là trời cho, chắc kiếp trước con ăn ở không tốt nên đời này con phải chịu như vậy. Má vẫn nỗ lực.
 
Sợ tôi buồn, má hết trò chuyện đời nay lại kể chuyện đời xưa, xa lắc, má nhắc chuyện tôi còn thơ bé chạy nhong nhong trên đồng bắt chuồn chuồn khiến tôi khóc ròng. Má lau nước mắt cho tôi. Tôi chưa từng nghĩ có lúc tôi lại yếu đuối đến như vậy.
 
Tôi vốn là phóng viên của một tờ báo có tiếng trên thành phố. Tôi là con gái nhưng đảm nhiệm vai trò phóng viên của trang tin chính trị- xã hội nên phải lăn xả, dần dần mạnh mẽ, rắn rỏi không thua đàn ông. Bao nhiêu hoàn cảnh khốn cùng tôi cũng từng gặp qua, tôi từng sẻ chia, an ủi cho người này, người khác khi họ sắp sửa gục ngã.
 
Vậy mà đến chừng tôi gặp chuyện, tôi lại yếu lòng. Nếu không nghĩ về má, không có bờ vai vững chãi của má để tựa vào, chắc tôi đã nhảy xuống cầu Sài Gòn và kết thúc cuộc đời mình ở cái tuổi hai mươi bảy chưa già cũng không còn quá trẻ. 
 
Ngày tôi về xóm Nước Mặn, trời mưa đẫm. Dù khi ấy chưa vào mùa mưa. Một cơn mưa trái mùa lướt qua. Tôi đứng trước sân nhà, khoảng sân mà ngày xưa tôi từng chơi lò cò, nhảy dây, hát ca nhảy múa. Mình mẩy tôi ướt sũng như chuột lột. Má vội vã bước ra, chắc má tưởng khách lỡ đường tìm chủ nhà hỏi cho trú nhờ đến khi mưa dứt. Nhưng đây không phải vị khách lỡ đường mà là con gái mà má yêu thương hết lòng. Má chạy ra đỡ tôi. Tay chân tôi lạnh ngắt. Ôm tôi, má khóc: 
 
- Hà ơi, má biết chuyện rồi. Vào nhà đi con. Về với má. Má nuôi.
 
Tôi gục trên bờ vai của má. Mặc dù lúc ấy tôi lịm dần đi, lạnh bên ngoài mà nóng sốt ở bên trong, trên trán, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự yên bình từ bờ vai gầy của má tôi.
Má chăm sóc tôi, nấu cho tôi ăn những món mà tôi yêu thích, kể cho tôi nghe biết bao câu chuyện để tôi quên đi nỗi buồn trong lòng.
 
Nhưng dẫu sao thì tôi vẫn chưa nguôi ngoai được. Tôi vẫn thường hay khóc mỗi khi đêm về. Sợ má nghe, tôi kéo mền trùm lại. Tiếng tôi nén chặt trong lồng ngực. Ngoài xa là tiếng ếch nhái râm ran, tiếng con sông Nước Mặn chảy rào rạt dưới trăng vàng.
 
Rồi tiếng của bác sĩ và tiếng của anh vọng về bên tai tôi, cả tiếng đay nghiến của người không sinh tôi ra nhưng tôi vẫn gọi là “mẹ” và hết lòng chăm lo, kính trọng: “Không sinh đẻ được thì ly hôn, cưới người khác. Không thể để nhà này tuyệt tự tuyệt tôn”.
 
Kết luận của bác sĩ chỉ khiến tôi đau một, còn lời của người đàn bà hà khắc và sự nhu nhược của anh khiến tôi đau đến mười. Tim tôi tan vỡ.
 
Không đợi anh, tôi chuẩn bị tờ đơn ly hôn và chủ động đặt bút, ký. Đêm tôi kéo vali rời khỏi nhà anh, bầu trời đen kịn, có vệt sấm sét xẹt ngang chia bầu trời làm đôi, như những đứt gãy trong tôi. Tôi gọi taxi ra bến xe. Lúc đợi xe chạy, tôi nhìn qua cửa kính thành phố khuya vẫn đông người.
 
Thành phố với những ngọn đèn sáng rực như sao rơi từng bao dung nuôi dưỡng cuộc đời tôi, và rồi chứng kiến những năm tháng tôi cô đơn và đau thương tột cùng, và rồi ngậm ngùi tiễn đưa tôi về miền quê dấu yêu, khép lại một hành trình và mở ra một hành trình mới không biết sẽ ra sao.
 
Đến khi trưởng thành, trải qua bao nhiêu vui buồn, hạnh phúc lẫn đau khổ, tôi mới hiểu rằng có những điều ập đến và những quyết định bất ngờ mà mình không thể lường trước được. Như việc tôi sẽ rời thành phố.
 
Như chuyện tình của tôi và anh. Như tôi sẽ không thể thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng của một người mẹ mà bất cứ phụ nữ nào cũng ao ước. Như quyết định nghỉ việc với lý do “về báo nhà, ăn bám má”, khiến sếp và đồng nghiệp của tôi bàng hoàng.
 
***
 
Những cơn mưa cứ nối tiếp nhau. Mưa sáng. Mưa chiều. Mưa đêm. Hôm sau trời lại tuôn mưa. 
Tôi ngồi ngoài hàng ba chải tóc. Trời lâm râm. Có bóng người thấp thoáng dưới bến sông. Tôi đứng trên hàng ba lóng ngóng. Gia Minh.
- Anh làm gì dưới bến sông nhà em vậy? - Tôi hỏi vống.
Gia Minh cười ngượng nghịu:
- Có mấy con tôm tít mập ú ù. Anh ghé biếu bác Hai ăn lấy thảo.
Tôi bước xuống, vừa cười vừa nói:
- Cho má em ăn chứ không cho em hả?
Gia Minh gãi đầu:
- Cho bác Hai với em ăn, nhiều lắm!
 
Tôi nhìn Gia Minh. Anh tốt bụng từ thuở mới về xóm Nước Mặn, lại lam lũ, cần cù. Tiếc là chuyện hôn nhân của Gia Minh không được suôn sẻ. Tôi thấy thương anh quá! Mà lạ, chính tôi cũng có được trọn vẹn đâu mà thừa tình thương để dành cho một người khác. Chắc vì tôi ái ngại chuyện năm xưa. Tôi mãi chạy theo nhịp sống hiện đại và nhộn nhịp, hào nhoáng và xa hoa chốn thị thành mà quên đi một người vẫn thường đợi mình đi học về chỉ để trao tay túm trái cây, mớ cá, lọn rau như món quà thời niên thiếu.
 
Tôi lặng người đi. Tôi không đùa nữa, gật đầu thay lời cảm ơn anh rồi bước trở lên nhà. Tôi biết Gia Minh nhìn tôi.
 
Má tôi biết Gia Minh còn thương tôi nhiều lắm! Một đêm, khi cơn giông vừa ngớt, có tiếng chim bìm bịp thắt thẻo kêu ngoài đám sậy bên bờ sông xa. Má tôi vừa vuốt mái tóc dài của tôi- mái tóc tôi chừa dài từ khi còn là cô nữ sinh trường huyện, vừa hỏi:
 
- Hà! Má hỏi thiệt, con còn thương thằng Minh không?
Tôi giật mình vì câu hỏi của má, rồi tôi bối rối:
- Má hỏi kỳ quá! Con với Minh giờ có còn như xưa đâu. Gia Minh có vợ, còn con…
Má cắt ngang, chắc sợ lại vô tình chạm nỗi đau của tôi:
 
- Má biết, Gia Minh nó còn thương con lắm! Nó nói với má, phải chi hồi đó con ưng nó, thì cả nó và con đâu có lận đận như bây giờ. Má cũng tiếc.
Tôi buồn lòng. Hai tiếng “Gia Minh” một lần nữa vang lên trong tim tôi. 
 
- Tiếc thì cũng có đổi thay được gì đâu má. Con cũng chẳng thể đem lại hạnh phúc cho Gia Minh được nữa. Thôi, cái số nó đã vậy, đành chịu.
Má ngoảnh mặt đi. Má sợ tôi thấy má khóc.
Đêm sâu hơn. Xóm Nước Mặn chìm trong bóng đêm tịch mịch.
***
Cuối mùa sa mưa, tôi lên thành phố thực hiện mọi thủ tục ly hôn tại tòa án. Tôi và anh đã trở thành những con người tự do, không vướng bận vào nhau.
 
Tôi đứng trước cổng tòa án và hít một hơi thật sâu, thấy tim mình nhẹ hẫng. Tôi sẽ không lang bạt ở thành phố đông người nữa, sẽ về ở hẳn với má tôi, để được chăm sóc má, để sống trong mái nhà xưa, hàng ngày nghe tiếng dòng sông Nước Mặn rào rạt chảy. Còn chuyện con cái là do duyên trời!
 
Tôi lại rời thành phố, nơi đã giúp tôi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm, cả vui lẫn buồn. Má đang đợi tôi ở nhà, bằng những bữa cơm đượm tình quê hương xứ sở.
Lên đò, tôi gặp Gia Minh ở đầu xóm Nước Mặn. Tôi cố làm như không thấy, nhưng anh đã gọi tôi:
 
- Hà! Hà ơi!
Tôi nhìn anh:
- Xuống vỏ lãi anh đưa cho về, đi bộ mỏi chân.
Vẫn cái giọng nói chân chất, hiền lương thuở nào khiến lòng tôi ấm lại. Tự dưng tôi thấy mình được sống giữa những người thân yêu, dưới bóng quê hương mình, là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Nhưng tôi ngại.
 
- Thôi, anh Minh về đi, em tự đi được.
- Có gì đâu! Hà cứ khách sáo. Anh đưa em về, như hồi đó vậy! Nhắc lại hồi đó vui quá, Hà ha.
 
Tôi gật đầu. Chiếc xuồng tròng trành. 
Con sông Nước Mặn êm đềm chảy. Trong cơn mưa lất phất, tôi thoáng thấy ửng lên những vạt nắng vàng rạng rỡ, lung linh.
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh