Mưa đã tạnh, nắng vàng ngập lối.
Tuyền bước ra khỏi sân trường mà lòng bối rối. Một chút ngậm ngùi, luyến lưu. Mười năm gắn bó không phải là quãng thời gian dài, cũng chẳng ngắn, nó đủ để những dãy lớp học, đồng nghiệp, học trò hóa thành kỷ niệm đẹp, thành một phần tâm hồn của Tuyền.
HOÀNG KHÁNH DUY
Ảnh minh họa: NGUYỄN BÁCH THẢO |
Mưa đã tạnh, nắng vàng ngập lối.
Tuyền bước ra khỏi sân trường mà lòng bối rối. Một chút ngậm ngùi, luyến lưu. Mười năm gắn bó không phải là quãng thời gian dài, cũng chẳng ngắn, nó đủ để những dãy lớp học, đồng nghiệp, học trò hóa thành kỷ niệm đẹp, thành một phần tâm hồn của Tuyền.
*
Tuyền quyết định thôi việc.
Cái tin ấy, mặc dù Tuyền đã giấu nhẹm, nhưng không hiểu sao chẳng mấy chốc nó đã lan ra khắp trường. Học sinh giọt dài giọt vắn, bởi Tuyền là cô giáo nhân hậu, yêu thương học trò như những đứa con thơ. Đồng nghiệp nuối tiếc vì Tuyền vừa dễ mến lại có trách nhiệm cao trong công việc. Mọi người khuyên Tuyền ở lại một thời gian nữa rồi hẳn đi, Tuyền muốn lắm, nhưng chị đành lắc đầu:
- Mình đã nghĩ kỹ rồi! Mình không hết nhiệt huyết với nghề, nhưng mình cần một điểm dừng. Có nhiều điều khiến mình nhận ra bản thân không thể trùng khít với môi trường ấy được nữa.
Đồng nghiệp, nhiều người hiểu, nhiều người không. Có người bảo chắc Tuyền tìm được công việc mới thích hợp và lương cao hơn công việc giảng dạy, thế nên Tuyền nghỉ việc.
Tuyền không giải thích. Xưa nay Tuyền vốn không ưng giải thích những thông tin xung quanh mình. Chị vẫn tin rằng quyết định của mình trong thời điểm ấy là đúng đắn, sau này, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra Tuyền cũng không ân hận xót xa.
Công việc ở trường Tuyền đã bàn giao cho người mới- một giáo viên trẻ, năng động, hơn hết là đang cần một công việc để mưu sinh nên đã gạt bỏ những điều không hài lòng để gắn bó với Trường Hòa Bình. Công việc không quá nhiều, bởi Hòa Bình là ngôi trường tư thục. Là tổ trưởng nhưng Tuyền cũng không phải duyệt giáo án cho bất kỳ ai. Một quy luật “ngầm” ở trường là đi dạy không cần giáo án, chỉ cần đủ kiến thức là được đứng lớp.
Xong xuôi mọi thứ, Tuyền thở phào, như thể chị vừa trút được một gánh nặng. Tự dưng trong khoảnh khắc chùng chình chuẩn bị bước ra khỏi trường, trong tim Tuyền bỗng vang lên tiếng đọc bài đồng thanh của học trò lớp sáu, lớp bảy, tiếng học trò mười hai bàn luận về bi kịch của người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”… Tất cả níu kéo Tuyền, khiến Tuyền nửa muốn ở, nửa lại muốn đi…
*
- Nghỉ dạy rồi em định làm gì?- Vinh, một người đồng nghiệp của Tuyền chân thành hỏi.
- Em về quê, đói thì… mẹ nuôi!- Tuyền cười. Còn Vinh thì trố mắt trước câu trả lời của Tuyền.
- Thật sao? Kiến thức bao nhiêu năm học đại học, kỹ năng giảng dạy, tâm huyết với nghề… em buông bỏ cả sao. Tiếc lắm!
Tuyền nhìn Vinh, mắt Tuyền lấp lánh những giọt buồn. Tiếc, dĩ nhiên là Tuyền tiếc. Đi dạy, trở thành cô giáo vốn là ước mơ cháy bỏng trong Tuyền từ khi chị còn bé xíu. Lúc đó chị hay gọi mấy đứa trẻ con trong xóm lại, giả làm cô giáo và dạy mấy bài thơ, mấy chữ i tờ dưới gốc cây me mát rượi bên hè nhà. Lớn lên, Tuyền quyết định thi vào Sư phạm, theo nghiệp giáo viên “gõ đầu trẻ”, thực hiện đúng đam mê của mình.
Ra trường, cũng trầy trật lắm Tuyền mới xin được việc ở một trường tư thục. Lúc ấy, xin việc vào trường công lập rất khó. Tuyền đành phải dạy ở trường tư với mong muốn có kinh nghiệm, hiểu tâm lý học trò, đợi cơ hội thuận lợi sẽ xin vào trường công lập giảng dạy.
Đời giáo viên trường tư mấy ai sung sướng. Tuyền bận bịu vô cùng, từ chuyện chuẩn bị bài vở, đảm bảo kiến thức chuyên môn đến chuyện họp hành, lên kế hoạch… Tuyền trở thành tổ trưởng sau bao nhiêu năm nỗ lực. Những tưởng chức tổ trưởng sẽ đem lại cho Tuyền nhiều thứ, nhưng không, Tuyền cứ chìm trong biển công việc từ sáng đến tối mịt, mà lương bổng thì chẳng được bao nhiêu. Mùa dịch vừa qua, Tuyền phải nhờ sự trợ giúp của gia đình ở quê mới có thể trụ được trên thành phố.
- Thì em tiếc chứ. Đó là ước mơ của em mà. Nhưng dạy ở đây không đủ sống. Quan điểm của Hiệu trưởng với em bất đồng, em không thể tiếp tục được nữa.
Vinh thở dài. Chính anh cũng ngán ngẩm trước ông Hiệu trưởng trường tư bảo thủ.
Dạy ở Trường Hòa Bình, giáo viên được trả tiền theo tiết dạy, riêng giáo viên cơ hữu như Tuyền và Vinh có thêm “lương cơ bản”, cũng chẳng được bao nhiêu. Sau đợt dịch, Trường Hòa Bình trở nên sa sút, Hiệu trưởng đưa ra kế hoạch khiến ai nấy cũng bàng hoàng. Thay vì mỗi giáo viên sẽ dạy một lớp, mỗi khối 3 lớp, tính riêng môn Văn, mỗi lớp 4 tiết một tuần, trường phải trả tiền 12 tiết; thì giờ đây, Hiệu trưởng giao cho mỗi giáo viên dạy luôn một khối (3 lớp) theo hình thức ngồi ở một lớp, mở laptop dạy online cho hai lớp còn lại. Vậy thì trường chỉ cần trả thù lao 4 tiết cho cả 3 lớp.
- Dạy như vậy em thấy không ổn. Cực lắm chúng mình mới dạy online! Khi tình hình dịch bệnh đã tạm ổn, thầy Hiệu trưởng vẫn bắt dạy online để… tiết kiệm chi phí, tội học sinh lắm, anh ạ!
- Anh cũng nghĩ vậy. Dạy online kiến thức học trò thiếu hụt dữ dội. Mình cũng không thể “cầm tay chỉ việc”, chăm chút cho từng trò, dù mình rất muốn và đầy nhiệt huyết.
- Thế đấy! Em quyết định thôi dạy. Dạy mà không mang lại giá trị tốt đẹp cho học trò, em buồn lắm! Lương tâm em không cho phép mình hời hợt đâu anh.
Cả hai im lặng. Ly cà phê chưa kịp uống đã tan ra, lạt nhách. Khi Vinh và Tuyền gặp nhau có bao câu chuyện về lớp, về trường nói mãi không hết. Vinh thông cảm và càng thương Tuyền hơn.
*
Biết tin Tuyền nghỉ việc, thầy Hiệu trưởng gọi Tuyền đến, nói nặng lời:
- Em làm tôi thất vọng quá! Trường đã cưu mang em bao nhiêu năm, yêu thương em và cho em một công việc, vậy mà! Làm vậy chẳng khác nào “ăn cháo đá bát”.
Tuyền thấy cay cay ở sống mũi. Cớ gì Tuyền lại bị những lời cay nghiệt của thầy Hiệu trưởng? Mọi việc đâu nằm trong tầm kiểm soát của Tuyền. Nếu đã không hợp với quan điểm của trường, thì dù Tuyền có nỗ lực đến đâu cũng không thể nào đáp ứng được yêu cầu mà Trường Hòa Bình đề ra.
Tuyền ngồi đó, im lặng, như một kẻ tội đồ. Dù mọi việc Tuyền làm là hoàn toàn đúng. Bao nhiêu năm dạy ở Trường Hòa Bình, Tuyền chưa một lần vi phạm nội quy giáo viên, chưa một lần làm phật lòng thầy Hiệu trưởng. Tuyền không đáng nhận lại câu “ăn cháo đá bát” từ thầy.
Ra khỏi phòng Hiệu trưởng, Tuyền khóc nấc. Học sinh thấy cô Tuyền rơi nước mắt, không hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô, chỉ biết quây quanh ôm lấy cô. Cảm giác bên học trò luôn là cảm giác ấm áp, hạnh phúc nhất đối với Tuyền ở giai đoạn chị còn là người phụ nữ độc thân.
Mẹ gọi Tuyền, hỏi Tuyền có ổn không, có cần mẹ lên thành phố chăm sóc hay không.
- Nếu nghỉ việc thì về quê, mẹ nuôi. Mẹ nuôi mày từ khi còn đỏ hỏn tới nên vóc nên hình được, chẳng lẽ bây giờ lại không?
Tuyền cười. Mẹ luôn là nguồn động viên, an ủi lớn nhất đối với chị.
- Để con tính toán lại đã. Nếu xin được vào môi trường mới con sẽ dạy tiếp, còn không thì… về quê, “báo” mẹ.
Mẹ cười ra rả qua điện thoại:
- Cha mày! Về quê lấy chồng chứ “báo” mẹ làm gì! Không khéo lại ế, rồi than!
Hai mẹ con cười vang. Mọi muộn phiền trong Tuyền bỗng chốc biến tan. Khoảnh khắc đó, Tuyền thấy mình may mắn. Bởi chị còn có gia đình, có một người mẹ tâm lý, có một miền quê để mệt mỏi chị lại tìm về…
*
Rời khỏi Trường Hòa Bình, Tuyền thấy xót xa, ngậm ngùi, luyến lưu, xao xuyến… đủ mọi cung bậc. Nhưng cũng giây phút ấy, Tuyền thấy lòng mình an nhiên vô cùng.
Vinh đưa Tuyền ra bến xe. Về với mẹ. Về với quê hương. Về với những yêu thương vĩnh cửu…
- Tuyền, em đã có quyết định gì mới chưa?- Vinh cầm tay Tuyền, trước lúc Tuyền bước lên xe.
- Em sẽ xin vào một trường gần nhà để dạy. Trường cấp hai, tuy nhỏ nhưng em được sống gần mẹ, được bù đắp những yêu thương sau bao nhiêu năm em tha hương…
- Vậy cũng tốt rồi! Chúng mình sẽ còn gặp lại nhau chứ?
- Nhất định rồi, anh!
Buông tay Vinh, Tuyền bước lên xe. Xe dần lăn bánh. Thành phố nằm lại sau lưng. Tuyền nhìn qua cửa kính, cảm giác giống như lần đầu mình lên thành phố học đại học. Nhưng lần này là về với mẹ, kết thúc một hành trình để mở ra một hành trình mới, dung dị hơn nhưng chắc là sẽ ấm áp hơn.
Tuyền tựa đầu vào cửa kính. Chị thiếp đi lúc nào không hay.
Đến khi mở mắt ra, chị thấy quê nhà bao dung đón đợi mình. Và dáng mẹ hiền từ đứng tần ngần ở bến xe, đón một đứa con xa trở về trong vòng tay yêu thương ấm áp.
Nước mắt Tuyền chực trào.
Quê nhà đây rồi. Bình yên đây rồi. “Quê hương ơi, xin hãy dang tay đón lấy tôi”- Tuyền trộm nghĩ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin