Lão nhớ phải đi qua một bãi dài phơi lụa, qua một hàng chuối dày đặc xen giữa vườn cây tạp, mới đến khoảng đất trống mênh mông. Mỗi khi chiều xuống, những bến nước lại xôn xao tắm, giặt, nói cười. Giờ thì đất đã sạt lở bứng trụi cả hàng cây, xa xa ngoài sông lại nổi lên cồn cát nhỏ. Nước cũng đã bao nhiêu lần đổi dòng, như sự dần xoay của con tạo. Một cảm giác bồi hồi, lâng lâng dễ chịu dậy lên trong lòng, mỗi lần lão đứng bên bến lụa ngày xưa.
Ảnh: Vinh Hiển |
Hồi xưa.
Từ nhà ra tới bến sông, nó xa biệt mù san dã.
Lão nhớ phải đi qua một bãi dài phơi lụa, qua một hàng chuối dày đặc xen giữa vườn cây tạp, mới đến khoảng đất trống mênh mông. Mỗi khi chiều xuống, những bến nước lại xôn xao tắm, giặt, nói cười. Giờ thì đất đã sạt lở bứng trụi cả hàng cây, xa xa ngoài sông lại nổi lên cồn cát nhỏ. Nước cũng đã bao nhiêu lần đổi dòng, như sự dần xoay của con tạo. Một cảm giác bồi hồi, lâng lâng dễ chịu dậy lên trong lòng, mỗi lần lão đứng bên bến lụa ngày xưa.
Dù cho bao vật đổi sao dời; son sắt, thủy chung tình lụa, tình người miên man một dòng chảy. Bất chợt, lão cất giọng vang vang trên mặt sông đầy:
“Sông dài, bến vắng đìu hiu
Vẳng xa tiếng vọng đò chiều đợi ai
Thịnh suy, còn mất dông dài
Chích chòe mỏi miệng thài lai chuyện đời”
…
Chiều dần xuống, mặt sông cái trở nên mang mang, nắng quái cuối ngày rựng đỏ chói chang trong phút chốc, rồi vội vàng tắt lịm sau vệt xanh mờ xa phía dãy Thiên San. Chợt vọng về từ miền sâu thẳm, tiếng hù hụ thân quen của những con đò dọc, tiếng kèn toe… toe… báo hiệu cho khách đợi tàu trên các bến sông…
***
Toe… toe… toe… e… e… e
Tiếng kèn đò Hòa Hiệp báo hiệu từ xa, hòa lẫn tiếng máy nổ rền rền, hù hụ quen thuộc, khuấy động màn đêm. Những cây lãnh mới ra lò đã chất sẵn trên bờ, tàu cập bến mấy gã trai nhanh nhảu phụ bạn hàng vác lãnh xuống, cùng mấy người khách đợi chuyến đò dọc xuôi dòng về chợ tỉnh. Mọi việc diễn ra chóng vánh, tiếng đò xa dần, bến lụa lại trở về im ắng, tịch mịch.
Trước khi gà gáy rộ, những người thợ lục tục thức giấc. Bắt đầu công việc nện lụa, tiếng chày dập vào những tấm lụa thô bùm bụp, vang lên khắp nơi. Công việc cứ diễn ra đều đặn như thế ngày này qua tháng nọ suốt mùa khô nắng tốt. Những tấm lụa tơ tằm được ngâm vào nước mặc nưa đen xì, đen xịt, vắt xả hàng trăm lần, rồi nện cho mặc nưa thấm đều vào tận bên trong từng sợi tơ tằm mỏng tang. Để cho tới nước mặc nưa, ánh lên trong nắng sắc đen tuyền bóng láng, thì cũng phải hơn tháng trời. Lúc này, từ những bãi lụa gió sông thổi vào phả lên khắp làng mùi thơm nồng nàn của lãnh mới. Người già nằm trên võng, nghe hương bay trong gió mà đoán được lãnh đã tới nước mặc nưa.
Phẩm chất của những tấm lãnh nói lên cái tính thiệt thà, chánh đạo của người làng lụa. Nếu nhuộm gian dối, thì lãnh mặc thời gian sẽ bị trổ, phai màu; còn luyện tới nước thì cứ càng lâu lại càng lên nước tốt. Ngàn năm trước, thế giới này đã tìm đến với nhau cũng vì tơ lụa. Vượt đại dương, vượt sa mạc, vượt qua nỗi sợ hãi kể cả cái chết, để có được hình hài những tấm lụa quý báu nhất trên đời.
Nhưng, hiếm thứ lụa nào trên thế gian có được cái phẩm chất tuyệt vời, cao ngạo của lụa xứ này. Công việc nhuộm lụa cho lên nước kết tinh thành từng xấp lãnh đen tuyền, dày dặn mà vuốt lên bề mặt nghe mịn màng, mát lạnh bàn tay. Nó không chỉ là công thức, một tuyệt kỹ của làng nghề, mà cần có một thứ gì đó bất khả tư nghì.
Công việc của xứ lụa làm cho trai làng trở nên xù xì, đen đúa vì mặc nưa nó ăn thâm căn cố đế vào từng kẽ tay, da thịt. Để rồi như có bao nhiêu nét đẹp dịu dàng, đều dành cho con gái ở cái xứ chỉ ngồi mát quay tơ. Cứ ngồi đó mà nhẹ nhàng đưa đẩy những vòng quay. Những đôi tay thoăn thoắt xe dệt những đường tơ, cho dáng ai ngồi họa nên hình dáng lụa. Vậy mới có lời đồn rằng khi con gái làng này khoác lên dốc hình nuột nà những tấm lãnh đen tuyền láng mượt, thì khắp xứ Lục tỉnh Nam Kỳ đổ xô về đây tranh nhau mà mua lụa.
***
Cứ thế mà trai gái làng lụa kết đôi nhau làm thành những tổ kén mới, lại sinh sôi nảy nở và truyền đời cái nghề dệt lụa, nhuộm lãnh loanh quanh dọc theo những bãi sông đầu nguồn. Nhà Điền cũng làm lụa như hàng trăm nóc nhà khác trong cái làng này. Nhưng thời ông nội thì mọi việc đều giao hết bà nội quán xuyến trong ngoài; ông chỉ quanh năm đọc sách, thường nhật xem mạch, bốc thuốc làm phước cho bà con khắp xứ. Lâu lâu, ông quảy giỏ chu du, có khi cả tháng mới về. Còn những lúc có bạn tâm giao ngồi bàn lớn ở gian giữa nhà trên, là Điền luôn lẩn quẩn bên cạnh để ông sai vặt, hầu trà.
Xế trưa, đò Hòa Hiệp về cập bến, có người ở chợ tỉnh gởi biếu ông nội mấy hộp trà Tàu. Ông nội gọi: “Điền ơi, sớm mai đi núi với ông nghe con”. Điền nhanh nhảu: “Dạ, lên ông Tư trên núi hả nội?”. Nội gật đầu, giải thích: “Gởi biếu ông Tư ít trà. Nhơn tiện, thưởng trà cùng ông Tư. Cái giếng nước trên đó, mới đúng là dành pha những ấm trà ngon”.
Trong cả cái làng này toàn nói chuyện lụa, chỉ riêng ông nội lại như một thế giới khác tách hẳn ra. Nội có niềm đam mê và gìn giữ kho sách thuốc truyền đời, chép tay bằng chữ Hán. Lâu lâu nội lại chép thêm vào một vài phương dược mới. Nhưng thứ ông tôn quý nhất là hộp gỗ phủ vải điều an vị trên bàn thờ. Mỗi lần vào đợt phơi sắc, tiết xuân rằm tháng Giêng, nội giảng giải cho Điền nghe nhiều điều. Lịch sử cụ Tổ chi họ vào phương Nam, được 2 đời vua Tự Đức, Thành Thái 3 lần chiếu sắc phong Thần. Nhưng dân làng bên miệt Thiên San đã dựng đình, xin thỉnh 1 sắc, nên chỉ còn 2 lá sắc trong hộp. Mùng 10 tháng 5 âm lịch hàng năm, đúng lệ cúng đình là học trò lễ khiêng kiệu, lên nhà cung thỉnh cái hộp gỗ phủ vải điều về đình, thường đến 3 ngày sau mới hồi sắc.
Điền đã lớn lên giữa hai cảnh giới khác biệt nhau vậy đó. Cho đến khi lòng biết thương nhớ, biết ngóng trông, lóng ngóng đợi chờ, thì Điền có thêm một thế giới khác, thế giới riêng chỉ có hai người. Đêm đêm trốn xuống bãi sông hò hẹn.
***
Khi trời chạng vạng mà không có công có chuyện gì, Diệu cũng khó mà ra khỏi nhà lâu. Chỉ có nước Điền nhờ chị Hai. Vậy là tối tối chị Hai bưng đèn qua nhà Diệu xin phép cho nàng qua nhà chơi, vừa phụ quay tơ, rồi lại bưng đèn đưa nàng về. Vậy nên mỗi lần hai đứa gặp nhau dưới bến lụa, chị Hai thành kẻ đồng lõa, canh gác bất đắc dĩ.
Nhưng rồi chuyện thậm thụt gian dối người lớn, không qua mặt được má. Bắt Điền nằm dài trên ván ngựa, má giảng cho một bài đã đời rồi kết thúc bằng trận đòn thẳng tay. Má gằn giọng: “Con có muốn vợ, thì nói. Ba má qua nhà hỏi cưới đàng hoàng. Tụi bây bày trò gái trai rậm rật, lỡ con gái người ta có bầu rồi sao, hả?”. Nằm đọc sách trên võng, nội chỉ nói với má một câu: “Hai đứa nó có tướng phu thê đó con”. Má chỉ “dạ” mà không dám nói gì thêm.
Chuyện tình của đôi trai gái quê mới lớn, giỏi lắm chỉ dám nắm tay, hôn nhau đôi lần là đủ nhớ đời. Rồi thời gian dần trôi, bao đêm tìm nhau bên bến lụa, dưới bầu trời mờ tỏ trăng non, họ nhất quyết hẹn thề bền lòng chặt dạ chuyện ăn đời ở kiếp.
***
Đến thời khó khăn ruộng dâu dần thu hẹp, Điền cùng ba bắt đầu những chuyến đi xa mở rộng nguồn tơ tằm cho làng lụa. Những chuyến đi ngày càng xa hơn, có khi kẹt lại nằm chờ tháng ngày thăm thẳm. Cho đến một năm đó, bao nhiêu chuyện đời dâu bể cùng dồn dập xảy ra. Bôn ba kiếm tiền, cũng chẳng thể bù đắp mất mát của cuộc đời.
Nội mất đột ngột vào tiết đầu thu, lúc đó Điền với ba còn ở tận phương xa. Hối hận lớn nhất là Điền không gặp mặt nội lần cuối. Lại thêm trước đó vài tháng thì nhà Diệu xảy ra chuyện. Có gia đình buôn bán lớn trên huyện, về nhà Diệu bàn chuyện hỏi cưới. Mọi việc được thu xếp chóng vánh, Diệu qua nhà khóc hết nước mắt với chị Hai, mà lòng chị cũng rối như canh hẹ. Lần cuối, Diệu qua chào cả nhà, thưa ông nội mà đi. Lòng người biệt ly, quyến luyến.
Đến ngày lành, Diệu trở thành cô dâu trong đám rước, theo chồng về xứ chợ. Rồi nghe nói, sáng hôm sau đàng trai rần rần kéo xuống làm ầm ĩ, bắt cha mẹ nàng bồi đền gấp đôi tiền cưới, còn đòi phải trả cho xong nợ nần gì đó. Nàng dâu đã bỏ lại vàng vòng trốn đi biệt tăm ngay trước đêm động phòng. Ít lâu sau, gia đình nàng cũng bán hết ruộng dâu, nhà cửa để chồng tiền cho người ta, rồi gói ghém lặng lẽ xuống ghe bỏ đi biệt xứ. Diệu cũng không biết trôi dạt phương nào. Điền cất công tìm kiếm trong vô vọng, không chút manh mối.
Ba năm sau mãn tang nội, chị Hai lấy chồng về dưới xóm đình. Má quay sang hối Điền mau mau cưới vợ. Suốt ngày, má nhằn nhức xương, hối thúc đi coi mắt chỗ này, chỗ nọ. Điền ậm ờ, rồi cứ lần khân, hẹn lần, hẹn lựa.
Mãi lâu sau, chị Hai mới sực nhớ mà nhắc Điền có tờ giấy nội dặn cất trong chồng sách thuốc. Đọc chẳng hiểu gì hết, nên chị cũng quên lửng. Lời rằng: “Quẻ Độn, tức Kiền trên mà Cấn dưới- tức là lui. Ôi lâu thì phải đi, đó là cái lẽ “chờ nhau”. Đó là quẻ dưới trời có núi. Dưới lấn lên mà trên bỏ đi, ấy là xa nhau, cho nên nghĩa là lánh đi. Kẻ tiểu nhơn thịnh dần, đấng quân tử phải lui mà tránh nó, cho nên là trốn”.
Điền ngộ ra dụ ngôn của nội, tức tốc tìm đường lên lối cũ Thiên San.
***
Con đường lên núi giờ đã nhiều thay đổi. Điền tản bộ như hồi nhỏ leo dốc cùng ông nội. Còn nhớ thảo am của ông Tư nằm chừng khoảng giữa đường. Đã có vài hàng quán mọc lên, không còn vẻ thanh tịnh thuở trước. Hồi đi thì hăm hở, mà gần đến nơi thì thấy bất an: “Kiểu này cái thảo am của ông Tư biết có còn không?”.
Cái thảo am vẫn còn đó như xưa, từ xa đã thấy ông Tư điềm nhiên ngồi dưới khóm trúc, râu tóc bạc phơ. Lớn hơn nội con giáp, ông Tư cũng gần trăm tuổi rồi. Từ ngoài cổng rào, Điền đã lên tiếng chào: “Thưa ông Tư”. Ông Tư chậm rãi ngước nhìn, cất tiếng: “Có phải Điền cháu thầy Năm xóm lụa không con?”. “Dạ, thưa ông Tư con mới lên”. Ông Tư bật cười sảng khoái: “Thầy Năm quả đoán việc như thần”.
Thấy Điền cứ đứng bối rối, vẻ mặt ngơ ngác, ông Tư bảo: “Ngồi xuống bình tĩnh, uống ly trà nóng cho tâm nguội lại đi con”. Tim đập liên hồi, đầu óc Điền lung bung chìm sâu trong mớ hỗn độn, mông lung. Ông Tư chậm rãi kể lại đầu đuôi câu chuyện, thì ra nội có biên một lá thư cho Diệu tìm đường lên núi gặp ông Tư xin nương nhờ lánh nạn. Ẩn nhẫn, chờ qua cơn hạn vận.
-“Dạ, vậy đúng là Diệu ở đây. Ủa, mà sao không thấy Diệu đâu vậy, ông Tư?”- Điền dồn dập.
-“Hôm qua chim khách báo hỷ đầu cành, sáng nay ông sai Diệu nó xuống núi mua ít đồ tươi, cho mâm cơm tươm tất. Bao nhiêu năm trúc trắc còn đợi đặng, chờ thêm mấy khắc đi con”- ông Tư nhấp ngụm trà, lẩm bẩm một mình: “Trà ngon, nhớ người đối ẩm. Thời gian, còn mất thật vô thường”.
Lòng như lửa đốt, cứ sốt ruột vào ra, rồi Điền thả bộ ra cổng rào, mắt đăm đắm dõi về hướng con đường quanh co xuống núi. Sau lưng văng vẳng giọng ngân nga: “Đông tàn rồi tiếp xuân sang. Hề… thướng sơn ngoạn cảnh. Quá tam niên, qua cơn bĩ cực. Ngộ kỳ thời, hề… cho cố nhân tầm lại tri âm”…
***
Trải bao nhiêu năm, câu chuyện của lão đã già cỗi thời gian, mà tình lụa miên man vẫn chảy hoài không dứt.
Làng lụa giờ đã xa, đã qua rồi một thời rộn ràng, tấp nập. Những bến nước giờ cũng trở thành quạnh vắng đìu hiu.
Âu, đó cũng là sự tuần hoàn theo cái lẽ thịnh suy của trời đất vậy! l
Vĩnh Long, 6/11/2021
HÀ NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin