Hồi trẻ chắc mẹ đẹp lắm. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy mà nhìn mẹ như người mới chớm vào hưu. Mỗi lần gặp mẹ, tôi ngắm và cố hình dung người thiếu nữ tuổi đôi mươi cách đây 60 năm như thế nào. Cũng như vậy, khi đến nhà mẹ, tôi hay đứng nhìn thật lâu bức ảnh chụp người thiếu phụ tuổi mới quá 40 quý phái, ngời ngời sức sống của gần 40 năm về trước.
Hồi trẻ chắc mẹ đẹp lắm. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy mà nhìn mẹ như người mới chớm vào hưu. Mỗi lần gặp mẹ, tôi ngắm và cố hình dung người thiếu nữ tuổi đôi mươi cách đây 60 năm như thế nào. Cũng như vậy, khi đến nhà mẹ, tôi hay đứng nhìn thật lâu bức ảnh chụp người thiếu phụ tuổi mới quá 40 quý phái, ngời ngời sức sống của gần 40 năm về trước.
Ấy vậy mà, có ai biết được trong cái vẻ thanh thoát, tưởng chừng như bằng an, hạnh phúc ấy; đời mẹ lại đã trải qua một thời kỳ đầy gian khổ, hy sinh, đau khổ và bất hạnh.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Mấy mươi năm đối với người phụ nữ trải qua nhiều biến cố của chiến tranh như mẹ là một chuỗi dài chịu đựng mất mát, chờ đợi mỏi mòn. Tuổi thanh xuân mười tám, đôi mươi nghèo khó, lấy chồng, hạnh phúc bên chồng chẳng được bao nhiêu thì đã phải một lần đưa tiễn rồi mất chồng vĩnh viễn.
Hơn 10 năm sau đó, giọt máu chung tình, kết tinh từ thời gian hạnh phúc ngắn ngủi bên chồng, nguồn an ủi duy nhất của mẹ rồi cũng mãi mãi ra đi vì nghĩa lớn. Mất mát nối liền mất mát thì thử hỏi còn cái đau nào hơn thế nữa. Có ai thông cảm được nỗi niềm của người chinh phụ trong những chuỗi ngày cô đơn, quạnh quẽ chung thủy chờ chồng.
Có lần, nghe chúng tôi tranh cãi về cái hay, cái dở trong một tác phẩm văn học, trong đó người viết mô tả những người phụ nữ sẵn sàng bỏ chồng, bỏ con để ngoại tình, theo trai, mẹ nhỏ nhẹ nói: “Ở đâu, thời nào cũng có người như vậy. Mẹ không đồng tình cũng không lên án. Chắc có hoàn cảnh gì đó. Nên thông cảm cho họ. Những người ấy ít thôi, chứ đừng nhìn phiến diện rồi cho là phổ biến. Cái đẹp ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam là chung thủy mà cái nhược, cái thiệt thòi của người phụ nữ Việt Nam cũng là chỗ đó”.
Không hiểu sao tôi luôn nghĩ và thấy mẹ là một mẫu người điển hình nhất cho người phụ nữ Nam Bộ từ vóc dáng, cốt cách cho đến tấm lòng. Sinh ra và lớn lên ở một góc quê nghèo khó bên dòng sông Cổ Chiên nhưng cả quãng đời thanh xuân của mẹ gắn bó, lặn lội khắp vùng sông nước Cửu Long trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Cho nên, ở trong mẹ hình như luôn phảng phất một chút gì đó tính cách chịu thương chịu khó của người dân xứ giồng cát Trà Vinh; một chút dịu dàng nhưng đầy nghị lực của người con gái Bến Tre; một chút hiền lành, khéo léo nhưng gan góc của người Vĩnh Long, Cần Thơ quanh năm gạo trắng nước trong; một chút rắn rỏi, thông minh của người dân vùng bảy núi An Giang; một chút phóng khoáng bao dung của người dân bán đảo Cà Mau… Tất cả tổng hợp lại ở mẹ thành một người phụ nữ hoàn hảo từ thời tuổi trẻ cho đến bây giờ.
Thời chống Pháp, cùng với hàng triệu người dân nước Việt Nam trước họa ngoại xâm, mới 15 tuổi, mẹ tham gia kháng chiến.
Cũng như bao nhiêu phụ nữ nông thôn thời ấy, 19 tuổi, bông hoa đẹp nhất xứ Nhị Long thành đồng Tổ quốc đi lấy chồng- một cán bộ Việt Minh ở trong vùng. Cũng trong năm này, một sự kiện lịch sử long trời lở đất, chấn động địa cầu đã diễn ra- đó là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hiệp định Genève được ký kết, đánh dấu một mốc son lịch sử của dân tộc nhưng lại là một biến cố mới trong cuộc đời của mẹ cũng như hàng ngàn, hàng triệu người phụ nữ Việt Nam khác vào thời ấy, bởi những toan tính của các thế lực thực dân, đế quốc. Đình chiến, đất nước bị chia cắt hai miền Nam- Bắc.
Ba lên đường tập kết khi mẹ mang thai 5 tháng. Đêm chia tay, ba thủ thỉ:
- Ráng chờ anh nghe em!
Mẹ khóc trong vòng tay ba:
- Hổng biết à! Tui còn trẻ, anh đi lâu quá, ai biết chuyện gì xảy ra!
Ba vỗ về:
- 2 năm chỉ như ngủ quên thôi mà!
Hồi đó, ai cũng nghĩ thi hành Hiệp định Genève, chỉ trong vòng 2 năm thì tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, rồi sẽ sum họp. Ai dè, cái chợp mắt ngủ quên như ba nói không được thực hiện. Ngô Đình Diệm xé bỏ Hiệp định Genève, đẩy mẹ cùng với hàng triệu người phụ nữ khác vào khoảng thời gian mỏi mòn chờ đợi và mất mát.
Người ta nói đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình là tả người phụ nữ khi sinh nở. Nhưng dẫu sao lúc đó có chồng ở bên cạnh cũng đỡ. Đằng này, khi chuyển dạ, nằm chỗ nuôi con, bầm giập như con cua lột thì ba đã qua tới Cà Mau, chuẩn bị lên tàu. Đọc thơ động viên của ba, mẹ vẫn thấy tủi và ấm ức, khóc hoài. Đàn bà trong thời loạn sao mà khổ quá!
Người ta nói “gái một con trông mòn con mắt” quả không sai. Sau khi sinh anh Chiến, máu huyết lưu thông, mẹ càng rực rỡ như bông hoa lung linh trước gió.
Cái lẽ tự nhiên của trời đất, bông hoa nở càng đẹp, kiêu sa thì ong bướm cũng dập dìu săn đón. Thành ra, mẹ là cái đích, tiêu điểm dòm ngó, tới lui mồi chài của trai tráng, đàn ông trong xóm, của làng lính, của các công tử nhà giàu ở trong vùng.
Mà thời đó, bọn làng lính Ngô Đình Diệm, ai mà cưa đổ được vợ cán binh Việt Cộng là có thưởng nên bọn họ càng ra sức o ép dữ hơn. Thật khổ cho người đàn bà như mẹ. Một thân một mình nuôi mẹ chồng, nuôi con cực khổ lại phải chịu đựng trước bao cám dỗ.
Ai đã từng xa chồng, xa người yêu mới thấu hiểu được lòng dạ người đàn bà đã quen hơi hướm đàn ông, nay vò võ, ham muốn, khát khao, căng tức từng thớ thịt trong những đêm đông cô đơn, lạnh giá. Chắc chỉ có giường chiếu, mùng màn, vách lá mới đếm được bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi cùng những tiếng rên dài, đứt quãng, tức tưởi trong đêm vắng. Trong hoàn cảnh ấy, ai trách cứ được nếu mẹ lả lơi, sa ngã.
Nhưng, may mà còn có Đảng, có cách mạng. Thấu hiểu nỗi lòng của mẹ; lường trước những hiểm nguy, cám dỗ mà mẹ phải chịu đựng; các chú trên Khu ủy đã tổ chức đưa mẹ đi khỏi cái góc quê nghèo bên sông Cổ Chiên. Mẹ đứt từng đoạn ruột gởi anh Chiến, lúc đó mới biết đi chập chững lại cho mẹ chồng, chính thức thoát ly làm cán bộ giao liên công khai của Khu Tây Nam Bộ.
Có mấy ai hiểu được tấm lòng người mẹ phải xa con mà lại còn phải mang tai tiếng bạc tình. Hồi đó, sau Hiệp định Genève, ta chủ trương đấu tranh chính trị, trong khi địch công nhiên bắt giết những người hoạt động cách mạng.
Chúng lê máy chém khắp nơi, loại cộng sản ra khỏi vòng pháp luật. Thành ra mọi toan tính tổ chức đưa mẹ đi hoạt động ở địa bàn khác phải hoàn toàn trong vòng bí mật. Mẹ phải giả vờ thân mật với những người đàn ông xa lạ; tạo cớ lên thành làm ăn buôn bán.
Người dân Nhị Long hết lời đàm tiếu, nhiếc móc: “Con nhỏ đó coi đẹp, thùy mị, đoan trang vậy mà không ra gì. Chồng mới đi tập kết chưa đầy 2 năm mà ở nhà đã bỏ con theo trai, theo giặc”. Họ hàng đôi bên khinh khi, từ bỏ. Ông bà nội, ngoại cũng chỉ biết thở dài làm lòng mẹ như muối xát kim châm.
Thử hỏi có cái đau nào hơn thế nữa không! Mẹ muốn la hét lên cho hả dạ, cho mọi người biết rằng mẹ không phải là kẻ dâm loàn như vậy mà có được đâu. Nhiệm vụ quá nặng nề và khắc nghiệt. Phải bảo vệ sự an toàn của chính bản thân mẹ, của tổ chức, nhất là hy vọng ngày tổng tuyển cử không xa, ba sẽ về, gia đình sum họp.
Rời làng quê nghèo, mẹ đi tứ xứ theo sự phân công của Khu ủy. Khi thì giả dân làm ăn buôn bán; lúc thì đóng vai vợ lính đi thăm chồng ở đồn xa; khi làm con nuôi của một gia đình cơ sở nào đó, cùng ăn, cùng ở, cùng làm như một người dân địa phương thứ thiệt. Đêm về, nằm ở những căn nhà xa lạ, nhớ chồng, nhớ con, nhớ quê đến tê tái lòng mà biết tâm sự với ai.
Có khi cả một hai năm mẹ mới được về thăm quê một lần. Nằm bên con, ôm con vào lòng, nghe hạnh phúc trào dâng, mẹ sợ hãi ngày phải lại tiếp tục ra đi. Những lúc ấy, đôi khi mẹ nghĩ thôi thì ở nhà với con rồi ra sao thì ra. Nhưng ngẫm ngợi rằng phải hy sinh cho ngày đất nước thống nhất rồi vợ chồng, con cái mới sum họp một cách trọn vẹn. Thế là mẹ lại đi, nói khác hơn là trốn chạy để khỏi nghe tiếng khóc xé lòng của con.
- Nói thiệt với tụi bây, mẹ đâu có được học hành, dốt chữ nghĩa, Đảng phân công gì làm nấy, chứ thiệt tình có nhiều việc cha mẹ biểu chưa chắc đã dám làm- mẹ kể.
Hồi mới lên Châu Đốc, bà già nuôi là cơ sở của ta dẫn đi núi Sam mẹ còn đi guốc chưa rành, té lên, té xuống làm mọi người xung quanh cười quá trời.
Tại đây, để hợp thức hóa đồng thời nuôi sống bản thân, mẹ phải mang sề đi bán đồ trang sức, vàng giả ngoài chợ. Vừa mắc cỡ vừa sợ bị lộ, mẹ phải tập đi, tập sửa tướng, ăn mặc, chưng diện như người thành thị, õng ẹo, lẳng lơ. Lúc về Cần Thơ, mẹ phải giả làm con riêng của chồng một bà mẹ ở Cái Tắc.
Bọn lính trong đồn ngày nào cũng ra chọc ghẹo, có tên còn đòi cưới, mẹ phải giả đò cười cười, nói nói mềm mỏng mà trong bụng giận sôi gan, giả đò qua ải một thời gian. Khi thì đóng vai người ở nhà một nông dân ở Hộ Phòng, làm lụng một nắng hai sương vất vả mà chẳng dám than.
Có lần, gần sáng mẹ đón xe lam đi Cần Thơ ai dè đón nhầm xe jeep của bọn lính đi tuần. Thấy gái, bọn sĩ quan vừa mời vừa ép mẹ lên xe. Từ chối không được, mẹ đành lên theo mà thấp thỏm lo âu. Vừa sợ lộ vừa sợ chúng làm bậy lại vừa sợ phía ta phục kích. Nhưng may rồi chuyến ấy cũng qua.
- Làm giao liên phải lanh lợi mưu trí dữ lắm mới được- mẹ nói và kể- Có lần mẹ được phân công mang tài liệu đi Trà Vinh, còn cô Út Điền đi Châu Đốc.
Vậy mà lúc nhận tài liệu, không biết nhầm lẫn thế nào mà tài liệu tréo ngoe, của tỉnh này lại mang qua tỉnh kia và ngược lại. Chừng đi đến Cầu Ngang, cô Út đuổi theo kịp và ôm mẹ khóc: “Ba chết rồi! Về em ơi”. Biết là có chuyện, mẹ cũng giả vờ khóc rồi theo cô Út quay về Trà Vinh, vô tiệm mua trà, tìm cách đổi lại tài liệu. Thiệt là hú hồn hú vía!
Năm 1963, ba trở về Nam chiến đấu, đóng quân ở rừng Tây Ninh. Nhận được tin, mẹ ước có cánh để bay ngay lên trên ấy với ba.
“Thú thiệt với tụi bây, lúc đó tao nhớ ổng không còn biết trời đất, không thiết làm ăn, công tác gì nữa, bao nhiêu năm trời chờ đợi có nhớ nhung nhiều lắm nhưng mà không thấy cháy ruột cháy gan như lần nghe tin ba bây từ Bắc mới về”- mẹ nói trong nước mắt.
Vậy mà, do cô Út Điền công tác chung được cử đi học chính trị ở trên, nhiệm vụ phân công còn nhiều nên phải sắp xếp đến gần một tháng sau, mẹ mới từ Cà Mau về được Nhị Long.
Bà mẹ chồng đi thăm ba trước đó 3 ngày đã về và bảo: “Thằng Nhâm không thấy bây lên thăm, nó buồn lắm… Tao nói con Hồng mắc đi làm ăn xa chưa về được… Nó nói má đừng giấu, vợ con có chồng khác rồi phải không… mà mắt nó đỏ hoe…” Mẹ nghe bà nói mà có gì đó nhói đạp đau điếng ở trong lòng.
Hôm sau, dẫn theo anh Chiến, mẹ đón chuyến xe sớm nhất đi Tây Ninh rồi đi tàu vào Trung ương Cục. Chiến tranh đã đến hồi ác liệt. Giặc đang càn, máy bay trực thăng bay như bầy quạ đen mang chết chóc trên bầu trời.
Đường vào chiến khu càng xa diệu vợi. Ở trạm đón tiếp, người vui mừng gặp gỡ người thân, người buồn hiu ngóng đợi. Dù đã từng quen dọc ngang sông nước một mình, từng chứng kiến cảnh này ở miền Tây Nam Bộ mà lúc đó mẹ vẫn thấy trong lòng như lửa đốt, thúc giục, mong sao sớm gặp ba, nằm trong lòng ba mà khóc cho thỏa bao ngày chờ đợi, để hỏi ba tại sao biểu chờ 2 năm mà mắc gì đến gần chục năm mới gặp.
Chờ mãi, không thấy ba, có một chú nào đó đi đón thân nhân gửi mẹ và anh Chiến theo ghe chở lúa đi thẳng vào trong cứ. Pháo bầy, bom dội ở trên đầu, chết chóc rình rập ở xung quanh mà mẹ vẫn như mở cờ trong bụng, bởi sắp vui mừng gặp lại chồng sau gần chục năm xa cách, anh Chiến lần đầu tiên sẽ gặp cha.
Vậy mà, ai có ngờ đâu đất bằng dậy sóng. Vừa ở dưới ghe bước lên, anh Chiến chạy ào vào trạm hỏi thăm ba, mọi người nhìn mẹ tắc nghẹn, mắt đỏ hoe, nước mắt giàn giụa. Mãi lâu sau, ai đó nghẹn ngào nói: “Anh Sáu Nhâm hy sinh rồi chị ơi!” Mẹ thấy như đất trời sụp đổ, đôi chân khuỵu xuống, không tin được dù đó là sự thật.
Ráng bình tĩnh làm lễ tang cho ba xong mẹ mới thấy hết nỗi đau đến tận cùng, tưởng chừng như có thể chết được theo ba. Mẹ lặng lẽ ôm anh Chiến vào lòng, ngồi khóc cạnh bìa rừng miền Đông hiu quạnh. Trời ơi! Chờ đợi gần chục năm, chỉ còn một chút nữa thôi đã gặp. Vậy mà mẹ đã mất ba vĩnh viễn!
Trở về miền Tây, mẹ gửi anh Chiến vào học Trường Thiếu sinh quân ở Cà Mau rồi lại lao vào công tác, vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa để nguôi ngoai, cố quên nỗi đau tang tóc. Với vai người đi buôn, những chuyến hàng đặc biệt lại cùng mẹ dọc ngang sông nước, những chuyến đưa đón cán bộ lãnh đạo lại đều đặn từ cứ về thành, từ thành ra cứ an toàn.
Nói thì dễ vậy chứ bao nhiêu hiểm nguy, chết chóc luôn rình rập. Đối phó với địch là lẽ đương nhiên, có khi bọn lính lên ghe xét hỏi, lùng sục, mẹ phải khéo léo bắt chuyện để chúng không để ý phát hiện tài liệu, vũ khí, cán bộ nằm ở bên dưới đống trái cây, khoai củ, cá mắm.
Nhiều lần mẹ đi vào vùng giải phóng bị du kích bắt, kẹt mấy ngày giữa hai làn đạn, phải bí mật liên hệ về trên can thiệp mới thoát được. Không ít lần đi qua trạm gác của ta, trên ghe chở đầy lính tráng, bọn chúng chĩa súng không cho ghé, thế là du kích bắn theo như vãi chài, bể cả máy ghe, cái chết trong gang tấc.
- Vừa sợ hy sinh cho mình vừa sợ tổn thất cán bộ- mẹ kể- Có lần mẹ đưa chú Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) qua sông Kình Kịch ở Cà Mau. Vừa mới ra đầu vàm đã thấy chiếc tàu sắt đậu lù lù đón lại. Mẹ sợ điếng hồn trả lời bọn lính khi chúng chỉ tay vào ông già: “Chú tui lảng tai, mấy anh nói lớn ổng mới nghe được”.
Cực kỳ sáng ý, bình tĩnh, chú Sáu giả bộ ngó lơ, ngơ ngác khi chúng hỏi “Ông già có thuốc hút cho đổi”. Mẹ giả vờ làm thông dịch, kề tai chú Sáu nói lớn rồi đưa tay móc lấy gói thuốc đổi lấy mấy hộp thịt. Chừng về tới cứ, ông già cười toe, vỗ đầu mẹ khen giỏi, biểu đem mấy hộp thịt và trái cây ăn chơi như chẳng có chuyện thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc mới hồi trước đó.
Thỉnh thoảng, có dịp về U Minh, mẹ ghé thăm anh Chiến. Thấy con càng ngày càng lớn, càng giống ba, mẹ vừa mừng vừa nơm nớp lo âu. Mừng vì ba còn có người nối dõi tông đường, mẹ có nguồn an ủi trong quãng đời còn lại.
Lo vì chiến tranh còn mãi kéo dài, ngày càng ác liệt, trong khi anh Chiến mới ngần ấy tuổi đầu mà cứ luôn miệng đòi trả thù cho cha. Mẹ đã mất mát quá nhiều, mẹ sẵn sàng hy sinh bản thân, chấp nhận nguy hiểm gian lao chỉ đổi lấy sự bằng an, hạnh phúc cho đứa con trai duy nhất của mình.
Thế nhưng, điều lo sợ của mẹ đã không tránh khỏi. Cuối năm 1968, anh Chiến trốn trường, gia nhập bộ đội 308. Nghe tin, mẹ điếng hồn điếng vía nhưng không ngăn cản, bởi mẹ biết không thể nào ngăn được việc anh Chiến phải làm cũng như hàng triệu người trai trẻ khác trước họa ngoại xâm. Và rồi, trong tổng tấn công Xuân Mậu Thân vào Đài truyền hình Cần Thơ, anh Chiến- một phần thân thể của mẹ, nguồn an ủi duy nhất của mẹ- đã ra đi vĩnh viễn.
Đã đau khổ giờ lại càng đau khổ hơn. Đã cô đơn lại càng cô đơn hơn. Nghĩ tới cảnh về già quạnh quẽ, không người chăm sóc, mẹ không khỏi chạnh lòng. Tuổi hồi xuân, có lúc mẹ cũng muốn đi bước nữa.
Nhiều lúc soi mình trong gương, mẹ không khỏi rơi nước mắt. Cũng là con người bình thường, có những đòi hỏi, khát khao như bao người phụ nữ khác, nhiều đêm mẹ phải nén lòng chống chọi lại cái bản năng của thể xác. Tổ chức cũng có mấy lần bố trí cho mẹ gặp người vừa vai phải lứa để nối sợi tơ lòng.
“Anh Sáu Hưng, phụ trách điện đài của khu hồi đó thương mẹ lắm. Mẹ biết nhưng cứ hẹn lần hẹn lựa mãi. Thương cha con thằng Chiến quá. Biết người khác có bằng ổng hông. Thành ra thôi!”
Mẹ thở dài: “Hai lần đưa tiễn là hai lần vĩnh biệt! Tội nghiệp thằng Chiến! Phần hồn đã về cõi vĩnh hằng, còn phần xác thì vất vưởng đâu đó ở TP Cần Thơ, tới giờ mẹ cũng không biết được! Phải chi…” Những giọt nước mắt rơi dài trên gò má già nua. Đau đớn đến tận cùng nhưng mẹ gượng cười như cách mẹ kìm nén đã mấy chục năm qua.
NGUYỄN SAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin