Mỗi năm chỉ một mùa xuân nhưng thơ xuân thì như các loài hoa muôn hương sắc nét. Bằng sự sáng tạo nghệ thuật qua ngôn ngữ thơ, mỗi tác giả phát họa chân dung thơ theo bút pháp riêng. Thơ xuân Tạp chí Văn nghệ Cửu Long có nhiều gương mặt mùa xuân thật đặc sắc!
ANNA THÙY TRANG
Mỗi năm chỉ một mùa xuân nhưng thơ xuân thì như các loài hoa muôn hương sắc nét. Bằng sự sáng tạo nghệ thuật qua ngôn ngữ thơ, mỗi tác giả phát họa chân dung thơ theo bút pháp riêng. Thơ xuân Tạp chí Văn nghệ Cửu Long có nhiều gương mặt mùa xuân thật đặc sắc!
Hương sắc thơ và hình dạng thơ ví như những bộ quần áo dù cổ điển hay hiện đại nhưng bằng nghệ thuật phối màu ngôn ngữ các tác giả đã tìm kiếm bắt gặp vần thơ trong góc lòng nhịp sống.
Giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa hay tích xưa gọi là đêm trừ tịch, giây phút này mỗi người là mỗi nhịp tim thơ. Như một chiếc áo dài cách tân sang trọng ấn tượng thêm vài họa tiết ngôn ngữ, tác giả đã thiết kế nên một tứ thơ ấn tượng lạ:
Đêm cuối cùng của năm
Ánh trăng
Chiếc đồng hồ tạo hóa đã lặn sâu vào bóng tối
Đợi thời khắc hân hoan
Gõ nhịp
Bản hợp xướng giao mùa trỗi lên
Lấp đầy đêm trừ tịch
Nói gì đi em mùa xuân của tôi
Lay động miền ký ức
Hay trò chuyện tương lai
...
Tôi dọn những bẩn chật quanh mình
Ném vào quá khứ
Đón nhận một mùa mới trong lành
...
Tiết xuân
Không lẫn vào đâu được
Cơn gió say tình quên ngủ
Hát ru chùm lá nõn trong vườn
...
(“Tản mạn đêm giao thừa”- Song Hảo)
Nhịp thơ sáu tám đã thân quen với mọi người nhưng với cách sáng tạo trong ngôn ngữ thơ và cả trong cách ngắt nhịp, tác giả đã đem lại cho người đọc cảm nhận được sự hấp dẫn mới lạ:
Đông dần ở phía sau lưng
Mùa xuân lại đến rất gần em ơi
Tiếc thầm tôi đếm tuổi tôi
Tóc thêm sợi bạc, giọng lơi lơi trầm
Hình như mai nở nhiều thêm
Hồng thơm hoa nắng rơi miền tuổi non
Cúc vàng ngào ngạt tỏa hương
Tiếng chim kêu rớt trong vườn rất êm
Hình như dòng sông xanh hơn
Lóng trong gạn đục, tôi còn được tôi
...
(“Tặng em mùa xuân”- Thành Khởi)
Thêm một ý thơ xuân nhưng gương mặt mùa xuân thật ấn tượng. Tuy trong bài thơ không thấy một chữ xuân nhưng mùa xuân là niềm vui khi mình cảm nhận. Tứ thơ trải dài tựa văn xuôi, tác giả dẫn người đọc tham quan vòng quanh xứ cù lao bằng nhịp cảm xúc của mình:
Em uốn cong tôi theo những đường làng quanh co xứ cù lao bốn xã. Cho tôi nhìn khoảng trời xanh rực đỏ màu hoa trái trĩu mắt góc vườn thơm. Tôi vào làng mai Phước Định bằng màu xanh, bằng nụ cười hồn nhiên như hạt phù sa bám vào thân cây ấm áp.
...
Tôi đi trong ngấn chiều cù lao, chưa hiểu hết nỗi lòng vàm
Cái Muối
Ngọn gió nào xào xạc những vườn cây
Có một vòm trời trong veo mùi nhãn chín
Thoảng tôi bên chiều
(“Thoảng tôi bên chiều”- An Phương)
Bằng tứ quen thuộc thơ giản dị, tác giả khéo léo phối màu ngôn ngữ thơ, khắc họa bức tranh quê vào xuân thật tuyệt:
Đường quê hong nắng
Vườn thơm mơ màng
Vàng sân hoa mướp
Xóm nhỏ chiều loang
...
Sông xưa sóng nước
Tràn vào xa xăm
Thì thầm sông gọi
Bến cũ đường trăng
Mong manh gió phớt
Dấu chân bụi mờ
Mềm môi em ngọt
Hương mùa non tơ
...
(“Ngụm nước sông quê”- Bằng Lăng)
Đã có rất nhiều bài thơ xuân nhưng hạnh phúc và đầy đủ ý nghĩa hơn vẫn là những vần thơ viết về mẹ, là tiếng lòng chân thành của những người con dành cho mẹ. Tự hào thay vì mẹ là mùa xuân! Tác giả Võ Huỳnh Anh thay lời ca ngợi mẹ:
Rằng sâu trong ánh mắt mẹ lung linh,
Con thấy được tình yêu là vĩnh cửu,
Mẹ cho con cả thanh xuân của mình.
(“Đôi mắt”- Võ Huỳnh Anh)
Thật hạnh phúc khi ai còn có mẹ và được mẹ yêu thương quan tâm chăm sóc, lắng nghe tâm hồn của con- nhất là con gái. Vì con gái là bản sao của mẹ. Bằng tứ thơ riêng biệt trong cách nghĩ cách viết giàu cảm xúc, tác giả Trần Thị Huỳnh Khuyên tâm tình:
Con gái yêu!
Xuân đã về trước ngõ.
Nào, mở cửa cho xuân vào nhà!
Xuân sẽ mang hương hoa,
Quyện vào thịt da
con thơm ngát.
...
Xuân cười khi mẹ bảo:
“Con tôi duyên quá!”
Xuân thẹn thùng khi mẹ bắt gặp con
làm dáng trước gương soi.
Ơi này xuân ơi!
Xuân!
Hãy chắp thêm đôi cánh nhỏ trên lưng.
Cho con gái tôi bay về phía trước
...
Đừng sợ con yêu!
Dù bão giông có cuồng nộ bao nhiêu
Thì phía trên kia vẫn là vầng
thái dương rực rỡ
...
Và như thế mùa xuân còn mãi
Hãy mở cửa đón mùa xuân của cuộc đời con
và giữ mùa xuân ở lại
...
(“Xuân 19”- Trần Thị Huỳnh Khuyên)
Thay lời tri ân chia sẻ. Rất tuyệt! Tác giả Hà Ngọc Trảng đã khắc họa nỗi đau thương mất mát của người mẹ Việt Nam anh hùng bằng những vần thơ chân thành đặc biệt “Kính dâng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt”:
Có nơi đâu như xứ sở
Việt Nam này
những người phụ nữ âm thầm đưa chồng, tiễn con ra trận
đêm về ngồi đếm giông, đếm gió
đếm những lo âu bom đạn thổi qua đầu
Có nơi đâu trên trái đất này
mỗi gié lúa cũng nhuốm hồn liệt sĩ
mỗi dòng sông cũng bầm đỏ vết đau thương
...
hương khói hiển linh trôi về miền bất tử
phẩm giá ngàn đời phụ nữ Việt Nam
(“Người mẹ anh hùng”- Hà Ngọc Trảng)
Mùa xuân là mùa tình, mùa của tình yêu hạnh phúc. Nhưng thiêng liêng cao quý hơn tình yêu đôi lứa đó là tình yêu quê hương đất nước. Tác giả đã phác họa hình ảnh tự hào háo hức tuổi lá xanh:
Mặt trời xuân chín đỏ
sương mềm ngọn cỏ
thức giấc mầm non
mùa xanh tuổi lá nôn nao
căng đôi vai ngực đầy háo hức
nét trăng cười
ánh sao giếng mắt niềm tin
....
Mùa xanh tuổi lá nôn nao
Quân trường năm tháng
Tự hào đời trai
(“Xuân tòng quân”- Anna Thùy Trang)
Dọc dài bến phố chiều nay
đào mai hồng cúc
chuốt say ánh nhìn
...
Cánh hồng khẽ chạm gió đưa
lặng nghe xuân thức
hát mùa non xanh
Đó là tiếng lòng của Anna Thùy Trang tỏ bày với quê hương đất Vĩnh thanh bình giàu đẹp. Giây phút thiêng liêng đêm giao thừa sắc pháo hoa bay chợt nghe “Xuân thức”.
Mùa xuân hạnh phúc tình yêu là do mình cảm nhận mỗi ngày. Tình yêu tự nhiên đến thì thật diễm phúc. Nếu chẳng may, người ta phải đau khổ để tìm kiếm cả đời. Vì vậy, có người cảm nhận đơn giản:
Mùa xuân là mỗi dòng tin anh
đông qua mau sau mỗi buổi hẹn hò
tiếng nói anh là chiếc khăn choàng cổ
ước gì áo ấm là anh
Em bỏ quên ngày tháng
và chuyện hẹn hò mong manh
thấy dòng tin anh
em ngỡ mùa mai chín
(“Mùa xuân của em”- Anna Thùy Trang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin