Về xã ven biển Trường Long Hòa

08:04, 28/04/2019

Trên một chuyến xe đêm, từ TP Vĩnh Long hướng về miền duyên hải Trà Vinh, tôi nhớ đã đọc đâu đó trên facebook mấy câu thơ hóm hỉnh thế này:

Nguyễn Trọng Dũng

Trên một chuyến xe đêm, từ TP Vĩnh Long hướng về miền duyên hải Trà Vinh, tôi nhớ đã đọc đâu đó trên facebook mấy câu thơ hóm hỉnh thế này:

Chú ơi, cầu này cầu gì

Chú cho cháu hỏi, cầu xây hồi nào

Chiều dài chiếc cầu là bao…

Nối liền hai xã, xã nào chú ha…?

Người được hỏi cũng pha trò:

Hỏi sao nhiều quá vậy ta

Cầu này đích thị, tên là Láng Chim.

Giờ đây, tôi lại có dịp cùng đồng nghiệp ở Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long đến xã Trường Long Hòa và lại qua cầu Láng Chim. Cầu Láng Chim bắc qua sông Láng Chim trên Đường tỉnh 913 được tỉnh Trà Vinh khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2013.

 Tranh minh họa: TRẦN MINH THÁI
Tranh minh họa: TRẦN MINH THÁI

Qua cầu Láng Chim, tôi chợt nhớ đến huyền thoại “Tàu Phương Đông” gắn liền với chiến công đánh sập cầu Láng Chim trong kháng chiến chống Mỹ cách đây 58 năm mà tôi có dịp đọc được trong tác phẩm “Một góc chiến trường… ngày ấy tôi qua” của nhà báo Trần Điền, do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 2015.

Hồi đó, vào tháng 10/1961…

Bắc qua sông Láng Chim lúc bấy giờ là chiếc cầu sắt lót ván, xe nhà binh qua được. Chính quyền Sài Gòn tại Tiểu khu Trà Vinh sử dụng chiếc cầu này đưa quân đội sang Ba Động làm bàn đạp đánh phá vùng căn cứ cách mạng khắp các khu rừng huyện Duyên Hải.

Đứng trước tình thế này, ông Mai Hữu Phước (Năm Phương)- Bí thư Huyện ủy Duyên Hải- giao nhiệm vụ cho Huyện ủy viên Trương Văn Ngà (Hai Lá) phải đánh sập cầu Láng Chim, ngăn chặn cuộc hành quân Đống Đa đầy tội ác của chúng, bảo vệ vùng căn cứ kháng chiến.

Nghị quyết của Bí thư Huyện ủy cũng là mệnh lệnh thời chiến. Hai Lá nhận nhiệm vụ đánh sập cầu Láng Chim trong điều kiện trong tay không có đến 1gram thuốc nổ. “Cái khó không bó được cái khôn”. Hai Lá đến gặp đồng chí Bảy Tri- Bí thư Chi bộ Đảng xã Trường Long Hòa- bàn mưu tính kế.

Trước đó có 12 chiếc xà lan của công binh ngụy Sài Gòn chở đá đến xây dựng sân máy bay Long Toàn, bị dân quân du kích xã Trường Long Hòa đánh chìm tại vàm Láng Nước. Hai Lá huy động hàng trăm thanh niên miền biển xã Trường Long Hòa đến lặn xuống đáy sông 5- 6 ngày, cào đá ra làm cho 3 chiếc xà lan nổi lên, mỗi chiếc có chiều ngang 7m, dài 33m.

Hàng chục chiếc ghe lưới có mã lực lớn của ngư dân Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh được Bảy Tri huy động đến kéo 3 chiếc xà lan ra biển, đi vòng qua Nhà Mát, xuống Khoán Tiều, Cồn Trứng rồi đưa 2 chiếc vô vàm Khâu Lầu, qua Cồn Tàu. Đến sông Rạch Hầm, 2 chiếc xà lan được neo lại đó… Tất cả việc làm này đều diễn ra ngay trong một đêm để tránh tai mắt địch phát hiện.

Sau khi được neo đậu tại sông Rạch Hầm thuộc phần đất ấp Cồn Ông, Hai Lá và Bảy Tri huy động dân công trong xã Trường Long Hòa dùng dây cáp kết dính chặt 2 chiếc xà lan lại.

Sau đó, lực lượng dân công tập trung đốn thật nhiều cây rừng cột dưới lườn, chất trên mặt 2 chiếc xà lan làm cho sức nặng 2 chiếc xà lan được tăng lên gấp nhiều lần. Một anh dân công khi đi mua thức ăn cho mọi người tìm đâu được hộp nước sơn đem về và anh lí lắc vẽ vào mũi chiếc xà lan dòng chữ “Phương Đông” đỏ chói.

Sở dĩ anh dân công này vẽ chữ “Phương Đông” là vì vào thời điểm đó, ở Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết vừa phóng thành công tàu vũ trụ mang tên Phương Đông.

Thế là mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo. Đến lúc nửa đêm, nước ròng chảy xiết, Hai Lá ra lệnh chặt dây neo tàu Phương Đông. Hai chiếc xà lan khẳm lừ theo con nước ròng trôi băng băng ra biển. Trên đường trôi đi, nó không ngại va vào cuốn phăng chiếc cầu Láng Chim và tên lính gác cầu còn chưa kịp nổ súng báo động.

Cầu Láng Chim sập. Giao thông đường Trà Vinh- Ba Động trên Đường tỉnh 35 thời đó bị gián đoạn. Cuộc hành quân mang tên Đống Đa của chính quyền Sài Gòn đánh phá vùng căn cứ cách mạng ở huyện Duyên Hải bị cô lập phải rút quân.

Nối liền 2 xã Long Toàn và Trường Long Hòa với Khu Du lịch Ba Động (huyện Duyên Hải- Trà Vinh), cầu Láng Chim rộng 10m, tải trọng 30 tấn, kinh phí đầu tư xây dựng 143 tỷ đồng... Từ ngày hoàn thành cầu đến nay, không chỉ giải quyết ách tắc giao thông trong khu vực mà còn góp phần tạo thế vững mạnh về quốc phòng- an ninh tại các xã ven biển, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và du lịch biển Ba Động.

“Tới Trường Long Hòa rồi anh em ơi…” Bỗng có tiếng của ai đó vang lên trong xe, làm cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi đang cuồn cuộn kéo về.

***

Rạng đông, xe chúng tôi từ phía cầu Láng Chim, ôm cua rẽ vào Đường tỉnh 913 ở ấp Ba Động (xã Trường Long Hòa) hướng tới Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Trường Long Hòa.

Đồn Biên phòng này được thành lập vào ngày 10/4/1977, với tên gọi đầu tiên là đồn 818 (quân số khoảng 45 đồng chí) và đồng thời thành lập chi bộ. Lúc này cán bộ, chiến sĩ của đồn phải ở nhờ nhà dân một thời gian (khoảng 2 tháng).

Đến tháng 6/1977 thì bắt đầu xây dựng đồn; vị trí của đồn là ấp Cồn Trứng (nhà được làm bằng cây mắm, đước, chà là và lợp bằng lá dừa nước, nền đất). Đến tháng 1/1990, đồn BP 818 được đổi tên là đồn BP 622 và đến năm 2008 được đổi tên là đồn BP Trường Long Hòa.

Xe dừng lại. Chúng tôi xách hành lý vào các phòng khách của “Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Trường Long Hòa” theo sự hướng dẫn và sắp xếp của Ban chỉ huy, lúc đó mặt trời đã nhô lên cao. Đồn Biên phòng này cũng mới xây dựng, rộng rãi, khang trang, nổi bật lên như một trung tâm hành chính cấp huyện, phía sau lưng quay ra mé biển, gió trời lồng lộng...

Đoàn chúng tôi có 34 người, đa số là những người sáng tác, gồm các bộ phận: văn, thơ, nhạc, họa, sân khấu, múa… ở Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long- địa phương không có biển, không có rừng, không có đảo.

Có lẽ vì vậy mà mỗi lần đến với rừng, biển, đảo quê hương thì cảm xúc rất dạt dào. Để rồi mỗi chuyến đi, chúng tôi sẽ mang về cả cảnh vật, con người nơi xứ biển (trong đó có rừng và đảo). Từ đó, tuy ở đất liền nhưng nối liền với biển thân yêu, qua những hình ảnh, bài viết của mình.

Còn nhớ trước chuyến đi thực tế sáng, họa sĩ, điêu khắc Hứa Văn Chiến- Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Đây là đợt sáng tác nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội biên phòng và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân.

Trước đó, hàng năm, các văn nghệ sĩ Vĩnh Long đã đưa hơn 100 tin, bài, tranh, ảnh… liên quan đến vấn đề biển đảo. Bao nhiêu tin, bài là gần bấy nhiêu đó tấm lòng của anh em văn nghệ sĩ. Vất vả khó khăn là không tránh khỏi nhưng đó lại là những chuyến hành trình “không thể nào quên”.

Cho nên chuyến hành trình về làng ven biển Trường Long Hòa lần này là mong ước của hầu hết những người sáng tác. Mong ước đó không phải là mong ước như những người đi du lịch mong khám phá một vùng đất mới mà là tâm thế của những “phóng viên” sẵn sàng cho công việc, cho những chuyến hành trình dài ngày và nhiều khó khăn đang đợi.

Họa sĩ Trần Minh Thái- nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long- nói theo lời một ca khúc nổi danh: “Là họa sĩ tôi sẽ vẽ tranh… Họa sĩ nào cũng mong ước một lần đến với làng ven biển” . 7 ngày khám phá làng ven biển, lúc trên bãi biển, lúc men theo rặng phi lao lã ngọn, gió lồng lộng và biển sâu xanh thẳm, họa sĩ thấy mình như “giọt nước giữa biển khơi”.

Còn nói về những khó khăn trong quá trình đi công tác, họa sĩ Trần Minh Thái cười “tưởng chừng phải… 3 đầu 6 tay mới làm xuể”. Bởi, với chỉ tiêu 10 bức ký họa mỗi người là quá sức tưởng tượng, nên “già” này phải tiếp tục cuộc hành trình...

Nếu nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… chỉ đi theo đoàn thì không thể nắm tình hình cuộc sống bên ngoài được. Họa sĩ Nguyễn Lưu chia sẻ: “Khi tiếp xúc với nhân vật điển hình hay cảnh vật phù hợp với nội dung chủ đề… thì tôi xách máy ảnh ra tác nghiệp”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hòa Bình hào hứng kể cho tôi nghe những câu chuyện về vùng biển Trường Long Hòa mà anh đã đi qua, về những chuyến hành trình mà anh ước gì được đi thêm lần nữa. “Chỉ tính bộ máy ảnh và laptop mang theo đã 15 ký”- nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hòa Bình cười nói tiếp- “có những lần phải cuốc bộ khoảng 3km mới đến nơi”. Và để có những tấm ảnh đẹp, đôi khi nhà nhiếp ảnh phải trèo lên ngọn hải đăng cao vời vợi…

Với Thúy Vân- cây bút chủ lực của Hội Văn học nghệ thuật, thì chuyến đi công tác này ở Trường Long Hòa tưởng chừng như vắt kiệt sức của chị- một cây bút nữ dày dặn tuổi nghề. Vừa đi theo đoàn, vừa chụp ảnh, vừa làm thơ, viết về những tấm gương điển hình trong bộ đội biên phòng… và đến khi mọi người ăn cơm thì Vân lại lụi hụi viết tin bài. Những bữa cơm ăn vội, những hôm hơi khó ở vì muỗi chích, thiếu nước sinh hoạt và cái nắng cháy mùa hè thiêu đốt…

Là văn nghệ sĩ không tiếc công sức mình bỏ ra cho những chuyến hành trình biển đảo. Chúng tôi luôn lên kế hoạch sẵn sàng cho những chuyến đi và vì người làm báo về với biển đảo bằng cả tấm lòng đối với quê hương, bằng một tình yêu của người con đất liền đến những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

***

Chiều hôm đó, trong lúc cuộc đón tiếp chuyển sang phần liên hoan ca nhạc để chờ một ngày mới bắt đầu của Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Trường Long Hòa, tôi xin phép đi dạo quanh xóm ấp. Leo lên một chiếc xe Hon-da do Thượng úy Thạch Siển- Trưởng trạm kiểm soát Biên phòng Láng Nước- cho mượn, tôi chạy ngược ra phía biển Ba Động.

Ba Động có khu du lịch rộng hơn 300ha, chạy dài trên 15km bờ biển thuộc xã Trường Long Hòa, cách trung tâm Trà Vinh khoảng 55km theo QL53. Nơi đây đã được đầu tư 2 tuyến đường trải nhựa đến tận mép biển, một nhà hàng 300 chỗ và các kiốt, khách sạn Rừng Dương (khu nghỉ dưỡng)…

Nhà cửa cũng san sát, chợ làng cũ đã có dáng dấp phố thị. Đường này ngày xưa là động cát, cao như núi, trẻ con đi học phải leo trèo từng bước, những chỗ cao nghều nghệu mấy đứa con gái thường lún chân té nhào, lấm cả áo quần, sách vở...

Giữa đường, chợt gặp họa sĩ Nguyễn Lưu và Minh Nhựt mở mũi đi trước tôi, chạy xe đi ngược lại. Nguyễn Lưu bảo:

“Anh Dũng quay lại đi, trở về đồn biên phòng. Anh không biết mình có cuộc hẹn với Ban chỉ huy Đồn Biên phòng à?”

Tôi hơi băn khoăn:

“À, quên mất… Quay lại thì quay… Nhưng tiếc cái là chưa tới biển Ba Động”…

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh