Truyện ngắn: Bình minh êm ả

09:12, 30/12/2018

Tôi xa quê đã lâu. Năm nay nhân dịp về quê ăn tết, tôi ghé qua nhà Tư Điền rủ anh qua thăm anh Sáu Sang. Lâu lắm rồi vì bận bon chen lo cho cuộc sống nên anh em chúng tôi không có dịp gặp nhau.

 

NGUYỄN THANH

Tôi xa quê đã lâu. Năm nay nhân dịp về quê ăn tết, tôi ghé qua nhà Tư Điền rủ anh qua thăm anh Sáu Sang. Lâu lắm rồi vì bận bon chen lo cho cuộc sống nên anh em chúng tôi không có dịp gặp nhau.

Anh Tư Điền có biệt danh là “Tư chống càn”, còn anh Sáu Sang cũng có cái biệt danh độc đáo là “Sáu thuốc rê”.

Sở dĩ hai anh có cái biệt danh đó là vì anh Tư trong thời kỳ địch bình định lấn chiếm sau Mậu Thân là một tay gài mìn, gài lựu đạn diệt nhiều tên địch khi chúng đi càn quét, lấn chiếm đóng đồn bót, còn anh Sáu thì rất ghiền thuốc rê (rê trảng), trong túi áo anh lúc nào cũng có bì thuốc rê và trong ba lô anh không thiếu bánh thuốc “xơ cua”.

Tôi không hiểu tại sao người ta đặt tên cho nó là thuốc rê trảng, có phải thuốc này trồng và chế biến tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh không? Tôi không hiểu xuất xứ của cái tên này.

Chúng tôi rất thân nhau và gắn bó với nhau vì đã từng sống chết bên nhau trong những ngày chiến tranh ác liệt, gian khổ nhất. Giữa cái chết và sự sống chỉ cách nhau một trận càn hay một trận bom đạn, máy bay đánh phá của địch. Sự gian khổ hy sinh đã gắn kết chúng tôi thành tình thương như anh em ruột thịt.

Trước năm 1968, xã tôi thuộc vùng nông thôn giải phóng. Sau cuộc “tổng tiến công” Xuân Mậu Thân, địch tiến hành bình định, lấn chiếm, phát quang phá địa hình, dùng B52 rải thảm làm ruộng vườn tan nát.

Bà con chịu không nổi đạn bom và các cuộc càn quét đóng đồn bót, bắn phá ngày đêm của địch nên lần lượt rời bỏ ruộng vườn tản cư ra vùng địch tạm chiếm, chỉ còn một ít ra ngoài đồng cất chòi để làm ruộng. Đảng viên trong chi bộ và lực lượng du kích xã lần lượt hy sinh, một số tham gia vào lực lượng vũ trang tỉnh, quân khu, một số chạy dài, một số ít đầu hàng phản bội ra làm giấy “chiêu hồi”, chỉ còn lại vỏn vẹn có ba người.

Anh Sáu Sang là Bí thư Chi bộ cũng là người lớn tuổi nhất, anh Tư Điền là Xã đội phó, còn tôi là đội viên du kích cũng là người nhỏ tuổi nhất trong số ba anh em chúng tôi. Anh Tư Điền có biệt danh là “Tư chống càn” vì anh rất gan dạ và mưu trí, sáng tạo trong việc gài mìn, gài lựu đạn diệt nhiều tên giặc và xe lội nước M113, kể cả máy bay của địch.

Nói gài lựu đạn mà diệt được máy bay nghe như chuyện huyền thoại khó tin, nhưng đó là sự thật, bởi anh Tư nghiên cứu bãi đổ quân của địch bằng trực thăng, anh có sáng kiến đem lựu đạn gài cột trên đầu cây tre cắm xung quanh đó, khi trực thăng sà xuống đổ quân, cánh quạt máy bay làm bật chốt lựu đạn nổ, may là chiếc trực thăng cách xa trái lựu đạn nên chỉ bị thương, chúng hoảng hồn vụt lên cao rồi chuồn mất.

Anh còn nghiên cứu quy luật của bọn lính, khi đổ quân thì đổ nhiều lượt, trong lúc tốp trước chờ tốp sau thì thường leo lên mấy cái gò đất hoặc bờ ruộng chờ, anh đem đầu đạn 105 ly do công trường cải tiến gài ở một cái gò đất ở nơi bãi đổ quân, có lần trong trận đổ quân càn quét, tốp lính đầu vừa leo lên gò thì đầu đạn nổ làm chúng chết và bị thương hàng chục tên, trận càn bị bẻ gãy.

Trong thời gian bình định ác liệt, ba anh em chúng tôi cùng sống chết bên nhau, ban ngày thì cảnh giác địch càn quét đánh phá, gài mìn, lựu đạn bảo vệ vùng “căn cứ”, nói vùng căn cứ cho oai chứ thật ra là nơi ở của chúng tôi xen giữa hai đồn bót.

Ban đêm thì đặt trúm, đặt lờ, cắm câu bắt lươn, cá gởi bà con bán để mua gạo, dầu lửa, muối, nước mắm và pin vừa để nghe đài, vừa sử dụng đèn pin, đặc biệt là thuốc “rê trảng” cho anh Sáu… Thỉnh thoảng có dư tiền thì gởi mua trà, đường, đậu phộng.

Sau khi làm xong “nhiệm vụ” đặt trúm, cắm câu, chúng tôi trở về quây quần bên bếp lửa rang đậu phộng ngào đường, châm bình trà thật đậm để ăn “liên hoan” sau một ngày căng thẳng, chúng tôi ngồi uống trà bên chiếc máy thu thanh (radio) nghe tin tức thời sự, nghe những khúc ca hào hùng, thôi thúc lòng người như bài “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tiếng đàn Ta-lư”, “Cô gái vót chông” v.v… hoặc nghe “Đọc truyện đêm khuya”, “Tiếng thơ”…

Nhờ chiếc máy thu thanh mà chúng tôi biết được tin tức chiến thắng của quân ta từ các chiến trường, củng cố được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng miền Nam…

Có những đêm chỉ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ phải gọi nhau dậy, người đi dỡ trúm, thăm câu, người thì nấu cơm, nấu nước trước khi trời sáng để không còn khói đọng trong sương, người thì soạn lại vũ khí, lựu đạn, mìn gài để chuẩn bị tư thế cho một ngày mới.

Ba đứa chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc, người đi đặt trúm, người đi thả câu (gọi là thả vì ruộng bị bỏ hoang, bỏ hóa nhiều năm nên cỏ mọc rất dày, nước sâu nên không thể làm câu cắm được mà chúng tôi cắt một khúc sậy khoảng 3-4 tấc, cột một sợi dây gân có lưỡi câu dài khoảng 3 tấc vào giữa khúc sậy, móc mồi ốc rồi ra ruộng tìm chỗ nào ưng ý thì thả câu xuống)…

Anh Sáu thì đi ra các chòi đồng vừa để tuyên truyền vận động bà con bám đất, bám vườn, nhờ bà con bán “thủy sản” thu hoạch của chúng tôi, mua dùm gạo và các nhu yếu phẩm hoặc nhờ bà con móc nối gia đình gởi đồ “tiếp tế” cho chúng tôi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong ba chúng tôi chỉ có anh Sáu còn tiếp tục làm việc, tôi và anh Tư do trình độ văn hóa mới học hết lớp hai trường làng nên chỉ làm xong nhiệm vụ tiếp quản. Hết thời kỳ quân quản, chúng tôi trở lại ruộng vườn chăm lo cuộc sống gia đình. Khoảng một thời gian tôi lấy vợ và theo gia đình bên vợ lên Sài Gòn làm ăn, sinh sống.

Nhà anh Tư cách nhà anh Sáu một cánh đồng khoảng một cây số nhưng muốn qua lại phải đi con đường vòng mất khoảng gần một tiếng đồng hồ. Bây giờ đường giao thông thuận tiện, đi xe gắn máy chỉ mất 15 phút.

Vào mùa khô, bà con ở hai bên cánh đồng qua lại, thăm nom nhau thường đi qua bờ con kinh đào, con kinh này được đào trong thời gian kháng chiến chống Mỹ vừa để ngăn chặn xe lội nước M113, vừa làm con đường đi lại, vận chuyển của cán bộ và bộ đội hành quân.

Chúng tôi không đi qua nhà anh Sáu bằng xe gắn máy mà đi trên con đê này vào một buổi sáng mặt trời vừa nhô khỏi rặng cây. Những tia nắng mùa xuân ấm áp làm lấp lánh những hạt sương mai trên cánh đồng lúa chín trĩu oằn bông, tạo nên bức tranh đồng quê tuyệt đẹp trong cuộc sống thanh bình.

Tiếng súng đã êm hơn bốn mươi năm mà hôm nay khi đi qua bờ kinh này, tôi vẫn còn nghe âm vang của động cơ máy bay trực thăng gầm rú trên bầu trời, tiếng đạn bom cày xới trên mảnh vườn, thửa ruộng thân yêu, tiếng xích sắt của đoàn xe lội nước làm tan nát những thửa ruộng vàng mơ lúa trổ và tôi vẫn nghe tiếng mìn diệt xe tăng của anh Tư còn văng vẳng bên tai.

Tất cả đã trôi vào quá khứ của một thời chúng tôi còn trai trẻ đầy nhiệt huyết, bây giờ chỉ còn là ký ức của một thời oanh liệt đã qua.

Chúng tôi vừa đi vừa kể chuyện kỷ niệm vui buồn đã qua mà tới nhà anh Sáu lúc nào không hay. Tôi giật mình khi nghe tiếng chó sủa, ngước lên thì thấy anh Sáu đang say sưa ngắm nghía những cây mai vàng trồng trước sân. Vừa thấy chúng tôi, với giọng sang sảng như ngày nào, anh xởi lởi:

- Ôi! Chú Tư, chú Bảy đi qua tui chơi hả? Chú Bảy ở thành phố về hồi nào vậy?

Anh Sáu dang hai tay ôm chầm lấy tôi siết chặt và nói:

- Lâu dữ rồi mới gặp được chú. Sao, thím và các cháu khỏe không? Vào nhà đi, chúng ta cùng tâm sự.

Vừa bước đến cửa nhà, anh Sáu vội kêu:

- Bà nó ơi! Có chú Tư và chú Bảy đến chơi nè!

Chị Sáu trong bếp nói vọng ra:

- Đợi chút, tôi bận nồi cơm đang sôi. Mà chú Tư, chú Bảy nào vậy ông?

- Thì chú Tư “chống càn” và chú Bảy Hải hồi đó là du kích xã mình đó, bà không nhớ sao?

Chị Sáu trong bếp vội vã chạy ra, mừng rỡ:

- Chèn đét ơi! Chú Bảy về hồi nào vậy? Lâu quá không gặp chú thím, sao lúc này chú thím khỏe không? Đi Sài Gòn làm ăn ra sao? Có sui gia gì chưa?

Chị Sáu hỏi dồn dập một hơi làm tôi không kịp trả lời. Tôi lần lượt trả lời từng câu hỏi của chị:

- Dạ, tụi em vẫn khỏe, cám ơn chị. Việc làm ăn nhờ bạn bè giúp đỡ cuộc sống cũng ổn định, tụi nhỏ cũng lớn hết rồi, nhưng đứa nào cũng lo cho sự nghiệp chưa đứa nào chịu cưới hỏi gì hết ráo. Tụi em cũng trông tụi nhỏ có đôi, có bạn để có cháu mà bồng, chừng đó chắc chắn không thể thiếu anh chị Tư và anh chị Sáu đây để chúc mừng các cháu, không mất phần đâu mà chị lo.

Nãy giờ chị hỏi em nhiều quá làm em không kịp hỏi lại cuộc sống anh chị thế nào, nhìn ngôi nhà khang trang biết chắc là anh chị cũng khá giả có phải không?

Anh Sáu hớp ngụp nước trà, với giọng cười lạc quan, sảng khoái, nói giọng hài hước:

- Không giấu gì chú, nhờ trúng mùa cam liên tục mấy năm nay nên cuộc sống của gia đình tôi “ngó lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống không ai bằng mình”. Nói chơi với chú chớ cuộc sống của anh, chị cũng khấm khá hơn nhiều rồi.

Anh chỉ vào các vật dụng trong nhà, nói như khoe:

- Đó chú xem, tivi cũng có, xe gắn máy cũng có, tủ lạnh cũng có, muốn đi đâu thì ngồi trên chiếc xe gắn máy, rồ ga phóng đi tới đó rất nhanh. Bây giờ mà ngồi trên chiếc Hon-đa thì đi khắp thôn xóm, thuận tiện lắm.

Tivi thì muốn xem đài nào cũng có, muốn uống nước mát thì vào tủ lạnh mà lấy. Chưa hết đâu, bây giờ người dân sống ở nông thôn mà muốn liên lạc với nhau chỉ cần bấm vào điện thoại di động “a-lô” một cái thì ở bên Tây, bên Tàu cũng liên lạc với nhau được.

Nhắc tới điện thoại mới nhớ, tôi chưa có số điện thoại của chú, chú cho số điện thoại để còn liên lạc thăm hỏi lẫn nhau chớ. À, tôi quên khoe với chú là bây giờ tôi sử dụng máy vi tính cũng rành lắm nhe, muốn biết thông tin gì thì gõ vào Gu-gồ là có ngay, cho nên chú đừng xem thường “Hai Lúa” này nhe.

Nói đến đó, anh Sáu cất giọng cười ha hả. Chúng tôi cùng cười vui vẻ. Chưa xong câu chuyện thì chị Sáu đã chuẩn bị xong một bàn nhậu: một con gà hấp rượu với một lít rượu đế mà chúng tôi thường gọi là “nước mắt quê hương”. Tôi nhớ thời kỳ địch bình định, khi “tiếp tế” cho chúng tôi, chị Sáu thường gởi một con gà luộc “kèm” theo chai rượu nếp “hảo hạng” để làm ấm lòng “người chiến sĩ”.

Chúng tôi vừa “lai rai” vừa ôn lại những kỷ niệm vui buồn ngày xưa khi chúng tôi công tác bên nhau, đặc biệt là lúc khó khăn, ác liệt chỉ còn lại có ba anh em. Nhớ lúc chúng tôi cùng với những người công tác ở địa phương đã vào sinh, ra tử, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, một đồng chí ngã xuống ai nấy cũng đều đau buồn, thương xót như người thân của mình…

Câu chuyện hàn huyên của chúng tôi chưa hết mà bình rượu đã cạn khi nào không hay. Chúng tôi đã ngà ngà say, mà ân tình còn vương vấn mãi. Không thể ở chơi lâu được nữa. Chúng tôi đành phải chia tay anh chị Sáu, hẹn ngày gặp lại.

Tôi ra về với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Buồn vì chúng tôi phải xa nhau, mỗi người còn phải lo cho cuộc sống gia đình, vui vì nhìn thấy quê hương ngày được “thay da, đổi thịt”.

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh