Trời đất! Hổng lẽ chị Hai và anh Khoa… hai người đang yêu nhau? Chị Hai đã lớn tuổi, được một người như anh Khoa thì tốt còn gì bằng, nhưng… không hiểu sao tôi bỗng nghe ghen ghen, tức tức.
NGUYỄN LINH
Tranh minh họa: Trần Thắng |
- Út à, Út thấy anh Khoa là người thế nào?
Câu hỏi của chị Hai làm tôi giật mình, thảng thốt:
- Thế nào là… làm sao?
Chị bẽn lẽn, xe xe vạt áo, nói:
- Là… là người tốt hông? Vậy đó!
Trời đất! Hổng lẽ chị Hai và anh Khoa… hai người đang yêu nhau? Chị Hai đã lớn tuổi, được một người như anh Khoa thì tốt còn gì bằng, nhưng… không hiểu sao tôi bỗng nghe ghen ghen, tức tức.
Chắc lâu nay tôi đã âm thầm để bụng thương anh Khoa mất rồi. Hèn gì, tôi hay đem anh Khoa ra so với tụi con trai trong xóm, và lúc nào ảnh cũng là người thắng tuyệt đối. Mà, người tốt như ảnh thì phải lấy cớ gì để không thương cho được.
Ba mất hồi tôi còn nhỏ xíu, không biết mặt nên từ nhỏ tôi đã lấy anh Khoa hàng xóm làm mẫu mực về một người đàn ông tốt. Mãi đến tận bây giờ, khi đã là cô gái tuổi mười lăm thì anh Khoa vẫn là người đàn ông hoàn hảo nhất trong lòng tôi.
Thấy tôi ngồi bần thần, mắt nhìn đâu đâu, chị Hai hỏi vặn:
- Sao? Út không thích anh Khoa à?
Tôi muốn nói liền với chị Hai của mình là thích, rất thích nhưng sao mở miệng hoài mà mở không được đành giằm đũa vào chén cơm rồi trả lời mà mắt thì lơ đễnh nhìn hướng khác:
- Ừ, cũng tạm tạm!
- Tạm tạm thôi à? Vậy mà chị tưởng cưng cũng mến anh Khoa lắm chớ?
Hai ơi, Hai à, sao Hai ác chi với em dữ vậy? Sao Hai cứ nghĩ là em chỉ mến ảnh thôi? Hổng lẽ Hai muốn em nói thẳng là em yêu anh Khoa?
Mà, yêu thì có sao, em cũng lớn rồi chớ bộ. Tôi cố và thêm mấy đũa cơm khô khốc vô miệng rồi bỏ chén, nói hơi nhức đầu, bỏ xuống bến ngồi ở đám lá. Chị Hai ngơ ngác nhìn theo, chắc không tài nào đọc được những ý nghĩ trong lòng tôi.
Ngồi bên đám lá, nghe hương cà bắp thoang thoảng trong gió mà tôi không hề thấy dễ chịu chút nào. Tôi nhớ tới má. Hồi nhỏ, má hay kêu tôi bằng Út Mót. Có lần tôi nũng nịu, hỏi: “Sao hồi đó má hổng đặt cho con tên Lan, tên Huệ?
Chị Hai tên Hằng đẹp muốn chết, má đặt chi cho con cái tên xấu ơi là xấu vậy?”. Nghe hỏi, má xoa đầu tôi, nói hồi chị Hai hai mươi tuổi má mới sanh ra tôi, èo ọt như con mèo ướt nên ba biểu kêu vậy để dễ nuôi. Tôi cười, hèn gì mình còn nhỏ xíu mà má thì đã già lắm rồi. Già như thể bà với cháu.
Con nít hay thắc mắc chuyện này, chuyện nọ. Có bữa tôi thủ thỉ: “Mấy bà hàng xóm nói con là con rơi, con lượm. Người ta nói ba má xin con hồi cái năm nuôi vịt chạy đồng ở Long Xuyên gì á!”
Má nghe, giận, biểu tôi đừng nghe mấy lời bậy bạ của mấy bà ngồi lê đôi mách. Má nói mà mắt má buồn, day qua chỗ khác. Hình như má khóc. Tôi đứng trân, hối hận.
Lúc đó, Chị Hai dắt tôi đi tiệm mua đá bào, dỗ dành: “Mơi mốt đừng hỏi má chuyện bậy bạ đó. Ba mất rồi, má và chị cưng Út nhất nhà, Út là con ruột của má, là em ruột của chị. Hiểu chưa?” Tôi khẽ dạ, lòng nghe hối hận vì biết mình đã lỡ lời làm má buồn, má giận.
Má thương tôi lắm. Nhớ năm đó, sáng ba mươi tết, vì nhà túng thiếu nên má biểu chị Hai bắt gà mẹ và đàn con mới nở hơn mười ngày ra chợ bán để mua cho tôi bộ quần áo mới.
Sáng mùng một, tôi mặc bộ đồ bông xanh đọt chuối còn thơm mùi vải chạy ra sân, cốt ý để khoe với mấy đứa hàng xóm. Chợt lòng nghe buồn vì sân nhà từ nay không còn nghe tiếng mẹ gà tục con những khi tôi rải cho chúng một nắm tấm mẳn.
Thấy tôi đứng thừ người, má hiểu ý, chạy ra dỗ: “Thôi, đừng buồn nữa con, mơi mốt đàn mái tơ lớn lên, đẻ những bầy gà dễ thương cho Út. Chịu hông?” Tôi nhụi đầu vào lòng má, nghe hơi ấm rất dễ chịu tỏa ra từ tình máu mủ, ruột rà.
Chị Hai có nhiều đám đến dạm hỏi cưới. Chị lớn tuổi rồi, lần nào má cũng biểu chị ưng vì con gái có thì, nhưng hổng hiểu sao lần nào chị cũng khóc.
Thấy vậy, má ôm chị vào lòng rồi má cũng khóc. Chỉ một cái gật đầu thôi là chị Hai được làm cô dâu, được mặc đồ đẹp, vui lắm, vậy mà ai cũng khóc, kỳ thiệt!
Tôi chợt nghĩ lớn lên mình hổng lấy chồng, ở hoài, ở mãi với má, với chị Hai để má đừng buồn, đừng khóc nữa. Chị Hai không chịu lấy chồng, chắc chị nghĩ có chồng rồi không ai nấu cơm cho má ăn, không ai mua thuốc cho má uống khi bị bệnh. Coi vậy mà chị Hai của tôi thương má nhiều ơi là nhiều.
Ngày một lớn, trước những lời nói xa, nói gần rằng tôi không phải con ruột của má, tôi không quan tâm, chẳng bao giờ hỏi má về chuyện đó nữa vì trong thâm tâm tôi luôn khắc ghi một điều: Má chính là người đã rứt ruột đẻ đau và chị Hai luôn là người chị đáng kính.
Có bữa hai chị em đi đồng, tôi nói:
- Hai ơi, bây giờ em đã lớn, có thể làm ruộng, làm mướn nuôi má, nấu cơm, kho cá cho má được rồi. Hai coi anh nào được được, bảnh trai một chút càng tốt thì ưng, hén Hai!
Chị cười, vỗ nhẹ vào đầu tôi:
- Lo học hành đi cưng! Mới mười lăm tuổi mà lo chi ba cái chuyện của người lớn vậy? Ừ, thì giỏi rồi, vậy mà lúc nào cũng mê ăn, mê ngủ.
- Em nói thiệt đó, hổng lẽ Hai ở vậy hoài với má, với em cho tới già luôn sao?- tôi nũng nịu.
Tôi nhìn chị, ba mươi lăm tuổi, tóc chị chưa bạc nhưng gương mặt đã có nhiều nếp nhăn. Chắc chị làm lụng cực quá. Ba không còn, má thì mấy năm nay cứ bệnh rề rề, ruộng vườn một tay chị lo. Thêm nữa, chị là người sống rất nội tâm.
Mà, nội tâm chị nghĩ gì tôi vô phương hiểu được. Mỗi chiều, chị thường xuống bến ngồi coi nước chảy. Có bữa ngồi tới khuya, chị khóc. Chị giấu mọi người, hễ thấy má hay tôi bước xuống là chị lấy tay quệt nước mắt, giả bộ cười.
Chị cười mà mắt chị tèm nhẹp nước. Tôi đoán chị buồn lắm, đau lắm. Là chị em gái, nhiều lúc tôi muốn đến bên an ủi, nhưng với cái tuổi mười lăm, đầu óc non nớt của tôi chưa hiểu nhiều, hiểu hết những ý nghĩ trong lòng chị thì biết phải làm gì để san sẻ.
Và cũng trong năm đó, năm tôi mười lăm tuổi, má qua đời. Tôi vẫn còn nhớ như in, bữa đó mưa không lớn nhưng cứ rả rích suốt ngày. Trong cơn hấp hối, má chỉ kịp trăng trối là tiếc chưa có dịp nhìn đứa con gái lớn mặc áo cưới, rồi cầm tay chị áp chặt vào tay tôi như ngầm bảo hãy thương yêu, lo lắng và chăm sóc cho nhau.
Vậy là má đi, đi êm ru, hệt như người đang nằm ngủ. Tôi khóc. Chị Hai ôm tôi, biểu nín mà chị cũng khóc. Lúc anh Khoa chạy qua, tôi thấy mắt anh đỏ hoe, xửng vửng: “Trời, bác Hai mất rồi sao?”
Nghe mùi cà bắp dậy động trong lòng, tôi nhớ ngay đến đôi tay trổ nhiều đốm đồi mồi của má. Má đã dạy tôi cách chằm lá thế nào cho khéo, cho đẹp. Người ta hay nói người già da trổ đồi mồi thì sống thọ lắm. Vậy mà má tôi…
Má ơi, sao má sớm vội ra đi? Hồi còn sống, má cứ dặn hoài chị Hai phải thương yêu, lo lắng cho tôi. Vậy mà bây giờ, trên đời này có biết bao người đàn ông tốt, tại sao chị không chọn, lại lựa ngay trân người mà tôi thương, tôi nhớ.
Anh Khoa qua nhà. Tôi muốn thố lộ tình cảm cùng anh nhưng biết phải bắt đầu như thế nào trong khi ánh mắt, trái tim của anh đã dành trọn vẹn cho Hai của tôi hết rồi. Với tôi, anh Khoa cứ tự nhiên như đối với một đứa em gái làm tôi thấy giận vì tôi đâu phải đứa con nít, dỗ dành, tặng quà để lấy lòng là được.
Những điều ấy, có lẽ hồi còn nhỏ xíu tôi sẽ rất mừng. Nhưng bây giờ, những điều tôi nghĩ, tôi muốn làm sao anh biết được. Mà, thí dụ có biết được anh sẽ nghĩ sao? Thấy tôi cứ bần thần nghĩ những chuyện đâu đâu, anh đâm lo: “Út bị bệnh hả? Chị Hai đi chợ chừng nào về? Có lo thuốc men gì chưa?”
Được anh quan tâm, tôi mừng muốn rớt nước mắt, giả bộ nũng nịu: “Em thấy ớn lạnh, nhức đầu mà hổng biết chị Hai đi chợ tới chừng nào mới về nữa!” Chắc anh nghĩ tôi bị cảm nên luống cuống chạy ra hè bứt vội mấy nắm lá sả, lá ổi, lá bưởi nấu cho tôi một nồi xông.
Nhìn anh lui cui dưới bếp bên ánh lửa nhập nhoạng, tôi bỗng nghe nỗi vui sướng dâng ngập trong lòng. Phải chi anh Khoa là riêng, là duy nhất của tôi để mỗi ngày tôi luôn được thấy anh, được anh săn sóc, vỗ về.
Trời nóng, người anh ướt đầm đìa, bỗng dưng tôi muốn được tự tay dùng khăn lau khô đi những giọt mồ hôi nóng hổi ấy rồi ngã vào bộ ngực vạm vỡ, vòng tay hộ pháp của anh dù chỉ một lần.
Tôi nghe ghen với chị Hai, chắc chị hạnh phúc lắm mỗi khi được gần gũi bên anh, được nghe anh nói những lời mà chỉ những người đang yêu mới dành cho nhau.
Tôi lấy bản thân ra so sánh: Trời phú cho tôi và chị Hai có gương mặt, cặp mắt và nhiều nét giống nhau (chắc chúng tôi giống má, nhận được từ má nét dịu dàng đằm thắm). Tôi trẻ hơn chị nhưng tại sao người mà anh Khoa chọn là chị Hai, không phải là tôi?
- Út à, mấy ngày nay chị Hai có chuyện gì buồn mà anh thấy chị của em ít nói quá vậy?
Lời của anh Khoa làm tôi nghe hổ thẹn. Tôi ích kỷ vì đã giận chị Hai. Mà, Hai có làm gì sai để tôi giận đâu? Tôi muốn nói thẳng ra là tại anh, tại anh đó! Nhưng lương tâm của một đứa em và lòng tự trọng của một người con gái đã giúp tôi cố kiềm lại được.
Người ta yêu, tiếng yêu nói ra thật dễ, riêng tôi, yêu mà phải giấu, phải dồn nén tình cảm trong lòng.
- Ờ… chắc tại hổm rày em bị bệnh nên chị Hai đâm lo chớ hổng có gì đâu.
Tôi trả lời anh mà lòng nghe đau, cổ họng như có gì chẹn lại. Tôi ngó xuống bến, ngại nhìn vào mắt anh nhằm giấu đi tâm trạng ngổn ngang như mớ dây bòng bong đang chằng chịt ngoài đám lá.
- Thôi, anh Khoa về đi, để nồi xông đó em tự lo được rồi.
- Í, đâu có được, anh phải ở đây với em tới khi nào chị Hai đi chợ về, giao bệnh nhân lại anh mới yên tâm. Út xông rồi ngủ một giấc, lát nữa anh ra đìa bắt con cá lóc, nấu nồi cháo giải cảm thiệt ngon cho Út, hen!
Nghe anh nói, tự dưng tôi lại muốn rớt nước mắt. Khoa ơi, đừng tốt với em, hãy lo cho chị Hai nhiều nhiều đi.
Trong cái gia đình này, từ khi má mất rồi, chị Hai là người thương yêu em nhất. Em cảm nhận được tình cảm của chị từ đôi tay chay sạm và ánh mắt thân thương. Hai gần bốn mươi tuổi rồi, em còn trẻ, em sẽ cố mà quên.
Tôi nghĩ vậy nhưng không biết liệu mình có làm được điều ấy hay không, cái điều mà trái tim và lý trí cứ lẩn quẩn riết lấy nhau.
Chị Hai lấy chồng. Hôm anh Khoa ngỏ lời cầu hôn, mấy ngày liền, chị cứ hỏi hoài ý kiến tôi: “Anh Khoa được không? Út thấy thế nào? Ảnh làm anh rể, chúng ta sống chung, là người một nhà. Út đồng ý thì chị mới chịu, bằng không thì thôi vậy…”.
Tôi lặng thinh. Chị tiếp: “Nếu Út hổng muốn chị có chồng… thì thôi. Má mất rồi, nói thiệt, chị thương Út còn hơn cả bản thân mình nữa”. Chị cứ hỏi riết, chị đưa tôi vào thế cờ nan giải, tôi biết trả lời thế nào đành gật đầu mà lòng nghe chua xót.
Chỉ bao nhiêu đó mà tôi thấy chị cười, chị vui và trẻ ra như thể ở cái tuổi mười lăm, mười bảy. Chị đâu biết lòng tôi đang đau, giả bộ cười, xách cây dao phay chạy xuống bến nói đốn lá mới làm cho chị cái phòng hoa chúc.
Đêm xuất giá (nói là vậy chớ sau đám cưới anh Khoa qua ở rể), chị nắm tay tôi, khóc và tâm sự với tôi rất nhiều. Chị nói ước gì ba má còn sống để được nhìn con gái mặc áo cưới. Lời của chị Hai làm tôi thấy nhớ má vô cùng, như là mới ràng ràng đây thôi, cái bữa má trăng trối rồi vội vã ra đi. Tôi khóc theo chị, khóc thiệt nhiều.
Chị vô tình đâu biết rằng có những giọt nước mắt mà tôi đang khóc là vì một lẽ khác: tôi khóc cho mình. Nói thật lòng, tự dưng biểu tôi quên anh Khoa, quên liền để hai người đẹp đôi, tôi không đang tâm, nhưng biết phải làm gì bây giờ.
Trời khuya, khách đã vãng, chỉ còn nghe cái giọng ca cổ nhão nhẹt, bắt quàng của mấy tay xỉn rượu. Dân xóm tôi là vậy, hết bài thì ca cương, có khi ca cương cho tới sáng. Người ta vui, người ta hát để chúc mừng cho cô dâu chú rể, còn tôi ngồi cô độc trong phòng hoa chúc đáng ra là của mình mà sự thật không phải của mình.
Những ngày sắp tới tôi sẽ sống thế nào cho phải, liệu có đủ can đảm để chứng kiến hạnh phúc của chị ruột và một người là người dưng nước lã? Đêm nay sao gió về nhiều quá. Gió làm cà bắp dậy hương không chịu được.
Sau ngày cưới của Hai, chắc tôi phải ra đi. Ý nghĩ kỳ thiệt! Đi đâu bây giờ? Tôi nhìn một lượt khắp gian phòng, ao ước rằng đây là phòng hoa chúc của mình rồi mơ màng thấy anh Khoa dìu tôi đi trên một thiên đường hạnh phúc.
Ở đó không có ưu phiền, trong căn nhà giản dị, chiều chiều khi chồng đi ruộng về, vợ đợi sẵn bên nồi cơm gạo mới cùng đứa con bụ bẫm dễ thương,…
*
* *
Chiều nay, gió rong ngọn, xà quần miết trên đám lá, xé rách bươm mấy tàu non vô tội. Đêm qua, ngay phòng hoa chúc, tôi đã vô tình đọc được những dòng nhật ký của chị Hai và đã biết được một sự thật. Hồi trẻ, Hai lầm lỡ rồi sinh ra tôi.
Trời ơi, tại sao Hai của tôi lại chính là má ruột của tôi? Sao vậy? Tại sao vậy? Má ơi, thiếu chút nữa là con đã bất hiếu, đi tranh giành người yêu và hạnh phúc của má mất rồi. Tôi gục đầu bên đám lá và nghe đâu đấy cà bắp lại dậy hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin