Sau cơn bão số 2, mưa cũng bớt dần nhưng cảnh vật vẫn như còn đẫm hơi nước mưa, không khí buổi sáng vẫn lạnh lạnh khiến tôi phải rùng mình. Vẫn còn sớm, khoảng hơn 5 giờ sáng, đèn đường vẫn sáng, đường phố vẫn còn im ắng.
Nguyên Thuần
Sau cơn bão số 2, mưa cũng bớt dần nhưng cảnh vật vẫn như còn đẫm hơi nước mưa, không khí buổi sáng vẫn lạnh lạnh khiến tôi phải rùng mình. Vẫn còn sớm, khoảng hơn 5 giờ sáng, đèn đường vẫn sáng, đường phố vẫn còn im ắng.
Chỉ có nhóm người tập thể dục, chơi thể thao đã rải rác xuất hiện ngoài công viên trước đường vào Nghĩa trang Liệt sĩ TX Bình Minh. Tiếng cười nói của mọi người nghe giòn tan, khỏe khoắn.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Tôi thầm nghĩ, cũng có ngày mình sẽ có mặt trong đám đông vui ấy khi phải về hưu, rảnh rỗi mới có điều kiện tham gia để có chút giây phút thư giãn của tuổi xế chiều. Suy nghĩ miên man, tôi đã đến cổng nghĩa trang lúc nào không hay. Bây giờ, tôi mới nhớ mình đến nghĩa trang liệt sĩ để làm gì.
Hôm nay, 27/7/2017, ngày Thương binh- Liệt sĩ. Là giáo viên dạy văn, sinh ra trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, sống trong hòa bình đến nay, tôi đã hơn 50 tuổi rồi còn gì, dù không có ai là người thân nằm trong phần đất thiêng liêng ấy nhưng tôi vẫn không quên hàng năm cứ đến ngày này là lặng lẽ mang hoa, nhang thơm đến viếng các anh từ lúc sáng sớm.
Giờ này, nghĩa trang còn vắng lặng, tôi lại cảm thấy các anh nằm dưới lớp đất Mẹ như đang còn nằm ngủ chờ sáng dậy.
Mùi nhang thơm và đóa hoa tôi đặt và cắm vào bát hương lớn cạnh tượng đài liệt sĩ sẽ đánh thức các anh dậy để gặp lại những người thân yêu của các anh đến thăm viếng trong ngày kỷ niệm!
Ngày mà nhân dân cả nước trân trọng kỷ niệm, tưởng nhớ công lao vì nước của các anh!... Đang suy nghĩ miên man, tôi bỗng giật cả mình khi nghe tiếng một người con gái vang lên bên cạnh:
- Em chào thầy!
Ai mà đến nghĩa trang sớm như tôi vậy? Tôi cảm giác vui vì có người đồng cảm với mình.
Tôi vội quay lại đáp nhanh:
- Chào em.
Cô gái đứng bên cạnh tôi lúc ấy có nụ cười tươi, mắt to, lông mi dài cong vút, mái tóc dài óng ả thật đẹp hợp với bộ đồ màu tím hoa sim.
Tôi nghĩ vui thoáng qua “Chà sao giống cô nàng trong bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan quá vậy trời!” Cô gái như đoán được ý nghĩ của tôi, cặp mắt chớp chớp, gương mặt trắng của cô trở nên hồng hào hơn. Cô tươi cười:
- Thầy đến viếng sớm vậy? Giờ này nghĩa trang còn vắng người quá!
- À, xin lỗi, sao em biết tôi là thầy giáo mà xưng hô vậy?
Cô gái cắn nhẹ môi và có vẻ bí ẩn:
- Em còn lạ vì thầy nữa, năm nào mà thầy không đến viếng nghĩa trang vào ngày này!
Tôi ngạc nhiên, suýt há hốc miệng ra nhưng kịp bình tĩnh lại, hỏi nhanh:
- Vậy ra cô em đã biết tôi lâu rồi à?
Cô gật đầu tinh ranh như lũ học trò nữ nghịch ngợm trong giờ học văn vậy. Không để tôi ngạc nhiên nữa, cô gái nói nhanh:
- Em là Thùy Hương, đang học đại học khoa văn năm thứ ba. Học trò cũ của thầy nè, Hương mọt sách đó thầy!
Tôi nhớ ra rồi, cô bé Hương mắt to, con mọt sách của tôi đây mà! Nhanh tay ký nhẹ lên mái tóc dài của con bé, tôi như reo lên:
- Cái con mọt sách này đây à!
- Dạ, em đây! Thầy vẫn phong độ như xưa, em nhớ thầy quá thầy ơi! Gặp lại thầy, em vui lắm!
- Thầy cũng vậy! Đâu quên được các em, nhưng các em lớn rồi nên thầy hơi bị khó nhận ra.
Tôi không ngờ cô bé ngày nào chúi mũi vào đống sách vở bị bạn bè trêu chọc là “con mọt sách” cứ khóc thút thít, mít ướt khi nghe truyện chia tay của cha con anh Sáu, bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng;
có lúc đỏ mặt như mình chính là cô kỹ sư trẻ lúc cố tình để quên chiếc khăn mùi xoa cho anh thanh niên lúc phải chia tay trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nhà văn Nguyễn Thành Long;
hay khóc hết nước mắt khi nghe tôi kể về mười cô gái hy sinh anh dũng ở ngã ba Đồng Lộc- tư liệu liên quan đoạn trích “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn nữ Lê Minh Khuê.
Cô bé khóc cũng giỏi mà cười cũng giòn lắm, hôm dạy xong về nhân vật Phương Định với hai bím tóc dày, cổ cao, “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”, ngay hôm sau bước vào lớp 9A1, ngay đầu bàn nhất, tôi thấy Thùy Hương mở to mắt như cười tinh nghịch khi đứng lên chào tôi. Tôi khựng lại, Phương Định đang đứng đó chứ không phải em- hai bím tóc dày, cái nhìn xa xăm…
Tôi xúc động lắm, không ngờ vẫn còn có những học trò của tôi còn yêu văn học đến vậy! Không ngờ, cô bé ấy giờ là một thiếu nữ xinh đẹp, đang tiếp chuyện với tôi.
- Thưa thầy!
Tiếng gọi của em khiến tôi trở về thực tại. Tôi mỉm cười nhìn em nhưng vẫn còn xúc động lắm. Tiếng nói nhẹ nhàng như làn gió sớm của em lại vang lên:
- Em không bao giờ quên những gì thầy đã dạy cho em, vì thế em cũng lặng lẽ ở đây và chăm sóc cho các anh trong nghĩa trang này.
Tôi cười thầm, vội nói:
- Cái con bé này, học đại học văn rồi mà vẫn còn nói sai “đến đây và thăm viếng các anh” mà nói là “ở đây và chăm sóc cho các anh”, phải còn học lớp 9 là thầy đánh đòn rồi nhé!
Cô bé bỗng nhợt nhạt, tắt ngay nụ cười nhưng vờ như không nghe lời trách vui của tôi, ngước nhìn lên không trung cặp mắt lại xa xôi, tôi cũng bất giác nhìn theo.
Trời đã dần sáng, sương như đang tan mỏng ra, bóng dáng của em hơi mờ ảo, màu áo tím hoa sim của em như chuyển sang màu tim tím của “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc” trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.
Tôi lại nhớ kỷ niệm xưa của em rồi, nhớ lúc đó em tâm sự: “Em cũng muốn được như nhà thơ Thanh Hải, cống hiến nhỏ nhoi của mình cho quê hương, đất nước.” Lúc đó tôi nghĩ thầm con bé này lớn lên sẽ mạnh mẽ, làm được nhiều điều cho đất nước lắm đây!
- Thầy ơi!
Tôi lại ngượng thầm, cứ hồi tưởng quá khứ mà không hỏi thăm em gì cả. Định hỏi thì em nói nhanh:
- Gặp được thầy lần này có lẽ là lần cuối, em phải đi xa, không thực hiện được nguyện vọng mà ngày nào em đã hứa với thầy! Em rất muốn tâm sự với thầy nhiều lắm nhưng trời sáng rồi em phải đi nhe thầy, kẻo không kịp lên thiên đàng!
Một làn gió lớn thổi tạt làn bát hương cháy sáng rực lên, khói nhang phà vào làm cay cả mắt tôi. Dụi mắt vì cay mắt quá nên tôi chỉ đáp nhanh:
- Con bé này cứ đùa dai như lúc còn đi học! Được rồi con gái ơi, có bận về sớm đi học thì đi đi con!
Đến khi mở mắt ra thì Thùy Hương đã không thấy bóng dáng đâu nữa. Tôi nghĩ bụng con bé này cũng nhanh nhẹn thật, mới đó mà đi mất rồi ư?
Nhưng loáng thoáng trong đầu tôi như thấy có cái gì sai sai ấy. Chả lẽ mới không đầy một phút mà con bé đã đi ra khỏi cổng nghĩa trang nhanh vậy? Vì đứng trên đài cao nhìn ra cổng thấy rõ mồn một mà, có chạy cũng thấy ở đàng xa chứ? Tôi chặc lưỡi:
- Cái con bé này…
Chưa thốt hết câu, tôi bỗng giật mình khi nhớ đến câu nói của con bé “Em không bao giờ quên những gì thầy đã dạy cho em, vì thế em cũng lặng lẽ ở đây và chăm sóc cho các anh trong nghĩa trang này”, “Gặp được thầy lần này có lẽ lần cuối, em phải đi xa, không thực hiện được nguyện vọng mà ngày nào em đã hứa với thầy!
Em rất muốn tâm sự với thầy nhiều lắm nhưng trời sáng rồi em phải đi nhe thầy, kẻo không kịp lên thiên đàng!”. Rồi bóng dáng của em hơi mờ ảo, làn gió thổi, bát nhang cháy rực,… Trời ơi! Có lẽ nào con bé đã…
Đèn đường đã tắt tự bao giờ, trời đã rạng sáng, cảnh vật bỗng sáng hẳn lên. Ngoài cổng nghĩa trang, đã có vài nhóm thân nhân liệt sĩ chuẩn bị vào viếng mộ liệt sĩ. Tôi như bị chôn chân trên tượng đài liệt sĩ, nước mắt giàn ra, xúc động vô cùng, nửa tin nửa ngờ về cuộc gặp gỡ kỳ lạ vừa mới xảy ra…
Cúi đầu một lần nữa trước bát hương nghi ngút đã cháy gần hết, tôi lặng lẽ bước xuống từng bậc tam cấp rời nghĩa trang, như người mất hồn.
“Xôi đậu xanh đây!” Tiếng rao của chị bán xôi như đưa tôi về thực tại. Tôi sà xuống thúng xôi của chị, mua ngay một gói, nhìn thau xôi nấu với đậu xanh thơm lừng được rưới thêm cơm dừa trắng tinh, hòa với đường cát trắng, mè rang thơm phưng phức mà nước miếng tứa ra hồi nào không hay.
Đón vội gói xôi bên ngoài được bọc bởi chiếc bánh kẹp mà tôi muốn bỏ hết vào miệng nhai ngấu nghiến, tôi đi như chạy vào quán cà phê Việt Anh, kêu xong ly sữa nóng, tôi vội vã lấy gói xôi ra thưởng thức. Bỗng bàn bên cạnh có tiếng hai người đàn bà mặc đồ thể thao thủ thủ:
- Chị nhớ mua bó hoa cúc tím cho bà Năm nhe! Chút nữa bả đi cúng con Hương đó!
- Ừa, nhớ rồi, bà nhắc hoài, tui nhớ mà! Tội nghiệp bả có một đứa con gái đang học đại học năm thứ ba mà nó bị tai nạn giao thông, tội quá!
- Tui nhớ hình như là hôm đó con Hương chạy ngang nghĩa trang thì bị thằng say rượu nào đó đụng chết hả bà?
- Thôi uống nhanh về, mua hoa cho bả đi cúng con nhỏ ngoài chỗ con bé bị đụng. Vì người ta nói ai chết ở đâu thì hồn sẽ ở đó.
- Ghê quá! Đi bà ơi!
- Ê, cái con mẹ này, tự dưng gợi chuyện rồi la ghê!
Gói xôi của tôi rơi xuống đất lúc nào tôi cũng không hay. Đúng là con bé Thùy Hương đã mất thật rồi!
Hèn chi nó nói những điều rất thật và có ý nghĩa mà tôi cho là ngớ ngẩn! Con bé đã thực hiện được những gì lúc còn sống đã từng mơ ước, tôi cảm thấy thương và khâm phục em quá! Con gái ơi! Con thật tốt, con hãy yên nghỉ đi!
Bên cạnh con còn có các anh sẽ đưa con về chốn thiên đàng, nơi đó con sẽ hạnh phúc! Trên nền trời lúc này đã sáng rõ nhưng tôi tin chắc rằng đâu đó đã có một ngôi sao nhỏ xa xôi!
2 giờ sáng, 22/7/2017
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin