Truyện ngắn: Ngọn đèn trong đêm mưa

06:08, 20/08/2017

Càng về khuya, đêm càng tối đen như ly cà phê đậm đặc. Bầu trời không một ngôi sao, gió nồm nam thổi vù vù, mang hơi nước lành lạnh. Xa xa, sấm nổ ầm đùng, chớp lóe sáng quắc báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đến. 

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

TRƯƠNG HOÀNG MINH

Càng về khuya, đêm càng tối đen như ly cà phê đậm đặc. Bầu trời không một ngôi sao, gió nồm nam thổi vù vù, mang hơi nước lành lạnh. Xa xa, sấm nổ ầm đùng, chớp lóe sáng quắc báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đến.

Cảm nhận được cơn thịnh nộ của trời đất, chó không dám sủa, gà không dám gáy dù đã quá nửa đêm. Bọn chuyên sống về đêm như cú vọ, mèo chuột đều rút vào hang ổ, im hơi lặng tiếng.

Một cơn gió mạnh xô vào căn nhà nhỏ bé cũ kỹ của bà Chín Hoài làm vách lá rung lên soàn soạt. Căn nhà đã quá cữ lợp lại, lá mục gần tới sống nhưng do để dành tiền lo cho cô Lệ sanh nở, chừng nào cô ấy cứng cáp bà mới làm. Chèn nhét hết được, bà bèn mua cao su trải dọc bên trong theo hai mái nhà, chống dột.

Bà Chín giật mình thức giấc, chun ra mùng, đến vặn ngọn đèn trứng vịt trên bàn thờ cao thêm, đưa mắt nhìn ra ngoài trời, chép miệng than “nhà dột cứ gặp mưa đêm”. Bỗng, tiếng cô Lệ trong buồng kêu lên:

Má ơi! Má!

Bà Chín hỏi vọng vào:

- Cái gì vậy Lệ?

- Con đau bụng quá!

Bà Chín bước vô buồng, giở mùng Lệ chun vô, hỏi:

- Đau chỗ nào, bao lâu rồi? Chắc đau cục máu nhà con chớ gì?

- Hổng phải! Đau nhiều lắm, còn ra huyết và muốn sốt nữa. Hình như… sắp làm băng!

Bà Chín rầy:

- Bậy nè! Cái miệng ăn mắm ăn muối nói bậy nói bạ không nên!

Không ai hiểu biết mình bằng chính mình. Lệ bị băng huyết. Thật cơ khổ! Nhà chỉ có ba người, một bà già gần bảy mươi, một sản phụ và một bé trai sơ sinh. Chồng Lệ đi làm xa, vợ sanh về mấy bữa, mới đi hôm qua thì hôm nay vợ bệnh.

- Bà Chín lính quýnh như gà mắc đẻ, cứ chạy tới chạy lui, chắc lưỡi hít hà than vắn thở dài chứ chẳng biết làm gì, Lệ giục:

Má chạy đi kêu đò dọc đưa con tới bệnh viện mau đi.

Bà Chín đốt cây đèn ống khói lớn, vừa mở cửa ra liền bị gió thổi tắt phụt. Bà trở vô lấy cái giỏ nhựa, để cây đèn vào, bỏ ống khói, vặn tim lên cao, giỏ nhựa có lỗ, gió càng mạnh lửa càng cao, không tắt (kiểu quẹt Zippo).

Đường đi tối như bưng, tàng cây hai bên lề giao nhau như một cái hang sâu hun hút. Mắt già sờ sệt, ánh đèn chấp chóa tranh tối tranh sáng khiến bà bước thấp bước cao như người say rượu suýt vấp té mấy lần.

Một ánh chớp lóe lên sáng rực soi rõ những hàng mộ trắng đục, thẳng băng trong nghĩa trang liệt sĩ. Ánh chớp tắt, đêm càng tối hơn. Một vài con đom đóm bị gió thổi bay chập chờn như ma trơi. Bà Chín khựng lại, dùn mình nổi ốc cục.

Bà rất sợ ma. Lúc bình thường, đố bà dám đi qua đây vào thời điểm này, còn bây giờ tình mẫu tử thiêng thiêng chiến thắng tất cả. Bà tiếp tục đi, miệng niệm Phật lầm thầm mong xua đuổi tà ma: “Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam mô… Nam mô…”.

Tới nhà Tư Đen chạy đò dọc, bà Chín gõ cửa dồn dập, kêu lớn:

- Chú Tư ơi! Chú Tư! Chú làm ơn đưa con Lệ qua bệnh viện, ăn (tiền) bao nhiêu tui trả cho chú.

Vợ chồng Tư Đen thức dậy nhưng không mở cửa. Chị Tư hỏi vọng ra:

- Con Lệ đau làm sao mà đi bệnh viện giờ này, cô Chín?

- Nó làm băng.

- Làm băng?

Vợ chồng Tư Đen kêu lên rồi nhìn nhau trợn mắt, thè lưỡi, lắc đầu tỏ vẻ ghê sợ. Chị Tư không chỉ từ chối mà còn giở giọng… đạo đức giả:

- Đò tui hư máy rồi cô Chín ơi! Cô đi kêu thằng Lành hoặc thằng Nhờ đi cô! Chỗ hàng xóm với nhau mà không giúp được cô, tụi tui cũng áy náy lắm nhưng chẳng biết làm sao. Vái trời vái Phật cho con Lệ tai qua nạn khỏi.

Bà Chín năn nỉ không được liền tới kêu thằng Lành. Nó định đi nhưng má nó không cho với lý do máy hết xăng. Bà bèn ba chân bốn cẳng tới đập cửa nhà thằng Nhờ. Nó ngủ coi chừng đò dưới bến. Ông Năm Cậy thức dậy mở cửa mời bà vô nhà. Sau khi biết rõ sự tình, ông cùng bà Chín chuẩn bị đi thì mưa ập tới từng cơn sầm sập, sầm sập, gió giật ràn rạt, ạt ào.

Ông Năm bước đến đứng tựa cửa cái, đưa mắt nhìn mưa giăng giăng, nghĩ ngợi, lo lắng. Bệnh này cực kỳ nguy hiểm, mất nhiều máu, nếu không được cầm máu, tiếp máu kịp thời con Lệ có thể tử vong.

Nhưng, mưa giông thế này làm sao đi? Chờ mưa tạnh thì biết chừng nào, còn dầm mưa lại càng nguy hiểm hơn! Trường hợp của Lệ khiến ông nhớ lại chuyện của ba ông thời kháng chiến chống Pháp. Ông cụ bị thương nặng ở đùi, đường tải thương quá xa lại bị cơn mưa dai cản trở nên ông đã chết do máu ra quá nhiều trước khi đến trạm quân y.

Càng nghĩ càng rối. Ngoài trời mưa gió cứ lạnh lùng không dứt, thân thể ông Năm lạnh ngắt nhưng tim gan ông lại nóng bức như bị lửa thiêu.

Một ánh chớp lóe lên soi rõ đống củi khá to được đậy miếng vải cao su ngoài sân, ông Năm quay phắt lại hỏi vợ:

- Nhà mình còn cái áo mưa nào không bà? Vải cao su cũng được.

Bà Năm lắc đầu, chỉ tay ra sân:

- Không có áo mưa, chỉ có miếng vải cao su đậy củi ngoài sân. À, còn cây dù nữa- bà Năm trực nhớ liền đi lấy cây dù.

Ông Năm vụt chạy ra sân lấy miếng vải cao su đậy củi, chạy vào hàng ba giũ nước phành phạch, kêu bà Năm đưa cây đèn pin, cây dù rồi nói với bà Chín:

- Mình đi chị Chín!

Hai người che chung miếng vải cao su chạy lúp xúp xuống bến kêu thằng Nhờ dậy đi. Nó hỏi:

- Đi đâu ba?

- Chở con Lệ đi bệnh viện.

Nhờ nhìn bà Chín, hỏi:

- Lệ bịnh gì vậy cô?

- Đừng hỏi lôi thôi, quay máy đi, gấp lắm rồi- ông Năm gắt.

- Ba đi nữa hả?

- Ừ! Giông mưa thế này mình mầy đi khó xoay trở lắm.

Máy nổ. Nhờ kéo thẳng tay ga. Chiếc đò xuyên màn mưa lao đi vun vút. Ông Năm ngồi trước mũi rọi đèn pin cho Nhờ thấy đường lái.

Trời không phụ lòng người tốt, đò vừa cập bến nhà bà Chín thì mưa giảm dần, nhỏ hạt, chỉ còn lâm râm. Ba người chạy lên nhà. Bà Chín lấy đồ đạc cần dùng của Lệ cho vào giỏ. Ông Năm đến thăm hỏi, động viên, an ủi Lệ. “Không sao! Có cậu thì mọi việc chẳng có gì lo”. Ông nói. Lệ cảm động rưng rưng nước mắt.

Bà Chín chuẩn bị xong. Nhờ bồng Lệ, bà Chín bồng đứa bé, ông Năm xách đồ và che dù cho bà cùng đi xuống đò. Con đò lại xé nước lao đi, ông Năm lại ngồi trước mũi rọi đèn pin. Chừng mười lăm phút sau, đò đến bệnh viện. Theo lời bác sĩ, nếu trễ chừng mươi phút sẽ vô phương cứu chữa!

Ông Năm thở phào nhẹ nhõm. Bà Chín vui mừng đến trào nước mắt, bước đến cầm hai bàn tay ông Năm, chân thật, nghẹn ngào:

- Đội ơn cậu! Không có cậu giúp đỡ thì con Lệ chết rồi. Cậu là cha sanh mẹ đẻ nó lần thứ hai, cái ơn này mẹ con tui không bao giờ quên.

- Ông Năm ôn tồn:

- Hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau, chị nói ơn nghĩa làm gì. Cũng nhờ chị ăn hiền ở lành nên Phật trời phù hộ. Chị không thấy à? Trong lúc cấp bách thì trời lại hết mưa chẳng phải ơn trên phù hộ hay sao?

Bà Chín nở nụ cười móm sọm.

Ông Năm và Nhờ không về liền mà ngồi nán lại chuyện trò với bà Chín. Ông hỏi bà Chín sao không kêu Tư Đen và thằng Lành ở gần mà đến kêu thằng Nhờ chi cho xa? Bà Chín thuật lại đầu đuôi sự việc cho ông nghe.

Ông lắc đầu ngao ngán. Dù họ không nói thẳng nhưng ông biết lý do từ chối của họ là gì. Nhiều người làm nghề đưa đò bằng ghe tàu hoặc bằng xe cộ đều cho rằng chở người chết thì hên còn chở đàn bà đẻ thì xui. Hỏi tại sao vậy họ không trả lời được! Thật dị hụ, người chết là mất vĩnh viễn mà hên nỗi gì?

Còn đàn bà đẻ là thêm người thì tại sao xui? Cũng vì niềm tin mù quáng, hủ bại đó mà họ trở thành người vô cảm đến tệ bạc, thấy người sắp chết đến nơi mà không cứu.

Lời tục thường nói, “cứu một mạng người bằng xây năm bảy kiểng chùa” nghĩa là cứu người phước đức lớn lắm. Xây nhiều chùa mà thấy người sắp chết không cứu, người phàm còn nguyền rủa thì trời Phật nào chứng cho?

Bà Chín đề nghị trả công cho Nhờ và tiền xăng dầu nhưng ông Năm không nhận, đã vậy còn đưa cho bà thêm chút đỉnh để bồi dưỡng Lệ và trả viện phí. Bà Chín ái ngại không dám lấy, ông nhét vào túi bà và nói ông cho mượn, chừng nào bà có thì trả lại ông.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh