Truyện ngắn: Người đến sau cùng

11:06, 25/06/2017

Hắn đến nhà khiến anh vừa hãnh diện, vừa tủi thân. Cứ trông hắn bước ra từ chiếc Mercedes láng cóng, tay xách cặp da, áo quần phẳng phiu, tóc chải ngược, dáng đi bệ vệ, bà con chòm xóm ai chẳng lác mắt? 

TRẦN QUỐC CƯỠNG

 

Hắn đến nhà khiến anh vừa hãnh diện, vừa tủi thân. Cứ trông hắn bước ra từ chiếc Mercedes láng cóng, tay xách cặp da, áo quần phẳng phiu, tóc chải ngược, dáng đi bệ vệ, bà con chòm xóm ai chẳng lác mắt?

Bạn anh- một giám đốc nổi danh trên thương trường đến thăm anh- thằng bạn khố rách áo ôm ở cái xứ khỉ ho, cò gáy này thử hỏi anh không hãnh diện sao được. Nhưng đằng sau sự vui mừng ấy, nhìn lại mình, anh thấy se thắt cõi lòng.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

- Đây, tao giao cho mày mười triệu đồng, mày lo đi giúp cuộc họp mặt bạn bè. Tao sai mày đấy, có giỏi thì tự ái thử coi!

Hắn vứt cọc bạc dày cộm trên bàn đánh phịch, buông người xuống ghế salon, nói như ra lệnh. Anh cười hì hì, nhìn hắn bằng cái nhìn ấm áp. Hắn càng bỗ bã, trịch thượng, anh càng quý hắn hơn, vì đó là những lời nói ruột rà.

Mỗi lần hắn đến là vứt cặp táp trên bàn, cởi phăng áo veston vắt trên đầu giường, nhoài người lăn qua, lăn lại trên chiếu sảng khoái. Gặp lúc đói, hắn tự xuống bếp lục cơm nguội ngồi ăn ngấu nghiến với mắm cà. Vợ chồng anh trông hắn ăn mà phát thèm. Có lần vợ anh nhìn hắn ăn, bật cười, châm chọc:

- Em cứ tưởng anh Tùng quen khẩu vị các món ăn sang trọng ở nhà hàng mà quên quả dưa, trái cà ở quê?

Hắn trợn mắt, khoa tay suýt đánh rơi cái chén xuống đất:

- Em tưởng anh là vua chắc? Anh cũng xuất thân từ mảnh ruộng phèn lúa hai vụ không giáp hạt, cũng cày thuê, cuốc mướn như ai. Kinh tế thị trường là vậy em à. Gì thì gì chứ đối với khách hàng phải tỏ ra mình là ông chủ chịu chơi, biết làm ăn lớn. Có như thế họ mới mạnh dạn đầu tư, hợp tác làm ăn lâu dài.

Thú thật, nhiều lúc nhìn thức ăn thừa ngồn ngộn trên bàn, rồi chợt liên tưởng đến những bà mẹ quê ngày hai bữa cơm đạm bạc cua đồng, cà tương, anh thấy xót. Ba anh một đời chưa từng biết hương vị bát phở là thế nào.

Hắn nói chuyện huyên thuyên từ Tây sang Đông, từ kim sang cổ, ngáp dài, ngáp vắn rồi lăn ra ngủ khì trên chiếc giường tre mộc mạc. Mỗi lần hắn đến là nhà cửa anh vui theo câu chuyện râm ran.

Bà con láng giềng loáng thoáng đứng nhìn từ ngoài phía bờ rào. Có lẽ họ ngạc nhiên và khó hiểu trước sự xuất hiện đều đặn của hắn ở nhà anh. Xưa nay có mấy người giàu có, sang trọng lại đến với kẻ nghèo khổ, quê mùa bằng cả tấm chân tình như bạn anh. Lần này hắn đến căn dặn vài điều rồi đi ngay. Anh cầm cọc tiền trên tay lững thững ra vườn gọi vợ:

- Mình ơi! Nghỉ tay chút đã. Thằng Tùng vừa đến, đi rồi.

- Ơ hay, sao anh không giữ ảnh lại dùng cơm. Anh cầm bao gì thế?

Vợ anh kéo chiếc khăn che mặt, lau mồ hôi ròng ròng trên trán.

- Ờ, Tùng nó bảo chiều nay có cuộc họp bên đối tác đối tiếc gì đó, nó không ở lại được. Nó trao cho anh mười triệu đồng.

- Lại cho tiền nữa. Anh nhận hoài làm em áy náy.

Giọng nói vợ anh chùng xuống, trong khi anh bật cười giòn tan:

- Đoán mò rồi vợ ơi! Tùng nó đưa tiền làm lộ phí nhờ anh đi liên lạc triệu tập cuộc hội ngộ bạn bè chiến đấu ở chiến trường K năm xưa.

- Những mười triệu?- vợ anh tròn mắt.

- Vâng!

- Anh hãy yên tâm mà đi. Việc nhà đã có em lo. Em nghĩ trong chuyện này anh cũng có một phần trách nhiệm, đúng không?

Đêm ấy, anh nằm bắt chéo hai tay ra sau gáy, mắt thao láo nhìn lên trần nhà suy nghĩ...

“Thằng Phong ở Sơn Hòa năm nay nghe nói chăn nuôi thất bát, gia súc, gia cầm bệnh chết sạch. Tội nghiệp cái thằng cứ long đong, lận đận. Mua tặng nó mấy lít nước mắm hảo hạng và vài cân mực khô chắc là nó mừng quýnh.

Thằng Bang ở Sông Cầu mấy năm nay nuôi tôm thịt trúng lớn. Mình đến thế nào hắn cũng nhảy cẫng lên reo mừng cho mà xem. Mua cho hắn cân cá cơm xuất khẩu là đúng sách. Thấy mình lúi dúi cho quà, hắn sẽ nói gì nhỉ? À! “Ông bày đặt mua quà cáp lụ khụ như cụ non ấy.

Còn nhớ đến thăm nhau là quý hóa lắm rồi!” Mình sẽ đáp thế này này: “Tớ biết cậu giàu lắm lắm. Tớ làm theo lễ nghĩa ở đời đấy thôi”. Nghe xong chắc hắn cười toe toét rằng: “Ông lại lẩm cẩm nữa rồi”.

Thằng Vinh ở Tuy Hòa thì kinh tế gia đình ổn định. Vợ chồng đều là cán bộ, công chức, nhưng khổ thân nó, con vợ hay quan hệ lăng nhăng với đám mèo mả gà đồng. Ai bảo, đáng đời chưa hả? Mày từng chê tao lấy vợ nhà quê ăn nói vụng về, tay bùn chân lấm. Con vợ mày dân thành thị, là “phụ nữ hiện đại” nên mày cứ khổ tâm.

Tao chúa ghét cái tánh vợ mày, thấy bạn bè đến nhà chơi cứ nhìn trờn trợn, đỏng đa đỏng đảnh. Tao không thích thế đâu. Tao đến với mày là vì chúng mình từng chung chiến hào, sống chết có nhau. Tao chấm miếng bánh tráng vào chén mắm suông, uống ly rượu lạt mà thấy vợ mày vui vẻ là tao đủ thấy ngon, thấy sướng rồi đâu cần sơn hào hải vị.

Thằng Đô ở Diên Khánh vừa mãn hạn tù. Chắc là nó mặc cảm không đến họp mặt bạn bè. Mày đánh người ta làm gì để rồi vào tù hả Đô? Cái thằng nóng như Trương Phi, nhưng lạt lòng, không đời nào câu chấp ai. Tao sẽ thuyết phục mày đến với bạn bè. Đô ơi! Mày còn nhớ cái lần bảy đứa tụi mình kết làm anh em trên đất bạn?

Thằng Dũng đề nghị mỗi đứa cắt ngón tay lấy vài giọt máu hòa vào ly rượu, uống chung. Mày cười bảo: “Dũng ơi! Ý của mày rất tốt, song nghe mặn mùi giang hồ nghĩa hiệp quá! Hãy viết tên, họ của bảy đứa vào một tờ giấy rồi đốt hòa tan trong ly rượu cùng uống có ý nghĩa hơn”.

Thế là cả bọn giao cho tao viết: “Hôm nay ngày 20 tháng 4 năm 1980, lúc 17 giờ, trên đồi 743, tỉnh Prêtviha, Campuchia, chúng tôi là: Bùi Ngọc Tùng, Nguyễn Thế Phong, Trần Xuân Bang, Lê Thành Vinh, Nguyễn Tấn Đô, Đào Huy Dũng, Phan Văn Tám- lính sư Đoàn 2- Phú Khánh nguyện suốt đời gắn bó, bảo bọc nhau như anh em một nhà…”

Trước ngày hội ngộ bạn bè, anh nài nỉ chị:

- Em đi ra thị xã trang điểm một chút cho bạn bè khỏi chê là dân quê mùa.

Chị cười khanh khách, chỉ tay lên trán anh:

- Anh xem em như cổ vật của anh, khi cần thì đánh bóng, chưng diện. Em hổng đi đâu!

Anh cười giả lả:

- Thì anh xem vợ anh là của quý rồi còn gì!

Chị cười khúc khích:

- Anh chỉ giỏi nịnh đầm, thấy ghét!

Nói vậy chứ chị vui sướng ra mặt khi được anh khuyến khích đi làm đẹp. Hơn nửa ngày cơm nước, heo gà anh lo, xế chiều chị về làm anh nhìn sửng sốt: mái tóc đen, dày được uốn dợn sóng, màu mắt đen và trong hơn, đôi má đỏ hây hây giống thời thiếu nữ. Chị vốn có duyên ngầm, thân hình cân đối, săn chắc.

Quanh năm quần quật với ruộng vườn, giờ như cởi bỏ đi tất cả phong sương. Cô bé lọ lem hóa thân thành nàng công chúa xinh đẹp. Anh ào tới ôm chầm lấy chị mà hôn. Chị đẩy anh ra, cười ngặt nghẽo:

- Anh! Con nó nhìn thấy kia kìa!

Vợ chồng anh đến nhà hắn từ sáng sớm. Hắn đứng yên một chỗ nhìn vợ chồng anh, reo lên:

- Em ơi! Ra đây xem! Vợ chồng thằng Tám! Được đấy! Ít ra mày cũng biết chăm sóc vợ một chút mới là thằng đàn ông biết yêu vợ.

Hắn vừa nói, vừa cười ha hả. Vợ hắn thì kêu lên, giọng cảm xúc mạnh:

- Chị đến với vợ chồng em thật rồi! Anh Tùng quả quyết với em, hôm nay thế nào chị cũng đến. Lâu quá rồi chị em mình mới được gặp nhau.

Đừng mặc cảm chuyện giàu nghèo mà chị em mình cách xa chị nhé! Chị biết không? Anh Tùng thường tâm sự với em: “Anh đi bộ đội về xin được việc làm và giờ trở thành giám đốc một công ty ăn nên làm ra, lòng anh đã thỏa nguyện. Nhưng còn một điều anh canh cánh bên lòng là làm sao bạn bè ngày càng gần nhau hơn”.

Trong lúc vợ chồng anh và vợ chồng hắn còn đang hàn huyên tâm sự thì các nhân viên nhà hàng vận chuyển các món ăn, thức uống đến tận nhà. Tiếng ly tách, thau muỗng va vào nhau loảng xoảng.

Vợ chồng hắn mặt tươi rói, đứng trước ngưỡng cửa đón khách. Thằng Phong, thằng Vinh, rồi thằng Bang… lần lượt kéo đến, đứa nào cũng có quà. Hắn giận dữ thật sự:

- Ai bảo tụi bay mua quà cáp cho tốn kém? Tao không đãi nổi tụi bay một bữa hay sao?

Anh cười, dàn hòa:

- Chút lễ nghĩa gọi là, mày trách móc làm gì. Chúng bỏ về là mày tiêu tán đó Tùng ơi!

Hắn cười vang, bật nút sâm banh lốp bốp:

- Còn lâu tao mới sợ. Có giỏi thì về đi!

Khi mọi người ngồi vào bàn ăn vẫn không thấy bóng dáng của Đô đâu cả. Hắn nói giọng buồn buồn:

- Tao biết thằng Đô nó mặc cảm về chuyện của nó mà không nghĩ đến tao. Đối với bạn bè, đứa nào tao cũng thương, cũng mến.- Hắn nói xong, quay sang phía vợ:

- Em cho anh mượn cái ly.

Thằng Vinh cười sùng sục:

- Ông này chưa uống đã say.

Giọng hắn càng buồn hơn:

- Tao rót ly này cho Dũng đó. Tao muốn vong linh Dũng cùng chung vui với tụi mình.

Hắn đặt ly rượu và chén đũa lên bàn với chiếc ghế trống. Không ai cười nữa, một tiếng cũng không. Mọi người như nghe rõ hơi thở của nhau. Ngay khi ấy, ngoài cửa xuất hiện một người đàn ông mặc quân phục, tóc húi cua ôm gói quà trên tay từ từ tiến vào. Mọi người cùng đứng dậy, reo lên:

- A! Thằng Đô! Hoan hô thằng Đô!

Hắn xô ghế chồm tới ôm chầm lấy bạn, giọng nghèn nghẹn:

- Có vậy mới là bạn tao, mới xứng danh là lính sư 2.

Người đến sau cùng từ từ bóc tờ giấy báo để lộ ra khuôn hình. Người trong hình mặc quân phục, đầu đội mũ cối đính sao vàng, nụ cười rạng rỡ. Hắn vụt la lên mang âm hưởng của sự khổ đau xen lẫn vui sướng tột cùng:

- Thằng Dũng đây mà!

Nước mắt hắn tuôn chảy, hắn ôm khuôn hình đứng lặng yên. Bạn bè hắn tất cả đứng phắt dậy, buông thõng tay, cúi đầu. Giọng nói của Đô vang lên trầm buồn:

- Tụi bay hãy tha thứ cho lỗi lầm của tao, cũng vì tao nóng nảy nên đánh người ta… Chuyện xảy ra tao thấy không xứng đáng với tình bạn của tụi bay và vong linh Dũng nữa. Tấm ảnh này Dũng đã tặng tao trên đồi 743 trước lúc Dũng hy sinh. Tao nhờ hiệu ảnh chụp lại, phóng lớn để tặng cho vợ con của nó.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh