Trong bài viết "Có một nhà thơ tên là Trịnh Công Sơn", nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận định: "... Với tư cách là một nhà thơ, tôi đã khảo sát ca từ của Trịnh Công Sơn, và tôi dám khẳng định rằng, anh chính là một nhà thơ đích thực".
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.Ảnh: Internet |
Trong bài viết “Có một nhà thơ tên là Trịnh Công Sơn”, nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận định: “... Với tư cách là một nhà thơ, tôi đã khảo sát ca từ của Trịnh Công Sơn, và tôi dám khẳng định rằng, anh chính là một nhà thơ đích thực”.
Thật khá công phu, qua bài viết của mình, Nguyễn Trọng Tạo đã khảo sát các thể thơ mà Trịnh Công Sơn thường sử dụng khi viết ca từ cho tác phẩm âm nhạc, từ 3 tiếng, 4 tiếng... cho đến 7 tiếng, ở thể nào ông cũng tỏ ra tài hoa và vượt thoát bằng chính khả năng sai sử đội quân ngôn ngữ của mình.
Với khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ khảo sát ngôn ngữ nghệ thuật khi xem xét nhạc phẩm “Ở trọ” với tư cách là một bài thơ lục bát. Ở đây không phải cố tình gán ghép mà chính tự thân bản vị phần lời đã là một thi phẩm lục bát hoàn hảo và tài hoa. Trước hết, xin chép phần lời của nhạc phẩm “Ở trọ”:
Ở TRỌ
Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước buồn
Cành tre... í... a
Dòng sông... í... a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
Í... a... í... à... í... à... a...
Xưa kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đất trời
Miền xa... í... a
Trời đất... í... a
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng
Í... a... í... à... í... à... a...
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Từng không... í... a
Người xinh... í... a
Tim em gửi trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần
Í... a... í... à... í... à... a...
Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Người xinh... í... a
Kiều xinh... í... a
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành
Í... a... í... à... í... à... a...
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ngàn năm... í... a
Buồn như... í... a
Ô hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời
Í... a... í... à... í... à... a...
Í... a... í... à... í... à... a...
Nếu tước bỏ hết các câu có âm từ “í... a...” thì đây hoàn toàn trở thành một bài thơ lục bát tuyệt bút xét trên cả vần điệu, cấu tứ, cảm xúc cũng như thông điệp tư tưởng mà tác giả muốn chuyển tải.
Trước hết, xin xét về vần điệu lục bát của ca từ bài hát “Ở trọ”. Như chúng ta đều biết, thơ lục bát là thể thơ truyền thống và phổ biến của dân tộc Việt Nam, trở thành hồn cốt và gắn với tâm thức nhân dân ta suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Có người còn dám quả quyết, nếu ai đó cho mình là nhà thơ thì trước hết hãy trình làng một bài lục bát rồi xếp vị. Chúng ta đọc lục bát của Nguyễn Du, Tố Hữu, Nguyễn Bính,... thật sự khâm phục về khả năng diễn đạt phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt.
Trịnh Công Sơn chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ, nhưng bất kỳ ai khi khảo sát phần lời các nhạc phẩm của Trịnh đều khẳng định rằng ông là nhà thơ đích thực, thậm chí đó là một nhà thơ có phong cách rất riêng với vẻ đẹp ngôn ngữ cực kỳ tài hoa và ảo diệu.
Trong nhạc phẩm “Ở trọ”, chúng ta không biết khi viết ca khúc này, Trịnh Công Sơn đã khởi sự phần ca từ trước hay giai điệu bài hát trước, chỉ biết khi đọc văn bản với tư cách là một tác phẩm ngôn từ, mọi người đều nhận thấy đây là bài thơ lục bát rất hay. Thử đọc 4 câu đầu:
“Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước buồn
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”
Vần bắt vần, ý nối ý, phóng khoáng và thong thả như “lấy từ trong túi ra” (Văn Cao), trong ca từ âm nhạc của Trịnh Công Sơn, hiếm có bài nào mà thể thơ lục bát lại đi xuyên suốt một cách mạch lạc, mềm mại và điệu nghệ như “Ở trọ”, dù có một chỗ ông gieo vần không đúng với thể thơ này ở câu cuối khổ thứ nhất và câu đầu khổ thứ hai qua hai từ “trời” và “xa” đáng lý phải bắt vần với nhau.
Bù lại, có những câu thơ rất hài hòa về vần điệu, đẹp về câu chữ, đồng thời rất sâu sắc và cao diệu về tư tưởng:
“Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn”
Hay:
“Ô hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”
Về mặt cấu tứ và thông điệp, nhạc phẩm “Ở trọ” thấm đẫm tinh thần triết lý nhà Phật. Cõi vô thường sinh diệt đã ám ảnh tâm hồn Trịnh Công Sơn từ nhỏ, nên viết về đề tài gì, cảm thức “ở trọ” vẫn như một mạch ngầm từ trong thẳm sâu vô thức của người nhạc sĩ tài hoa này.
Thông điệp về “một vòng xinh” nối đuôi nhau của muôn hình vạn vật nơi cõi thế thật sự là tư tưởng lớn của Trịnh.
Đời sống là một cuộc phù du, tạm bợ nối tiếp không ngừng, nghĩa là “ở trọ” trong nhau, ngay cả trăm năm còn ở đậu ngàn năm nữa là!
Tư tưởng này đã gặp gỡ với nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường- một người bạn, người đồng hương xứ Huế với Trịnh Công Sơn: “Những tinh cầu ngẫm rồi thấy lạ/ Bồng bềnh mà vẫn theo nhau/ Anh với em ừ thì cũng lạ/ Bồng bềnh cho tới mai sau”.
Cái vòng xinh bồng bềnh, lênh đênh ấy đâu chỉ có con người mà ngay muôn vật giữa vũ trụ vô cùng này đều vậy cả.
Có lẽ từ nỗi ám ảnh vô thường, xem đời là cõi trọ nên Trịnh Công Sơn đã có những câu thơ lục bát tuyệt hay về tình yêu, về cái đẹp và cả về thân phận con người trong nhạc phẩm này:
- “Tim em gửi trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần”
- “Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều”
- “Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn”
Dù viết bằng thể thơ gì, ngôn ngữ thơ đòi hỏi phải có các phẩm tính cơ bản như đa nghĩa, hàm súc và giàu nhạc tính. Đối với thơ lục bát, nhạc tính truyền thống đã trở thành máu thịt thông qua vần điệu của lời thơ.
Về mặt này, ca từ của nhạc phẩm “Ở trọ” đã khiến chúng ta cảm phục về một nhạc sĩ làm thơ (dù là vô thức) bởi sự tài hoa và điệu nghệ.
Tính đa nghĩa và hàm súc trong lời ca “Ở trọ” lại càng thật xuất sắc, nhờ thông điệp lớn lao về tư tưởng vô thường của triết lý nhà Phật được biểu đạt qua các hình thái “ở trọ” nhân gian bình dị mà ai cũng nhìn thấy được: con chim ở trọ trên cành, con cá ở trọ dưới nước, con người ở trọ cõi đời... như một “vòng xinh” lênh đênh bất tuyệt.
Thật vậy, “Ở trọ” không những giúp chúng ta hiểu thêm về sự tài hoa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua bàn tay sắp xếp ca từ thành một bài thơ lục bát truyền thống tuyệt bút, đồng thời còn cảm nhận được một tầm cao tư tưởng triết lý sâu sắc của “người ca thơ” họ Trịnh qua tính hàm súc và đa nghĩa của lời ca.
LÊ THÀNH VĂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin