Bác Tư Kiên đã ở bên kia con dốc tuổi đời, vậy mà những điều ngỡ đã đào sâu chôn chặt từ lâu lại trào lên, day trở với sức lay động mạnh mẽ lạ lùng.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
- NGUYỄN HỒNG SƠN
Bác Tư Kiên đã ở bên kia con dốc tuổi đời, vậy mà những điều ngỡ đã đào sâu chôn chặt từ lâu lại trào lên, day trở với sức lay động mạnh mẽ lạ lùng.
Trông kìa, cứ nắng sớm tinh mơ hay bảng lảng sương chiều, bác Tư Kiên ra bờ tre cằn cỗi nằm dọc triền sông ở trước sân nhà để nhìn bông tre.
Nhìn một cách khác thường! Vừa nồng nàn âu yếm, vừa mênh mang xót xa giống hệt cái nhìn của kẻ cố nhặt nhạnh từng chút nhỏ ân tình, rồi lặng lẽ nhấm nháp những ý nghĩ mong manh, mơ hồ.
Cái gốc là nông dân, bác Tư Kiên thừa hiểu đặc điểm của cây tre trong “cơn hấp hối” mới trổ bông. Sự trổ bông báo hiệu cho cái chết vô phương cứu vãn! Vì thế nỗi buồn trong lòng người chiến sĩ trinh sát kỹ thuật của Trung đoàn ba năm nào dâng lên cao và đã trở thành cơn bão.
Rồi ông liên tưởng, da diết nhớ thương đến liệt sĩ Khánh Lan- người con gái nội thành thoát ly gia đình đi làm cách mạng mà lòng còn bời bời nhớ xác phượng rơi để ve sầu khóc suốt, một bông hoa mãn khai trong thời ly loạn đã bung đến cánh sau cùng, đẹp rực rỡ trên cả tuyệt vời trước khi thẫm dần… thẫm dần… và chối từ mọi sự chắt chiu bảo dưỡng của thiên nhiên, bởi sự ham hố xác thịt đến cùng cực thấp hèn của bọn biệt kích hung tàn, mê muội tìm diệt trong ảo vọng cuồng điên của bè lũ cướp nước.
Ngày trước, Khánh Lan đẹp ngời ngợi ở cái tuổi vừa chín tới: mười tám, đẫy đà hấp dẫn một cách gợi tình.
Nhưng cô không mấy bận lòng chăm bẵm cái vốn liếng trời cho ấy. Tất cả thầy cô và học sinh của trường trung học công lập Cần Thơ đều gật đầu đồng tình, Khánh Lan có một giọng ca thật mùi mẫn, sâu lắng trữ tình, khi vút cao, lúc êm ả song hành cùng cảm xúc mãnh liệt, lột tả được nội dung tác phẩm nên dễ làm lòng người xao xuyến bâng khuâng thấp thoáng một nỗi niềm suy ngẫm.
Nếu cô vắt cạn mình cho cái nghề ca hát thì cánh cửa sân khấu càng rộng mở, một ngày không xa vòm trời cổ nhạc lấp lánh sắc màu thuộc về Khánh Lan, cô gái hội đủ những yếu tố: thanh, sắc, tài, tướng để làm nên một thần tượng của những “tín đồ” yêu ca cổ ở thủ phủ miền Tây. Các tác giả, nghệ sĩ tuổi tên đình đám đích thân gặp Khánh Lan bảo vậy.
Ban đầu Khánh Lan cũng định học xong lớp mười hai sẽ thi vào trường âm nhạc, học khoa cổ nhạc, sau đó chính thức bước vào cuộc mưu sinh bằng cái nghiệp dĩ sân khấu.
Nhưng sau hai lần về thăm quê ngoại ở Vĩnh Thạnh, một vùng quê hẻo lánh nơi mà những tiếng ồn ào của thị thành không còn vang vội nữa, chỉ có tiếng đạn thét bom gầm, tiếng răn đe dọa nạt và sự o ép chà xát dữ dằn của bọn làng lính cao ngạo, hống hách, sẵn sàng chặt đầu, mổ bụng những người dấn thân vào ra lửa đạn để đi làm cách mạng, đem độc lập tự do về với hàng vạn cuộc đời đã trải qua nhiều sóng gió.
Ôi, thương lắm! Những bà mẹ áo vá chân tình mộc mạc rất đỗi chân quê, sớm hôm tần tảo cùng chồng- những người cha gương mặt héo mòn lo toan lam lũ, hai nắng một sương làm ra hạt ngọc mùa vàng nhưng vẫn sống trong cảnh nghèo túng, mái lá đơn sơ, nắng chiều lung linh, mưa ủ ê dột. Những em bé thất học lầm lũi, ngơ ngác, cục cằn hay nhếch nhác, nham nhở do quặt quẹo ốm đau không thuốc men trị chữa.
Và còn nữa! Những chàng trai cô gái yêu, tâm vững, lòng trong, ý chí kiên trì, lấy máu mình tô điểm cho làng xóm sáng danh kiên cường bất khuất.
Ôi! Phải chăng thế hệ thanh niên này sinh ra để đứng ở phía trước, nơi sóng cao gió cả nên đội tuổi thanh xuân đi vào khói lửa một cách thanh thản nhẹ nhàng và bình dị. Họ đẹp tựa bản hòa ca mang nhiều nét trầm hùng xua tan mọi muộn phiền, trầm buồn và khắc khoải.
Có rờ tận tay tận mặt mới rõ mười mươi. Được tiếp xúc với những con người ở quê ngoại, Khánh Lan thật sự đã sáng mắt sáng lòng và cô đã có suy nghĩ tiến bộ vô cùng: “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống có ích”.
Cái suy nghĩ cao đẹp có khả năng đánh thức tâm hồn của mọi người đó len lỏi ngấm vào tâm hồn, tâm thức của Khánh Lan- một cô gái luôn sống về hoài niệm xa xưa. Và nó đã giúp cô tìm về với quê hương, với giai cấp của những người cần lao khốn khó. Rồi được cách mạng mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận, bổ nhiệm cô công tác tại trạm xá Trung đoàn ba, làm y tá.
Thời gian nặng nề trôi đi, cái màu của chiến tranh lan rộng khắp mọi nơi và càng ngày càng đậm thêm hơn.
Số thương binh chuyển về trạm xá rất đông, Khánh Lan cùng đồng nghiệp làm việc tối tăm mặt mũi nhưng không ai mở lời than vãn, bởi họ tự nguyện mang sự chăm sóc ân tình đến với những người lính dạn dày lửa khói, sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc.
Có lần vào một đêm trăng lặn, bóng đêm lập tức nuốt chửng dòng kinh xanh hiền hòa êm ả. Trời bất chợt vần vũ mây đen, một trận mưa to sầm sập đổ về.
Dòng nước phút chốc đục ngầu sắc đỏ loáng lên trong ánh sáng của đèn hỏa châu từ những chiếc máy bay thả xuống trạm xá tiếp nhận một thương binh: Bác Tư Kiên, không anh Kiên- Hà Trung Kiên mới đúng, vì khi ấy chỉ 25 tuổi, nước da ngăm ngăm, dáng người chắc lẳn, khuôn mặt hơi tròn, đôi mắt sáng luôn có cái nhìn trẻ trung và dào dạt tình cảm bên trong.
Anh bị đạn chui vào phần mềm ở chân rồi ở lại đó theo anh đi điều tra kỹ các điểm hỏa lực của địch đến ba ngày trời, để giúp Tiểu đoàn 306 san bằng đồn Thạnh Lợi với phương châm bí mật đánh nhanh, thắng nhanh.
Do vậy, vết thương của Trung Kiên sưng tấy lên bởi bị nhiễm trùng, cần phẫu thuật gấp! Nhưng ngặt một nỗi, thuốc gây tê của trạm xá đã hết rồi, vì đường tiếp tế bị cắt đứt do trận càn lớn của địch mấy hôm qua. Đành mổ không có sự can thiệp của thuốc gây tê cho Trung Kiên vậy.
Ca phẫu thuật được tiến hành. Mũi dao mổ sắc lẹm đến lạnh lùng cắm vào miệng vết thương. Mặt Trung Kiên tái đi, môi tím bầm. Cơn đau đớn kinh khủng tức tốc kéo tới rần rần xoáy sâu, vón cục và quặn thắt ở vùng thương tích, rồi nhanh chóng rải đều ra khắp cơ thể làm mặt anh méo xệch, nhễ nhại mồ hôi.
Trong cơn đớn đau tột cùng tưởng chừng như không chịu đựng nổi thì bỗng dưng từ trong e-kíp mổ có tiếng hát người con gái vang lên:
Chiều ngồi nhìn mây bay
Thương nhớ ai quên mình đổ máu xương
Vì non nước mang thanh bình
Cho quê mình thêm tình xuân mới...
Ôi, thật diệu kỳ! Giọng hát mượt mà hình như cõng cơn đau bay vút lên bầu trời bám vào các vì sao chi chít và nó vội hóa kiếp thành niềm vui rụng xuống bờ tre, mái rạ, lan rộng ra đồng, luồn lách, mải miết vào trái tim đang nuôi ngọn lửa ngùn ngụt ý chí chiến đấu kiên cường của Trung Kiên. Anh ngất ngây chìm vào giấc ngủ thật say, thật lâu, trong màn đêm ngọt ngào âu yếm.
Tỉnh dậy, Trung Kiên thấy mình kề bên cô y tá đang ngồi ngủ gật. Anh cựa mình, cô ta liền thức giấc. Khuôn mặt trắng hồng xinh xắn thơ ngây của cô y tá không che giấu được vẻ lúng túng ngượng ngập.
- Ban nãy cô hát lúc làm phẫu thuật cho tôi đó hả?
- Ừ- cô y tá vừa chớp mắt, vừa trả lời.
- Cô hát mùi quá! Nhưng lời trong bài Đoản khúc lam giang nghe ai oán thảm thê sao đâu á! Mà nè, cô tên gì?
- Lan. Khánh Lan! Coi mòi anh cũng biết ca vọng cổ à nghe!
- Nông dân mà. Rành tới bốn câu vọng cổ lận!
- Sao không sáu mà chỉ có bốn?
- Tra tấn cái lỗ tai khán giả đến đó thôi. Nếu dài hơn nữa tôi sợ bị…ăn dép! Nè, cô nghe tôi hát một chút cho vui nghe! Giọng tôi cũng hay lắm, giống hệt Thanh Tuấn hà!
Cả hai cùng phá lên cười. Tiếng cười làm rung rinh cả màn đêm yên tĩnh, làm sóng sánh xanh cả rặng trâm bầu trước cửa trạm xá. Anh lính trẻ và cô y tá nhỏ chợt quên biến đi tất cả những gì của chiến tranh đang hiện hữu.
Mới chỉ một tuần lễ dưỡng thương, chân bước đi còn khập khiễng yếu ớt, nhưng Trung Kiên đã nằng nặc đòi được trở về đơn vị cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu.
Tập thể y tá bác sĩ của trạm xá hết lời khuyên ngăn nhưng anh không nghe còn đâm ra cau có, sớm tối càm ràm kiếm chuyện trách cứ Khánh Lan, vì cô là người phụ trách chăm sóc nhóm thương binh còn khả năng sinh hoạt uống ăn đi lại, tự lo được cho bản thân mình, trong đó có Trung Kiên.
Một đêm trời tối đen như bưng lấy mặt. Bóng tối phủ lên cơn mưa, giấu đi những giọt nước. Trung Kiên và hai thương binh nữa lén trốn trạm, cắt đồng tìm về đơn vị. Anh lính gác trạm xá phát hiện được sau đó ít phút. Đội ngũ “áo trắng” lập tức đội mưa chia nhau ra tìm khắp nẻo.
Thời gian kiếm tìm rơi từng giọt, nặng nề đến mỏi mệt. Bóng đêm đã loãng dần ra mênh mông hơn. Bất chợt có một loạt đạn nổ tạch, tạch... ở xa xa. Mọi người tất tả quay về trạm xá, vào vị trí chiến đấu để bảo vệ thương binh.
Trong lòng họ đều thắt thỏm lo âu, sợ số thương binh trốn trạm rơi vào ổ phục kích của địch. Nhưng không phải như thế. Tư Kiên với hai “đồng phạm” và chị bác sĩ chạy thoát được nhờ Khánh Lan đánh lạc hướng vây đuổi bằng cách thu hút đối tượng về phía mình đã trở về trạm xá cùng cái xác còn thoi thóp thở của Khánh Lan. Tội nghiệp!
Toàn thân cô bê bết máu, chỉ có tấm dù hoa vừa mới đậy hờ. Bọn biệt kích, đàn dã thú man rợ đã bắt cô làm mồi. Chúng vồ vập cấu xé làn da trắng mịn màng và những đường nét sống động mềm mại đến tinh xảo, để đoạt mất sự trong trắng, khoảnh khắc hồn nhiên của đời con gái.
Sau đó, lũ hèn nhẫn tâm gửi lại thân thể Khánh Lan một loạn đạn. Ngỡ cô đã chết, chúng vứt xác xuống bờ kinh, nơi mọc đầy cỏ tranh bó mạ.
Ôi, chiến tranh mà! Đau thương mất mát chia ly làm sao tránh khỏi. Dẫu biết vậy, nhưng đồng đội của Khánh Lan đều cảm thấy hụt hẫng và bỡ ngỡ. Họ đứng vây quanh chiếc giường nhỏ Khánh Lan nằm.
Tiếng sụt sịt khóc lẫn vào màn đêm mênh mông hờ hững. Chị kia, mặc cho Khánh Lan chiếc áo dài trắng, trước ngực thêu cành hoa phượng đỏ. Chiếc áo mà cô luôn giữ gìn và cất kỹ trong ba lô.
Anh nọ, lấy khăn tay chậm mồ hôi trên trán, còn lau khô những sợi tóc mai vắn dài vướng víu trên gương mặt của Khánh Lan. Đột nhiên Khánh Lan hơi uốn người lên, đôi môi mấp máy. Cô như muốn nói với mọi người điều chi? Đó, cô nói kìa!
- Kiên ơi, vết thương vẫn chưa lành, đừng nóng lòng ra trận nghe anh!- Nói xong, cô thều thào hát, tiếng hát mỏng như sợi tơ vương…
Chiều ngồi nhìn mây bay
Thương nhớ ai quên mình đổ… máu… xương.
Một cơn gió nhẹ, thật nhẹ thoáng qua chở hồn người nữ chiến sĩ quân y về nhà với mẹ. Trung Kiên quỳ xuống, nấc lên nghẹn ngào:
- Khánh Lan ơi, anh mãi mãi yêu em!- Vụt đứng lên như chiếc lò xo lâu ngày bị nén. Trung Kiên xốc lại ba lô, xách khẩu súng trường lao về phía chân trời mây đâm ngang, đạn pháo nhập nhoàng. Ngoài đồng vẳng lại tiếng vạc sũng nước.
Lòng Trung Kiên dâng tràn một nỗi buồn lạnh lẽo bể dâu. Và nỗi buồn ấy theo anh và cùng anh sống độc thân cho đến tận bây giờ- giai đoạn hoàng hôn của một đời người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin