Con lộ mới rải đá trải nhựa thẳng tắp, đi ngang qua cánh đồng ruộng lúa phì nhiêu. Cánh đồng bao la đầy nắng gió, tháng Giêng khô nẻ đất, mùa nước nổi sâu tới bụng, chỉ đi bằng xuống và ghe máy, nay người và xe qua lại tấp nập.
Ảnh minh họa: Trần Thắng |
NHẬT HỒNG
Con lộ mới rải đá trải nhựa thẳng tắp, đi ngang qua cánh đồng ruộng lúa phì nhiêu. Cánh đồng bao la đầy nắng gió, tháng Giêng khô nẻ đất, mùa nước nổi sâu tới bụng, chỉ đi bằng xuống và ghe máy, nay người và xe qua lại tấp nập.
Cây trâm trước kia đứng chơ vơ giữa đồng nay nằm cặp bên lề lộ đã trở nên điểm hội tụ vui chơi.
Ban ngày người dân ở đây đem bắp nấu, trái cóc, trái ổi ra gốc cây bày bán, bao nhiêu cũng hết. Rồi có người sáng kiến đem bàn ghế ra, che dù bán nước mía, nước đá thật đắt khách.
Cô Lý- người trong xóm- góa chồng không công ăn việc làm, chiều chiều đem can rượu đế, bắc bếp lửa than với vài thỏi khô cá đuối với chiếc bàn con, ấy thế mà khách đông nghẹt.
Dân nhậu gọi tên quán “Gió”, gốc cây trâm đã trở thành điểm hẹn hò của nông dân lao động. Đêm đêm rộn rã tiếng cười nói và những cơn say lướt thướt lạc bước chân về.
“Lão Tám”- người ta gọi như vậy vì lão tự giới thiệu là Tám. Người không biết từ đâu lang thang đến đây, tối về ngủ bờ ngủ bụi. Lần đầu tiên lão đến đây vốc hết tiền trong túi vỏn vẹn hai mươi ngàn đồng trả tiền rượu và đồ nhắm.
Lão say bí tỉ. Khi chủ quán dọn dẹp đồ đạc, lão xin ở lại ngủ ngoài gốc cây. Sáng ra, người ta đánh thức lão dậy. Lão lên đường, vai mang gói hành lý bụi bặm, lê đôi chân gầy gò với đôi dép mòn như chiếc lá. Ít hôm sau lão trở lại cũng thế.
Có lần lão đến quán thì trời tối khách đông nghẹt không còn bàn trống, lão với vóc dáng như người miền sơn cước, mùi hôi hám bốc ra nồng nặc dường như lão không tắm rửa bao giờ.
Mặt lão buồn bã. Thấy thế! Khách nhậu nhường cho lão một góc để ngồi nhâm nhi. Lão vui hẳn lên, có vài ba hột, dân nhậu dễ dàng quen nhau, bởi lời mời gọi một vài chung giao cảm, sơ cũng thành thân, lạ cũng thành quen.
Lão Tám bị chuốt uống cho đến say khướt, ngồi khóc nức nở:
- Vân ơi! Giờ em ở đâu? Anh tìm em khắp thế gian, em có biết không? Hu… hu…
Lão khóc như trẻ con thật tội nghiệp. “Tình cảm yêu đương uẩn khúc gì đó ghê gớm lắm cho nên lão trút nỗi niềm bằng cơn say, bằng tiếng khóc van xin như kẻ tội đồ”, “Thằng điên và cơn say.”- người ta ném cho lão những lời bỉ cợt như vậy.
Lão không cần để ý:
- Em có biết rằng anh rất mực yêu em. Yêu em với tình yêu “Cái thuở ban đầu”. Nào ngờ, chúng ta lạc nhau giữa đường trần, anh lang thang suốt nửa đời còn lại để tìm kiếm.
Không ai hiểu gì những lời điên khùng của lão phát ra từ cái miệng móm mém. Có lần tỉnh táo, lão chỉ về phía cây trâm hỏi:
- Ai có biết cây trâm này có mặt từ thuở nào không? Tôi cũng không biết, chỉ biết thời tôi còn con nít, thời hội đồng “PH” đi lấy lúa ruộng đã có cây trâm này rồi.
Lúc ấy gốc to bằng người ôm, da sần sù vì đám trâu bò cầm buộc, cọ quật tróc da, đến dao búa gọt đẽo của bọn con nít đi hớt cá lia thia, đi đào hang chuột, da cây rướm máu cố kéo lành da non. Vừa lành đến mùa Giêng hai, thợ cắt gặt đem cơm vào gốc cây ngồi ăn, ngủ nghỉ. Gốc cây trở thành căn lều che nắng, mưa cho dân làm ruộng.
Khi buồn tay, các cô cậu dùng lưỡi hái khắc chi chít tên họ, ngày tháng năm ngoằn ngoèo dấu ấn yêu đương trên da cây để kỷ niệm. Có người nông nỗi đi bắt rắn chuột tủ rơm đốt cây trâm cháy trơ trụi vậy mà cây trâm không chết, khi mưa xuống cây đâm chồi nảy lá.
Lão Tám còn kể. “Khi thực dân Pháp đặt quyền hành trên xứ sở này cây trâm làm cột mốc của đồn điền. Một hôm quan Tây và hương chức hội tề đi thăm ruộng đến gốc cây trâm ngồi nghỉ. Bỗng có con rắn to bằng cườm tay từ ở trên đọt cây bay xuống quấn cổ làm quan Tây ngất xỉu.
Từ đó, quan Tây không dám bén mảng ra thăm đồng. Rồi lại có lời truyền miệng với nhau, có con ma áo trắng thả tóc dài tới gót chân, ngồi vắt vẻo trên đọt cây vào những đêm trời mưa âm u. Con nít cả đến người lớn nhác gan ban đêm không dám đi ngang qua cây trâm.
Đến thời Ngô Đình Diệm, bọn lính làng lùng sục khắp xóm tìm bắt cán bộ đem ra đây tra khảo. Lần đó, Vân là cán bộ cơ sở chẳng may bị bắt, giặc đem ra đây xử tử. Biết được ý định đó, tổ chức lo lót tiền vàng giải cứu Vân khỏi tay giặc sống chết trong gang tấc.
Đến thời đánh Mỹ, địa phương dùng cây trâm làm ám hiệu và cái túi đựng tin tức. Trên đọt cây trâm có cái hốc to rất kín đáo không ai biết, cấp trên có quan hệ công tác gì thì bỏ thư vào đây sẽ có người đến nhận.
Lúc nào có giặc đi càn hoặc phục kích thì cây trâm có cây ngù rơm khô, hoặc chiếc nón lá cũ rách. Như vậy mà xuyên suốt thời gian chiến tranh không bị lộ và đã giúp cho nhiều bước chân cán bộ chiến sĩ bình yên đi ngang qua đây.
“Cây trâm lâu năm thiêng lắm!”- Ông già bà cả nói như vậy. Người ta thấy cây trâm như cảm được tình người: Mùa khô người lớn, trẻ con tới lui thì cây tươi vui trổ hoa kết trái. Đến mùa nước ngập, người vắng tới lui thì cây buồn ủ rũ.
Những đêm giông bão, cây trâm lầm lì chịu đựng sấm chớp. Cây cô đơn với những tháng năm dân làng bị mất mùa, nghèo đói, bỏ xứ đi lang thang. Cây rướm máu khi bị giặc bắn phá tơi bời, thường khóc trong đêm qua kẽ lá, ru buồn với gió.
Nhưng khi có rượu vào, lão Tám còn cao hứng nói:
- Các ông có biết người lo công việc giải cứu Vân năm đó là ai không? Là tôi đây! Tôi đã từng ngủ với gốc cây này suốt thời chiến tranh gay gắt, để cho khỏi bị lộ trước tai mắt của giặc, tôi thêu dệt nhiều chuyện ma quỷ cho người nhác gan không léng phéng tới đây. Mà cây trâm linh thiêng thiệt, đã từng che chở cho tôi thoát chết nhiều lần!
Dân nhậu chẳng thèm để ý đến lời nói người say rượu, nhưng lời của lão rất quả quyết, làm cho người ta mơ hồ như có thật. Lão còn đề nghị với bà con đem rau quả, đường tương, bột ngọt bày bán ở đây.
Lão nhận định: “ Đây là điểm thuận lợi cho bà con mình mở cái chợ nho nhỏ mua bán rau củ quả được lắm!” Chừng không ai để ý đến lời của lão Tám, chỉ duy nhứt có cô Lý chủ quán rượu nghe theo. Khi Lý đóng cái sạp để rau quả và cái tủ hàng xén bày bán linh tinh, xà bông, dầu gội đầu, bột ngọt…
Thấy vậy có người cười: “ Con Lý khùng theo lão Tám, ở đây mua bán được gì mà bày ra, ít ngày dẹp cho coi!” Nhưng nào ngờ, xe qua lại và người chung quanh ghé vào mua.
Vài tháng, Lý mở rộng thành cái tiệm lớn hơn. Người ta thấy được, ùn ùn mở tiệm và các dịch vụ khác cũng mở theo. Chợ “Cây trâm” hình thành từ đó.
Chợ nằm trên trục lộ giao thông gánh hai đầu quận, huyện và cũng là con đường huyết mạch về thành phố nên xe cộ ngày một đông đúc.
Đặc biệt, chợ nằm giữa thôn xóm dân cư đông đúc, đã từ lâu bị bế tắc chỉ có con đường sông ra chợ phải mất nửa ngày đi và về. Nay con lộ nhựa ngang qua, vực dậy cuộc sống mới cho cả một khu vực có nhiều tiềm năng về nông nghiệp trù phú.
Đất chung quanh cây trâm lên giá vùn vụt, người ta mở ra các dịch vụ thương mại, ăn uống… đều khấm khá. Chợ vừa đông đúc thì lão Tám cũng biến đâu mất.
Một buổi sớm, có chiếc xe du lịch giảm dần tốc độ rồi đậu vào lề đường, trên xe một nam, một nữ bước xuống lễ phép hỏi Lý:
- Thưa cô, nghe nói ở đây có một ông già để tóc râu xồm xoàm thường ghé uống rượu có phải không cô?
Lý nhìn hai nam nữ thanh niên rồi nói:
- Có! Nhưng, cả tháng nay không thấy ông ấy nữa! Mà xin hỏi hai cháu là sao với ông ấy vậy?
- Ông ấy là ba con. Ngày xưa ông tham gia làm cách mạng bị miểng pháo dính trên đầu chưa lấy ra, giờ ông ấy lơ lửng. Đang trị liệu tại nhà, một hôm ông trốn khỏi nhà ra đi mất, tụi con tìm kiếm khắp nơi. Có người cho biết ông ấy ở đây nên tụi con đến tìm rước về.
- Trời! Hèn gì ông ấy kể chuyện đã giải thoát nữ cán bộ tên Vân gì đó thoát chết một cách rất thú vị trong tay giặc và kể chuyện thời xưa hoạt động cách mạng nghe hay lắm. Mà có ai tin đâu, ai cũng tưởng ông ấy say rượu nói dóc chơi thôi.
Cậu thanh niên nôn nóng hỏi:
- Mà cô ơi, có biết ông ấy đi đâu ở đâu không?
- Không biết! Ông ấy cũng thường vắng một thời gian rồi xuất hiện không chừng, ông thường như vậy! Chắc ông ấy cũng luẩn quẩn gần đâu đây!
- Cô ơi, nếu như ông ấy có đến nhờ cô gọi cho con số điện thoại này… Con cám ơn cô lắm!
Cậu thanh niên viết số điện thoại trong miếng giấy đưa cho Lý rồi lật đật chào Lý lên xe đi vội:
- Con phải đi tìm cho được ông ấy!
Buổi sáng sớm, chợ chồm hổm “Cây trâm” nhộn nhịp rất sớm và tan cũng nhanh, ba quán cà phê, tám cửa hàng vừa mở cửa có khách ra vào đông đúc, bán gì cũng đắt. Tiệm của Lý nằm ngay trung tâm nên đắt hơn hết.
Lý vừa mua bán mà mắt cứ để ngoài đường, hễ thấy dáng tóc nào lồm xồm chấm bạc tưởng lão Tám chạy riết ra nhìn mặt. Nhưng ngày này qua ngày nọ, người cô tìm không quay trở lại. Chợ ngày một sung túc, Lý ngày một giàu có với cửa hàng xén cùng với bà con khu chợ quê.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin