Bánh hỏi gần như là một loại đặc sản rất riêng của Bình Định. Món "bánh hỏi lòng heo" rất phổ biến ở nhiều nơi trong tỉnh và ngon nhất là ở khu vực ngã ba Phú Tài (TP Quy Nhơn).
(VLO) Bánh hỏi gần như là một loại đặc sản rất riêng của Bình Định. Món “bánh hỏi lòng heo” rất phổ biến ở nhiều nơi trong tỉnh và ngon nhất là ở khu vực ngã ba Phú Tài (TP Quy Nhơn).
Có dịp đi ngang qua TP Quy Nhơn, du khách sẽ thấy hàng chục quán ăn với món “cháo lòng bánh hỏi”, món điểm tâm quyến rũ khách phương xa.
Theo những bậc cao niên ở đất Bình Định, bánh hỏi có từ rất lâu đời, là thứ bánh làm từ bột gạo như mọi loại bánh truyền thống khác ở Việt Nam, nhưng bánh hỏi của “xứ nẫu” vẫn có cái đặc biệt là tên gọi.
Nghe nói ban đầu mới làm loại bánh này, ai thấy cũng hỏi là bánh gì? Có lẽ vậy nên tên “bánh hỏi” được khai sinh chăng?
Ở Bình Định, cùng với bánh hỏi còn có bánh tráng, bánh ít lá gai; bún song thằn... từ lâu đã trở thành đặc sản riêng của miền “đất Võ”. Theo nhiều người rành về ẩm thực phân tích thì bánh hỏi chính là “biến thể” của bún tươi có ở nhiều vùng miền nước ta.
Tuy nhiên, do thấy sợi bún lớn có ở nhiều nơi, nên người ta đã phá cách chế biến làm cho sợi bún nhỏ lại. Từ đó tạo ra loại bánh hỏi từ nguyên liệu truyền thống là bột gạo.
Các làng nghề làm bánh hỏi ngon nổi tiếng ở Quy Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước…, hàng ngày cho ra lò hàng tấn bánh hỏi để cung ứng thị trường tại chỗ.
Bánh làm xong được xếp vào các sọt, rổ bằng tre có lót lá chuối tươi rồi chở ra phố thị bán sỉ và lẻ. Mỗi ký bánh hỏi đã tẩm dầu, hẹ có giá khoảng 20.000đ, nhưng có thể đủ ăn cho 4- 5 người...
Bánh hỏi được làm từ gạo thơm được vo kỹ, ngâm nước một đêm. Hôm sau, vớt gạo đem xay nhuyễn bằng cối đá. Sau đó, cho bột đã xay vào bao vải khô “bòng” cho ráo nước để có một loại bột.
Đem hấp bột này vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký rồi đưa vào khuôn ép. Một người ép, một người bắt bánh và ngắt ra từng đoạn chừng 10cm. Sau đó đem bánh hấp cách thủy một lần nữa mới mang đi tiêu thụ.
Khi ăn bánh hỏi, người Bình Định thường cho thêm chút dầu ăn hoặc dầu dừa đã khử củ hành hay củ nén chín. Dầu đã phi trộn với lá hẹ xắt nhỏ, tẩm lên từng miếng bánh làm cho hương vị miếng bánh hỏi rất đặc biệt, kích thích khẩu vị.
Khi ăn chỉ cần một chén xì dầu, ớt, tỏi, đường, thêm miếng chanh tươi là có món điểm tâm sáng dân dã nhưng quá tuyệt vời.
Không giống như bún hay bánh cuốn. Bánh hỏi mang hương rất riêng của người dân Bình Định, là món ăn truyền thống ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Người dân Bình Định có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn tối hoặc ăn lúc nào bằng bánh hỏi để trừ cơm hoặc khi cúng giỗ, cưới hỏi, lễ lạt, hội hè, ăn nửa buổi…, đều có món bánh hỏi. Món cháo lòng bánh hỏi là món ăn khoái khẩu của người dân đất Võ.
Cháo lòng nấu hơi loãng với huyết heo ninh nhừ, thịt nạc băm nhuyễn, thêm chút gia vị tiêu, hành, bột ngọt cho vừa ăn.
Ở Bình Định có khoảng chừng chục món ăn bằng bánh hỏi như: bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt heo quay- nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi gà nướng...
Ngoài ra, bánh hỏi cuộn bánh tráng với thịt heo luộc và rau sống chấm mắm nêm cũng là món ngon đất Võ. Bánh hỏi tuy bình dân nhưng lại có sức quyến rũ lạ kỳ. Nhìn những miếng bánh hỏi trắng muốt, điểm lá hẹ xanh xanh, tẩm dầu phi củ nén rất thơm là thấy thèm ăn ngay.
Người dân đất võ có câu ca: “Trời mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ/ Em thương một người có mẹ không cha/ Bánh đúc có rắc hành hoa/ Bánh hỏi thiếu hẹ như đám ma thiếu kèn/ Quảng Nam dễ có mà “en”/ Xa xôi đất Võ làm “reng” đi hè...’’.
TIÊN SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin