Cá lóc "om" đọt cau

02:12, 24/12/2019

Cau là loài cây rất gần gũi với người dân Việt Nam. Ngoài tác dụng cho bóng mát, ăn trầu, làm cây cảnh; cau còn là một vị thuốc trong Đông y. 

Cau là loài cây rất gần gũi với người dân Việt Nam. Ngoài tác dụng cho bóng mát, ăn trầu, làm cây cảnh; cau còn là một vị thuốc trong Đông y.

Các bộ phận của cây cau đều được dùng để làm thuốc điều trị bệnh. Đặc biệt, đọt cau (củ hủ) có thể dùng chế biến các món ăn ngon. Muốn có củ hủ, trước hết người ta phải hạ cây cau rồi chặt lấy phần ngọn, lột hết bẹ ra, phần còn lại có màu trắng đục, mềm và giòn, đó chính là phần “củ hủ”. 

Bát “cá lóc om đọt cau” thơm ngon và nhiều dinh dưỡng.
Bát “cá lóc om đọt cau” thơm ngon và nhiều dinh dưỡng.

Củ hủ cau là một món ăn ngon, đậm đà hơn củ hủ dừa với nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa và các chất khoáng như: sắt, kẽm, magie,… và không hề chứa cholesterol, chất béo bão hòa.

Tuy nhiên, củ hủ cau sau khi xắt mỏng phải ngâm giấm pha với nước muối khoảng 30 phút để thịt nó không bị đen nâu lại và loại bỏ chất chát.

Thông thường người ta thường chế biến củ hủ cau thành những món ăn ngon như: trộn, làm gỏi hay xào với các loại thịt…

Cá lóc (còn có tên là cá tràu, cá chuối, cá quả) chữa được nhiều bệnh vì thịt ít mỡ, giàu khoáng và vitamin. Theo Đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, gân xương, trừ đàm hấp thu, bổ não, tăng trí nhớ, chữa các bệnh đau đầu, hay quên; chữa thận hư nhiễm mỡ, bổ nguyên khí, chữa phụ nữ ít sữa, bồi bổ cho người mới khỏi bệnh vì dễ hấp thu.

Cá lóc thường được chế biến các món ăn thơm ngon như nấu canh, nấu cháo, hấp, nướng, kho tộ, chiên, om (nấu nhỏ lửa)… Đặc biệt, là món cá lóc om đọt cau chế biến như sau:

Cá lóc làm sạch vảy, bỏ mang (nhưng nhớ giữ lại bộ lòng cá vì đây là phần được coi là đặc sắc nhất), ngâm sơ qua nước muối pha để loại bỏ nhớt tanh.

Thân cá cắt xéo đều nhau nhưng giữ nguyên con rồi tẩm ướp gia vị gồm mắm, muối, tiêu bột, củ hành tím và nghệ tươi giã giập, ít đường, bột ngọt... trong khoảng 1 tiếng cho thấm rồi nướng sơ trên than hoa cho thịt chắc và thơm.

Xong đâu vào đấy, phi dầu phộng (dầu lạc) với tỏi cho thơm rồi rưới đều lên con cá đã nướng. Sau đó cho cá đã nướng, củ hủ cau (chỉ dùng một đọt cho 2- 4 người ăn), nấm mèo (đã ngâm và rửa sạch) và nước dùng vừa đủ vào om chín.

Và không quên đĩa rau sống có chuối cây xắt mỏng trộn với các loại rau thơm, rau má, ngò ta... Món này thường nhậu lai rai hoặc ăn với cơm, bún, cuống bánh tráng, bánh tráng nướng, mì Quảng… đều ngon...

Thưởng thức món cá lóc om đọt cau với vị bùi, béo, ngọt của cá tràu; vị giòn, ngọt, thơm của “đọt cau” cùng với nấm mèo và các gia vị hòa quyện vào nhau tạo thành món ăn với hương vị rất riêng, ai đã một lần ăn thì nhớ mãi không quên.

Thực tế, các nhà khoa học cũng ghi nhận trong thân cây cau, tùy theo các bộ phận, ít hay nhiều đều có hoạt chất ancaloit, tác động lên hệ thần kinh làm giãn nở mạch máu vùng chậu, cải thiện vượt bậc độ cương cứng dương vật nên nhiều đấng “mày râu” thường chế biến món này vừa thưởng thức hương vị rất riêng biệt, thơm ngon, đậm đà vừa cải thiện tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Tuy nhiên, đây là “món ăn bài thuốc”, mong rằng ai đó không lạm dụng, chỉ ăn vài lần mỗi tuần thôi. Không biết sao, “các ông” cứ vô tư nhậu món này mà “bà xã” không hề nhăn nhó, còm ròm và ca câu: “Cá lóc mà om đọt cau/ Anh ăn một bát, thuộc làu “bài em”...

Bài, ảnh: TIÊN SA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh