Trên mâm cơm hàng ngày của người Việt thường có ba món là món canh, món mặn, món xào. Món mặn, món xào là món chủ đạo nhưng món canh mới là món mà cánh chân lấm tay bùn luôn ưa thích bởi nó góp phần giải nhiệt, giúp nhanh hồi sức sau những buổi làm việc mệt nhọc.
Trên mâm cơm hàng ngày của người Việt thường có ba món là món canh, món mặn, món xào. Món mặn, món xào là món chủ đạo nhưng món canh mới là món mà cánh chân lấm tay bùn luôn ưa thích bởi nó góp phần giải nhiệt, giúp nhanh hồi sức sau những buổi làm việc mệt nhọc.
Cùng là canh nhưng món canh chua có nhiều hương vị hơn cả. Nó có mặt thường xuyên trên mâm cơm của người miền Nam và miền Trung bởi khí hậu nơi này khá nóng và công việc đồng áng luôn nhọc nhằn. Với đủ loại hương đồng cỏ nội, thủy sản đa dạng phong phú món canh chua luôn là sự lựa chọn số một cho những bữa cơm quê.
Cái hay của món canh này là nắng nóng ăn rất thích hợp, còn giá buốt thì lại ấm lòng nên nó được các nhà hàng, quán ăn vinh danh thành đặc sản và có nhiều món để thực khách lựa chọn. Từ ốc, ếch, cá đồng cho tới heo, bò, gà, các loại thủy sản đều thích hợp cho món canh này.
Tuy là dân dã quê mùa nhưng muốn cho bát canh ngon thì cũng phải biết nấu đúng cách, đúng điệu. Chẳng hạn như cá linh thì phải nấu với bông so đũa, điên điển. Lươn thì nấu với bắp chuối, rau ngổ.
Cơm mẻ thì nấu với thịt trâu, thịt cầy. Cá và các loại hải sản thì nấu với me, khóm, cà chua. Nghêu, sò, ốc, hến, trai, trùng trục thì nấu với me. Gia vị cũng phải thích hợp như canh riêu cua thì phải có hành, ếch lươn thì phải có ngổ; cá phải có thì là, hến phải có rau răm…
Còn người quê tôi thì lá giang mới là sự lựa chọn số một cho món canh chua của mình bởi lá giang luôn thích hợp với cả heo, bò, gà, các loại cá đồng và hầu hết các loại thủy- hải sản. Lá giang là cây thân leo, mọc hoang, có vị chua nhẹ và thơm. Muốn chua nhiều thì vò giập lá rồi nấu.
Canh chua mà không có me, lá giang, khóm, cà, khế hay mẻ thì làm sao mà ngon được. Kết hợp với các loại thịt, cá và các loại rau mà vườn nhà có như bắp chuối, so đũa, kèo nèo, điên điển, đọt choại, đọt xoài. Ở chợ thì có giá sống, khóm, cà chua, bạc hà, ngò gai, rau húng, rau quế. Còn sấu hay chanh thì không thể nấu ngon với cá mà chỉ hợp với nước rau muống luộc.
Ở quê thường không có nước lèo là nước ngọt từ xương heo, xương gà hầm để giúp cho món canh được ngon và đậm đà hơn nên người quê thường nấu thịt thà hay hải sản mà mình có để lấy nước ngọt rồi mới cho rau, củ, quả vào.
Người quê sống đạm bạc nên món ăn của họ cũng không quá cầu kỳ. Trên mâm thường không phải là 3 món canh, mặn, xào mà có khi chỉ có một như mắm ba khía trộn chua ngọt hay khô sặt trộn gỏi xoài, đu đủ, dưa leo. Nhanh, gọn thích hợp với những gia đình neo đơn, với ngày mùa tất bật.
Xa quê, nhớ lắm những món quê ăm ắp hương đồng cỏ nội nhưng nhớ nhất là canh chua lá giang nấu với nghĩa xóm tình làng. Đó có thể là con ốc, mớ rau khi đi làm đồng về san sẻ, sớt chia.
Không ngon cũng thành ngon, không ngọt cũng thành ngọt bởi khi tối lửa tắt đèn, lúc sa cơ hoạn nạn bao giờ cũng có xóm giềng đùm bọc, chở che. Để rồi những trưa hè oi ả nơi phố thị đông người lại nhớ về bát canh chua đạm bạc mà ngọt cả lòng.
Thật là tuyệt cú mèo: “Cá bống còn ở trong hang,/ Lá rau tập tàng còn ở ruộng dâu,/ Ta về ta sắm cần câu,/ Câu lấy cá bống nấu rau tập tàng”. Để rồi: “Đắng thì bồ kết bồ hòn,/ Để ta tắm gội cho trơn mái đầu,/ Ngọt thì long nhãn táo tàu,/ Bưởi đường cam quít lựu đào na lê…” “Chua thì quả hạnh quả mai,/ Quả sấu quả rọc quả gai trái mùa,/ Đôi ta còn ngọt chửa chua,/ Đừng tham táo rụng đừng chê khế rừng” mà ca dao đã rất có duyên đi vào lòng người.
Cảm ơn quê đã để cho đời những món ăn ngon đậm đà phong vị cỏ nội hương đồng khiến ta hoài yêu hoài nhớ. “Anh đi anh nhớ quê nhà,/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” thì cũng là lẽ thường tình của người quê vì một lý do nào đó mà phải cam lòng xa quê.
LÝ THỊ MINH CHÂU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin