Cách đây hơn 10 năm, đọc được trong tạp chí văn hóa ẩm thực Nhật Bản (Nihon no inshokku no bunka), nhà báo chuyên viết về du lịch, có giới thiệu về ẩm thực độc đáo của Việt Nam với rất nhiều loài bông có thể ăn được.
Cách đây hơn 10 năm, đọc được trong tạp chí văn hóa ẩm thực Nhật Bản (Nihon no inshokku no bunka), nhà báo chuyên viết về du lịch, có giới thiệu về ẩm thực độc đáo của Việt Nam với rất nhiều loài bông có thể ăn được.
Cải ngồng xào thịt bò. |
Trong khi ở Nhật cũng có loài bông dùng trong ẩm thực là loại cúc đồng (kiku yasai), thì ở Việt Nam có thể kể trên chục loại, mà mỗi loại gắn với văn hóa từng vùng miền riêng biệt.
Bông bí thì trên thế giới cũng có một số nước chế biến thành món ăn, nhưng ở Việt Nam, loại bông dân dã này được chế biến ngày càng tinh tế, sang trọng để xuất hiện trong các thực đơn của các nhà hàng cao cấp, như bông bí chiên giòn, dồn thịt, cá...
Nguyên gốc, ở nông thôn ngày xưa canh bông bí gắn bó và xuất hiện thường trực trong bữa ăn hàng ngày, nhất là vào những tháng cuối năm. Ngày nay thì chúng có quanh năm.
Độc đáo, quyến rũ nhất phải kể đến những loài bông gắn với mùa nước nổi miền Tây, như: bông súng và bông điên điển.
Những đứa trẻ vừa chống xuồng lướt trên đồng lấy trớn, rồi cứ thế cúi xuống nhổ những bông súng nở trắng trên mặt nước.
Có hai loại là bông súng đồng, mập, sậm màu và bông súng ma cọng nhỏ, trắng hơn. Hình ảnh đồng nước nổi vàng rực những vạt bông điên điển thì ai đã sinh ra và lớn lên ở đây, dẫu có đi đâu, ở đâu cũng không thể nào quên.
Gắn với nó là từ riêng biệt, như bông súng thì gọi là nhổ bông súng, còn điên điển thì là tuốt bông điên điển.
Gắn với đầu mùa cá linh non là bông so đũa nấu canh chua; còn một loài bông ăn cùng với lá ở miệt Châu Đốc, Phú Tân, Chợ Mới là bông và lá sầu đâu trộn gỏi sặt rằn, khô cá lóc, cái vị đắng nhớ đời không lẫn vào đâu được.
Thật gần gũi và độc đáo là bắp chuối, được dùng như một loại rau đi vào các nồi lẩu, các loại gỏi, cháo gà, cháo vịt...
Một loài bông đã đi vào ca dao: “Thương chồng nấu cháo le le. Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”. Bông thiên lý thì ngày nay được trồng thành vườn, thu hoạch bán như rau, cùng với đó là loại bông đặc biệt là bông sen khi tàn để lại những đài sen đầy hạt, được chế biến rất nhiều món ăn nên thuốc.
Sang trọng trên vùng cao nguyên, nổi tiếng có artiso, đây là loại bông khi tươi chế biến thức ăn, khi khô thì được làm trà thanh nhiệt...
Không thể kể hết các loại bông đã đi vào ẩm thực Việt Nam một cách ngắn gọn được, gần đây xuất hiện loại bông mới là cải ngồng (cải bông), rất khó trồng, năng suất thấp, nhưng chất lượng thì tuyệt hảo.
Khi xào với thịt bò, xào hến, tép, thậm chí xào không, chúng tứa ra chất ngọt thanh thao, cọng thì giòn thơm vô cùng quyến rũ.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin