Giải trí cùng game show thuần Việt

06:07, 03/07/2017

Khoảng 2 năm trở lại đây, game show thuần Việt nở rộ, được đông đảo khán giả đón nhận. Nhiều chương trình mang tính giải trí cao, trở thành "món ăn tinh thần" tạo ấn tượng đẹp bởi ý nghĩa nhân văn khi tôn vinh giá trị gia đình, văn hóa, cộng đồng, xã hội Việt…

Khoảng 2 năm trở lại đây, game show thuần Việt nở rộ, được đông đảo khán giả đón nhận. Nhiều chương trình mang tính giải trí cao, trở thành “món ăn tinh thần” tạo ấn tượng đẹp bởi ý nghĩa nhân văn khi tôn vinh giá trị gia đình, văn hóa, cộng đồng, xã hội Việt…

Nhiều câu chuyện đời được dàn dựng công phu trên sân khấu, gửi gắm những giá trị nhân văn. Ảnh từ fanpage Kịch và Bolero
Nhiều câu chuyện đời được dàn dựng công phu trên sân khấu, gửi gắm những giá trị nhân văn. Ảnh từ fanpage Kịch và Bolero

“Món ăn tinh thần” quen thuộc

Khi xã hội ngày một phát triển, trình độ và ý thức của khán giả truyền hình cũng có sự khác biệt. Những chương trình giải trí kém chất lượng, có nội dung không phù hợp về văn hóa, dễ dãi về nghệ thuật dần hạ nhiệt và nhường chỗ cho những chương trình được đầu tư một cách chỉn chu, có chiều sâu và ý nghĩa.

Những game show thuần Việt như: “Solo cùng bolero”, “Sao nối ngôi”, “Ngôi sao phương Nam”, “Tiếu lâm tứ trụ”… trở thành “món ăn tinh thần” và khung giờ phát sóng hàng ngày dần dà là khoảng thời gian được mong đợi nhất trong ngày của nhiều gia đình.

Cô Phan Ánh Tuyết (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) là “fan” ruột của các chương trình giải trí phát sóng lúc 21 giờ trên THVL1.

Cô nói: “Tôi và nhiều gia đình trong xóm rất thích chương trình hát nhạc bolero. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, nghe mấy giai điệu trữ tình nhẹ nhàng, êm ái thấy thư giãn hẳn”.

Thậm chí, “hôm nào có việc bận không xem được là phải chờ xem phát lại hoặc nhờ đứa cháu mở cho xem trên internet”- cô vừa nói vừa cười.

Bạn Ngọc Liên (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) thì cho biết: “Tuy bận học nhưng vẫn tranh thủ coi game show với gia đình. Cả nhà có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi quây quần vừa coi vừa rôm rả bình luận rồi hồi hộp chờ kết quả của mỗi phần thi”.

Cô Phan Thị Thắm sinh hoạt trong CLB Đờn ca tài tử ở xã Hiếu Thành (Vũng Liêm) cho biết khi xã hội ngày một văn minh thì những giá trị truyền thống càng được tôn vinh.

“Tôi không bỏ lỡ cuộc thi hát vọng cổ, cải lương nào trên truyền hình. Âm nhạc truyền thống vẫn còn được người trẻ giữ gìn là một điều đáng mừng”- cô chia sẻ.

Minh chứng cụ thể cho độ yêu thích của khán giả dành cho các chương trình truyền hình là tỷ suất người xem.

Chương trình “Sao nối ngôi” nằm trong danh sách 3 game show có tỷ suất người xem cao nhất năm 2016 tại thị trường TP Hồ Chí Minh và giành được giải Mai Vàng 2016 từ bình chọn của khán giả.

Trên Youtube, mỗi tập phát sóng của các game show cũng thu hút một lượng lớn khán giả, tập 7 của chương trình “Cười xuyên Việt 2016” có hơn 21 triệu lượt xem.

Mang những điều bị “lãng quên” trở lại

Trong khung giờ phát sóng game show, không khó khi bắt gặp hình ảnh người nghệ sĩ duyên dáng trong tà áo dài chìm đắm vào giai điệu bolero hay các em nhỏ khiến khán giả bùi ngùi vì làn điệu dân ca ngọt ngào.

Các game show chiếm được trái tim của khán giả cũng vì mang đến chương trình ý nghĩa, tôn vinh và hướng người xem đến vẻ đẹp chân- thiện- mỹ.

Nhà báo Nguyễn Thiện Thư- Trưởng Phòng Sản xuất chương trình truyền hình (Đài PT-TH Vĩnh Long) nói rằng: “Các game show này trải qua quá trình lên ý tưởng, sản xuất, hậu kỳ… đều từ sự sáng tạo của người Việt. Từng chủ đề của mỗi đêm thi đều có sự định hướng phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước”.

Bạn Tô Ngọc Luật (sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) chia sẻ người trẻ như bạn ít quan tâm đến kịch hay nghe nhạc từ những thập niên trước.

Tuy nhiên, khi xem “Kịch và Bolero”, sự kết hợp giữa diễn xuất và âm nhạc mang đến cảm giác đặc biệt, những bài nhạc bolero dễ dàng cảm nhận hơn. Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng được tái dựng mang văn học đến gần hơn với công chúng bằng cái nhìn sinh động.

Ở “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, khán giả sẽ ngỡ ngàng khi cậu bé Đức Vĩnh mang nhạc dân tộc lên sân khấu, hát câu chèo trong trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” hay thể hiện một đoạn “Lý con sáo”.

Còn chương trình “Sao nối ngôi” lại là sợi dây kết nối tình cảm của các thế hệ trong gia đình nghệ sĩ. Loại hình nghệ thuật dân tộc như cải lương, tuồng cổ được “tiếp lửa”, đến gần hơn với khán giả trẻ. Lòng biết ơn đối với đấng sinh thành là thông điệp sâu sắc mà chương trình muốn gửi gắm.

Hát về “Hiếu đạo”, Châu Ngọc Tiên đã khiến bao nhiêu người rơi nước mắt: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha…”

Game show thuần Việt ra đời chưa lâu nên không tránh khỏi thiếu sót. Có quá nhiều game show phát sóng cùng lúc, đôi khi khiến khán giả “ngán” vì chương trình cứ na ná nhau.

Một điều nữa khiến nhiều người quan tâm là có hàng loạt chương trình dành cho thiếu nhi thi nhau lên sóng để phục vụ… người lớn. Nhiều đứa trẻ phải gồng mình luyện tập vất vả và sự hơn thua, hào quang khi tỏa sáng, vô tình khiến các em mất đi chính tuổi thơ của mình.

Vì thế, việc lựa chọn để trở thành thí sinh hay lựa chọn một game show phù hợp để xem cũng là điều mà mỗi chúng ta cần phải cân nhắc.

PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh