Theo đó, chủ phương tiện ô tô, xe máy có thể tra cứu dữ liệu đăng kiểm của mình qua website của Cục Đăng kiểm Việt Nam, được đề nghị cấp thông tin dưới dạng văn bản...
Từ ngày 1/2, chủ phương tiện có thể tự tra cứu thông tin đăng kiểm phương tiện của mình qua mạng internet (Ảnh: Phạm Nguyễn). |
Theo đó, chủ phương tiện ô tô, xe máy có thể tra cứu dữ liệu đăng kiểm của mình qua website của Cục Đăng kiểm Việt Nam, được đề nghị cấp thông tin dưới dạng văn bản...
Thông tư số 28/2022 của Bộ GTVT (quy định về quản lý, duy trì, chia sẻ, đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu đăng kiểm phương tiện GTVT), bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/2/2023.
Theo đó, thông tin dữ liệu đăng kiểm phương tiện GTVT (bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng, tàu biển, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt) thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT sẽ được kết nối vào cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức và chủ sở hữu, quản lý hợp pháp phương tiện.
Đối với xe ô tô, dữ liệu thông tin đăng kiểm tối thiểu được chia sẻ gồm: biển số xe, nơi đăng ký, nhãn hiệu, số động cơ, nước và năm sản xuất, số người được phép chở, khối lượng cho phép tham gia giao thông, ngày đăng kiểm, số quản lý đăng kiểm…).
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, thông tin tối thiểu được chia sẻ gồm: nguồn gốc (xe sản xuất lắp ráp trong nước hay nhập khẩu), số giấy chứng nhận (số chứng nhận kiểu loại đối với xe trong nước hoặc số chứng chỉ đối với xe nhập khẩu), ngày tháng cấp giấy chứng nhận, năm sản xuất, tên thương mại, số khung, số máy, công suất, thể tích máy…).
Dữ liệu đăng kiểm xe máy chuyên dùng, tàu biển, phương tiện thủy, phương tiện đường sắt gồm tập hợp các thông tin liên quan để nhận dạng nguồn gốc của phương tiện… giúp cơ quan chức năng, chủ phương tiện đối chiếu với phương tiện thực tế cần nhận dạng.
Theo Bộ GTVT, cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện được đơn vị đăng kiểm tạo lập, cập nhật lên hệ thống dữ liệu và Cục Đăng kiểm Việt Nam tích hợp, kết nối, chia sẻ vào cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT.
Đối tượng được cung cấp, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm gồm: các cơ quan phục vụ công tác quản lý Nhà nước; chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện hợp pháp; các tổ chức, cá nhân khác khi có yêu cầu.
Dữ liệu được chia sẻ qua nền tảng tích hợp dữ liệu của Bộ GTVT, kết nối trực tiếp giữa hệ thống nơi quản lý và nơi sử dụng dữ liệu, tra cứu trực tuyến trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cung cấp thông tin bằng văn bản.
Đối với chủ phương tiện, có thể tiếp cận dữ liệu đăng kiểm qua website của Cục Đăng kiểm Việt Nam (không cần cấp tài khoản, mã khóa); được đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị đăng kiểm cấp thông tin dưới dạng văn bản (nội dung đề nghị nêu rõ mục đích sử dụng và các phương tiện có nhu cầu được chia sẻ), song phải trả phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Theo Bộ GTVT, cơ quan quản lý dữ liệu đăng kiểm phương tiện tạm ngừng kết nối, chấm dứt kết nối chia sẻ dữ liệu trong các trường hợp sau:
a) Nâng cấp, mở rộng, bảo trì hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin.
b) Trường hợp bất khả kháng làm gián đoạn kết nối, chia sẻ dữ liệu hoặc có ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin, sự an toàn dữ liệu.
c) Cơ quan, tổ chức được kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện sử dụng không đúng mục đích, phạm vi dữ liệu đã nêu trong văn bản đề nghị kết nối, chia sẻ dữ liệu.
d) Việc kết nối từ cơ quan, tổ chức được kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện được xác định có khả năng làm mất an toàn, an ninh.
e) Việc kết nối không thể khôi phục do sự cố hoặc do điều kiện khách quan mà cơ quan quản lý dữ liệu đăng kiểm phương tiện không thể tiếp tục duy trì chia sẻ dữ liệu.
f) Cơ quan, tổ chức, cá nhân được kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện không có nhu cầu tiếp tục kết nối và sử dụng dữ liệu.
g) Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với các quy định của pháp luật./.
Theo Trần Thanh/Dân Trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin