Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bài học số 3 trong tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016- 2021 của Chủ tịch nước là: "Luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; nhân dân là trung tâm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc". Đây cũng là bài học quan trọng cho mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương.
(VLO) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bài học số 3 trong tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016- 2021 của Chủ tịch nước là: “Luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”. Đây cũng là bài học quan trọng cho mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Mỗi đồng chí cán bộ mà chúng tôi tiếp xúc là mỗi câu chuyện riêng, họ có cách làm riêng, sáng tạo riêng để tập hợp được “tài sản” lớn nhất đó là sức mạnh quần chúng. Nhưng tất cả đều có điểm chung là “người đứng mũi chịu sào”, “người dẫn dắt” ở các cấp ủy, chính quyền địa phương. Với tác phong giản dị, sự tận tụy với nhiệm vụ, lấy niềm vui, hạnh phúc của người dân làm mục tiêu tối thượng; mà để đạt được điều này “bí quyết” quan trọng nhất là sự thấm nhuần và làm theo lời dạy “gần dân” của Bác.
Kỳ 1: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”
Tư tưởng “dân là gốc” phải là nền tảng trong mọi hành động, là kim chỉ nam dẫn dắt trên con đường ngắn nhất đến được với lòng dân; không lý thuyết, sáo rỗng mà bằng hành động thực tiễn, bằng trái tim người cán bộ hòa cùng nhịp đập trái tim quần chúng, để thấm sâu lời Bác dặn dò: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Quới Nguyễn Thị Lan Tươi (người thứ 7 từ phải qua) tại lễ khánh thành công trình giao thông nông thôn trong xã. |
“Cán bộ đảng viên cũng từ nhân dân mà ra”
Địa bàn xã Phú Quới (Long Hồ) xưa nay vốn bị chia cắt bởi những dòng sông lớn nhỏ, kinh rạch chằng chịt: Hai Lai, Bờ Tràm Cụt, Bà Lang, Kinh Tư… tạo nên sự trắc trở đường đi lối lại, bao nhiêu năm người dân phải chịu cảnh đò giang cách trở, những con đường lầy lội, những nhịp cầu tạm bợ mấy cháu học sinh trầy trật đường mưa những buổi đến trường.
Khổ nỗi, đây cũng là cung đường tan tầm về của hàng ngàn công nhân từ Khu công nghiệp Hòa Phú. Những chiếc cầu vững chãi bắc qua sông tưởng chừng mãi mãi… chỉ là những giấc mơ.
Nhưng có điều kỳ diệu như sức mạnh “thần đèn” chỉ trong vài ba năm, bắt đầu từ năm 2017, những chiếc cầu đã mọc lên nối liền đôi bờ cách trở. Giao thông đường xã thông thương và đường mở đến đâu, sáng đèn đến đó. Tất cả công trình đều từ sức dân mà làm nên.
Câu chuyện bắt đầu từ nữ Bí thư xã Phú Quới Nguyễn Thị Lan Tươi (giai đoạn 2015-2019 là Phó Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã) và bài học “Dễ trăm lần không dân cũng chịu.
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”- câu ca dao Bác thường nhắc nhở ai cũng nằm lòng, nhưng không phải ai cũng thực hiện thành công.
Vận động sức dân, hơn cả nghệ thuật của công tác dân vận, mà bằng sự chân thành, tấm lòng hướng về lợi ích người dân mà không vì sự mưu cầu nào cho lợi ích cá nhân. Muốn đạt được mục đích này, phải hiểu được tâm tư, tình cảm người dân, khi đất đai là “khúc ruột”.
Như vợ chồng bà Nguyễn Thị Bảy (ấp Phước Yên A) sau khi đóng góp xây cầu lại đóng góp thêm 190m2 đất, cùng người em trai hiến hơn 100m2 để làm thêm con đường tắt, đã nói câu chân thành gan ruột: “Lan Tươi ơi, nhiêu đất đó là cô chú đủ cất một căn nhà mới đó con”.
Vậy mà họ sẵn sàng sẻ chia với cộng đồng, vì lẽ: “Thấy Lan Tươi nó chạy ngược xuôi vận động mà thương quá à!”
Về ấp Phước Yên A, nhìn dòng sông Bà Lang rộng mênh mông bao nhiêu năm chỉ có con đò nhỏ qua lại đôi bờ, “những ngày mưa gió mấy cháu nhỏ mẫu giáo chất đầy xuồng khẳm đừ nhìn mà run trong bụng”.
Từ năm 2019, chiếc cầu hoành tráng đã được hoàn thành từ tập hợp sức mạnh của quân- dân, là sự vận động liên tục, kiên trì của đồng chí nữ Chủ tịch UBND xã Phú Quới. Công trình hơn 500 triệu đồng, là biểu tượng đẹp bắc nhịp cầu nối liền “ý Đảng- lòng dân”.
Mấy chục dân quân cùng người dân địa phương tập trung làm mỗi ngày để giảm chi phí xây dựng, Chủ tịch UBND xã trực chiến hiện trường, một bác xe ôm chạy ngang trân trọng góp vào 100.000đ, mấy cô, mấy chị phụ nữ trong xóm xúm lại nấu cơm, họ “lén” góp tiền thêm cho bữa ăn phong phú… Những câu chuyện cảm động, khi dân quý, dân thương thì khó khăn mấy cũng vượt qua.
Vận động người dân đã khó, mà làm thế nào chính người dân lại đứng ra vận động tiếp chính quyền thì nghe hơi lạ. Bà Nguyễn Thị Kim Loan là người đi vận động mua đất để xây cầu Hai Lai.
“Thấy đường đi khổ quá, lại đông đúc vì công nhân ở khu công nghiệp tan làm nên phải đi vận động xây cầu thôi. Hụt tiền, Lan Tươi chở tui đi khắp nơi vận động, chở lên tới chùa. Lúc làm cầu là Lan Tươi đeo miết trong này, người ốm nhom, đen nhẻm, tội nghiệp lắm”.
“Khó nhất là vận động người dân. Bắt đầu từ họp dân, nói lên bức xúc cần cây cầu, người dân góp công, góp của. Muốn gần dân, trước hết người lãnh đạo phải thân thiện, luôn nở nụ cười.
Luôn đóng 2 vai trò, một là người cán bộ giải quyết việc gì đó, hai là nhập vai người dân để hiểu theo suy nghĩ của dân. Nói chung cán bộ, đảng viên cũng từ nhân dân mà ra, chớ đâu!”- Lan Tươi nhẹ nhàng
chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Tân Thành Nguyễn Hoàng Anh (bìa trái) trò chuyện cùng bà con vùng khoai “Mười Thới”. |
“Ba đời nhà tôi là nông dân”
Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Bình Tân) Nguyễn Hoàng Anh nói lời gan ruột: “Ông nội trồng khoai, ba cũng trồng khoai, giờ tôi cũng đang canh tác 12 công khoai lang. Ba đời nhà tôi là nông dân”. Đó cũng chính là cái lợi thế mỗi lần công tác về xóm ấp, là trở về với bà con nông dân thân thiết và mỗi lần triển khai chủ trương chính sách cũng dễ dàng thấu hiểu tâm tư, tình cảm người dân, nói theo cách nói của nông dân.
Trong ngày nghỉ lễ, công việc của Chủ tịch xã vẫn dày đặc, vừa tiễn đoàn từ thiện khảo sát hỗ trợ nước sạch cho người dân, Hoàng Anh trực tiếp đưa chúng tôi về với vùng khoai lang “Mười Thới”, gặp bà con nghe chuyện giảm nghèo, chuyện tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Từ Đường tỉnh 908, cặp theo con kinh Mười Thới đi sâu vào ấp Tân Dương tầm 7- 8 cây số, phải sau 4- 5 giờ chiều bà con vùng khoai mới xong việc đồng áng.
Trên tinh thần “nhân dân là trung tâm” các cán bộ lãnh đạo vùng khoai lang Bình Tân, thường linh động gặp gỡ, họp dân có thể vào buổi tối, điểm họp có thể là quán nước, nhà dân thuận lợi nào đó.
Cũng chính là cách làm cho tinh thần cuộc họp trở nên “mềm mại”, gần gũi hơn giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.
Vùng khoai lang Tân Quới nức tiếng miền Tây lên tận Sài Gòn từ thuở xưa, cũng là vùng đất mỡ gà đặc trưng khoảng 400ha cặp đôi bờ kinh Mười Thới, nay đã thuộc xã Tân Thành.
Ở đây, có những gia đình gắn bó với “khoai củ” hàng trăm năm qua, người dân nơi đây cũng rất nhạy bén với những dịch vụ mới xoay quanh củ khoai để tăng thêm thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình.
Vì lẽ đó, mà chủ trương, công tác giảm nghèo từ xã triển khai thuận lợi, mà Hoàng Anh nói rằng: “Rất hợp ý Đảng, lòng dân”.
Tăng thu nhập từ nông nghiệp và tạo việc làm quanh năm từ nông nghiệp, là bài toán khó của cả nước, nhưng Tân Thành thì có cách làm sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Mai (73 tuổi, ấp Tân Dương) nối nghiệp cha trồng khoai. Hiện còn 10 công, ông nhắc chuyện xưa: “Thời xưa, tới vụ khoai, dọc con kinh Mười Thới ghe các tỉnh về đậu đặc lừ dưới bến, tới nỗi muốn nhảy xuống tắm cũng không có chỗ.
Ngày thì làm, đêm thì đốt đèn măng- sông văn nghệ rôm rả, ta nói nó vui như tết. Lai rai cũng nhờ khoai với củ- Làm no đủ cũng nhờ củ với khoai nên dù trải qua khó khăn tui cũng hổng bỏ nghề trồng khoai đâu”.
Sinh ra, lớn lên bên dòng kinh Mười Thới, Hoàng Anh từ nhỏ đã quá quen với chuyện nhọc nhằn khoai củ của nhà nông: “Hồi nhỏ cực dữ lắm, ba trồng hơn 10 công khoai, 11- 12 giờ đêm đã dậy đẩy ghe đi rồi, nấu cơm sẵn rồi đem vô ruộng ăn.
Đem cơm theo nhưng tới trưa có bữa bị thiu, phải mượn gạo, củi, nồi của nhà dân gần ruộng rồi nấu cơm ăn”- Hoàng Anh kể, vì vậy mà giờ đây làm lãnh đạo xã anh có cái lợi thế nói chuyện với bà con như thể nói từ trong lòng ruột tâm tình, như người cháu, đứa em về trao đổi với bà con mà không hề có khoảng cách “quan- dân”. Những trăn trở của nông dân cũng là những trăn trở của Chủ tịch xã- Hoàng Anh.
Vận dụng lợi thế vùng khoai, xã Tân Thành đã chủ trương thành lập nhiều tổ hợp tác lao động hầu như tạo việc làm quanh năm, thu nhập khá cho những hộ không có đất sản xuất. Hoặc tăng gia chăn nuôi con giống tận dụng thức ăn rẫy khoai như nuôi thỏ, nuôi dê, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Như ông Nguyễn Văn Ghi trồng 5 công khoai rồi tận dụng đi cắt dây khoai nuôi thêm 22 con dê, tăng nguồn thu nhập đáng kể. Ông Nguyễn Văn Hiếu (57 tuổi)- nguyên Trưởng ấp, là tổ trưởng tổ vun giồng khoai.
Tổ có hơn 50 người, từ tất cả các xã trong huyện, có người ở Bình Minh, người từ tỉnh Đồng Tháp lân cận cũng đến làm.
Gắn bó với cây khoai hơn 30 năm, làm tổ trưởng để lo cho anh em xuất phát từ tấm lòng chứ hổng có được lợi gì khác. Mỗi anh em cuốc khoai thu nhập khoảng 500.000 đ/ngày, mức thu nhập khá cao so với vùng nông thôn.
Hoàng Anh cho biết: “Tân Thành tách ra từ Tân Quới từ năm 1994. Diện tích trồng khoai toàn xã Tân Thành khoảng 1.800ha, trong đó dọc con kinh Mười Thới khoảng 400ha.
Thời trước, trồng giống khoai bí đỏ với tàu nghẹn (khoai trắng giấy)… sau này chủ yếu trồng khoai lang tím Nhật. Hộ nghèo không có đất sản xuất thì gia nhập những tổ trồng khoai từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ quản lý. Tổ từ 30- 100 người, tạo việc làm, thu nhập ổn định quanh năm”.
Giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn là câu chuyện căn cơ bền vững trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Suy ngẫm từ quá trình hoạt động bản thân mình, Chủ tịch UBND xã Tân Thành Nguyễn Hoàng Anh rất tâm đắc lời Bác dạy: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” là bài học sâu sắc, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, khi địa phương cần huy động những nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn để xây dựng nông thôn mới, phát triển mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội của địa phương.
Kỳ 2: Từ bài học phum sóc đến NTM cấp huyện đầu tiên của tỉnh
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin