Kỳ cuối: Học theo Bác- đoàn kết là sức mạnh

09:05, 20/05/2018

Có dịp đi dọc theo con đường vào xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm), ta dễ dàng nhận thấy trên những ruộng lác liên tiếp nhau là từng tốp phụ nữ (PN) dựng lều giữa ruộng vừa làm vừa cười nói rôm rả, thậm chí họ còn tổ chức sinh hoạt lệ của chi hội ngay tại ruộng để tiết kiệm thời gian và không ảnh hưởng hiệu suất công việc. 

 

Mô hình hùn vốn mua BHYT được hội viên ủng hộ, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Mô hình hùn vốn mua BHYT được hội viên ủng hộ, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Có dịp đi dọc theo con đường vào xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm), ta dễ dàng nhận thấy trên những ruộng lác liên tiếp nhau là từng tốp phụ nữ (PN) dựng lều giữa ruộng vừa làm vừa cười nói rôm rả, thậm chí họ còn tổ chức sinh hoạt lệ của chi hội ngay tại ruộng để tiết kiệm thời gian và không ảnh hưởng hiệu suất công việc.

Cách làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Trung Thành Đông trong tập hợp hội viên là bằng những hoạt động thiết thực, nhất là phù hợp với thực tế đời sống chị em PN, thể hiện sự linh hoạt và độc đáo.

Hùn vốn mua BHYT- chăm sóc sức khỏe hội viên

“Học theo Bác, BCH Hội LHPN xã Trung Thành Đông đã quán triệt và đưa ra nhiều sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để mang lại năng suất và hiệu quả tốt hơn.

Cụ thể là BCH hội đã thành lập được các mô hình có ý nghĩa thiết thực với đời sống chị em PN trên địa bàn xã, vừa chăm lo đời sống, sức khỏe, vừa tạo sự đoàn kết, gắn kết các hội viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm”- chị Nguyễn Thị Thảo Xuyên- Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Thành Đông mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Một trong những mô hình hiệu quả của Hội LHPN xã đó là hùn vốn mua BHYT vào cuối năm 2016. Xuất phát từ nhiều hoàn cảnh chị em PN gặp khó khăn khi đau ốm bệnh tật mà không có khả năng mua BHYT, Hội LHPN xây dựng mô hình hùn vốn mua BHYT tự nguyện trong BCH.

Cách làm này giúp chị em không phải bỏ ra một khoản tiền lớn khi mua BHYT, nhất là đối với chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Với số tiền tiết kiệm 100.000 đ/tháng, mỗi tháng có 1 chị được nhận tiền để mua BHYT.

Theo chị Thảo Xuyên, khi mới phát động thì có 9 chị trong BCH hội tham gia. Thấy hiệu quả, các chị chi hội trưởng các ấp đã nhân rộng đến chi hội, đến từng hộ gia đình, thu hút nhiều chị em PN.

Đến nay, hội đã có 4 tổ hùn vốn mua BHYT với 60 thành viên, mỗi lần góp 100.000- 300.000 đ/tháng, mỗi chị nhận được từ 900.000- 2.000.000 đ/chị, duy trì mỗi tháng giúp được 4 chị mua BHYT hộ gia đình.

Cô Lê Thị Hoài (ấp Phú Nông) cho biết, mô hình này rất thiết thực cho hội viên, giúp chị em có điều kiện mua BHYT để khám chữa bệnh.

Hơn thế nữa, việc xây dựng mô hình này thể hiện sự quan tâm của cán bộ hội đối với hội viên, tạo điều kiện để chị em gắn bó, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Còn theo cô Nguyễn Thị Hồng (ấp Đại Nghĩa): “Mỗi tháng tiết kiệm chi tiêu một chút góp vốn vậy mà hay. Nếu không sẽ khó có điều kiện mua BHYT lâu dài. Càng lớn tuổi nếu có BHYT thì an tâm hơn”.

“Tổ liên kết xe lõi lác”-phát triển kinh tế gia đình

Ở làng nghề trồng và xe lõi lác, đa số chị em hội viên sống bằng nghề làm lác, trong đó có không ít hộ gia đình còn khó khăn về kinh tế, công việc chưa ổn định. Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội và Hội LHPN cấp trên, Hội LHPN xã đã mạnh dạn thành lập “tổ liên kết xe lõi lác” giúp PN phát triển kinh tế gia đình.

Theo đó, Hội LHPN đã vận động thành lập tổ hùn vốn xoay vòng, mỗi chị hùn từ 100.000- 200.000 đ/tháng, hàng tháng giúp lần lượt từng chị mua 1 máy xe lõi lác. Kết quả, đến nay thành lập được 3 tổ có 86 chị tham gia mua được 86 máy, nâng tổng số máy hội quản lý là 138 máy, giải quyết 200 lao động tại nhà cho chị em hội viên lúc nhàn rỗi.

Từ khi mô hình “Tổ liên kết xe lõi lác” được thành lập, chị em rất phấn khởi vì ngoài công việc chính hàng ngày ngoài đồng, chị em tranh thủ lúc về nhà như buổi trưa, buổi tối hoặc những ngày nghỉ hết đồng… xe lõi lác tại nhà, kiếm thêm thu nhập 1,5- 2 triệu đồng/tháng.

Chị Trần Thị Lệ (ấp Phú Nông) cười vui: “Một ngày nếu siêng xe lõi, tôi có thể kiếm được thêm trên 100.000đ ngoài thời gian làm việc ở ruộng lác. Nhờ vậy mà cuộc sống cải thiện rất nhiều, chị em gắn kết rất vui”.

“Với phương châm “đoàn kết giúp đỡ nhau”, việc thành lập mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực cho chị em, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Cụ thể là năm 2017 qua công tác phối hợp, Hội LHPN giúp được 45 hộ thoát nghèo, trong đó có 17 hộ là nữ chủ hộ”- bà Trương Bích Hậu- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã- cho biết.

Sinh hoạt tổ PN dưới ruộng lác

Đây là mô hình rất mới mẻ, sáng tạo, vận dụng linh hoạt theo điều kiện, nhu cầu của chị em hội viên.

Đặc thù là nơi chuyên trồng lác, nên chị em rất bận rộn từ sáng sớm đến chiều tối. Từ đó, các chị rất e ngại tham gia vào hội vì không có thời gian sinh hoạt, hội họp.

Chính vì thế nên Hội LHPN đã nghiên cứu và đề ra mô hình “Sinh hoạt tổ PN dưới ruộng lác”, để chị em vừa lao động vừa đảm bảo thời gian sinh hoạt với hội thuận tiện.

Hội phân công cán bộ nắm tình hình từng nhóm PN lao động trên ruộng lác về thời gian, địa điểm lao động, sau đó tiếp cận vận động các chị tranh thủ khoảng thời gian nghỉ trưa, nghỉ giải lao tại chỗ để sinh hoạt khoảng hơn 1 giờ, nhằm triển khai các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và công tác của hội, vận động các chị tham gia các phong trào, các cuộc vận động góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để đảm bảo cho hội viên tham gia sinh hoạt đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền được chị em tiếp thu đầy đủ, mỗi kỳ sinh hoạt tổ, Hội LHPN còn đề ra nhiều hình thức phong phú như bốc thăm câu hỏi có quà, văn nghệ giờ trưa hoặc xét hỗ trợ vốn từ ngân hàng, tổ hùn vốn tự nguyện để các chị có vốn mua thêm phân thuốc hoặc mua thêm lác về xe lõi, mua máy xe lõi…

Sau khi mô hình được ra mắt, thấy được thời gian phù hợp với giờ lao động và nội dung có ý nghĩa nên các chị rất vui và đồng tình ủng hộ, ngày càng nhiều hội viên tham gia vào tổ chức hội.

Nhiều chị bảo rằng: “Chỉ có tổ chức như thế này thì sinh hoạt tổ mới đạt chất lượng vì vừa không làm mất nhiều thời gian của các chị vừa có nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Nếu tổ chức sinh hoạt tại hộ gia đình vào buổi trưa và buổi chiều thì số lượng tham gia rất ít”.

Đây là một mô hình thiết thực phù hợp với tình hình ở địa phương và hiệu quả rất cao, số lượng tăng lên mỗi lần sinh hoạt từ 20- 30 chị, khi thời tiết thuận lợi, số lượng tham gia lên đến 50- 60 chị.

Đặc biệt, ngoài hội viên còn có những người chồng, người cha cùng tham gia, nên rất thích hợp để tuyên truyền những nội dung về phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Mô hình này được Hội LHPN huyện đánh giá cao, biểu dương khen thưởng cuối năm 2017 và được Đảng ủy, chính quyền xã khuyến khích phát triển nhân rộng tới các đoàn thể khác.

Thiết nghĩ, việc học tập và làm theo Bác cả về đạo đức, tư tưởng, phong cách là việc làm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chúng ta ai cũng có thể học tập và làm theo Bác dù chỉ ở những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống nhưng qua đó đã góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Nếu mỗi người luôn nghĩ về Bác với lòng thành kính để rèn luyện, phấn đấu, vươn lên thì cuộc sống chắc chắn sẽ đẹp biết dường nào. Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta hãy cùng phấn đấu để xứng đáng là những bông hoa đẹp tô thắm thêm vườn hoa của Bác.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long- nhận định rằng, các mô hình của Hội LHPN xã Trung Thành Đông rất thiết thực, hiệu quả, được sự đồng thuận cao của hội viên, tạo được sức mạnh đoàn kết phát triển phong trào hội. Mô hình sinh hoạt hội dưới ruộng lác rất mới, rất sáng tạo, vận dụng linh hoạt theo điều kiện ở địa phương nên hiệu quả rất cao. Đây là tập thể được Hội LHPN tỉnh chọn để biểu dương khen thưởng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp tỉnh.

Bài, ảnh: NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh