(VLO) Ngày 26/11, trong phiên thảo luận về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tồn tại không ít bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả và niềm tin của người dân.
Đại biểu cho rằng, hiện nay quy trình phối hợp chưa được quy định cụ thể dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ xử lý kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được công khai đầy đủ, gây khó khăn cho người dân trong việc theo dõi tiến độ và đánh giá chất lượng xử lý.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát khiếu nại, tố cáo; xây dựng quy trình chuẩn trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đảm bảo trách nhiệm và thời hạn cụ thể cho từng cơ quan.
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo để tăng cường quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các cơ quan chậm trễ, né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát.
Đồng thời, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý khiếu nại, tố cáo; công khai thông tin về tiến độ và kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi để người dân theo dõi; định kỳ tổ chức các buổi đối thoại công khai với cử tri về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc lớn hoặc vụ việc kéo dài.
TÂM-THI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin