Với hơn 61,2% dân số sống ở nông thôn, phát triển nông nghiệp nông thôn đã, đang và sẽ là mối quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định đối với việc ổn định kinh tế- xã hội của đất nước và giải quyết vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
|
Xây dựng nông thôn mới để nông thôn trở thành nơi đáng sống, nơi đáng tìm đến và nơi để quay về. Ảnh: NGUYỄN BÁCH THẢO |
Với hơn 61,2% dân số sống ở nông thôn, phát triển nông nghiệp nông thôn đã, đang và sẽ là mối quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định đối với việc ổn định kinh tế- xã hội của đất nước và giải quyết vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong đó, xây dựng NTM chính là nền tảng để phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp và giải quyết căn bản các vấn đề về nông dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của Nhân dân đã góp phần thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong xây dựng NTM và biến vùng đất đầy gian khó ngày nào trở thành những miền quê đáng sống.
Hiến “vàng” xây dựng quê hương
Tuyến đường đan Ấp 4 (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) rộng thoáng với những hàng dừa xanh thẳng tắp khá đẹp mắt. Căn nhà tường kiên cố của bà Nguyễn Thị Tuyết nằm khuất sau vườn cây. Bà nội, mẹ ruột và mẹ chồng của bà Tuyết đều là Mẹ Việt Nam anh hùng, còn cha và chồng bà đều là liệt sĩ. Thời chiến, bà Tuyết tham gia đánh mìn và bị địch bắt tù đày, trước những nhục hình tra tấn tàn độc nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản...
Trở về đời thường, bà Tuyết gánh luôn trách nhiệm làm cha để nuôi 3 con nên người và tiếp tục xây dựng quê hương. Với 6 lượng vàng của mẹ bà để lại, bà đã cùng anh trai đem tặng cho xã để làm đường cho dân đi. Năm 2014, khi mẹ bà Tuyết vinh dự được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình bà tiếp tục hiến hết số tiền hơn 40 triệu đồng để đan hóa tuyến đường trước nhà.
“Trước đây đường này tắc khúc, lầy lội, đi đứng rất khó khăn. Nhà nước và Nhân dân cùng hợp sức mới có đường thông thoáng đi lại êm như vậy. Tiền của má cho dùng để xây đường thì kể như còn hoài...”- bà Tuyết nhắc nhớ.
Tuyến đường từ QL54 đến giáp ranh xã Tân Hưng đi qua ấp An Thới- An Phước (xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân), dài khoảng 3km được đầu tư xây dựng đã làm nên câu chuyện lịch sử.
Đó là, một số người dân nơi đây không chỉ hiến hàng trăm mét vuông đất mà mỗi người còn góp hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho hộ phía trước để mở được con lộ này. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Thĩnh- ấp An Thới là một trong những điển hình như vậy. Ông không chỉ hiến 600m2 đất, đốn bỏ 30 gốc mận An Phước, mà còn hùn hơn 337 triệu đồng để hộ phía trước đồng ý giao đất cho Nhà nước đầu tư xây đường.
Ông Thĩnh cho biết, để mở con lộ này, thì các hộ dân cần phải hiến đất theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó hộ có đất ở mặt tiền QL54 cần phải hiến 300m2 đất.
Do hộ này đất không nhiều, nếu hiến sẽ rất khó khăn. Qua buổi họp bàn với chính quyền địa phương, ông Thĩnh được bầu làm tổ trưởng tổ vận động, ông đã tính thử bài toán, trị giá của phần đất này là 1,08 tỷ đồng. Rồi ông tiếp tục bàn bạc với 6 hộ có đất ở mặt biền (khu vực khi hiến đất sẽ ra mặt tiền) cùng nhau hùn tiền đưa cho hộ phía trước, “kể như cùng nhau mua 300m2 rồi hiến cho Nhà nước xây lộ”- ông Thĩnh nói.
Qua bàn bạc tính toán, hộ nào sau khi hiến đất được ra mặt lộ nhiều nhất thì góp tiền theo tỷ lệ, trong đó ông Thĩnh là người góp tiền nhiều nhất, có hộ góp hơn 200 triệu đồng, hộ góp ít nhất cũng hơn 40 triệu đồng. Điều đáng mừng là cả 6 hộ dân đều gật đầu đồng thuận.
Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhưng vẫn có những người có tấm lòng thơm thảo như ông Thĩnh đã sẵn lòng cho đi phần đất của mình, còn vận động các hộ lân cận chung tay góp tiền để mua đất và hiến cho Nhà nước thật là quý báu vô cùng.
Ông Thĩnh chia sẻ, làm được con lộ này bà con mừng dữ lắm vì chỗ này trước đây không có đường đi, muốn đi phải đi đường vòng hoặc bơi xuồng, vận chuyển hàng hóa, học hành khá vất vả. Có con lộ rồi thì bà con bán trái cây được giá hơn vì xe 5 tấn có thể vào tận nơi thu mua nông sản, giảm được chi phí thuê xe 2 bánh vận chuyển từ trong ra ngoài quốc lộ
.
Trước đây, ông Thĩnh còn dành đất của mình mở đường đi cho các hộ cất nhà sâu bên trong được thuận tiện đi lại. Khi Nhà nước phát động phong trào làm đường, ông cũng tham gia ủng hộ kinh phí, tính toán cách làm sao cho giảm được chi phí và làm nhanh nhất để người dân thuận tiện đi lại. “Tôi thấy phần việc nào mình tham gia được thì đóng góp. Mình làm cũng có lợi cho dân mình và có lợi cho địa phương”- ông Thĩnh nói.
|
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. |
Ông Thĩnh kể: Hồi xưa, từ đầu chợ Xã Hời đi tới kinh Cây Sắn (giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp), chỉ khoảng 7km, mà phải mất hết một ngày để đi và về. Do buổi sáng phải đi sớm để đón đò. Đi tới đó xong việc thì phải chờ đúng 3 giờ chiều mới có đò về. Giờ đây, nhờ có lộ đi thuận tiện nên chỉ mất hơn mươi phút là tới nơi. Không những vậy, nông dân bán nông sản cũng có giá hơn.
Chẳng hạn như trước đây thu hoạch dưa hấu xong phải thuê người vác xuống vỏ lãi chở đi, đến nơi lại thuê người vác lên bờ. Như vậy, nông dân phải tốn tiền vận chuyển và thuê khuân vác 2 lần. Tất cả đều trừ vào tiền bán hàng, nên thu nhập chẳng còn bao nhiêu. Giờ có lộ thì thu hoạch xong là đem lên xe chở đi liền, nên nông sản bán được giá cao hơn trước, thu nhập tăng lên nên người dân rất phấn khởi.
Thay đổi tư duy, nhận thức
Theo ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, việc hiến đất là nghĩa cử rất cao đẹp, không dừng lại ở đó nhiều hộ còn sẵn lòng góp thêm tiền của đến hàng trăm triệu đồng với mong muốn cống hiến cho quê hương. Đây là thành quả của quá trình vận động, tuyên truyền làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân.
“Hồi xưa tôi đi học toàn lội bộ qua cầu khỉ, ước ao có được chiếc xe đạp để chạy đi học là mừng lắm, có ai ngờ đến hôm nay xe 4 bánh đã về tới tận nhà. Đây là một trong những mong mỏi lớn nhất của người dân nông thôn”- ông Nguyễn Văn Tập nhận định.
Ông Lê Minh Triết- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Long Thuận A (xã Long Phước, Long Hồ), kể: Khi chưa xây dựng NTM thì các chương trình đầu tư cho người dân còn dàn trải. Từ khi có chủ trương xây dựng NTM thì dồn lực cho nông thôn- vùng đất được xem là nhiều khó khăn, thiệt thòi so với thành thị.
Chương trình xây dựng NTM đã nhận được sự đồng thuận cao vì đây là chủ trương hợp “ý Đảng, lòng dân”. Trước đây, người dân nông thôn luôn mơ về một xã hội có đủ điều kiện sống, nâng mức sống, thu nhập… Khi xây dựng thành công xã NTM, nhiều vùng nông thôn đã có sự chuyển biến rõ rệt, không thua gì thành thị.
Từ trạm y tế đến trường học, điện thắp sáng, nước sạch, nhà ở dân cư, đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa… được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dân sinh.
Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Cùng với chính sách ưu tiên cho phát triển các địa phương vùng xa, khó khăn, những năm qua, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông thôn, đặc biệt là tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình chỉ đạo thực hiện công tác nâng cao chất lượng cuộc sống và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành 6 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 18 quyết định về triển khai thực hiện các nội dung thuộc chương trình xây dựng NTM, đảm bảo kịp thời, phù hợp theo các quy định của Trung ương và điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các mục tiêu của chương trình, giúp người dân không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
|
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là sự kỳ vọng về sự đổi đời của người dân nông thôn, xã hội nông thôn. |
Đến nay, toàn tỉnh có 73/87 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Bình Tân đạt chuẩn huyện NTM. Bên cạnh, huyện Tam Bình đã hoàn thành hồ sơ đủ điều kiện trình tỉnh thẩm tra và đề nghị về Trung ương thẩm định công nhận huyện Tam Bình đạt chuẩn huyện NTM.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, ông Lữ Quang Ngời cho biết: Tỉnh sẽ tập trung đầu tư, phát triển nhanh các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại; tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn; đưa công nghiệp trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, ưu tiên đầu tư công nghiệp chế biến nguyên liệu của ngành nông nghiệp- thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn.
Nông thôn là đáng sống, tìm đến và quay về
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan, mục tiêu cuối cùng của chương trình NTM của chúng ta- có thể nói là chỉ tiêu này đạt được, chỉ tiêu kia không đạt được, nhưng quan trọng là làm sao nông thôn là nơi mà chúng ta đáng sống, nơi chúng ta đáng tìm đến và nơi chúng ta quay về.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI