
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự vận dụng khéo léo công tác dân vận, nhiều địa phương đã có các giải pháp tuyên truyền phù hợp theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", phân tích cho người dân hiểu được khi phát triển hạ tầng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân…
 |
Phong trào xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành cuộc thi đua sôi nổi giữa các địa phương. |
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự vận dụng khéo léo công tác dân vận, nhiều địa phương đã có các giải pháp tuyên truyền phù hợp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, phân tích cho người dân hiểu được khi phát triển hạ tầng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân…
Đối với những hộ khó vận động thì nhờ người có uy tín, “có tiếng nói” ở địa phương hỗ trợ, tác động. Đồng thời, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Qua đây, đã tạo được sự đồng thuận cao trong dân. Từ đó, người dân đã tích cực phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.
Vận động hiến đất xây đường
Với đặc điểm đa số người dân bám trụ vào nông nghiệp. Đất đai được xem là tài sản gắn liền như “khúc ruột” của người dân, nên bước đầu khi địa phương vận động hiến đất theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” thì người dân cảm thấy “bị mất mát nhiều quá” và chưa hình dung được xây dựng NTM là như thế nào, nên bước đầu chưa có sự đồng thuận cao.
Là người trực tiếp đi vận động người dân hiến đất xây đường, ông Trương Lê Minh Thông- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Phước (Long Hồ), kể: Trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thì có thời điểm có đến 6 căn nhà cần tháo dỡ, trong đó 5 căn phải giải tỏa trắng, trong khi các hộ này đều thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Qua xem xét góc độ khó khăn của từng gia đình, xã đã tìm cách tháo gỡ cho từng hoàn cảnh. Theo đó, địa phương vận động thân nhân của 2 hộ (trong số 5 hộ phải giải tỏa trắng) cho đất để 2 hộ này có đất cất nhà.
Đối với 3 hộ còn lại, thì ông Trương Lê Minh Thông trực tiếp hỗ trợ các hộ này mua đất (khoảng 80 m2/nền) để tái định cư phân tán. Đồng thời, vận động xã hội hóa để xây nhà kiên cố, giúp người dân được an cư, thay vì phải ở nhà xập xệ và ảnh hưởng sạt lở do cặp mé sông… “Với cách vận động, hỗ trợ đầy tính nhân văn đã giúp người dân có chỗ ở ổn định, an tâm cuộc sống, nên mọi người đồng thuận rất cao”- ông Trương Lê Minh Thông cho biết.
Phước Trinh B là ấp sâu nhất của xã Long Phước. Trước đây, từ ấp ra trung tâm xã phải đi đường vòng hơn 10km. Nhằm giúp người dân rút ngắn một nửa khoảng cách từ ấp đến trung tâm xã, đảm bảo đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, Đảng ủy, UBND xã đã vận động xây tuyến đường Bờ Chùa với kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Theo đó, xã vận động Nhân dân hiến đất để mở trục giao thông (mặt nhựa rộng 3m). Trong khi tất cả các hộ bên trong đều đồng lòng, thì hộ ở đầu tuyến nhất quyết “yêu cầu phải bồi thường”, nhưng về cơ chế thì chỉ vận động người dân hiến đất chứ không bồi thường.
Sau nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa vận động được, Đảng ủy, UBND xã quyết định không trực tiếp đến tiếp cận nữa mà chỉ làm “đầu mối trung gian”, nhờ người uy tín trong xóm tới tác động và tìm hiểu tâm tư.
Về phía địa phương thì tổ chức họp các hộ dân còn lại để hiểu rõ sự quyết tâm. Đồng thời, tiếp tục để người dân tự tương tác, thỏa thuận với nhau. Với cách làm “để người đã thông hiểu và đồng thuận tác động đến người chưa đồng thuận”…
Dần dần, người chủ đất đã viết giấy cam kết với tập thể Nhân dân là thống nhất bàn giao đất để xây đường. Nhờ vậy, tuyến đường đã hoàn thành trong niềm mong đợi của người dân… Sau đó, xã còn vận động xây cầu từ thiện, vận động làm đèn đường chiếu sáng trên tuyến đường này.
“Khi thông hiểu sẽ sẵn lòng cho đi”
Ông Trương Lê Minh Thông cho hay, khi các tuyến đường đã cơ bản hoàn chỉnh thì xã vẫn vận động nâng cấp các tuyến đường qua từng năm, từ 50.000 đ/hộ tăng dần lên đến nay 300.000 đ/hộ; gia đình đảng viên góp 400.000 đ/hộ; hộ kinh doanh, doanh nghiệp góp 500.000 đ/hộ trở lên. Đối với các tuyến đường được xây dựng thì hộ trên tuyến góp 2 triệu đồng.
Nhờ vậy đến nay, các tuyến đường đều đã được đan hóa, nhựa hóa, có những tuyến đường liên xóm được đầu tư vượt chuẩn 137% so quy định. “Tuy không quy hoạch, nhưng vì nhu cầu của người dân, nên xã vẫn mở đường từ nguồn lực trong dân”- ông Trương Lê Minh Thông cho hay và thông tin thêm: Đối với những tuyến đường cũ bị xuống cấp, mặt đường 2m thì tiếp tục mở rộng, nâng cấp lên 3m.
Đến nay, các tuyến đường trong xã đều đảm bảo xe 4 bánh đến tận nhà. Bên cạnh, xã còn thực hiện chủ trương “đường tới đâu thì đèn chiếu sáng đến đó”, qua đây đã có hơn 90% tuyến đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng.
Là xã đầu tiên của huyện Long Hồ về đích NTM vào năm 2014, đến năm 2020, Long Phước tiếp tục là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao với 13/19 tiêu chí vượt chuẩn so quy định.
“Muốn xây dựng NTM đạt đúng tiến độ và nhanh, thì công tác vận động xã hội hóa, vận động quần chúng phải đi đầu, phải tuyên truyền cho người dân thông hiểu và vận dụng khéo léo công tác dân vận, lấy những mô hình đẹp, cách làm hay, gương điển hình để làm mẫu cho người dân thấy, ủng hộ và làm theo. Đối với nhiều người để “cho đi một tấc đất đâu phải là chuyện dễ”, nhưng khi đã thông hiểu rồi thì mọi người sẵn lòng cho đi”- ông Trương Lê Minh Thông chia sẻ.
Sau khi cán đích NTM nâng cao, xã Tân Lược (Bình Tân) đang tiếp tục nỗ lực nâng chất các tiêu chí, phấn đấu về đích xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Hồng Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lược, cho biết thêm, qua thời gian tuyên truyền, vận động, dần dần đã giúp người dân hiểu được những lợi ích thiết thực của chương trình xây dựng NTM mang lại. Cụ thể, người dân đã thấy rõ hạ tầng nông thôn về điện, đường, trường, trạm… được quan tâm đầu tư, làm cho bộ mặt nông thôn phát triển, kéo theo phát triển kinh tế.
“Khi người dân đã thông hiểu rồi thì rất tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động”- ông Nguyễn Hồng Phúc nhận định và kể: Dần dần, người dân đã nhiệt tình chung tay cùng Nhà nước bảo vệ môi trường, góp sức trồng hoa, cây xanh… để làm đẹp cảnh quan.
Thậm chí không cần Nhà nước vận động mà người dân thấy xung quanh mình mọi người trồng hoa đẹp thì tự làm theo. Song song đó, có hộ còn góp tiền, hiến hàng ngàn cây hoa giống để cùng địa phương điểm tô cho các tuyến đường.
 |
Khu vực nông thôn đã và đang có sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực. |
Bên cạnh, người dân còn tích cực hưởng ứng các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, từ đó vươn lên làm kinh tế để nâng thu nhập, cải thiện cuộc sống… góp phần thực hiện các tiêu chí về việc làm, hộ nghèo và thu nhập.
Trong vận động hiến đất mở lộ, “nếu không ảnh hưởng nhiều, tức là không bị mất phần lớn diện tích đất theo dây xuôi, mà chỉ cần hiến một phần thì người dân rất mừng và sẵn sàng hiến đất vì đường sá thông thương sẽ thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao”- ông Nguyễn Hồng Phúc nói.
Ông Ngô Trường Sơn- Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương
Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023 (tính đến trung tuần tháng 7/2023) khoảng 1.752.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế khoảng 4%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trong đó, hạ tầng kinh tế- xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa TDTT ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/năm (tăng 4,6 triệu đồng so năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn khoảng 5,4%, giảm 1,7%; giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng 3,36% (cao nhất trong những năm gần đây); môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
>> Kỳ cuối: Đột phá, tạo dựng những miền quê đáng sống