
Nông nghiệp- nông dân- nông thôn (NN-ND-NT) có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Xây dựng NTM là nền tảng để phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp, giải quyết căn bản các vấn đề về nông dân.
Nông nghiệp- nông dân- nông thôn (NN-ND-NT) có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Xây dựng NTM là nền tảng để phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp, giải quyết căn bản các vấn đề về nông dân.
Vượt qua giai đoạn đầu đầy bỡ ngỡ, khó khăn, thách thức với sự hiểu biết “mơ hồ” về chương trình. Đến nay, xây dựng NTM đã trở thành một trong những chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) thành công nhất, đã thay đổi căn bản toàn diện bộ mặt nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Với chủ trương hợp “ý Đảng, lòng dân”, nhiều địa phương đã khéo léo làm tốt công tác dân vận trong việc khơi sức dân- góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong xây dựng NTM.
Kỳ 1: Những viên gạch đầu tiên
 |
Xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trên cả nước. |
Nghị quyết số 26 về NN-ND-NT đã đặt nền móng cho sự ra đời của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Sau 20 năm đổi mới, lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết toàn diện nhất về NN-ND-NT trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Qua một hành trình dài xây dựng NTM, chương trình đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là “toàn diện, to lớn, lịch sử”, đã tạo nền tảng vững chắc về thể chế, chính sách, con người để tiếp tục xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo hướng “toàn diện, nâng cao và bền vững”.
Hành trình xây dựng nông thôn mới
Sau khi đất nước độc lập, năm 1947, trong tác phẩm “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Làm thế nào cho đời sống của Nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”… Sau đó, khái niệm về NTM đã được đề cập lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) đã nêu vấn đề về “phát triển sản xuất và xây dựng NTM”.
Xây dựng NTM đã được Đảng ta đưa vào đường lối phát triển kinh tế- xã hội đất nước cách đây hơn 60 năm. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Đảng ta đã có nhiều quyết sách quan trọng chăm lo đời sống Nhân dân. Trong đó, Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương khóa X về NN-ND-NT đã đặt nền móng cho sự ra đời của Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Đến tháng 7/2023, cả nước có 6.022 xã đạt chuẩn NTM, tăng 11,3% so cuối năm 2020, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị. 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, tăng 7 địa phương. Trong đó 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
|
Lần đầu tiên, Đảng ta có nghị quyết toàn diện nhất về NN-ND-NT trong mối quan hệ tổng thể và mật thiết. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với “ý Đảng, lòng dân”, tạo ra động lực, nguồn lực, góp phần thay đổi toàn diện nông nghiệp- nông thôn.
Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng NTM, ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM tại Quyết định số 491. Trong đó, đề ra 19 tiêu chí liên quan đến các nhóm vấn đề về quy hoạch; hạ tầng kinh tế- xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa- xã hội- môi trường; hệ thống chính trị.
Bộ tiêu chí được hình thành trên cơ sở đúc rút các bài học kinh nghiệm từ một số chương trình thí điểm NTM, có sự tham gia nghiên cứu, đóng góp của các nhà khoa học, các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và các cơ quan quản lý ở địa phương. Đây là căn cứ để xây dựng mô hình NTM trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, tổ chức thi đua giữa các địa phương...
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp”.
Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2025 và thời gian tiếp theo, chương trình tiếp tục được thực hiện với những chỉ đạo mới, mục tiêu mới, kế hoạch mới và giải pháp mới…
Theo ông Phương Đình Anh- Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, với quan điểm xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025, công tác truyền thông đang được tổ chức thực hiện có hệ thống, đồng bộ, đa dạng về hình thức, đổi mới về nội dung và luôn đi trước một bước với cách tiếp cận mới, tư duy mới trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM theo nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, NTM là nền tảng, nông dân là chủ thể”, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2021-2025 có 100% xã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, phấn đấu tăng xã NTM nâng cao, hướng đến đạt xã NTM kiểu mẫu, ấp- khu dân cư kiểu mẫu.
|
Khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu
Tại tỉnh Vĩnh Long, Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai từ năm 2011. Trong khi các địa phương khác đã vào cuộc, thì mãi đến năm 2012 huyện Long Hồ mới bắt tay thực hiện và chọn xã Long Phước làm điểm.
Đồng chí Lê Minh Triết- Bí thư kiêm Trưởng ấp Long Thuận A (xã Long Phước), nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Long Hồ, nhớ lại: “Thời điểm đó tôi được phân công làm Tổ trưởng Tổ NTM huyện, những năm đầu vận động xây dựng NTM “cực kỳ khó” vì cán bộ còn “mơ hồ”, chưa nhận thức rõ về NTM, chưa nắm vững bộ tiêu chí, còn người dân thì… “chưa hiểu gì hết”.
Đó là lý do huyện Long Hồ đi vào cuộc rất chậm. Đến khi bắt tay thẩm định kết quả xây dựng NTM thì “cực trần thân” vì “mỗi người hiểu theo một kiểu”- bởi lúc đó chưa có hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí, có khi xã tự phát sinh ra biểu mẫu để đáp ứng yêu cầu”.
 |
Nông nghiệp- nông dân- nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và thực sự là tiềm năng, thế mạnh của đất nước. |
Đồng chí Trương Lê Minh Thông- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Phước, kể: Sau khi đạt chuẩn xã văn hóa đầu tiên của huyện vào năm 2009, Long Phước được huyện chọn làm xã điểm xây dựng NTM từ năm 2011, nhưng đến năm 2012 mới chính thức bắt tay làm.
Lần đầu tiên tiếp cận với chương trình, xã có nhiều lúng túng; một phần do các tiêu chí có chuẩn cao so với khả năng địa phương; mặt khác cán bộ, đảng viên ở xã chưa thông hiểu hết và còn khá bỡ ngỡ; các đồng chí ở ấp thì có tâm lý e ngại; nhận thức người dân chưa hanh thông…
“Bước đầu, khi thực hiện tiêu chí quy hoạch, xã không hình dung được phải làm thế nào vì trước đây do huyện thực hiện. Các đồng chí ở xã chưa nắm hết, nên quy hoạch các tuyến đường chưa đồng bộ, hạ tầng chưa kết nối thông suốt, chỉ làm theo hiện trạng, chưa có tầm nhìn quy hoạch”- ông Trương Lê Minh Thông kể và cho biết: Vào những năm 2000, tuyến đường từ cầu Ba Khả tới cầu Sáu Hữu (cầu Kinh Ngang) chỉ dài khoảng 1.200m, nhưng có gần 30 cây cầu khỉ. Thời đó, khi có việc tới ấp Phước Trinh thì ngày hôm sau mới được về...
 |
Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. |
Đồng chí Trần Thanh Tùng- Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Trinh, nhớ lại: Lúc đó, mỗi ngày từ 7 giờ sáng, có chuyến đò từ ấp Phước Trinh khởi hành ra UBND xã Long Phước, rồi đi chợ Vĩnh Long. Người dân đi chợ xong thì được đưa về UBND xã, rồi đưa về ấp Phước Trinh là khoảng 11 giờ trưa.
Do mỗi ngày chỉ có 1 chuyến nên cán bộ xuống ấp công tác thì ở nhờ nhà dân. Sau này, việc lưu thông dần chuyển sang đường bộ. Song, “cách đây khoảng chục năm, xe 2 bánh muốn vô đây cũng là cả vấn đề”.
Ông Nguyễn Hồng Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lược (Bình Tân)
Những năm đầu khi mới bắt tay xây dựng NTM, việc vận động người dân chung tay là không dễ, do người dân chưa thực sự thông hiểu về mục đích, ý nghĩa cùng những lợi ích thiết thực của chương trình xây dựng NTM mang lại, nên chưa phát huy vai trò chủ thể của mình. Chẳng hạn như trong xây dựng cảnh quan môi trường, khi địa phương tổ chức ra quân trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường… thì người dân ngó lơ, không chung tay thực hiện cũng chẳng quan tâm chăm sóc, bảo vệ các cây hoa như bây giờ. Thậm chí, khi bà con phát cỏ, xịt thuốc thì… “tiện tay” quơ cho các cây hoa chết luôn.
Trong xây dựng giao thông nông thôn, trước đây có rất nhiều tuyến đường có hình dáng cong cong, quẹo quẹo, thậm chí có những khúc cua rất là gắt, gây nguy hiểm khi lưu thông. Thời điểm đó, do người dân chưa thông hiểu, nên chưa đồng thuận hiến đất. Vì vậy, khi Nhà nước đầu tư xây đường thì… phải né tới, né lui.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
>> Kỳ 2: Khơi thông nguồn lực trong dân