Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIV cần phải phân tích, rút kinh nghiệm từ công tác nhân sự qua các nhiệm kỳ. Quan trọng nhất là tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp chiến lược là phải dám đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIV cần phải phân tích, rút kinh nghiệm từ công tác nhân sự qua các nhiệm kỳ. Quan trọng nhất là tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp chiến lược là phải dám đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, Trung ương tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 (Ảnh: Ngọc Thành) |
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 bế mạc vào ngày 8/10, Trung ương tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.
Đây là công việc trọng yếu của Đảng. Vì vậy, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cần phải phân tích, rút kinh nghiệm từ công tác nhân sự qua các nhiệm kỳ.
Quan trọng nhất là tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp chiến lược là phải dám đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Tiến sĩ Lê Trung Kiên |
Dành sự quan tâm đặc biệt đến việc Hội nghị Trung ương 8 quy hoạch nhân sự Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời "Cán bộ là gốc của mọi công việc" và cho rằng, đội ngũ cán bộ trong giai đoạn hiện nay phải đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý để xây dựng một nước Việt Nam theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Vì thế, theo Tiến sĩ Lê Trung Kiên: "Đội ngũ Ban chấp hành Trung ương khóa tới phải là những người có tâm, có tài; chắc chắn không có những vướng bận; chắc chắn sẽ không có những "hạt sạn" như một số cán bộ đã bị kỷ luật cách chức nhiệm kỳ hiện tại và vừa qua để gia tăng, củng cố lòng tin, đặc biệt là lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, từ đó đất nước ta có sự cường thịnh.
Các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ tới sẽ là những hạt nhân rất quan trọng, góp phần xây dựng Văn kiện, đường lối của Đảng trong nhiệm kỳ mới".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong |
Nhấn mạnh công tác tổ chức cán bộ nói chung, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng là công việc trọng yếu của Đảng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Giảng viên Cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị có sự phân tích, rút kinh nghiệm từ công tác nhân sự các nhiệm kỳ vừa qua.
Bởi quy trình trong công tác cán bộ nhiệm kỳ nào cũng được được cho là làm bài bản, thận trọng, nhiều bước, nhiều khâu, nhưng sau đó vẫn xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm, bị xử lý ở các mức độ khác nhau.
"Quy hoạch đội ngũ cán bộ vào Trung ương, theo tôi lần này làm tốt thì điều đầu tiên phải rà soát lại những lần trước. Giới thiệu Trung ương ở những lần trước cái gì làm được, cái gì làm tốt, vì sao?
Cái gì làm chưa tốt, làm chưa được, thậm chí có chuyện để dư luận xã hội phàn nàn thì nguyên nhân do đâu? Phải rút kinh nghiệm, làm triệt để cái gì tốt phát huy, cái gì chưa tốt, thậm chí sai lầm thì rút kinh nghiệm.
Tôi kỳ vọng lần này xây dựng đội ngũ cán bộ vào BCH Trung ương Khóa XIV có chất lượng hơn, có trí tuệ hơn, có bản lĩnh hơn, có tầm hơn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong bày tỏ.
Nhân sự nào, đường lối đó; nhân sự nào, chủ trương đó; nhân sự nào, quan điểm đó và nhân sự nào phong trào đó.
Bởi vậy, nhân sự có tính chất quyết định cho cả chiều hướng phát triển của phong trào cách mạng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mỗi lần Đại hội, công tác chuẩn bị nhân sự đều rất kỹ.
Kỹ như vậy cũng không thể tránh khỏi trong bước đường phát triển có "rơi rụng", sự biến chất của người này, người khác. Đó là điều dễ hiểu, không phải do làm nhân sự sai.
Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng phân tích: "Khi đưa người ta vào quy hoạch, tức là bồi dưỡng đề bạt, lúc ấy tiêu chuẩn đúng như thế, nhưng trong quá trình sàng lọc của thực tế, người ta không chịu đựng được, phạm phải điều này, điều nọ thì phải đưa ra để xử lý kỷ luật.
Điều đó dễ hiểu, chứ không phải hoàn toàn do làm nhân sự sai.
Có thể có trường hợp ngay từ đầu làm nhân sự sai, nhưng ít thôi, thường là những trường hợp nhân sự sau này trong quá trình phát triển bị "rơi rụng".
Tôi cho rằng chuẩn bị cho Đại hội XIV sắp tới, phải đi từng bước một, có bài bản, chọn lựa từ dưới lên, dân chủ, trung thực và có một tiêu chí lựa chọn thật tốt".
Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng |
Trước yêu cầu phát triển đất nước bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp chiến lược cao hơn, toàn diện hơn, phải "trúng" và "đúng"...
Đặc biệt, cán bộ cấp chiến lược phải là người dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung.
Tình hình thế giới đang biến đổi nhanh, cán bộ cấp chiến lược phải có tư duy luôn luôn đổi mới, sáng tạo. Vừa phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, vừa đáp ứng được tình hình biến đổi nhanh chóng của thế giới.
Đặc biệt là phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Quan trọng nhất là phải dám đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Tiến sỹ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm: "Thứ nhất là "dám suy nghĩ" để làm việc mới mà năng suất, hiệu quả tốt hơn, đúng với thời đại 4.0, làm những cái đời chưa có, sách chưa có.
Thứ hai, "dám làm", nghĩ ra rất quý, có dám đưa cái mới để làm và chứng minh trong tương lai. Lấy kết quả tương lai đo thước đo của mình. Bây giờ phải "dám nói".
Dám nói để bảo vệ cái đúng, ngăn chặn cái sai, dám thông tin cho Đảng, Nhà nước và cơ quan quản lý để có giải pháp tốt hơn".
Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2026- 2031 là bước chuẩn bị quan trọng để có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài.
Từ đó để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Hy vọng mỗi cán bộ được giới thiệu, với cách làm bài bản, thận trọng, sẽ tự soi xét lại mình, tiếp tục phấn đấu để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Theo Lại Hoa/VOV