Chính sách về nhà ở xã hội cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn

07:06, 20/06/2023

Ngày 19/6, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc sau 1 tuần nghỉ. Trong ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ngày 19/6, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc sau 1 tuần nghỉ. Trong ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), một trong những vấn đề đại biểu quan tâm và đề xuất cần có giải pháp thấu đáo là số lượng nhà ở xã hội hiện nay rất thiếu nhưng cung chưa gặp cầu.

Qua các cuộc khảo sát, số lượng mà người dân đủ điều kiện đăng ký để mua được nhà ở xã hội với chủ đầu tư vẫn chưa gặp được nhau.

Vướng mắc liên quan đến thủ tục hiện nay vẫn còn rất rườm rà, tốn nhiều thời gian, cho nên khi triển khai được nhà ở xã hội thì riêng khâu thủ tục cũng rất lâu. Do đó đề nghị cần nghiên cứu, tính toán để đơn giản hóa các thủ tục hành chính và khâu xét duyệt đảm bảo sự chặt chẽ, chính xác về đối tượng.

Đại biểu đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn. Cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả 3 bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát quy định nội dung này đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp, phát sinh các thủ tục hành chính. Theo đó, dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua sẽ làm phát sinh thêm thủ tục.

Việc này không đúng với tinh thần đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc lập, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh. Do đó, đề nghị không mở rộng đối tượng phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh.

Theo đó, khi xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, cần giao hoàn toàn trách nhiệm, thẩm quyền cho HĐND, UBND cấp tỉnh để tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

B.THANH- N.THANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh