Trong nhiều tác phẩm của mình, các lãnh tụ Các Mác, Ănghen và Lênin đã nêu ra những tư tưởng cơ bản làm cơ sở, nền tảng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; coi việc tìm tòi cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh là nhiệm vụ then chốt, quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, "nghiên cứu con người tìm tòi những cán bộ có bản lĩnh, hiện nay đó là then chốt; ...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm duyệt đội ngũ Đội Tiêu binh danh dự Công an tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH |
(VLO) Trong nhiều tác phẩm của mình, các lãnh tụ Các Mác, Ănghen và Lênin đã nêu ra những tư tưởng cơ bản làm cơ sở, nền tảng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; coi việc tìm tòi cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh là nhiệm vụ then chốt, quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, “nghiên cứu con người tìm tòi những cán bộ có bản lĩnh, hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”(*).
Lĩnh hội và thấm nhuần tư tưởng đó, sau khi tìm thấy con đường cứu nước, công việc đầu tiên của lãnh tụ Hồ Chí Minh là bắt tay vào xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng (trong đó có đội ngũ cán bộ chiến sĩ trong Công an nhân dân), coi đây là “công việc gốc”, quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ công an phải là những “người kiểu mẫu”, hội tụ đầy đủ các yếu tố đức, tài của người cán bộ cách mạng, cần phẩm chất chính trị cao, bản lĩnh vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Người cán bộ công an phải là người say mê, tâm huyết với công việc, nhạy bén, linh hoạt, ham học hỏi, tậm tân, tận lực, gần gũi quần chúng và nhất là phương pháp làm việc khoa học thì mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong thư gửi Công an khu XII, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tư cách người công an cách mạng là:
“Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy
Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong Sáu điều dạy trên thể hiện tính toàn diện, mang tính nhất quán và chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc về tư cách, đạo đức, lối sống, tác phong công tác và ý thức trách nhiệm chính trị của lực lượng công an nhân dân nói chung và của mỗi cán bộ chiến sĩ công an nói riêng.
Đây là những định hướng cơ bản, có tính nguyên tắc, xuyên suốt 75 năm qua vẫn vẹn nguyên giá trị.
Khắc ghi lời Bác, vì nhân dân phục vụ. Ảnh: TRẦN NHÀNH |
Thực tiễn cũng đã chứng minh với tư tưởng chỉ đạo nhất quán đó, lực lượng công an nhân dân đã được xây dựng, trưởng thành lớn mạnh không ngừng, trở thành một lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu, tin cậy, sắc bén, đồng thời là một tổ chức chính trị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Kế thừa và phát huy truyền thống của lực lượng công an nhân dân Việt Nam qua 75 năm học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (11/3/1948-11/3/2023), chúng ta luôn ghi khắc trong tim từng điều của Bác;
coi đó là kim chỉ nam trong ứng xử, công tác, là động lực để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Vậy, một câu hỏi được đặt ra rằng, cách học và thực hiện theo Sáu điều Bác Hồ dạy như thế nào là đúng, là hiệu quả và thiết thực? Có trả lời được câu hỏi này, mới có thể nhận thức đúng và có hành động đúng, không rơi vào sự giáo điều, máy móc trong học tập và thực hiện theo lời Bác Hồ dạy.
Cần cụ thể hóa Sáu điều Bác Hồ dạy công an thành các chỉ tiêu công tác, tiêu chí thi đua và tiêu chuẩn tu dưỡng hàng ngày trong từng đơn vị, cá nhân như: ý thức phê bình và tự phê bình, đoàn kết xây dựng nội bộ; ý thức học tập, tinh thần vượt khó, rèn luyện phấn đấu vươn lên;
ý thức trách nhiệm cao trước công việc đơn vị giao phó; tinh thần và bản lĩnh tiến công, trấn áp tội phạm, tinh thần phục vụ nhân dân; việc thực hiện lối sống trong sạch lành mạnh, giữ gìn đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; cải tiến lề lối làm việc khoa học…
Thông qua những nội dung đó để thực hiện hàng ngày, đồng thời lấy đó làm căn cứ, xem xét, đánh giá công tác xây dựng nội bộ của từng đơn vị, cá nhân gắn với việc nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Qua đây làm cơ sở để xem xét, đề nghị khen thưởng, đề bạt và cả việc phân loại đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể.
Hoặc, có thể nói, hiểu và hành động theo một cách đơn giản, đời thường khác, học tập và thực hiện theo Sáu điều Bác Hồ dạy không phải là cái gì đó quá cao siêu;
bởi trong Sáu điều dạy đó của Người đã bao hàm chuẩn mực của tất thảy những việc diễn ra trong cuộc sống, khi thật tâm soi chiếu, bất kỳ ai cũng đều có thể thấy được những việc mình có thể học, thực hành theo.
Mỗi cán bộ chiến sĩ công an chúng ta, mỗi ngày hãy làm một điều tốt, nhỏ thôi. Làm ngay và không đợi đến ngày mai.
Đó là cách tốt nhất để điều tốt nảy nở, thói hư, tật xấu không có cơ hội nảy mầm, sinh sôi. Học và thực hành theo Sáu điều Bác Hồ dạy, không chỉ dừng lại ở những lời hô hào mà đã được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; bằng những việc làm mà nhân dân nghe thấy, nhìn thấy và tin yêu.
Đó là hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm không quản nắng mưa canh chốt, nhắc nhở người dân chấp hành kỷ luật trong đợt dịch COVID-19 hoành hành.
Là nụ cười tỏa nắng của đồng đội với mồ hôi lấm tấm trên gương mặt khi giúp đồng chí mình che lại mái nhà “tình đồng đội” bị dột khi cơn bão đi qua.
Là hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát PCCC “mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ” khi cứu người dân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” từ trong biển lửa.
Là hình ảnh những trinh sát, điều tra viên, những chiến sĩ an ninh, cảnh sát… tham gia bắt cướp, bắt trộm, chống đua xe, bắt tội phạm ma túy, tội phạm hình sự hay giúp đỡ thí sinh đi thi, người già tàn tật;
hoặc ở nhiều nơi, các chiến sĩ nhiệt tình giúp đỡ người dân thực hiện các thủ tục hành chính, như: đến tận nhà làm CCCD, tận tình giúp người dân hoàn thiện các thủ tục tạm trú, tạm vắng… bằng thái độ tận tâm đầy trách nhiệm.
Hay gần đây nhất là hình ảnh những nữ chiến sĩ an ninh đến tận vườn thu mua hơn 120 tấn cam sành hỗ trợ nhà vườn...
Tất cả những việc làm đó chính là những hành động xuất phát từ tâm, từ tinh thần trách nhiệm; đó còn là sự yêu thương con người, tinh thần đoàn kết, là tư duy độc lập, sáng tạo, là cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn…
Việc làm tưởng chừng giản dị, đời thường ấy nhưng đó chính là cách để những chiến sĩ công an nhân dân đang từng ngày học, thực hành theo Sáu điều Bác Hồ dạy một cách thực tế, cụ thể và hiệu quả nhất.
Những người chiến sĩ công an nhân dân nguyện học và làm theo Bác mỗi ngày, viết tiếp nên truyền thống vẻ vang 75 năm công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy.
(*) V. I. Lênin toàn tập, tập 44, Matxơva 1975, tr.449.
BÍCH TRÂM (CAVL)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin