Quanh Hiệp định Paris 1973: Chuyện "treo cờ giành đất"

03:01, 31/01/2023

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định quốc tế "Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam" 27/1/1973 - 27/1/2023, tôi xin kể lại câu chuyện nhỏ diễn ra chính trên quê hương mình trong thời gian trước và sau khi ký hiệp định lịch sử.

 

 

Bản đồ xã Hòa Hiệp trước kia.Ảnh từ sách “Hòa hiệp trang sử anh hùng”.
Bản đồ xã Hòa Hiệp trước kia. Ảnh từ sách “Hòa hiệp trang sử anh hùng”.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định quốc tế “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam” 27/1/1973 - 27/1/2023, tôi xin kể lại câu chuyện nhỏ diễn ra chính trên quê hương mình trong thời gian trước và sau khi ký hiệp định lịch sử.

“Dòng sông lửa”

Xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình quê ngoại tôi được dòng sông Măng Thít bao bọc từ hướng Đông. Thời chiến tranh, xã Hòa Hiệp rộng gấp đôi hiện nay bởi ranh giới là sông và kéo dài từ ngoài cầu Măng Thít vào tới ngã ba “Thầy Hạnh” - nơi bắt đầu kinh xáng đào chạy thẳng qua vàm Trà Ôn, sông Hậu Giang.

Do có tuyến đường sông chiến lược như vậy nên Hòa Hiệp những năm từ 1965 -1974 chiến sự vô cùng ác liệt, do nằm trong tầm pháo 105 ly, nhất là khi kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” bằng chiến dịch bình định ồ ạt mà chính quyền Sài Gòn tiến hành sau khi Nhà Trắng Mỹ bật đèn xanh và viện trợ tối đa.

Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, quân đội Sài Gòn bố trí cứ 1.000m bờ sông xây dựng 1 đồn thiết kế theo hình vuông hoặc tam giác. Trên tuyến sông Măng dài chỉ khoảng 6km, nhưng mỗi bờ tả, hữu có 6 đồn. Tổng cộng hai bờ sông có tới 12 đồn đặt so le nhau, với mỗi đồn có quân số 1 tiểu đội. Với cách triển khai quân như vậy chính quyền Sài Gòn tự tin đảm bảo an ninh cho tuyến sông này.

Về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thì tuyến sông nói trên cũng là tuyến đường giao liên mật từ Vĩnh Long đi Trà Vinh và ngược lại. Vì vậy trên đoạn sông này thường xảy ra những cuộc đụng độ giữa quân đội Sài Gòn và quân giải phóng.

Cứ mỗi lần giao chiến thì bằng lợi thế sẵn có, quân đội Sài Gòn thường huy động tất cả lực lượng các binh chủng như: bộ binh, không quân, hải quân, pháo binh, xe cơ giới bọc thép lội nước,… để hòng làm chủ trận địa.

Cùng với hệ thống đồn dày đặt và cử lính mở đợt tuần tra thường xuyên cộng với mạng lưới an ninh, thám báo, mật vụ chỉ điểm dày đặc nhưng quân đội Sài Gòn chỉ làm chủ tuyến đường sông, trên bộ vào ban ngày, còn khi đêm về thì quân giải phóng hoàn toàn làm chủ, trừ khu vực đồn lính.

Và bản thân tôi cũng từng chứng kiến tận mắt những cán bộ giải phóng khi thì đi lẻ chỉ một vài người bằng xuồng, hay những đợt hành quân lớn hàng chục xuồng chở hàng trăm người bơi vượt sông Măng Thít mỗi khi đêm về không trăng.

Còn trong một chiến dịch giữa mùa Hè năm 1972, Tỉnh Đội Vĩnh Long trong một đêm đồng loạt tấn công tiêu diệt 3 đồn thuộc ấp Sáu, ấp Bảy, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình và đồn Ba Chùa, thuộc xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, giải phóng hoàn toàn một đoạn sông Măng Thít dài gần 3km.

Vài ngày sau, quân đội Sài Gòn tổ chức phản công đẩy lui quân giải phóng rồi tiến hành cử quân đồn trú lại 3 đồn, nhưng trận đánh chỉ một đêm mà tiêu diệt gọn 3 đồn trên con sông chiến lược càng nâng cao thanh thế quân giải phóng trên chiến trường.

Chuyện giành đất, giành dân!

Trở lại thời gian trước và sau Hiệp định Paris 1973. Do là địa bàn trọng yếu, có tính chất chiến lược nên ngoài đường giao liên liên tỉnh, xã Hòa Hiệp còn là căn cứ đứng chân của Tỉnh ủy, Thị ủy Vĩnh Long và một số ngành tỉnh.

Nổi bật, vào tháng 6/1971, đội du kích xã Hòa Hiệp chưa tới 10 người, vũ khí thô sơ đã anh dũng chiến đấu suốt 6 ngày đêm chống lại lực lượng quân đội Sài Gòn đông gấp 140 lần, với trên 1.000 quân thuộc nhiều binh chủng cùng với vũ khí và các phương tiện chiến đấu hiện đại, làm thất bại trận càn phát quang bình định vùng căn cứ của xã.

Do sự phức tạp của chiến tranh ở quê tôi nên thật sự thì chính quyền Sài Gòn chỉ kiểm soát tình hình vào thời gian đầu của chiến dịch bình định. Còn sau đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam dần dần nắm dân giành thế chủ động do cán bộ giải phóng làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai có bài bản cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện trên mọi mặt trận.

Thực tế chiến trường vào thời gian cuối năm 1972 thì quân đội Sài Gòn chỉ làm chủ từ hàng rào thứ nhất của đồn trở vào (mỗi đồn thường có 5 lớp hàng rào kẽm gai rào bao bọc theo hình vuông), còn ngoài rào là trận địa hầm chông, lôi, lựu đạn,… của du kích xã bố trí dày đặc như thiên la địa võng nên binh lính Sài Gòn chỉ co cụm trong đồn để bảo tồn tính mạng.

Trước đó, để giành dân về phía mình, khi tiến hành “công tác bình định” chính quyền Sài Gòn phát cho mỗi hộ dân 10 tấm tôn để lợp nhà. Trước khi dân lợp nhà họ cho thợ vẽ lên 1 tấm tôn hình cờ vàng 3 sọc đỏ rồi mới cho lợp để thuyết minh rằng nhà nào có hình cờ trên nóc là dân “quốc gia” ủng hộ chế độ Sài Gòn.

Người dân quê tôi buộc phải lợp tấm tôn có lá cờ vàng 3 sọc đỏ trên nóc, nhưng chỉ vài ngày sau họ âm thầm đốn lá dừa nước xé phơi khô đậy phủ lên mái tôn đồng nghĩa việc che phủ mất hình cờ. Khi lính tới hỏi tại sao làm vậy mọi người cùng có chung trả lời là “tôn nóng quá không sấp nóc, không ở nổi”. Lính đồn nghe nói quá chí lý không tra hỏi nữa.

Ngoài việc vẽ cờ trên nóc nhà, trong thời gian này lại thêm chuyện “lấn đất, giành dân” do chính quyền Sài Gòn chủ trương. Đó là việc thông tin lan truyền ở đâu có cờ vàng 3 sọc đỏ treo thì đó là đất của họ.

Và Tỉnh trưởng Vĩnh Long mở nhiều đợt xua quân càn quét vào vùng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kiểm soát rồi tổ chức việc treo cờ trên những thân cây cao, các điểm dễ thấy để phô trương và chứng tỏ nơi có cờ là đất do chính quyền Sài Gòn kiểm soát để tạo thế với quốc tế và tổng tuyển cử (nếu có) về lâu dài.

Thế là có chuyện, cứ cờ chính quyền Sài Gòn treo ở đâu thì tối đến cán bộ cách mạng tổ chức hạ xuống rồi treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thay thế. Hay đêm về du kích đem cờ Mặt trận treo lên một cây cao gần hàng rào của đồn.

Sáng ra, lính trong đồn bất ngờ khi thấy cờ “Việt cộng” tung bay sát đồn. Chỉ huy đồn vội vã báo cáo cho chỉ huy cấp trên. Cấp trên hạ lệnh cho trưởng đồn phải nhanh chóng hạ cờ “Việt cộng” xuống ngay nhưng rồi trưởng đồn không dám cử lính ra, bởi sợ có phục kích bắn tỉa, sợ có bẫy chông, lựu đạn gài,… nên cứ trong đồn, lấy cờ làm bia cử lính thay phiên ngắm bắn đến khi hạ cờ mới thôi.

Tôi từng chứng kiến việc quân đội Sài Gòn dùng trực thăng bắn pháo rốc-két để hạ cờ của Mặt trận bởi lính bộ binh nhiều ngày tổ chức hạ cờ bất thành. Và kể lại chuyện này sau nửa thế kỷ, tôi nhớ có lần được đọc một đoạn trả lời các nhà báo quốc tế khi làm nhiệm vụ Trưởng đoàn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam đàm phán về chấm dứt chiến tranh Việt Nam ở giữa lòng Thủ đô Paris hoa lệ nước Pháp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình.

Trích nguyên văn: Nhà báo hỏi: “Vùng giải phóng của bà ở đâu?”. Bà Bình đáp dứt khoát:“Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”.

Câu trả lời hùng biện của bà Nguyễn Thị Bình phản ánh đúng thực tế chiến trường Vĩnh Long thời đó.

Bởi trong ký ức của tôi dù chỉ giới hạn trong một không gian nhỏ của địa bàn 3 xã: Hòa Hiệp (Tam Bình) và Hòa Bình, Xuân Hiệp (Trà Ôn) thôi là tôi có thể chỉ đúng vùng nào máy bay từng ném bom, khu vực nào là trận địa của pháo binh thường xuyên từ Tam Bình, từ Mang Thít (trước là Cái Nhum), từ Tân An Luông, hay khu vực bờ sông mà tàu chiến thường xuyên trút đạn, pháo…

HOÀNG KHẢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh