Đưa Nghị quyết 06 đi vào cuộc sống

12:12, 08/12/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị Đô thị (ĐT) toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch (QH), xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

 

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950 - 1.000 đô thị.
Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950 - 1.000 đô thị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị Đô thị (ĐT) toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch (QH), xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá

Hiện nay ĐT chỉ chiếm một diện tích nhỏ, nhưng có đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. ĐT hóa và phát triển ĐT là cơ hội đối với mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Trên thế giới, các ĐT đang tạo ra 80% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2022, cả nước có 888 ĐT; tỷ lệ ĐT hóa đạt khoảng 41%. Các ĐT đang đóng góp 70% GDP cả nước. Riêng 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% diện tích và khoảng 22% dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148 trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 06. Chương trình hành động xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về hệ thống ĐT; hình thái ĐT và liên kết ĐT; tỷ lệ ĐT hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ĐT và cơ cấu kinh tế ĐT phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.

Về các nhiệm vụ chủ yếu, chương trình đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình. “Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cần xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá, thúc đẩy ĐT hóa và phát triển ĐT hiệu quả, bền vững trước hết cần nâng cao chất lượng và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác QH ĐT. Về phương thức thực hiện, cần đẩy nhanh các ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ số trong QH và quản lý phát triển ĐT. Bên cạnh, cần đảm bảo bố trí nguồn lực tương xứng với công tác QH. Cùng với đó, xây dựng và quản lý hạ tầng ĐT bền vững, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết, cũng là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế. Theo đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng cần có trọng tâm, trọng điểm gắn với hiệu quả khai thác, sử dụng. Ông cũng nhấn mạnh, cần quan tâm hoàn thiện chính quyền ĐT song song với nâng cao hiệu quả quản lý ĐT, phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính ĐT và nguồn lực từ xã hội cho phát triển ĐT, chú trọng phát triển kinh tế ĐT trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ ban hành chương trình hành động để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Như vậy, từ chủ trương của Đảng tới việc thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện QH, xây dựng và quản lý phát triển ĐT đã có một quá trình liên tục, xuyên suốt.

Cần có tư duy, cách tiếp cận mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện điều chỉnh định hướng QH tổng thể phát triển hệ thống ĐT Việt Nam, bên cạnh nhiều kết quả đạt rất quan trọng thì cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng lưu ý một số vấn đề như quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội chưa phát triển ngang tầm kinh tế…

Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng. Theo đó, cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn; triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Theo đó, chương trình hành động đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của ĐT, vai trò, vị thế của ĐT trong sự phát triển chung, xác định phát triển ĐT gồm 3 trụ cột chính là QH, xây dựng và quản lý ĐT.

Kế đến là nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng QH và quản lý QH đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển ĐT; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt QH. QH là công cụ nền tảng để định hướng phát triển ĐT. “QH phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. QH lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, không đột phá. Công tác QH làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng. QH tổng thể nhưng thực hiện có thể phân kỳ phù hợp với nguồn lực. Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo QH hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ có một ĐT trật tự và phát triển” - Thủ tướng nói.

Bên cạnh là nhóm nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng ĐT đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó tạo không gian phát triển mới, các khu ĐT, dịch vụ mới, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Cùng với đó là nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Vì phát triển ĐT không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, ĐT là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ngành cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện, tạo hiệu ứng cộng hưởng, hình thành sức mạnh tổng hợp trong phát triển ĐT.

Đồng thời, nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; nếu cần thiết thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội, nhất là trong việc xử lý những điểm nghẽn trong phát triển ĐT…

Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ ĐT hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950 - 1.000 ĐT, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 ĐT. Đến năm 2025, bảo đảm tối thiểu 100% ĐT loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại ĐT về kết cấu hạ tầng ĐT, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp ĐT. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng ĐT đạt khoảng 11 - 16% vào năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân ĐT đạt khoảng 6 - 8m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10m2 vào năm 2030…

 

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh