Đồng chí Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc suốt đời vì nước, vì dân

Cập nhật, 07:46, Thứ Tư, 23/11/2022 (GMT+7)
TỈNH ỦY VĨNH LONG 
 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt về dự lễ Nam Kỳ khởi nghĩa ở Vũng Liêm. Ảnh tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt về dự lễ Nam Kỳ khởi nghĩa ở Vũng Liêm. Ảnh tư liệu

Đồng chí Võ Văn Kiệt (tên khai sinh là Phan Văn Hòa) xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Bình Phụng, làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị (nay là ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Sớm kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước và trực tiếp chứng kiến cảnh sống cơ cực, lầm than của người dân dưới ách áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai, năm 16 tuổi, người thanh niên yêu nước đã quyết tâm tham gia cách mạng, năm 17 tuổi đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ đó, đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, không ngừng bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt trên chiến trường miền Nam, đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiều cương vị công tác khác nhau từ cơ sở đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ.

Nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược của Đảng và cách mạng Việt Nam
 
Trước Cách mạng Tháng Tám, trên cương vị Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trên địa bàn huyện (1940); rồi trên cương vị là Tỉnh ủy viên lâm thời Rạch Giá (1941 - 1945) đã tham gia xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng và căn cứ U Minh trở thành căn cứ địa đầu não khu vực Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá và các tỉnh Tây Nam Bộ trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược, với cương vị là Ủy viên chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh Tây Nam Bộ (1945 - 1950), Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (1950 - 1954), đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham gia lãnh đạo quân dân các tỉnh Tây Nam Bộ từng bước phát triển mạnh mẽ, góp phần xứng đáng vào sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Nam Bộ, xứng danh là “Thành đồng Tổ quốc” do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đảm nhiệm cương vị Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang (1955 - 1959), đồng chí đã kiên cường bám trụ và sát cánh cùng đồng chí Lê Duẩn, giúp việc xây dựng bản Đề cương cách mạng miền Nam lịch sử, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự ra đời Nghị quyết 15, mở ra phong trào Đồng Khởi, đưa đến bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam.
 
Được cử làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1959), trước tình hình các cơ sở cách mạng ở thành phố bị địch đánh phá ác liệt, tổn thất rất nghiêm trọng, có nơi lên đến 90%, nhiều đồng chí lãnh đạo rơi vào tay giặc, nhiều cơ sở cách mạng không thể phục hồi, đồng chí Võ Văn Kiệt đã kiến nghị hợp nhất Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định thành Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (T4) và được cử làm Bí thư Khu ủy (1959 - 1970).
 
Chủ trương đúng đắn này đã hình thành nên một địa bàn chiến lược, gắn kết liên hoàn vùng nội thành với ven đô của thành phố và vùng nông thôn Đông Nam Bộ, từ đó giúp nhanh chóng khôi phục cơ sở cách mạng, phát triển lực lượng và phong trào cách mạng.
 
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, công tác đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang được đẩy mạnh, đặc biệt là sự ra đời của những đội biệt động Sài Gòn đã giáng cho kẻ địch nhiều đòn đau ngay tại nơi sào huyệt của chúng và sự hình thành vùng căn cứ địa vững chắc ở Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát…, góp phần quan trọng vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người đứng giữa) trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TL
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người đứng giữa) trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TL
 
Trên cương vị Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 9 (1970 - 1973), trước âm mưu của kẻ địch ngang nhiên vi phạm Hiệp định Paris (tháng 1/1973), tiến hành “tràn ngập lãnh thổ”, liên tiếp tấn công lấn chiếm vùng giải phóng, đồng chí Võ Văn Kiệt nêu rõ: “Mệnh lệnh tối cao lúc này là phải giữ đất, giữ dân. Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả” và đã cùng với tập thể Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định không chấp nhận ngừng bắn, mà kiên quyết, chủ động tấn công kẻ địch. Quyết định rất dũng cảm, sáng tạo và đầy trách nhiệm này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế của chiến trường, nguyện vọng của nhân dân và là một cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng nêu cao quyết tâm “đánh cho Ngụy nhào” tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Sau ngày nước nhà thống nhất, trên cương vị người đứng đầu TP Hồ Chí Minh, phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn và thách thức, đồng chí đã chỉ đạo xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ thu mua lương thực của nông dân theo giá thị trường để giải quyết cái ăn cho hơn 3 triệu người dân thành phố; đồng thời, thực thi những biện pháp vừa quyết liệt, vừa mềm dẻo, linh hoạt, ổn định trật tự xã hội và đời sống nhân dân.
 
Vượt qua lối tư duy cũ, đồng chí đã mạnh dạn sử dụng những trí thức xuất thân từ các thành phần, có tinh thần yêu nước, cùng với đội ngũ những nhà khoa học trong nước thành lập Văn phòng nghiên cứu kinh tế, “Nhóm thứ sáu”… để nghiên cứu, đề ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, để sức sản xuất của thành phố “bung ra”… góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố và trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Sự phát triển năng động của TP Hồ Chí Minh, những năm đầu sau giải phóng đã trở thành những cơ sở thực tiễn quan trọng, sinh động, góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới sau này.
 
Đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, thực hiện kế hoạch Nhà nước và tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chính sách đúng đắn, sáng tạo để tháo gỡ những rào cản của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 
 
Đặc biệt, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ với tầm nhìn chiến lược, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn trăn trở, tìm ra những giải pháp, những chủ trương đưa đất nước vượt ra khủng hoảng kinh tế - xã hội và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
 
Đồng chí đã xác định một trong những trọng tâm trong chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ là tập trung nguồn lực xây dựng các công trình kinh tế lớn của đất nước tạo cơ sở cho nền kinh tế phát triển như: điện, giao thông, thủy lợi, lọc dầu... Đồng chí coi đây là “những xung lực”, “những quả đấm mạnh” tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là “đường băng” cho nền kinh tế cất cánh. Sự phát triển của các ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, những cơ sở hạ tầng quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như công trình xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Láng Hòa Lạc; cầu Mỹ Thuận; Cảng nước sâu và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên... đều mang đậm dấu ấn của đồng chí. 
 
Đồng chí còn là nhà lãnh đạo có tầm nhìn sắc sảo về văn hóa. Các trường ĐH quốc gia, các khu công nghệ cao, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... được triển khai xây dựng là những minh chứng cho sự tâm huyết và những nỗ lực của đồng chí trong tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Trong những năm đất nước còn gặp nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân”, vì vậy, “phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”.
 
Xuất phát từ nguyện vọng của các địa phương và của người dân nhằm giúp người nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững; ngày 31/8/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chấp thuận chủ trương thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Đây là tiền thân của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
 
Kết quả này đã khẳng định Việt Nam thực hiện đúng cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội tại Copenhaghen (Đan Mạch) tháng 3/1995 trong việc chống đói nghèo “Chúng tôi cam kết thực hiện mục tiêu xóa bỏ đói nghèo trên thế giới, thông qua các hành động quốc gia kiên quyết và sự hợp tác quốc tế, coi đây như một đòi hỏi bắt buộc về đạo đức, xã hội, chính trị và kinh tế của toàn cầu nhân loại”.
 
Một trong những cống hiến nổi bật của đồng chí Võ Văn Kiệt là những đóng góp to lớn với nền ngoại giao Việt Nam. Nhận thức sâu sắc yêu cầu phải phá thế bị bao vây, cấm vận, thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế” của Đảng, Nhà nước và phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” được Đại hội Toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991) đề ra, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đề xuất áp dụng chiến thuật “hoa sen nở”, đi từ trong ra ngoài, trước hết cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đi đôi với bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc; từ đó cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, rồi EU, Mỹ và các nước khác. Những cột mốc thành công của ngoại giao Việt Nam: bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991); bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1995), gia nhập ASEAN (1995),... có dấu ấn sâu đậm của đồng chí Võ Văn Kiệt. 
 
Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Văn Kiệt hết sức chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”, “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Nhà nước thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, như lời dặn của Bác Hồ.
 
Đồng chí trăn trở và gửi đến Đảng, Nhà nước những kiến nghị tâm huyết về nhận diện, khắc phục sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên, giữ gìn và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng chí khẳng định: “Mối quan hệ giữa Đảng với Dân như cá với nước. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi Dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ. Càng hội nhập quốc tế, lại càng phải phát huy sức mạnh nội lực. Nội lực phải tìm trong Dân”.
 
Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: “Với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo” . 
 
Một nhân cách cao đẹp, suốt đời vì nước, vì dân
 
Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt là cuộc đời, sự nghiệp của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã trọn đời phấn đấu và cống hiến cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
 
Xuất phát từ lợi ích của đất nước, của dân tộc và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, đặt lên trên hết, trước hết sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí luôn thể hiện sự vững tin “cái gì đúng thì sớm muộn gì lịch sử và nhân dân sẽ ghi nhận”. Trước mỗi dự định, kế hoạch, hay kiến nghị, góp ý cho Đảng và Nhà nước, đồng chí đều trăn trở, suy nghĩ chu đáo, thận trọng cả trước mắt và lâu dài, đặt trong mối quan hệ quá khứ, hiện tại và tương lai, để bảo đảm ích lợi cao nhất cho đất nước, dân tộc.
 
Tuy không được học qua trường lớp một cách bài bản, nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt luôn không ngừng trau dồi, tự nghiên cứu, học hỏi, chắt lọc, kế thừa tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhân loại và trở thành một tấm gương sáng về tinh thần tự học. Đồng chí đi nhiều, đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, luôn đặt câu hỏi tại sao và tìm cách lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra.
 
Là người luôn biết lắng nghe, với tình cảm chân thành và sự đồng cảm, thấu hiểu, đồng chí đã quy tụ được nhiều trí thức tên tuổi và trở thành người bạn tin cậy của họ, kể cả những người có khác biệt về chính kiến. Đồng chí đến với trí thức bằng tình cảm chân thành, sự tôn trọng và tinh thần thật sự cầu thị, cởi mở, vì nước, vì dân và đã chắt lọc những gợi ý, những luận điểm khoa học xác đáng để hình thành nên những quyết định đúng đắn. 
 
Điều nổi bật ở đồng chí Võ Văn Kiệt trong quá trình hoạt động, công tác là tấm lòng bao dung, rộng mở. Trước những vấn đề đặt ra, đặc biệt là những bất công, oan sai, đồng chí luôn tìm hiểu đến ngọn ngành, làm rõ đúng - sai, thật - giả và luôn tìm cách bảo vệ cái đúng. Không những không để ai làm tổn hại đến cái đúng, cái tốt, đồng chí còn luôn đối xử chân thành, rộng mở với những ai có suy nghĩ “chưa đúng”. Vì theo đồng chí những người đó rồi sẽ thay đổi và bị khuất phục bởi cái đúng mà thôi. 
 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong trái tim rộng lớn của đồng chí luôn có đủ chỗ cho những tấm lòng thiết tha vì vận mệnh của đất nước, của dân tộc, từ những người cộng sản trung kiên, những người dân yêu nước, cho đến những trí thức sống ở nước ngoài, hay thậm chí cả những người đã từng ở bên kia chiến tuyến.
 
Là người đi qua hai cuộc chiến tranh với rất nhiều đau thương, mất mát khi vợ và 2 người con, trong đó có người còn chưa kịp biết mặt, đã bị giết hại do trúng bom trên chuyến tàu Thuận Phong năm 1966, người con trai cả - anh Phan Chí Dũng cũng hy sinh năm 1972 tại Sóc Trăng, nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt sớm nhận thức và nêu lên quan điểm phải gác lại quá khứ, hướng đến tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc, thực hiện đại đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội.
 
Đồng chí nêu rõ: “Yêu nước không phải là độc quyền của riêng ai; Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam, mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước”, mọi người Việt Nam dù ở đâu, thành phần hay giai cấp nào cùng đều là con dân đất Việt, chung một cội nguồn và đều có nghĩa vụ chung tay xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh.
 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn nổi tiếng là một con người hành động, quyết đoán với ý chí tiến công, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, không màng danh lợi cá nhân. Tất cả những điều đó đã làm nên một nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, đã sống, hoạt động và cống hiến cho đất nước, cho dân tộc đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nói riêng, học tập, noi theo.
 
Một người con sâu nặng nghĩa tình với quê hương
 
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Vĩnh Long hiền hòa, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, từ sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), đồng chí Võ Văn Kiệt đã rời quê hương, tham gia hoạt động cách mạng trên hầu khắp các chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước được thống nhất, được giao đảm nhiệm những trọng trách của Đảng và Nhà nước, trở thành người đứng đầu Chính phủ, dù bộn bề với bao nhiệm vụ, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết cho quê hương.
 
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Vĩnh Long lần thứ VI (nhiệm kỳ 1996 - 2000), đồng chí không về dự được, nhưng đã gửi thư cho đại hội, ân cần động viên: “... Xin chia sẻ với tất cả các đồng chí niềm vui về những thành tựu đã đạt được; đồng thời, cùng chung lo với các đồng chí những vấn đề lớn phía trước, những nhiệm vụ lớn Vĩnh Long phải quyết phấn đấu thực hiện để đi lên…
 
Duy trì nền kinh tế thuần nông là chủ yếu, hoặc không tìm ra con đường năng động đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Vĩnh Long chẳng những không phát triển nhanh được, mà sẽ đứng trước nguy cơ sẽ tụt hậu… Các đồng chí phải tự tìm ra câu trả lời, không ai làm thay các đồng chí được… Biết dựa vào dân giải quyết những vấn đề nhân dân mong đợi, luôn luôn gắn bó với dân như những năm còn đánh giặc, biết khuyến khích và nâng niu từng sáng kiến của nhân dân trong thực hiện sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh…” .
 
Với tư duy năng động, nhạy bén, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã gợi ý cho lãnh đạo tỉnh nhà những ý kiến hết sức quý báu về chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt là cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng NTM, phát triển đô thị.
 
Đồng chí chỉ ra rằng phải giảm diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp, phát triển vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản... Những vấn đề lớn của tỉnh như: xây dựng các khu công nghiệp, kết nối Vĩnh Long với các nhà đầu tư, quy hoạch phát triển TX Vĩnh Long lên thành phố loại 3, gặp gỡ các chuyên gia xây dựng cầu Mỹ Thuận,… được đồng chí nghiên cứu rất kỹ và nêu nhiều ý kiến xác đáng.
 
Đồng chí nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải luôn chú ý vai trò quyết định của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Phải chú trọng giữ gìn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, giữ gìn và củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phòng chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ. 
 
Mỗi chuyến về thăm quê hương Vĩnh Long, đồng chí Võ Văn Kiệt đều đề nghị xuống thăm cơ sở, khi thì một gia đình nông dân sản xuất giỏi, lúc là bà con lao động; đến tận nơi khảo sát việc phòng chống lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái các xã cù lao; nghe chuyện cặp bờ sông Cổ Chiên phát triển lò gạch, gốm sứ, xí nghiệp đóng tàu... Từ đó, đồng chí hiểu thêm những vấn đề đặt ra với các địa phương, đơn vị để có hướng giải quyết thiết thực. 
 
Khi đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, nhưng đồng chí vẫn thường xuyên về thăm đồng đội cũ và những gia đình đã từng chở che cho mình trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến. Đồng chí quan tâm và có nhiều ý kiến thiết thực về công tác bảo tồn, bảo tàng, xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; trăn trở về xây dựng Bảo tàng nông nghiệp lúa nước ĐBSCL và công viên Khởi nghĩa Nam Kỳ tại TT Vũng Liêm để tri ân người xưa và tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm hỏi bà con nông thôn. Ảnh: TL
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm hỏi bà con nông thôn. Ảnh: TL
Đồng chí cũng thường nhắc phải noi gương người xưa, chú trọng việc học ở mọi lúc, mọi nơi, vì tương lai tươi sáng của dân tộc và sự tiến bộ, phát triển của bản thân mỗi gia đình. Nhiều lần về thăm Vĩnh Long, đồng chí đã thăm Thư viện tỉnh, quan tâm tìm hiểu những người đến đọc sách tại thư viện nhiều nhất; chú ý nắm bắt xem sinh viên, học sinh, các nhà nghiên cứu khoa học, các đồng chí lãnh đạo có đến thư viện đọc sách báo, tài liệu; các loại sách báo mà độc giả quan tâm nhất... Đồng chí đã tặng Thư viện tỉnh 500 cuốn sách quý, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu để phục vụ bạn đọc và góp phần thiết thực vào sự nghiệp nâng cao dân trí.
 
Với quê hương, đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã sống trọn vẹn nghĩa tình; đã cống hiến biết bao tâm huyết, sức lực cho khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và sự vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc anh hùng. Sẽ còn mãi vang vọng đến mai sau lời căn dặn ân tình của đồng chí: “Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả”.
 
Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long luôn trân trọng tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vinh dự và tự hào về đồng chí - người con ưu tú đã làm rạng danh quê hương. Nhân cách đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí mãi là tấm gương trong sáng, mẫu mực để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Vĩnh Long học tập, noi theo. 
 
(Báo Vĩnh Long lược trích tham luận)
Các tin khác: