Cần bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong báo tin, tố giác

06:10, 26/10/2022

Chiều 26/10, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

 

Chiều 26/10, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tôi cơ bản đồng tình với báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ thực tiễn tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương thời gian qua, tôi xin bổ sung một số ý kiến cụ thể vào dự án luật như sau:

Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5), tại Khoản 3, đề nghị bổ sung thêm 2 cụm từ "tài liệu", "và các dụng cụ" vào nội dung Khoản 3 để đảm bảo quy định toàn diện hơn. Cụ thể đề xuất điều chỉnh lại hành vi bị cấm ở Khoản 3 như sau: “Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh và các dụng cụ nhằm kích động bạo lực gia đình."

Về quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình (Điều 9), tại Khoản 2, đề nghị bổ sung thêm nội dung "Người cung cấp thông tin về người bị bạo lực gia đình cũng phải có trách nhiệm trước pháp luật", nhằm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo các thông tin cơ quan chức năng thu nhận được là thông tin chính xác, không để người có hành vi bạo lực lợi dụng mối quan hệ họ hàng thân tộc, quan hệ cá nhân, tác động làm nhiễu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, gây bất lợi cho người bạo lực hoặc người bị bạo lực, làm ảnh hưởng đến quá tiếp nhận, xử lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.

Về trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 10), tại Khoản 4 có quy định đối tượng bạo lực gia đình phải "Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình". 

Tôi cho rằng, để khả thi hơn cần bổ sung thêm quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả của người bạo lực đối với người bị bạo lực, vì phần lớn người bị bạo lực là người thân chung một gia đình, có tài sản chung với người bạo lực nên việc giải quyể yêu cầu chi bồi thường thiệt hại chắc chắn sẽ gặp khó khăn, khó áp dụng.

Về trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 11), cần thiết bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong báo tin, tố giác với cơ quan chức năng về hình vi bạo lực gia đình mà mình phát hiện, hoặc khi đã làm hết trách nhiệm được quy định tại các khoản của điều này mà không thể góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực trong gia đình. Đây là kênh thông tin quan trọng để góp phần thực hiện kịp thời có hiệu quả biện pháp phòng và chống các hành vi bạo lực gia đình.

Về hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục (Điều 15), tại Khoản 5, đề nghị thêm cụm từ "sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm và các loại hình văn hóa quần chúng khác".

Cụ thể khoản này đề xuất điều chỉnh lại như sau: “Hoạt động văn học, nghệ thuật, thể thao; sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng dân cư, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm và các loại hình văn hóa quần chúng khác”. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Về biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình (Điều 22), tại Điểm g Khoản 1 có quy định biện pháp "Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình", đề nghị giải thích cụ thể, rõ ràng cụm từ “chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình" để tránh gây khó hiểu và dễ áp dụng trong thực tiễn.

Điểm i Khoản 1, có quy định biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình cụ thể "Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng", đây là một biện pháp mới vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình và hướng người bạo lực thực hiện các công trình, phần việc phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, cần có quy định chặt chẽ, khoa học hơn, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như cam kết quốc tế, tránh để làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Theo đó, đề xuất xem xét lại câu từ, ngữ nghĩa tại Khoản 3, Điều 33, nhất là làm rõ cụm từ “tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng động”, viết như dự thảo gây khó hiểu và dường như có mâu thuẫn trong nội tại của một điều khoản khi tồn tại song song 2 cơ chế vừa tự quản - vừa hành chính, vừa áp dụng quyết định hành chính, lại vừa kêu gọi tự nguyện thực hiện. Cách diễn đạt như vậy mỗi địa phương sẽ có cách hiểu và áp dụng hình thức khác nhau, cách xử lý vi phạm sẽ không thống nhất theo luật quy định và việc chấp hành chế tài sẽ không nghiêm.

Về cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã (Điều 25): Thống nhất quy định giao Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc. Song để đảm bảo tính kịp thời và bảo vệ an toàn cho đối tượng bị bạo lực, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế, đề nghị cần xem xét điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian xem xét, quyết định các biện pháp cấm tiếp xúc với thời gian "không quá 8 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điểm a và b Khoản 1 điều này..." và "không quá 3 giờ đối với trẻ em, người cao tuổi...". Cụ thể, đề xuất điều chỉnh nội dung Khoản 3 như sau:

"Trong thời gian không quá 8 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều này, Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, người yêu cầu biết.

Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì trong thời gian không quá 3 giờ phải ra quyết định cấm tiếp xúc".

Về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (Điều 28), trên thực tế nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống.

Nhưng các nội dung quy định tại điều này chỉ thiên về quy định nơi tạm lánh và dẫn chiếu quy định pháp luật về trợ giúp xã hội là chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực. Đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét đưa vào các quy định cụ thể hơn về danh mục hỗ trợ được xem là đáp ứng nhu cầu thiết yếu, kể cả quy định việc lựa chọn những nơi tạm lánh có đủ khả năng bảo vệ người bị bạo lực gia đình, như: Trạm y tế cấp xã hay trụ sở Công an cùng cấp hoặc Trung tâm Công tác xã hội trên địa bàn, để có sự thống nhất trong quá trình thực hiện.

TÂM HUỲNH (ghi) 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh