"Gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ có lỗi với dân"

02:06, 02/06/2022

Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng, gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân, do đó đề nghị Chính phủ có các giải pháp mạnh mẽ tạo điều kiện để các gói hỗ trợ được hấp thụ nhanh vào nền kinh tế.

Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng, gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân, do đó đề nghị Chính phủ có các giải pháp mạnh mẽ tạo điều kiện để các gói hỗ trợ được hấp thụ nhanh vào nền kinh tế.

Dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11 phần lớn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng

Theo đại biểu Tạ Minh Tâm, việc ban hành các nghị quyết đã rất kịp thời, nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường, chưa từng có tiền lệ. Tại Kỳ họp bất thường Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, sau đó 19 ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể.

Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được ví như "cú hích" hay là "phao cứu sinh" phục hồi và vực dậy nền kinh tế, tạo niềm tin phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên, từ khi được ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, còn không ít nội dung còn đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng.

Thủ tướng Chính phủ đã phải có các công điện để đôn đốc, chỉ đạo các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ để người dân và doanh nghiệp sớm được thụ hưởng chính sách.

Đại biểu Tạ Minh Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Tạ Minh Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

“Cho đến giờ này, một số dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11 phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc có đến nhưng chưa đáng kể”, đại biểu Tạ Minh Tâm cho biết, đồng thời nêu thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách như: giảm thuế VAT, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất…

Đại biểu cho rằng, mục tiêu đặt ra của các gói hỗ trợ là phải giải ngân trong năm nay, đồng thời, các thủ tục triển khai phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng xin cho, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Dòng tiền của các gói hỗ trợ, kể cả đầu tư phát triển phải được hấp thu ngay vào nền kinh tế trong năm nay mới có thể phát huy hiệu quả tối ưu theo đúng mục tiêu đề ra, đại biểu đoàn Tiền Giang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát, cân nhắc các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Cần đều chỉnh các nội dung không còn mang tính cấp thiết, xem các lĩnh vực trọng tâm, then chốt, có tác động lan tỏa; củng cố và phát huy vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp. Rà soát lại các dự án trong danh mục, các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm đưa vào danh mục các dự án đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí thể hiện tại điểm d khoản 1.2 Điều 3 Nghị quyết số 43. Đồng thời, điều chỉnh, thay thế, bổ sung vào danh mục các dự án có đủ điều kiện có khả năng giải ngân nhanh và hấp thu ngay vào nền kinh tế”, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị.

Sự háo hức, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp với các gói hỗ trợ đang nguội dần

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ sự ấn tượng về những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các Nghị quyết phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội thời gian qua.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến các chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, thuế mà chương trình mong muốn mang lại.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Dẫn chứng thực tế tại Quảng Bình, nhiều chủ cơ sở du lịch nhỏ chưa thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng để tu sửa cơ sở du lịch, dù du lịch hiện nay đang phục hồi tốt và đang bướ c vào mùa cao điểm.

“Nếu ban hành văn bản nhưng không có cơ chế phù hợp để thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng dù có quy định ngân hàng cũng không dám cho vay khi hộ kinh doanh có tài sản thế chấp, theo đó sẽ lãng phí cơ hội phục hồi của nhiều thành phần kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng cần linh hoạt triển khai việc cho vay thông qua tín chấp hoặc tài sản kinh doanh hiện có”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu ý kiến.

Đại biểu đoàn Quảng Bình thông tin thêm, đến nay hầu hết các địa phương đã triển khai Nghị quyết số 11. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho chương trình phục hồi kinh tế chưa được Trung ương phân bổ. Việc miễn, giảm các loại thuế, phí, đặc biệt là các loại thuế liên quan đến đất đai, việc giảm giá điện, nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng của COVID-19 cũng chưa được hướng dẫn từ Trung ương.

Điều này làm cho các chương trình, kế hoạch ban hành khó có tính khả thi khi mốc thời gian 2 năm thực hiện nghị quyết ngày càng ngắn lại.

“Chỉ gần đây người dân và doanh nghiệp phấn khởi khi Nghị quyết số 11, Nghị quyết số 43 được Quốc hội thông qua và kỳ vọng đây sẽ là động lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch, nhưng sự háo hức, kỳ vọng cũng đang nguội dần khi những thủ tục triển khai vẫn còn khó khăn, vướng mắc”, nữ đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm kiến nghị Chính phủ tiếp tục điều hành, chỉ đạo các bộ, ngành linh hoạt, quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Sự hỗ trợ sớm đến với người dân và doanh nghiệp, trong đó quan tâm đến đối tượng ngư dân vươn khơi bám biển.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để đưa vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là việc hỗ trợ lãi suất 2% mỗi năm được các doanh nghiệp và người dân rất kỳ vọng./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh