Trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu quan tâm nhiều đến các vấn đề như kinh tế, giao thông, nông nghiệp… Đại biểu kỳ vọng, các Bộ trưởng giải trình thẳng thắn, không nói lý thuyết, gắn với thực tiễn để giải quyết các vấn đề người dân đang gặp khó.
Trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu quan tâm nhiều đến các vấn đề như kinh tế, giao thông, nông nghiệp… Đại biểu kỳ vọng, các Bộ trưởng giải trình thẳng thắn, không nói lý thuyết, gắn với thực tiễn để giải quyết các vấn đề người dân đang gặp khó.
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, từ chiều nay (7/6), Quốc hội sẽ bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Một số thành viên Chính phủ cũng sẽ trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 2,5 ngày, từ chiều ngày 7 đến hết ngày 9/6 tới.
Theo chương trình cuối phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề liên quan công tác điều hành của Chính phủ.
Trao đổi trước phiên chất vấn, đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn TP.HCM quan tâm đến 2 vấn đề gồm các dự án giao thông như đường vành đai 3 tại TP.HCM, đường vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội. Thứ 2 là lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn.
Trong đó đại biểu có nhiều băn khoăn về tình hình lạm phát gắn với bữa ăn của người dân, cụ thể hơn là an ninh lương thực.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn TP.HCM. |
Ngoài ra, một số nội dung khác không nằm trong quản lý của 4 Bộ trưởng sẽ ngồi “ghế nóng” trong phiên chất vấn, tuy nhiên đại biểu Tô Thị Bích Châu hy vọng các Phó Thủ tướng sẽ làm rõ những thắc mắc, chất vấn của đại biểu.
“Chúng tôi sẽ mang những băn khoăn, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội. Với tinh thần đó, tôi mong các đại biểu sẽ trả lời thẳng vào vấn đề, không nói lý thuyết, câu trả lời làm sao phải gắn với thực tế, thực tiễn và sản phẩm ban hành sau đó có hiệu quả với người dân", đại biểu Tô Thị Bích Châu nói.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn Hà Nội cho rằng, cả 4 lĩnh vực được chất vấn kỳ này đều là những vấn đề "nóng". Việc chất vấn không phải chỉ đưa ra những vấn đề cần giải quyết trong giai đoạn hiện nay mà cả giai đoạn sắp tới.
Đây cũng là cơ hội để các tư lệnh ngành có thể giải trình được các chính sách, biện pháp từ phía Chính phủ, bộ, ngành nhằm giải quyết các vấn đề đang “nóng” trong xã hội, từ đó tạo niềm tin trong cử tri và toàn xã hội, tạo ra động lực để phục hồi kinh tế sau khi cả nước vừa trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn Hà Nội. |
Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội, Quốc hội đã chọn 4 Bộ trưởng của 4 lĩnh vực để trả lời chất vấn phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri.
“Đối với vấn đề tài chính, ngân hàng, hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ kép, vừa ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện sức ép lạm phát rất lớn, vừa phải thực hiện biện pháp để giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
Hai chính sách này dường như ngược nhau, do đó, cần sự kết hợp hài hòa, linh hoạt. Đây là những vấn đề cử tri quan tâm hàng đầu, bởi tăng trưởng của nền kinh tế sẽ gắn với công ăn việc làm, thu nhập, trong khi lạm phát lại ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, giá cả, thị trường”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Về vấn đề giao thông sẽ được giải trình bởi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tới đây, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chính phủ và Quốc hội đang đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, các tuyến đường cao tốc, đường vành đai quanh Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, đây là lĩnh vực rất quan trọng liên quan tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và giúp cải thiện đời sống nhân dân.
Chính vì đây là vấn đề lớn liên quan đến việc phát triển của đất nước và quyền lợi của người dân, do đó cần sử dụng nguồn lực ngân sách rất lớn. Hiện nay, đồng bào cử tri rất quan tâm đến chủ trương của Chính phủ, của các bộ, ngành và đặc biệt là kế hoạch để triển khai các dự án cụ thể ra sao.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội. |
Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo đánh giá của đại biểu đoàn Hà Nội cũng là vấn đề cử tri luôn quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn có tiềm năng phát triển vô cùng lớn nhưng cũng đang đòi hỏi phải có những động lực mới.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 xảy ra, một dòng người rất lớn từ các khu công nghiệp trở về nông thôn, họ cần công ăn việc làm, cần khởi nghiệp ở nông thôn.
Làm thế nào để thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp ở nông thôn để mang lại một cuộc sống hạnh phúc cho người dân, làm sao cho người dân có thể không cần li hương vẫn có thể lập nghiệp, có thể có cuộc sống hạnh phúc là câu hỏi lớn cần các tư lệnh ngành giải đáp. Đó cũng là cách để giảm tải dòng người đổ dồn về các thành phố lớn, gây quá tải.
“Chúng tôi rất hi vọng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ trao đổi với các đại biểu Quốc hội những định hướng và làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm cũng như tiếp nhận những đóng góp của cử tri thông qua các đại biểu Quốc hội để đưa vào tờ trình Chính phủ trong việc thúc đẩy nông nghiệp, phát triển nông thôn trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, cả 4 chủ đề được chất vấn tại kỳ họp này đều là chủ đề "nóng" cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh./.
Theo Cẩm Tú-Nguyễn Trang/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin