Khi luân chuyển từ Trung ương về địa phương có thể bố trí cấp trưởng chứ không bố trí vào cấp phó. Giữ vị trí cấp trưởng bắt buộc anh phải "đứng mũi chịu sào".
Khi luân chuyển từ Trung ương về địa phương có thể bố trí cấp trưởng chứ không bố trí vào cấp phó. Giữ vị trí cấp trưởng bắt buộc anh phải “đứng mũi chịu sào”.
Mới đây, quán triệt việc triển khai Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị "Về luân chuyển cán bộ", bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Chính trị là thời điểm hiện tại không tăng thêm cán bộ luân chuyển, không đưa cán bộ đi luân chuyển một cách ồ ạt.
Để hiểu rõ hơn quy định mới của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS-TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. |
Luân chuyển đúng người, đúng việc
PV: Được biết, ông từng bày tỏ quan điểm rất sâu sắc về công tác luân chuyển cán bộ của Đảng, đã từng thẳng thắn chỉ ra những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác này. Ở Quy định 65-QĐ/TW vừa được ban hành, ông thấy công tác luân chuyển cán bộ thời gian tới sẽ có gì mới?
PGS,TS Lê Văn Chiến: Trước hết phải nói rằng, kết quả của công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua đã thể hiện khá rõ qua các lần thực hiện luân chuyển cán bộ. Cán bộ được đi luân chuyển có thêm kiến thức thực tiễn, trưởng thành, được bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý mới. Đó là sự ghi nhận của Đảng đối với sự trưởng thành của các cán bộ đi luân chuyển.
Tuy nhiên cũng còn những hạn chế cần phải khắc phục. Đó là trong suốt quá trình công tác, cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo cấp chiến lược chỉ thực hiện luân chuyển một lần, như vậy hạn chế thời gian cọ sát với thực tiễn.
Sau luân chuyển, thường cán bộ được bố trí ở vị trí cao hơn khiến không ít cán bộ luân chuyển nảy sinh tâm lý dĩ hòa vi quý, ngại va chạm, không dám đưa ra những quyết sách lớn để thay đổi, phát triển địa phương, tổ chức nơi mình đến luân chuyển mà cốt hoàn thành thời gian luân chuyển để được bổ nhiệm vào vị trí mới.
Hay cán bộ đi luân chuyển thường chỉ giữ vị trí cấp phó, không có hoặc ít người được bố trí làm cấp trưởng, vì thế họ không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng nên khó bộc lộ hết khả năng lãnh đạo.
Việc luân chuyển mới được xem là điều kiện để bố trí lên vị trí cao hơn nhưng kết quả luân chuyển chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ luân chuyển chưa được địa phương tạo điều kiện làm việc, thậm chí tẩy chay, vô hiệu hóa.
Việc luân chuyển mới chú trọng đưa cán bộ từ Trung ương về địa phương mà chưa chú trọng luân chuyển ngang cấp hoặc từ địa phương lên trung ương.
Ở Quy định 65-QĐ/TW vừa được ban hành, quan điểm của Bộ Chính trị là ở thời điểm hiện tại không đưa cán bộ đi luân chuyển ồ ạt, theo tôi hiểu, đó không phải là hạn chế công tác luân chuyển và cũng không có nghĩa số lượng cán bộ luân chuyển sẽ ít đi, vì luân chuyển nhiều hay ít phụ thuộc vào nhu cầu thực tế tại các địa phương, đơn vị.
Chúng ta chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị (gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện)…
Quy định này cho thấy, số lượng cán bộ đi luân chuyển nhiều hay ít là do đòi hỏi của thực tiễn công tác vì nếu còn nhiều đồng chí cấp trưởng đã đủ hai nhiệm kỳ liên tiếp mà còn thời gian công tác theo quy định thì còn bố trí luân chuyển.
Bên cạnh đó, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp cũng cần được đi luân chuyển để rèn luyện. Như vậy, không đưa cán bộ đi luân chuyển ồ ạt không có nghĩa là hạn chế lại, mà sẽ làm bài bản hơn, chính xác hơn, đúng đối tượng, đúng người đúng việc hơn.
Chỉ bố trí cấp trưởng đối với cán bộ luân chuyển về địa phương
PV: Quy định 65-QĐ/TW lần này có giải quyết được những tồn tại hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ mà ông đã từng chỉ ra không?
PGS,TS Lê Văn Chiến: Quy định 65-QĐ/TW lần này đã cơ bản khắc phục được những hạn chế trong công tác luân chuyển: ví như cấp trưởng đi luân chuyển vẫn được giữ vị trí tương đương với chức vụ đang giữ. Hay khi luân chuyển từ Trung ương về địa phương có thể bố trí cấp trưởng chứ không bố trí vào cấp phó. Giữ vị trí cấp trưởng bắt buộc anh phải “đứng mũi chịu sào”, bắt buộc phải ra quyết định, như thế sẽ bộc lộ được năng lực của cán bộ.
Chúng ta còn nhớ, trước Đại hội XII, 44 cán bộ cấp chiến lược đi luân chuyển đều giữ vị trí cấp phó. Theo quy định, ở vị trí phó, anh chỉ làm nhiệm vụ giúp việc cho cấp trưởng, không bắt buộc phải ra quyết định cuối cùng, vì thế cán bộ không cần phải gay gắt, đấu tranh cho chính kiến của mình, làm sao để hết 3 năm luân chuyển về là có thể được bố trí lên chức vụ cao hơn. Như vậy họ có tâm lý e ngại, né tránh. Quy định 65-QĐ/TW lần này theo tôi sẽ khắc phục được một số hạn chế trước đây.
Quy định 65-QĐ/TW cũng có những yêu cầu về đánh giá cán bộ đi luân chuyển, đơn vị cử đi luân chuyển, và cả đơn vị nhận luân chuyển, như vậy sẽ hạn chế tình trạng đưa người đi luân chuyển không đúng đối tượng. Còn ở nơi tiếp nhận cũng hạn chế tình trạng bè phái, cục bộ, không tạo điều kiện cho cán bộ đến luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi đã từng đề xuất luân chuyển cán bộ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn một là luân chuyển cán bộ trẻ, khi chưa có quy hoạch. Sau khi cán bộ được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, làm việc được khoảng 5 năm thì lựa chọn một số cán bộ trẻ bộc lộ được năng lực để cho đi luân chuyển, thậm chí cho đi làm nhân viên chứ không phải làm lãnh đạo.
Một cán bộ khi phải va chạm và xử lý nhiều tình huống chuyên môn ở các cơ quan khác nhau sẽ phát triển được tri thức chuyên môn và có hiểu biết sâu, rộng về lĩnh vực mình công tác. Khi đó, chúng ta lựa chọn những người thể hiện được năng lực để quy hoạch vào làm lãnh đạo và đưa đi luân chuyển như cách làm hiện nay.
Đương nhiên trong quá trình luân chuyển cũng có đánh giá sàng lọc. Như vậy sẽ bài bản và tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện nhiều hơn. Tuy nhiên đề xuất này chưa thấy có trong quy định mới, chắc còn phải nghiên cứu sâu thêm.
PV: Một trong những tồn tại ông từng nêu ra đó là có luân chuyển từ Trung ương về địa phương, phải có luân chuyển từ địa phương lên Trung ương ở quy định lần này có đề cập không?
PGS, TS Lê Văn Chiến: Nội dung này đã được đề cập rất rõ trong Quy định 65-QĐ/TW, việc luân chuyển cán bộ được thực hiện từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị.
Vấn đề còn lại là phải thực hiện làm sao để đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ; phải thường xuyên giám sát cán bộ luân chuyển, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ như yêu cầu của Bộ Chính trị.
Xác định rõ tư tưởng không cứ đi luân chuyển về được lên chức
PV: Tại sao trong Quy định 65-QĐ/TW, Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh đến yêu cầu cán bộ luân chuyển phải xác định rõ tư tưởng không phải cứ đi luân chuyển để sau đó được lên vị trí cao hơn?
PGS, TS Lê Văn Chiến: Ở các đợt luân chuyển trước đây, qua tổng kết cho thấy, sau luân chuyển, một số quay trở lại chức vụ cũ, một số ở lại công tác nơi mình đến luân chuyển.
Như vậy, từ trước tới nay vẫn có câu chuyện không nhất thiết đi luân chuyển về là được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng đa số cán bộ sau thời gian đi luân chuyển đã được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn nên có thể nảy sinh tâm lý đi luân chuyển để được bổ nhiệm vị trí tốt hơn.
Vì vậy, Quy định 65-QĐ/TW nhấn mạnh điều này là để quán triệt cho cán bộ, đảng viên nắm rõ luân chuyển là công việc bình thường và thường xuyên trong công tác cán bộ và là một trong nhiều phương pháp đào tạo cán bộ của Đảng.
Cán bộ sau khi đi luân chuyển có được bố trí vào vị trí cao hơn hay không một mặt phụ thuộc năng lực của cán bộ thể hiện khi đi luân chuyển, mặt khác còn phải xuất phát từ yêu cầu của công việc. Còn đào tạo cán bộ là việc vẫn phải làm để đảm bảo sẵn sàng khi công việc yêu cầu thì có đủ nguồn cán bộ để bố trí.
PV: Ông từng chia sẻ việc chúng ta có thể học hỏi Nhật Bản trong công tác tuyển dụng công chức và đưa đi luân chuyển để đào tạo cán bộ, ông có thể nói rõ hơn?
PGS, TS Lê Văn Chiến: Theo tôi được biết, ở Nhật Bản, ngay khi tuyển công chức vào làm cho khu vực công họ đã chia thành hai nhóm: nhóm định hướng phát triển thành cán bộ lãnh đạo quản lý và nhóm chỉ làm công tác chuyên môn. Nhóm định hướng phát triển để trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ được đưa đi luân chuyển nhiều hơn theo đúng lĩnh vực chuyên môn của họ.
Định kỳ có đánh giá lại để sàng lọc và cũng có thể được chuyển sang nhóm khác tùy khả năng của công chức đó trong quá trình làm việc.
Tuy nhiên, để thực hiện theo cách này đòi hỏi quá trình tuyển dụng, đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Nếu để xảy ra tình trạng “vị thân” trong tuyển dụng và đánh giá cán bộ thì sẽ khó đào tạo được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Thanh Hà/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin