Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trà Ôn đã nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và các mặt hoạt động khác...
Huyện Trà Ôn thực hiện Nghị quyết năm 2021 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trà Ôn đã nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và các mặt hoạt động khác...
Khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, huyện từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân, góp phần thực hiện đạt và vượt 12/17 chỉ tiêu chủ yếu trong năm.
Đồng chí Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn |
Đồng chí Nguyễn Thanh Triều cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19, gắn với đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Cùng với 12/17 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết năm 2021 thực hiện đạt và vượt, 5 chỉ tiêu còn lại cơ bản hoàn thành và đạt mức 90% trở lên.
Trong năm qua dù bị ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế nông nghiệp của huyện Trà Ôn vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển toàn diện. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái (cam sành, bưởi, chanh, sầu riêng...) trong năm hơn 860ha. Tổng diện tích vườn cây lâu năm ở huyện hơn 15.500ha, trong đó có gần 13.400ha cây ăn trái, trên 2.100ha cây công nghiệp. Trong đó diện tích cây cam sành có gần 7.000ha trên toàn địa bàn (gần 5.800ha cam sành trên đất lúa, xấp xỉ 83%). Hiện tại, diện tích cam sành đang cho hiệu quả kinh tế hơn 3.900ha, cam tơ có hơn 2.700ha.
Với cây cam sành, nông dân thu lợi nhuận từ 300-350 triệu đồng/ha; với các cây trồng khác như nhãn Idor lợi nhuận 200-220 triệu đồng/ha, bưởi Năm Roi lời từ 180-200 triệu đồng/ha; với ổi bà con thu lời 150-160 triệu đồng/ha... Trong khi đó cây lúa còn 4.500ha, được định hướng phát triển theo mô hình sản xuất và cung ứng lúa giống cho toàn huyện, tỉnh (tại xã Xuân Hiệp) và sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa, bao tiêu sản phẩm.
Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, Trà Ôn được đánh giá là địa bàn đã và đang phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại tập trung. Tính đến nay toàn huyện có 23 trang trại (tăng 9) chăn nuôi gà thịt theo quy mô công nghiệp với tổng đàn 456.200 con. Ước lợi nhuận của các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đạt gần 15 tỷ đồng/năm.
Song song đó, công tác an sinh xã hội thực hiện xuyên suốt, càng quan trọng và sâu sát hơn trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19. Huyện đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực chăm lo cho các đối tượng khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách trong thời gian giãn cách xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Ở lĩnh vực giảm nghèo, năm qua trong khó khăn tác động của dịch COVID-19, toàn huyện thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,48%, đạt trên 135% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 1,1%. Trong đó, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer đạt 3%, đạt 100% Nghị quyết. Năm 2022, huyện tiếp tục có nghị quyết và tập trung công tác giảm nghèo bền vững, với mỗi năm giảm 1% hộ nghèo, trong đó giảm 3% trở lên hộ nghèo đối với đồng bào dân tộc Khmer.
Đối với lĩnh vực đô thị, đến nay thị trấn Trà Ôn đạt và giữ vững tiêu chí văn minh đô thị. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiếp cận để phát triển đô thị trung tâm thị trấn và vùng phụ cận. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp nhằm để bộ mặt đô thị ngày càng tốt hơn, gắn với quy hoạch không gian đô thị loại V ở xã Hựu Thành và điều chỉnh các trung tâm chợ, góp phần phát triển thương mại, tăng tiêu chí đô thị trên địa bàn huyện.
Cùng với nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, trong năm 2022, Đảng bộ, chính quyền huyện Trà Ôn chỉ đạo công tác sản xuất thích ứng với thiên tai, khí hậu, bằng nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Hướng phát triển sẽ là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất, để nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường...
Tiếp tục củng cố và nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động loại hình kinh tế tập thể, nhất là tập trung phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp. Việc này sẽ đi đôi với việc tìm kiếm các doanh nghiệp, kết nối cung cầu để hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất- tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa. Cùng với chuyển đổi tư duy người nông dân từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng! l
MINH THÁI (lược ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin