Nội dung cốt lõi của "Độc lập- Tự do- Hạnh phúc" theo tư tưởng Hồ Chí Minh

04:02, 09/02/2022

Tại hội nghị báo cáo viên tỉnh Vĩnh Long tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2021, PGS. TS. Phạm Hồng Chương- Giảng viên Cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã có bài nói chuyện xung quanh những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về "Độc lập- Tự do- Hạnh phúc".

 

Vui bước lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Vui bước lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

(VLO) Tại hội nghị báo cáo viên tỉnh Vĩnh Long tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2021, PGS. TS. Phạm Hồng Chương- Giảng viên Cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã có bài nói chuyện xung quanh những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc”. Được sự cho phép của PGS. TS. Phạm Hồng Chương, chúng tôi đã tổng hợp những vấn đề chính của bài nói trên, trân trọng gửi đến quý độc giả.

Kỳ 1: Tinh thần, văn minh, chân lý Việt Nam

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong Sắc lệnh số 49, ngày 12/10/1945, “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” trở thành tiêu chí (tiêu ngữ) của nhà nước dân chủ mới ở nước ta- nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiêu chí đó đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong thế kỷ XX và ngày nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện chuỗi giá trị đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tinh thần độc lập, tự do của dân tộc ta đã được tích lũy trong hàng ngàn năm xây dựng quốc gia độc lập trước công nguyên(1), tiếp đó là mười thế kỷ kiên trì chiến đấu để hồi sinh nền độc lập ấy với sự ra đời của nhà nước tự chủ(2) rồi độc lập Đại Cồ Việt(3).

Tinh thần ấy lại hấp thụ thêm nhiều năng lượng mới rất mạnh mẽ khi dân tộc ta đi dọc theo thiên niên kỷ thứ hai để bảo vệ không gian sinh tồn của mình- từ nước Đại Việt(4) tới nước Việt Nam và được khẳng định hùng hồn qua Tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà” trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống đến “Bình Ngô đại cáo”- sau cuộc kháng chiến thắng lợi chống lại sự thống trị của nhà Minh...

Toàn bộ năng lượng mạnh mẽ đó của dân tộc đã hun đúc thành ý chí quyết tâm đi cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ cuộc hành trình ngày 5/6/1911 và được Người thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Khi hoạt động ở Pháp, trước sự đe dọa của thế lực đã áp đặt chế độ thực dân lên Tổ quốc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngần ngại nói: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”(5).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trả lời các nhà báo nước ngoài, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(6).

Hai câu nói trên ở hai địa điểm và thời điểm cách xa nhau, trên hai vị trí khác nhau nhưng là một biểu cảm tinh thần Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu giành quyền cho dân tộc và con người Việt Nam.

Tri ân anh hùng liệt sĩ tượng đài Chiến thắng Mậu Thân. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Tri ân anh hùng liệt sĩ tượng đài Chiến thắng Mậu Thân. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

Đó là động lực tạo ra sức mạnh vô song để Người có thể đi vào cuộc hành trình 30 năm hết sức cam go trên thế giới toàn trị của chủ nghĩa đế quốc ở nửa đầu thế kỷ XX cũng như vượt qua mọi khó khăn, phức tạp của phong trào cách mạng thế giới trong thời gian đó để tìm con đường và chuẩn bị đầy đủ những điều kiện- những điều kiện mà không có một lãnh tụ cách mạng nào trên thế giới có thể thực hiện được trong một đời người- nhằm thực hiện cái cần nhất trên đời cũng là một ham muốn tột bậc của Người và cũng là của dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình đó, năng lượng tinh thần Việt Nam tích lũy trong hàng ngàn năm lịch sử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ lại khi Người xác định “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(7) và được Đảng ta thể hiện qua khẩu hiệu “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”(8).

Với tinh thần ấy, không phân biệt giai tầng, tín ngưỡng, dân tộc,… nhân dân ta, triệu người như một, đã đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong Mặt trận Việt Minh và cho dù nghèo đói, gần như tay không, toàn dân Việt Nam đã vùng lên với sức mạnh vô song làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thay đổi số phận của cả dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, với triết lý “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(9), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập tức lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc xứng đáng với công dân tự do của một nước độc lập.

Người nói: “Chúng ta tranh được sự độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” và chỉ thị: “Chúng ta phải làm sao thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là ở đó, đi đến để dân ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp tự do độc lập”.

Nông dân vui mùa dưa Tết.Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Nông dân vui mùa dưa Tết.Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đó là căn nguyên khi bắt tay xây dựng nhà nước dân chủ mới ở nước ta- nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tiêu chí (tiêu ngữ) của nhà nước ta với chuỗi giá trị về quyền dân tộc và quyền con người Việt Nam là “Độc lập- Tự do-
Hạnh phúc”.

Tiêu chí trên không chỉ biểu thị đặc trưng nhất tinh thần Việt Nam, mà còn thể hiện văn minh chính trị đặc sắc của dân tộc Việt Nam trước nhân loại, khi nó là kết quả trực tiếp của cuộc cách mạng với ba nội dung to lớn, gồm: chống chủ nghĩa thực dân; chống chủ nghĩa phát xít tàn bạo; lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời và trở thành tiêu chí của nhà nước dân chủ mới ở nước ta phù hợp với sự tiến hóa của dân tộc và nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”. Theo Người: “Ra sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân- tức là phục tùng chân lý”.

Do đó, phục vụ cho sự nghiệp vì lợi ích của dân tộc là Độc lập, vì lợi ích của nhân dân là Tự do, Hạnh phúc là phục tùng chân lý, là thực hiện chân lý. Bởi vậy, “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” không chỉ là tiêu chí hội tụ của tinh thần Việt Nam, của văn minh Việt Nam, mà còn biểu đạt rõ ràng chân lý Việt Nam về quyền dân tộc và con người được kết tinh ở tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kỳ 2: Độc lập- Tự do- Hạnh phúc: Quan điểm cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh

(1) Nhà nước Lạc Việt (Hùng Vương) thế kỷ thứ VIII TCN, Nhà nước Âu Lạc (Lạc Việt + Âu Việt) thế kỷ thứ III TCN

(2) Khúc Thừa Dụ (905); Ngô Quyền (939).

(3) Đinh Bộ Lĩnh (968)

(4) Lý Thánh Tông (1054)

(5) T.Lan- Vừa đi đường vừa kể chuyện. NXB ST. Hn 1976, tr15.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H, 2011 tập 4 tr 187

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, đd, tr 230

(8) Văn kiện Đảng tập 8, NXB CTQG, H, 2000, tr 26

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, đd, tr. 56.

 QUANG CHIẾN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh