Tổng Bí thư cho rằng: "Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường".
Tổng Bí thư cho rằng: "Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường".
Tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII ngày 9/12 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục dành những lời “gan ruột” để nói với các đồng chí của mình về lý do phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trước hàng trăm nghìn đảng viên (thông qua 13.000 điểm cầu), phát biểu của người đứng đầu Đảng không chỉ mang tính chỉ đạo mà còn là những lời tự sự, trăn trở về sự trường tồn bền vững của Đảng - một Đảng có bề dày hơn 90 năm đồng hành và lãnh đạo đất nước đi qua rất nhiều thử thách, gian nan.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, dù nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng được tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua, “hầu như không có Đại hội nào và không mấy Hội nghị Trung ương không đề cập đến công tác xây dựng Đảng” song ông cũng rất buồn khi phải nói ra một thực tế rằng: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.
Tổng Bí thư phát biểu tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII. |
Người lãnh đạo cao nhất đất nước một lần nữa nhấn mạnh nguy cơ từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các biểu hiện như: phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.
“Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại hội nghị này cho biết, nhiệm kỳ khóa XII, từ năm 2016- 2020, có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật.
Trong số gần 8.300 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị bị xử lý kỷ luật, nhiều nhất là không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu...
Trong số hơn 15.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật vì suy thoái đạo đức, lối sống thì nhiều nhất là “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị đoan", ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc...
Năm 2021, tròn 30 năm Liên Xô sụp đổ. Các phương tiện truyền thông ở Việt Nam có nhiều bài viết về sự kiện này, rút ra nhiều bài học “xương máu” cho Việt Nam. Trong đó có bài học về “tự diễn biến, tự chuyển hóa” có nguồn gốc trực tiếp từ sự suy thoái.
Bài viết trên Báo Quân đội Nhân dân cuối tháng 10 vừa qua có đoạn: “Nạn tham nhũng, độc quyền, đặc quyền, đặc lợi trong đội ngũ cán bộ tràn lan, làm suy thoái cán bộ, người dân mất lòng tin, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của “toà thành trì” kiên cố, vĩ đại. GS, TSKH Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga) nhận định: Liên Xô bị sụp đổ vì thua trong cuộc chiến tham nhũng, vì cán bộ thoái hóa, biến chất".
Bài học từ Liên Xô và Đông Âu là những ví dụ thực tiễn để Đảng ta luôn chủ trương phải tự xây dựng, tự chỉnh đốn và có giải pháp đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ từ rất sớm.
Ngày 25/10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm thay thế cho quy định cũ. Một điểm rất mới trong Quy định 37-QĐ/TW là nghiêm cấm đảng viên: Xuyên tạc, phủ nhận, phản bác Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng
Mặc dù coi những quy định trên như “biệt dược” để đặc trị những các loại bệnh phát sinh trong “cơ thể” Đảng, song, Tổng Bí thư cho rằng, quan trọng nhất vẫn là khâu thực hiện. Mỗi đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự “gột rửa” mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can.
Rõ ràng, việc ban hành những quy định, chỉ thị, kết luận có đầy đủ bao nhiêu mà không ngấm, không thấm vào đội ngũ cán bộ, đảng viên thì sự suy thoái sẽ khó ngăn chặn.
Việc xử lý kỷ luật hàng ngàn, hàng vạn đảng viên thời gian qua, nhất là những đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng. Khó mấy cũng làm. Ai không tự soi, tự sửa, tự “gột rửa” thì sẽ bị loại ra khỏi đội ngũ. Cái giá phải trả là rất đắt.
Để có một "cơ thể" khỏe mạnh, Đảng không có cách nào khác!
Theo Quốc Phong/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin