Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng nay 8/12, tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Xem xét vấn đề cấp bách, cấp thiết
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, việc dùng 1 luật sửa 8 luật cũng để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Nhấn mạnh đây là dự án đặc biệt quan trọng vì liên quan đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết lãnh đạo Quốc hội dành nhiều thời gian làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ và đến nay có nội dung khả thi trình Quốc hội.
Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ yêu cầu cần tiếp tục xem xét kỹ lưỡng vì sửa nhiều luật động chạm đến hệ thống pháp luật, cũng như có nội dung cấp bách nếu không kịp đưa vào thì mất cơ hội.
Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý, dự án luật này được xem xét theo trình tự thủ tục rút gọn nên chỉ xem xét vấn đề cấp bách, cấp thiết và đánh giá tương đối đầy đủ tác động. Nội dung nào chưa đạt sự đồng thuận cao thì chưa đưa vào.
Về kỹ thuật lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải khoa học, chặt chẽ vì đôi khi một dấu chấm, chữ “và”, chữ “hoặc” không rõ thì luật ra cũng không thực hiện được.
Cần thiết thì tách ra viết để không ai hiểu sai. Điều khoản chuyển tiếp phải chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng để tránh quy định mới gây ngừng trệ hệ thống hành chính.
Chính sách phải từ cuộc sống chứ không phải từ văn phòng
Một trong những điểm lớn của dự án luật liên quan đến phân quyền, rút gọn thủ tục hành chính. Như việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Còn việc sửa một số điều ở Luật PPP phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Hay Luật Đầu tư cũng được sửa để tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: báo Đại biểu nhân dân |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà lại một lần nữa xem bất cập hiện nay do vướng mắc ở luật hay do quy định ở nghị định, thông tư “đẻ” thêm thủ tục hành chính.
“Có ý kiến phản ánh rằng có thể không cần sửa luật mà cần sửa nghị định hướng dẫn thôi. Có lần tôi nói đừng có gì cũng đổ cho thể chế, nên nghiêm túc rà soát. Phân cấp, ủy quyền là đúng nhưng cần xác định rõ do đâu để sửa và tổ chức thực hiện, tránh tình trạng cái đáng phân cấp không phân cấp hay có cái sợ trách nhiệm lại đẩy xuống dưới. Quyền phải đi kèm trách nhiệm” – ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng việc cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang đô thị gặp khó trước quy định muốn sửa một khu tập thể cũ phải nhận được sự đồng ý của 100% cư dân.
Việc giải quyết hàng nghìn chung cư cũ ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng... đang “tắc” vì quy định này. “Căn cứ nào để quy định yêu cầu 100% cư dân phải đồng ý mới được thực hiện, có khả thi trên thực tiễn hay không?” – ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Giải trình về vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết Luật Nhà ở quy định cụ thể các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ, cải tạo; Nghị định 100 cũng cụ thể các dấu hiệu nguy hiểm, xuống cấp để đánh giá mức độ nguy hiểm theo quy trình để thực hiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hà Nội cải tạo cả một khu tập thể chứ không phải từng toà và trong khu có nhiều loại, có cả những tòa được xây dựng chưa lâu, do đó quy định phải sát thực tế.
“Cơ hội này mà không sửa thì Chính phủ đang định thực hiện quy hoạch, cải tạo liên quan nhà tập thể sẽ vướng tiếp. Chính sách phải từ cuộc sống chứ không phải từ văn phòng” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Đối với nội dung sửa đổi Luật Điện lực, dự thảo quy định theo hướng "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ".
Thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường thống nhất quan điểm cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định phạm vi giới hạn về thu hút đầu tư tư nhân tham gia xây dựng lưới điện truyền tải phục vụ mục tiêu đấu nối với phương thức đầu tư phù hợp, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá tác động kỹ hơn về vấn đề này.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết thán thành việc bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2021; trình theo hình thức thủ tục rút gọn để Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối năm nay./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin