Chính phủ đang nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển căn cơ vùng ĐBSCL

Cập nhật, 19:41, Thứ Sáu, 12/11/2021 (GMT+7)

 

(VLO) Ngày 12/11/2021, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những quyết sách giúp ĐBSCL phát huy tiềm năng, thế mạnh, để người dân an cư, lạc nghiệp trên chính mảnh đất của mình.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đã nêu vấn đề: Từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình COVID-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh- thành ĐBSCL, nhất là sau làn sóng người lao động di chuyển về quê từ các thành phố lớn.

Trước thực tế này, các cấp, các ngành cùng các địa phương đã quyết liệt vào cuộc, nỗ lực khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Cùng với đó là áp lực về khả năng thu dung, điều trị, an sinh xã hội và an ninh trật tự. Xin Thủ tướng cho biết, giải pháp cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các tỉnh.

Và trong thời gian tới thì quyết sách nào của Thủ tướng về chính sách phát triển, cơ chế điều phối vùng và liên vùng đối với các tỉnh ĐBSCL, giúp ĐBSCL phát huy thế mạnh của vùng, để kinh tế của vùng thật sự là cơ sở, là nền tảng và người dân sẽ an cư, lạc nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cảm ơn đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu ra một vấn đề mà rất nhiều đại biểu cũng như cử tri quan tâm.

Vừa qua, chúng ta thấy một hiện tượng cũng là bình thường trong kinh tế thị trường, đó là dịch chuyển thị trường lao động, nhưng không bình thường ở đây là quản lý nhà nước vẫn còn có những sơ hở, cho nên khi dịch chuyển của người dân từ thành phố về các tỉnh ĐBSCL gây áp lực cho các tỉnh thì chúng ta thấy rất rõ. Áp lực này giải quyết thế nào?

Thứ nhất, Trung ương và địa phương phải phối hợp với nhau để xem xét lại năng lực y tế. Việc này chúng tôi cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan.

Ví dụ như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành khác để có giải pháp hỗ trợ. Trước hết là các biện pháp để nâng cao năng lực y tế cho các tỉnh khu vực này.

Thứ hai, phải làm, đó là tăng cường cung cấp vắc xin. Vắc xin ít, cho nên chúng ta phải ưu tiên cho các đối tượng, các địa bàn phức tạp, cho nên ĐBSCL lúc đầu chưa được ưu tiên nhiều. Nhưng sau đó, khi các địa bàn như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông đã cơ bản khống chế được dịch bệnh rồi thì chuyển vắc xin về cho khu vực ĐBSCL.

Thứ ba, an sinh xã hội. Vừa qua ta có những chính sách an sinh xã hội giúp các tỉnh này có thể thực hiện được một số biện pháp về an sinh xã hội.

Thứ tư, kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế khác giúp giảm áp lực cho ĐBSCL.

Còn quyết sách nào cho căn cơ? Tôi nghĩ căn cơ ở đây tức là tạo công ăn việc làm, sinh kế cho vùng ĐBSCL là việc rất quyết định. Muốn tạo được sinh kế, công ăn việc làm thì nút thắt hiện nay chính là hạ tầng. Hạ tầng ở đây bao gồm:

Một là, hạ tầng về giao thông, gồm có đường bộ, trong đó có đường cao tốc và hạ tầng về giao thông thủy nội địa, tận dụng sự thuận thiên để chúng ta phát triển hạ tầng.

Thứ hai, là hạ tầng chống biến đổi khí hậu. ĐBSCL theo thống kê mới nhất mà chúng tôi dự COP26, các Ủy ban liên Chính phủ của Liên Hợp Quốc đánh giá ĐBSCL không những nước biển dâng cao thì bị ngập mà có cả sụt lún. Chúng ta phải khắc phục được vấn đề này thì chúng ta mới ổn định để phát triển được.

Thứ ba là hạ tầng về y tế và giáo dục.

Ba hạ tầng này và một số hạ tầng khác nữa, nhưng căn cơ phải giải quyết việc này. Vừa qua Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 120, tuy nhiên Nghị quyết 120 muốn đi vào cuộc sống phải có cơ chế, chính sách. Có nghị quyết là có chủ trương rồi, có ưu tiên rồi nhưng phải có cơ chế, chính sách.

Chúng tôi đang suy nghĩ cơ chế, chính sách để xin các cấp có thẩm quyền, trong đó có Quốc hội, có một cơ chế chính sách để phát triển căn cơ cho vùng ĐBSCL, giải quyết ba hạ tầng này.

Từ ba hạ tầng này mới có các doanh nghiệp về đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Có các doanh nghiệp về đầu tư mới tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sinh kế cho người dân. Khi họ có công ăn việc làm rồi thì họ yên tâm ở đây họ làm việc, chứ không phải lên thành phố nữa. 

TÂM THI (ghi)