Đề xuất tăng xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua tranh tụng tại tòa

08:10, 26/10/2021

Ngày 26/10/2021, đóng góp tại phiên thảo luận các dự án luật tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm việc bổ sung tên các lực lượng nhưng không làm phát sinh lực lượng mới

Ngày 26/10/2021, đóng góp tại phiên thảo luận các dự án luật tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm việc bổ sung tên các lực lượng nhưng không làm phát sinh lực lượng mới; rà soát để tránh chồng chéo nhiệm vụ đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động và chỉ xử lý dân sự các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua tranh tụng tại tòa  đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Đề nghị rà soát để tránh chồng chéo nhiệm vụ

 

Cảnh sát cơ động là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân. Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát cơ động đã không ngừng lớn mạnh và lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, hình sự, tội phạm sử dụng công nghệ cao; các vấn đề xã hội phát sinh do sự bùng phát và hậu quả của dịch bệnh COVID-19... vẫn là những thách thức lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự.

Đóng góp ý kiến cụ thể vào các điều, khoản về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, thống nhất quy định các nhiệm vụ của cảnh sát cơ động có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân: thực hiện các biện pháp để giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình trái pháp luật; bảo vệ mục tiêu, sự kiện quan trọng… 

Về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động (Điều 13), thống nhất phương án giao Chính phủ quy định cụ thể cơ cấu tổ chức gồm: Lực lượng đặc nhiệm; lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng bảo vệ mục tiêu; lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy; lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ; lực lượng cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ chức năng nhiệm vụ của lực lượng trên khi hoạt động có chồng chéo nhiệm vụ và nếu bổ sung tên gọi của lực lượng này vào quy định về cơ cấu, tổ chức của cảnh sát cơ động, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc bổ sung tên các lực lượng không làm phát sinh lực lượng mới, việc tăng thêm cơ cấu tổ chức có làm tăng thêm biên chế.

Thống nhất với đề xuất của ban soạn thảo về chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động “hưởng chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ và địa bàn hoạt động”. Các đơn vị cảnh sát cơ động đóng quân ở các khu vực trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, do đó cần có quy định cụ thể chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ và địa bàn hoạt động để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động an tâm công tác, gắn bó lâu dài với lực lượng. 

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Đề xuất tăng xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua tranh tụng tại tòa

BVL_26.10 Nguyen Thi Minh Trang.JPG
 

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự và đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0; nó cũng là một yếu tố tác động không nhỏ đến thu hút FDI và phát triển thương mại quốc tế.  

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, tôi cho rằng ngân sách nhà nước đầu tư vào khoa học công nghệ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển, mở đường cho phát triển kinh tế xã hội; chứ không nhằm sở hữu kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ (trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Vì vậy, không nhất thiết nhà nước sở hữu kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Tổ chức chủ trì là người am hiểu lĩnh vực có liên quan đến kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ; nên việc thương mại hóa kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức và cá nhân có năng lực cùng hợp tác với tổ chức chủ trì trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Từ những phân tích trên, dự thảo luật nên thiết kế theo hướng: “Tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký”.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đề nghị quy định theo hướng: “Biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự”. Qua đó, nhằm từng bước giảm bớt biện pháp xử lý hành chính, tăng xử lý thông qua tranh tụng của các bên tại tòa; thiệt hại của bên bị xâm phạm sẽ được đền bù thỏa đáng theo phán quyết của tòa án.

Thống nhất quy định chỉ dẫn địa lý, vấn đề này trong thời gian qua, cơ quan chuyên môn ở địa phương còn lúng túng và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Thống nhất quy định: “Kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc. Kết luận giám định không đưa ra kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp".   

Ngoài ra, cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế phân cấp, phân quyền trong thực hiện các thủ tục xử lý đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương và góp phần khắc phục bất cập về tiến độ xử lý đơn. Về các quy định về biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đề nghị cần nghiên cứu theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi, đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi xâm phạm.

AN NHIÊN (ghi)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh