Ngày 25/10/2021, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV thảo luận 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp cho 2 dự án luật này.
Ngày 25/10/2021, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV thảo luận 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp cho 2 dự án luật này.
* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Đề xuất đưa yếu tố giới và bình đẳng giới thành nhóm chỉ tiêu độc lập
Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thống kê cũng như dự thảo sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Tôi cho rằng, trước sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều điều, khoản của luật, trong đó có danh mục chỉ tiêu quốc gia hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội, mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời góp phần cung cấp thông tin chính xác, khách quan cho công tác điều hành và hoạch định chính sách.
Cụ thể, đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm luật hóa cụ thể các nội dung, danh mục thống kê liên quan đến hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ cho quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương, vì hiện nay hệ thống này chưa đảm bảo tính toàn diện cho việc đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết năm và nhiệm kỳ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Về phạm vi sửa đổi bổ sung, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội dung sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 17 và điểm d khoản 2 Điều 48; quy định thẩm quyền cho cơ quan tính toán và công bố chỉ tiêu (GRDP), theo hướng tạo thuận lợi cho địa phương trong việc tham mưu, giải trình và dự báo thống kê, phân cấp cụ thể về thẩm quyền tính toán và công bố chỉ tiêu sau khi được cơ quan thống kê Trung ương thẩm định.
Việc tiếp thu góp ý, bổ sung chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều” vào nhóm chỉ tiêu “18. Mức sống dân cư” là nội dung góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện đối với nhóm trẻ em yếu thế. Đề nghị việc luật hóa đối với nhóm chỉ tiêu này cần quan tâm đến tính thực tiễn xã hội Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra, thống kê để có những thông số mang tính so sánh quốc tế, làm cơ sở định hướng thực hiện các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em Việt Nam phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.
Đề nghị đưa nội dung liên quan yếu tố giới và bình đẳng giới thành nhóm chỉ tiêu độc lập, đồng thời luật hóa cụ thể, chi tiết để có những thông số cơ bản phục vụ cho việc đánh giá, so sánh việc thực hiện các chính sách về giới và bình đẳng giới.
* Đại biểu Nguyễn Thanh Phong: Cần nhận dạng đầy đủ các tổn thất, gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam; các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Với 3 chính sách được nêu trong dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định về chính sách phát triển bảo hiểm để quy định cụ thể hơn, bao quát hơn; đối chiếu, rà soát lại các hoạt động kinh doanh bảo hiểm; những hoạt động cần thiết cho đời sống kinh tế- xã hội để hỗ trợ cho người dân, người có thu nhập thấp hiện nay. Đồng thời, nên giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để tạo linh hoạt trong triển khai thực hiện bảo đảm các chính sách này khả thi trên thực tế.
Đóng góp cụ thể cho dự án luật, về hợp đồng bảo hiểm (chương II), việc kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm cần phải được quy định chặt chẽ nhằm phòng ngừa các tổn thất, gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm. Đây là nội dung hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đề nghị cần làm rõ nguyên tắc trong giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; hình thức của hợp đồng bảo hiểm; nội dung của hợp đồng bảo hiểm; trách nhiệm giải thích hợp đồng; hợp đồng bảo hiểm vô hiệu; hệ quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm… nếu không làm rõ các nội hàm này thì khi thực hiện sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn ảnh hướng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên, dẫn đến tranh chấp khiếu kiện, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, đối với nội dung này cần quy định một cách nhất quán và phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, để đảm bảo quyền và lợi ích các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Về bảo hiểm vi mô (chương IV), thống nhất với các quy định về bảo hiểm này vì hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, dự thảo chỉ thiết kế với 2 điều (Điều 114, 115) là ít và cần bao quát hơn cho loại hình bảo hiểm này. Mặc dù, từng hợp đồng bảo hiểm là nhỏ, nhưng nếu mô hình này phát triển mạnh ở nước ta sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế hiện nay.
Về bảo đảm an toàn, phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm, dự án luật cần nhận dạng đầy đủ các tổn thất, các gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trên cơ sở đó, cần quy định các chế tài phòng chống tổn thất, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và phải bao phủ đến mọi hành vi gian lận có thể xảy ra trong mọi khâu, mọi giai đoạn trong quy trình kinh doanh bảo hiểm. Cần có những quy định pháp lý mang tính đặc thù với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài sản, vốn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cần có những quy định bắt buộc và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm và đầu tư cho các biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tổn thất của các đối tượng tham gia bảo hiểm.
AN NHIÊN (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin