Đề xuất ban hành Nghị quyết về phát triển BHYT cho giai đoạn mới

09:10, 27/10/2021

Chiều 27/10/2021, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới BHYT toàn dân.

 

Chiều 27/10/2021, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới BHYT toàn dân.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển BHYT cho giai đoạn mới

Theo các báo cáo của Chính phủ, kết quả thực hiện chính sách, chế độ BHXH, kết quả quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT vẫn còn những hạn chế nhất định. Người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHYT, BHXH còn thấp, trong khi số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn. Song song đó, nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình hiện mới đạt độ bao phủ là 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia, đa phần đối tượng đóng BHYT hiện nay đều do nhà nước hỗ trợ; tỷ lệ nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT tại một số cơ quan, đơn vị còn khá phổ biến và vẫn ở mức cao… 

Từ thực tiễn địa phương và những hạn chế trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, đề nghị Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển BHYT cho giai đoạn mới theo hướng đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH, BHYT. Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung những điểm còn bất cập, hạn chế của Luật BHXH, Luật BHYT và các luật có liên quan trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý Quỹ BHXH, BHYT.

Trước mắt, đề nghị Chính phủ xem xét tăng mức đóng hỗ trợ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; điều chỉnh điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm tham gia; chỉ đạo các cơ sở kinh tế thực hiện tốt chính sách bổ trợ xã hội, chính sách lương, thưởng, kịp thời thăm hỏi ốm đau, thai sản, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đội ngũ công nhân, người lao động, để nhóm lao động yếu thế, người lao động cao tuổi, người lao động có số năm tham gia BHXH thấp không phải rơi vào tình thế phải tất toán hưởng BHXH một lần, mà họ cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH hưu trí, được đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có cơ chế tài chính đặc biệt để tập trung huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư thúc đẩy y tế cơ sở, y tế dự phòng phát triển theo hướng hiện đại về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Trong giai đoạn này, việc phát huy vai trò, chức năng của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng trong phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý cho người bị di chứng sau nhiễm COVID-19 là mục tiêu cực kỳ quan trọng. Đó là "phép thử" về năng lực, về khả năng đáp ứng toàn diện ngành y tế và chính sự hài lòng của người dân là “thước đo” đánh giá hiệu quả, khả năng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19 của địa phương và cả nước. Điều này thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT của Đảng và nhà nước ta, vừa là tiền đề quan trọng tiến tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân; để mọi người dân đều được hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

 * Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh:  Xây dựng đề án và lộ trình để thu hút người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện

Thống nhất với báo cáo của Chính phủ về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tuy nhiên đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách BHXH, BHTN; linh hoạt hơn về mức hỗ trợ như quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện thì có cơ chế hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có thể tham gia; hạn chế các trường hợp những người không đủ điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng và hưởng BHXH một lần.

Đề nghị cần sớm sửa đổi Luật BHXH trong đó giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp nhưng vẫn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện; nghiên cứu tăng mức hỗ trợ hiện nay cao hơn, hấp dẫn người lao động, người dân tham gia, đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội.

Đề nghị nghiên cứu, rà soát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân nợ BHXH, xác định được đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, nhất là các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách nhà nước để có đề xuất giải pháp tháo gỡ giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng người lao động. Cùng với đó, tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH hiện nay.

Phân tích của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho thấy ngoài 66,5% số người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH, còn có 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa tham gia BHXH hoặc chế độ an sinh khác. Cả nước hiện có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số trong đó có 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Dự báo đến năm 2035, người cao tuổi chiếm 20% số dân, lúc đó Việt Nam là quốc gia dân số già.  

Do đó cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi theo hướng tích hợp giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác đảm bảo mọi người cao tuổi đều có lương hưu với mức hưởng cao hơn mức trợ cấp xã hội hiện nay. Xây dựng đề án và lộ trình để thu hút người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện, nâng cao mức hỗ trợ, tập trung hỗ trợ theo nhóm đối tượng. Việc khuyến khích và hỗ trợ người cao tuổi tham gia chính sách BHXH, nhất là BHXH tự nguyện sẽ tạo nền tảng an sinh xã hội lâu dài và bền vững.

AN NHIÊN (ghi)  

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh