Quân đội: Xung kích chống dịch nơi tuyến đầu

01:08, 17/08/2021

Bất cứ ở đâu có điểm nóng về dịch COVID-19 là bộ đội có mặt, xông pha trên tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ với tinh thần "vì nhân quên mình", "vì nhân dân phục vụ".

Bất cứ ở đâu có điểm nóng về dịch COVID-19 là bộ đội có mặt, xông pha trên tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ với tinh thần “vì nhân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”.

Một cuộc họp của Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 - Tổng cục Hậu cần
Một cuộc họp của Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 - Tổng cục Hậu cần

Theo Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bộ Quốc phòng là một trong những lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch và chủ động hỗ trợ, chăm lo đời sống nhân dân.

Chăm lo, bảo vệ tốt đời sống nhân dân

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng khẳng định, trong bất luận hoàn cảnh nào, quân đội luôn xung kích, đi đầu, sát cánh cùng chính quyền, nhân dân các địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bất cứ ở đâu có điểm nóng về dịch COVID-19 là bộ đội có mặt, xông pha trên tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ với tinh thần “vì nhân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”, từ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, tổ chức cách ly tập trung, tiêm vaccine đến chăm sóc bữa ăn, bảo đảm sinh hoạt cho người dân, bệnh nhân, các lực lượng phòng, chống dịch, lan tỏa hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Theo tinh thần đó, ngày 15/8, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho các hộ gia đình gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Ban Chỉ huy quân sự quận Tây Hồ là đơn vị đầu tiên của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức mô hình “Gian hàng 0 đồng”. Trong ngày đầu tiên tổ chức, đã có 120 kg thịt, 1.200 quả trứng gà, hơn 1 tấn rau, củ, quả, 20 thùng mỳ tôm và 6 tạ gạo với tổng giá trị 60 triệu đồng được cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy quân sự quận Tây Hồ trao tặng các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tại Ban Chỉ huy quân sự quận Thanh Xuân, có 300 suất quà gồm trứng, mì, dầu ăn, rau củ quả, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang… với tổng trị giá là 105 triệu đồng đã được trao tặng cho các gia đình chính sách, trường hợp khó khăn trên địa bàn.

Tại Hà Nội, Ban Chỉ huy quân sự các quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Ba Đình… cũng tổ chức “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ, chung sức với nhân dân trên địa bàn vượt qua dịch bệnh. Dự kiến, trong những ngày tới, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng tổ chức mô hình này.

Một lực lượng khác không thể không nhắc tới, đó là những chiến sĩ dân quân, tự vệ. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang đã huy động hơn 50.000 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại hơn 1.200 chốt phòng, chống dịch và gần 200 khu cách ly tập trung.

Lực lượng này đã phối hợp với các tổ COVID-19 cộng đồng đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ người dân sản xuất, phát triển kinh tế ngay trong lúc dịch COVID-19 phức tạp.

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, lúc cao điểm, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, nhân viên tham gia quản lý, phục vụ tại các khu cách ly tập trung trong tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thiết lập 288 chốt phòng, chống dịch, điều động gần 700 cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ tham gia cùng với công an, y tế địa phương thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài các lực lượng trực tiếp xông pha trên tuyến đầu hỗ trợ các địa phương chống dịch, trong đợt dịch thứ 4 này, các đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị thế của mình, có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Nổi bật trong đó phải kể đến những đóng góp thầm lặng của lực lượng bộ đội biên phòng.

Suốt thời gian qua, kể từ khi dịch bùng phát, bộ đội biên phòng đã triển khai, thành lập hàng nghìn chốt, trạm kiểm soát, phòng, chống dịch trên địa bàn biên giới đất liền, trên biển.

Hiện nay, lực lượng biên phòng đang duy trì 1.906 tổ chốt chặn với gần 13.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng, trên 30 tàu thường xuyên tuần tra trên vùng biển, kịp thời phát hiện hàng nghìn trường hợp xâm nhập trái phép.

Ngày 15/8 vừa qua, tại Khánh Hòa, Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng, mở rộng quy mô Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 - Tổng cục Hậu cần từ 500 giường bệnh lên 1.000 giường bệnh.

Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 cho bộ đội, nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.

Bệnh viện được giao cho Bệnh viện Quân y 87 phụ trách, phối hợp với Đội điều trị 486, Vùng 4 Hải quân, Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Tính đến chiều 15/8, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 đã điều trị khỏi cho hơn 300 bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Hoạt động tại “điểm nóng” nhất trong dịch bệnh hiện nay, lực lượng vũ trang TPHCM đã phát huy tinh thần xung kích, sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu, tích cực tham gia phòng, chống dịch.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thành phố ngày đêm bám trụ, canh trực tại các chốt, trạm kiểm soát dịch ở những tuyến giao thông cửa ngõ, địa bàn giáp ranh, khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến..., góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lực lượng vũ trang TPHCM triển khai phòng, chống dịch nghiêm túc, chặt chẽ.

Cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết, quyết tâm cao, không ngại khó khăn, nguy hiểm, xông pha nơi tuyến đầu, thực sự là lực lượng nòng cốt, chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong công tác phòng, chống dịch, giữ ổn định địa bàn.

Chủ động phòng, chống dịch trong đơn vị

Sau hơn 20 ngày thực hiện chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn Quân khu 7 (TPHCM, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng và Bình Thuận) với chủ trương “địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, “địa phương, đơn vị ngoài vùng dịch hỗ trợ, giúp đỡ địa phương, đơn vị trong vùng dịch”, “vùng có dịch ít hỗ trợ, giúp đỡ vùng có dịch nhiều”, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Nhiều đơn vị đã chủ động nhường doanh trại để thành lập các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, tổ chức chăm sóc, phục vụ tận tình, chu đáo, an toàn; phân luồng, tham gia điều tiết, hỗ trợ lực lượng, phương tiện đưa người lao động, học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng; giúp nhân dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy, hải sản; phối hợp với địa phương tiếp nhận, đưa tro cốt người mất từ nơi hỏa táng về với gia đình.

Các đơn vị tại Quân khu 7 cũng tổ chức nhiều chương trình giúp dân có ý nghĩa như: 1.000, 5.000, 100.000 phần quà nghĩa tình hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản cho hay, để bảo đảm cho quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, đồng thời có thể giúp các địa phương và người dân phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả thì trước hết, quân đội phải tự tổ chức phòng, chống dịch, giữ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ.

Chính vì vậy, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trong nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo toàn quân chủ động phòng, chống dịch với tinh thần đi trước một bước, cao hơn một bước, ngăn chặn, hạn chế tối đa dịch xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị.

Thời gian qua, dù trên các địa bàn quân đội đóng quân có dịch và lực lượng quân đội trực tiếp tham gia phòng, chống dịch ở tuyến đầu, song toàn quân vẫn bảo đảm an toàn trước dịch bệnh; một số quân nhân nhiễm COVID-19 đã được phát hiện, cách ly, điều trị kịp thời, không để lây lan rộng.

Thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Hải Sản khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của quân đội vẫn là duy trì, giữ vững chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Cùng với tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, các cơ quan, đơn vị toàn quân sẽ tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, quyết tâm khẳng định vai trò luôn là lực lượng nòng cốt, chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân các địa phương trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.


Theo Nhật Nam/Báo Chính phủ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh