Vị tướng huyền thoại lừng danh

06:08, 23/08/2021

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam và tướng Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng. Ngày 28/5/1948, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trao quân hàm Đại tướng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng đầu tiên làm Bộ trưởng khi vừa mới 37 tuổi.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp một đời vì nước vì non (ảnh bìa sách “Đại tướng trong lòng dân”).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp một đời vì nước vì non (ảnh bìa sách “Đại tướng trong lòng dân”).

(VLO) Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam và tướng Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng. Ngày 28/5/1948, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trao quân hàm Đại tướng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng đầu tiên làm Bộ trưởng khi vừa mới 37 tuổi.

Suốt trong cả thời kỳ dài của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông là Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương, là vị tướng lừng danh thế giới trong cả 2 thế kỷ XX, XXI.

Những lần trở về đất mẹ Quảng Bình

Tuy lo việc nước ra đi khi từ 14 tuổi, song trong ông, quê hương vẫn luôn hằn sâu trong trái tim mình. Hẳn ai là người dân Quảng Bình chắc vẫn còn cảm nhận phảng phất hơi ấm, lời nói trầm, vang sức mạnh và nụ cười hiền hậu, lời chào thân thiện mỗi lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp (anh Văn) khi về thăm lại quê hương.

Nơi đây, từ sau ngày đất nước thống nhất, con đường làng về An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy- Quảng Bình) như vẫn hằn in bước chân, nơi vẫn còn vang vọng những tâm tình và lời dặn dò của người con kiệt xuất của Đảng và quê hương, mỗi lần ông về thăm vùng quê Lệ Thủy anh hùng.

Sinh thời, mỗi khi về đất mẹ, Đại tướng đã có lần nói: “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”.

Đây đã là một lẽ sống, một tâm niệm không quên đối với quê hương của vị tướng lừng danh thế giới, đã từng là Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà nhà thơ Tố Hữu ngay sau ngày Chiến thắng Điện Biên tháng 5/1954, đã nói về Đại tướng: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên,/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!/ Sét đánh ngày đêm/ xuống đầu giặc Pháp!/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”…

Trong cả cuộc đời trường chinh trên 80 năm, bàn chân ông in dấu ấn trên mọi chiến trường từ Nam ra Bắc, trên những vùng núi cao, cũng như các bưng biền, hay nơi biên giới. Lúc chiến tranh ác liệt, Đại tướng phải đi biền biệt, nhưng cũng có lúc mỗi độ xuân về, là ông lại về thăm quê.

Dường như trong nỗi lòng Đại tướng, quê hương chưa lúc nào thôi canh cánh nhớ bến nước dòng Kiến Giang thơ mộng mà lúc còn nhỏ ông và bạn bè ra tắm mát tuổi thơ, và tuyệt đối ông không bao giờ từ bỏ chất giọng ấm áp xứ Quảng Bình.

14 tuổi, ông đã khăn gói vào cố đô Huế học trường Quốc học Huế nổi tiếng, rồi đến với cách mạng từ rất sớm.

Và rồi sau đó là khoảng thời gian mà anh Văn xa quê hương biền biệt, sang cả Côn Minh cùng với Bác, sáng mùng 2 Tết 1941, về tới địa đầu Tổ quốc tại Cao Bằng.

Hơn 30 năm đằng đẵng sự nghiệp cùng với Bác thành lập Đảng ta, đến năm 1962, Đại tướng mới có dịp về thăm quê, biểu dương Đảng bộ và nhân dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch- Quảng Bình).

Tình cảm với đồng bào, đồng chí và nhân dân thật nồng ấm với người con xa quê. Đại tướng dặn dò Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cảnh Dương cần xây dựng tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm, cùng chung tay với đồng bào cả nước đang đi vào cuộc kháng chiến ác liệt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào những năm khốc liệt các năm 1965- 1972, mãi lo việc quân biền biệt, lo cho các chiến trường miền Nam nóng bỏng từng ngày tại Tổng Hành dinh (nay là Di tích Bộ Quốc phòng tại Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội), đến năm 1973, Đại tướng mới có dịp về lại Quảng Bình.

Trong chuyến đi thị sát đường Trường Sơn huyền thoại, Đại tướng được ngồi trên đất quê nhà, được nghe giọng nói quê nhà ấm cúng chất giọng Quảng Bình của những người con ngay quê hương mình. 

Về lại căn nhà xưa của gia đình Đại tướng, tôi nghe cụ Võ Đại Hàm- người gọi Đại tướng bằng ông theo vai dòng họ, hiện lo hương khói tại nhà lưu niệm- chậm rãi nói: “Về quê hương, Đại tướng bảo lái xe dừng thật xa để ông đi bộ trên đường vào làng An Xá, cũng là để được gặp gỡ, chào hỏi và bắt tay với nhiều người dân làng An Xá nhiều hơn”.

Về đến nhà, đầu tiên là Đại tướng dâng hương tổ tiên ở bàn thờ ông bà, rồi đi thăm lại khu vườn nhà. Đó là những giây phút thiêng liêng, quý giá của người con phương xa lâu ngày.

Mỗi một lần về thăm quê, như cụ Võ Đại Hàm cho biết- ông dừng xe từ xa cổng làng An Xá, bắt tay, ôm hôn từng cháu nhỏ, các cụ già mà ông chia sẻ: “Quê hương đã hun đúc từ trong tâm hồn tôi, làm cho tôi vững bước ra đi với cách mạng”.

Là con người quê hương, lối sống rất giản dị, chân thành, những lần thăm quê, đã để lại trong ông bao tâm niệm khó quên, mà mỗi lần như thế, Đại tướng lại tiếp thêm ý chí quyết tâm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình- một trong các tỉnh đương đầu chiến tranh thật ác liệt bao năm, không bao giờ khuất phục kẻ thù; trở thành tỉnh Quảng Bình 2 lần được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu anh hùng.

Giai đoạn tỉnh Quảng Bình tái lập tỉnh năm 1989 tách ra từ Bình- Trị- Thiên, năm 1992, Đại tướng lại trở về thăm quê.

Ông thân thiết nói chuyện với các cụ lão thành, lãnh đạo tỉnh, như lời nhắn nhủ: “Lúc này, tỉnh ta mới tái lập, muốn ổn định tình hình, trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hết sức chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn, không được để ai rơi vào cảnh đói, rét”.

Nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lệ Thủy (Quảng Bình).
Nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lệ Thủy (Quảng Bình).

Vẫn mãi là “Quảng Bình quê ta ơi”- lời ca bất tử trong lòng Đại tướng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta viết nên những trang sử oanh liệt nhất chống ngoại xâm và là người chép lại những trang chính sử ấy, qua các hồi ký của Đại tướng: “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”… 

GS- Viện sĩ Phan Huy Lê trong một cuộc hội thảo đã nhận xét: “Ông là nhà quân sự vào loại rất hiếm hoi, không những đã chỉ huy đại thắng cuộc kháng chiến, mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm cuộc chiến tranh, để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại”.

Trong buổi nói chuyện với cán bộ trung, cao cấp của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, năm 2001, Đại tướng luôn nhấn mạnh về tư tưởng đại đoàn kết, về kết nối trong lòng dân, để khai phá sức dân mà qua 2 cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, Bác Hồ và Đại tướng đã thực hiện ngay từ trong những ngày khó khăn nhất, gian nan nhất của cách mạng.

Tôi nhớ, có một việc Đại tướng nói đã xảy ra từ năm 1954, khi ông là Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng kể, nếu Đảng ta, Quân đội ta không dùng sức dân, không huy động được lực lượng hùng mạnh của toàn dân, thì không có thể nào ta đánh thắng nổi thực dân Pháp- đế quốc hùng mạnh nhất Chủ nghĩa thực dân lúc bấy giờ.

Đại tướng dẫn một chuyện mà trong tâm trí người chỉ huy thì tác dụng cực lớn: Khi đó, Quân đội đã huy động hàng chục ngàn thanh niên xung phong cùng bộ đội, vận tải từng khẩu pháo hạng nặng lên đúng đích.

Chỉ bằng những chiếc xe đạp thô sơ, thanh niên xung phong đã “cõng lên non”, đúng hạn cho quân đội hàng chục triệu tấn vũ khí, lương thực, hậu cần để chiến trường đánh Pháp. Khi đó, ông là Tổng chỉ huy chiến dịch, song ông đã rút ra chỉ mấy chữ ngắn gọn khi cầm quân: “Có lòng dân là có chiến thắng”.

Về những năm đi hoạt động, ông nhớ những chuyện đi học từ nhỏ, chuyện tham gia cách mạng từ những năm 1927, rồi khi Đại tướng gặp Bác Hồ ở Côn Minh- Trung Quốc, rồi cùng với Bác trở về nước tại Cao Bằng Xuân 1940.

Và mỗi lần nói chuyện, trong lòng ông luôn đọng lại nghĩa tình “Quảng Bình quê ta ơi”- qua bài ca nhớ về Quảng Bình của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Tôi nhớ, tại buổi nói chuyện đó, khi Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin thành phố mời một ca sĩ hát bài “Quảng Bình Quê ta ơi”, Đại tướng trầm ngâm, như đang thấy mình về quê và ông khóc...

Sau này, được biết, trong những ngày ông nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tại Hà Nội, khi ông mất cũng là lúc nhạc của bài ca “Quảng Bình quê ta ơi” chấm dứt câu hát cuối bài.

Do ân tình sâu nặng đó, mà sau khi qua đời, di nguyện của ông được trở về nằm bên bãi biển Vũng Chùa mênh mang lộng gió như ru ông mỗi ngày.

Nay thì khu Vũng Chùa đã trở thành điểm hẹn mà cháu, con từ nhiều phương trời muốn về kính viếng Đại tướng để hiểu rõ hơn một người con xứ Quảng, một Đại tướng- người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam cả một đời vì nước vì non.

 Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh