Dấu ấn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021

03:03, 26/03/2021

Trong nhiệm kỳ 2016- 2021, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực và để lại nhiều dấn ấn quan trọng.

 

Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển. Trong ảnh: Bộ Giao thông vận tải kiểm tra hiện trường đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ. Ảnh: Tuyến Hiền
Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển. Trong ảnh: Bộ Giao thông vận tải kiểm tra hiện trường đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ. Ảnh: Tuyến Hiền

Trong nhiệm kỳ 2016- 2021, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực và để lại nhiều dấn ấn quan trọng.

Thành quả này xuất phát từ phương châm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra từ đầu nhiệm kỳ: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.

Dấu ấn những đột phá chiến lược

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, việc thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành. Từ ưu tiên này, trong nhiệm kỳ Chính phủ xây dựng nhiều chính sách, chương trình hành động, những cải cách mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển.

Đột phá quan trọng, xem như mở đường là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điểm mới trong triển khai xây dựng là hoàn thiện pháp luật theo hướng quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả. Với tư duy đổi mới, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, tháo gỡ các ách tắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật.

Chất lượng văn bản hướng dẫn được nâng lên; đến nay chỉ còn 12 văn bản nợ đọng, thấp nhất trong nhiều nhiệm kỳ. Đồng thời, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để rà soát chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội.

Đột phá thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo đó Chính phủ có nhiều giải pháp tháo gỡ, đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo. Kết quả, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu Nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2020 xếp thứ 42/131). Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự tăng tiến mạnh mẽ và Việt Nam xếp thứ 117/189 quốc gia.

Đột phá thứ ba là kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.

Theo đó, Chính phủ đang đầu tư mới 654km đường bộ cao tốc Bắc- Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL. Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống... Đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt 3 sân bay: Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G…

Ổn định kinh tế vĩ mô

Trong nhiệm kỳ 2016- 2021, một thành tựu nổi bật khác của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo, chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và đề ra các đối sách, giải pháp kịp thời, phù hợp. Điều hành các chính sách vĩ mô phối hợp hài hòa giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư và các chính sách khác. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Chính phủ đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính- ngân sách nhà nước gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm; cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Sau 5 năm, thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công, không gian tài khóa đã được cải thiện một cách căn bản.

Theo đó, bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016- 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn trong dịch COVID-19.

Theo nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng lên, mới đây ngày 18/3/2021, Tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “tích cực”, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch COVID-19.

Và trong năm 2020, GDP tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016- 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016- 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011- 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ XXI sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta.

Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm, Việt Nam đã tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới (tăng 11 bậc tính từ đầu nhiệm kỳ, vượt qua 11 quốc gia).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016- 2020, Việt Nam về đích sớm trước gần 2 năm. Cụ thể, đến năm 2020, có trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu đề ra (50%); có 173/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020.

BÙI THANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh