"Mong Đại hội 13 tìm ra những người không tai tiếng, không tham nhũng"

03:07, 16/07/2020

Nhân sự đứng đầu đất nước, trước hết phải là người không tai tiếng, đặc biệt không tham nhũng, lợi ích nhóm.

Nhân sự đứng đầu đất nước, trước hết phải là người không tai tiếng, đặc biệt không tham nhũng, lợi ích nhóm.

Đại hội Đảng là sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước, đưa ra phương hướng phát triển của đất nước, đồng thời cũng là dịp để tổng kết, đánh giá những đổi mới mà Nghị quyết đại hội đảng đã đề ra, thành công được bao nhiêu, có những khó khăn gì.

Vì vậy, mỗi công dân của nước Việt Nam, dù là đảng viên hay không phải đảng viên sẽ cùng có một mối quan tâm chung đó là làm sao để đất nước phát triển.

PGS.TS. BS Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh: Trần Khánh)
PGS.TS. BS Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh: Trần Khánh)

Cũng như nhiều người Việt Nam khác, PGS.TS. BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm đến các báo cáo của Đại hội về những thành tựu đã đạt được trong 5 năm vừa qua và phương hướng phát triển cho 5 năm tới.

Đổi mới hơn nữa để huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao

PVLà đại biểu Quốc hội và tập trung nhiều cho hoạt động chuyên môn, ông quan tâm đến nội dung nào nhất ở Đại hội Đảng sắp tới?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Nghị quyết khóa 12 đề ra khá rõ đó là dùng toàn bộ nội lực của đất nước để phát triển, không cứ trong hay ngoài Đảng.

Chính vì vậy, tôi rất mong muốn các văn kiện, Nghị quyết Đại hội 13 sẽ tiếp tục theo hướng làm sao để thu hút được nhân lực, tài năng không chỉ trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên mà cả những người ngoài Đảng như chúng tôi cũng như những người Việt Nam sống ở nước ngoài.

PV: Nghĩa là ông mong muốn Đảng có một cơ chế đổi mới hơn nữa để huy động nguồn nhân lực là các trí thức, nhà khoa học?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Những năm qua, với tinh thần đổi mới, rất nhiều trí thức, doanh nhân không phải đảng viên, ở nước ngoài đã về Việt Nam và có những đóng góp được xã hội ghi nhận.

Rất nhiều công trình hay những dự án kinh tế đã làm thay đổi bộ mặt đất nước. Có thể nói, đó là dấu son trong nhiệm kỳ vừa qua.

Tuy nhiên, để theo kịp với sự phát triển của xã hội cũng như mong muốn, nguyện vọng của người dân, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đặc biệt là việc trọng dụng nhân tài đã được thảo luận khá sôi nổi trên nghị trường, với mong muốn Đảng tiếp tục thay đổi cách nhìn nhận cũng như quy trình tuyển chọn. 

Tôi đã từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, Bệnh viện Đại học Y của chúng tôi muốn bổ nhiệm một Giáo sư ở nước ngoài về làm trưởng khoa. Tuy nhiên, với quy định hiện nay thì rất khó bởi giáo sư đó phải học trung cấp, rồi cao cấp chính trị.

Theo tôi, những yêu cầu đó đang là rào cản đối với đối tượng cán bộ không tham gia lĩnh vực lý luận chính trị của Đảng, hay xây dựng thể chế, xây dựng lý luận mà làm ở lĩnh vực chuyên môn. Các nhà khoa học sẽ ngần ngại, khó đóng góp hết mình cho đất nước.

Một giáo sư ở nước ngoài về nếu yêu cầu họ phải bỏ ra 2 năm để học cao cấp chính trị thì tôi nghĩ chả vị nào muốn về. 

Do đó, theo tôi, nên để các nhà chuyên môn, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực quản lý, hoạch định chính sách vĩ mô có những cơ chế đặc thù để họ có thể phát huy khả năng chuyên môn ở mức tối đa.

Khái niệm chính trị ở ta được định nghĩa khá rộng. Giám đốc bệnh viện hay đại biểu Quốc hội cũng là làm chính trị. Nhưng quan trọng là chúng ta lựa chọn được nhân sự có thực tài cho vị trí đó chứ không nên căn cứ vào bằng cấp không liên quan đến công việc của họ. 

Không để cán bộ mắc sai phạm ở nhiệm kỳ trước trúng cử ở nhiệm kỳ sau

PVChắc hẳn ông cũng không bỏ qua mối quan tâm đến những con người sẽ lãnh đạo, dẫn dắt đất nước trong nhiệm kỳ mới?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Đúng vậy, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng thế, người lãnh đạo đất nước, người dẫn dắt cuộc sống của người dân trong một nhiệm kỳ 5 năm thì không ai lại không quan tâm. Tôi cũng rất quan tâm đến việc lựa chọn những nhân sự đứng đầu đất nước.

Theo tôi, trước hết họ phải là người không tai tiếng, đặc biệt là tham nhũng, lợi ích nhóm. Tôi rất mong Đại hội Đảng lần này sẽ tìm ra được những người như thế, đúng như quan điểm của Tổng Bí thư không để những người như vậy lọt vào hàng ngũ lãnh đạo. 

Có thể nói, sau cuộc chiến chống dịch Covid-19, lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị đã được nâng lên.

Nếu chúng ta tiếp tục tạo được sức nhấn ở Đại hội 13 này, những nhà lãnh đạo là những người được lựa chọn sáng suốt, không tham nhũng, không lợi ích nhóm thì người dân sẽ tin tưởng, thay đổi cách nhìn của mình về Đảng.

"Tôi mong muốn ở Đại hội này chúng ta sẽ có những tiêu chuẩn khác với tiêu chuẩn đặt ra ở Đại hội 11, 12 để thực chất sàng lọc được những cá nhân ưu tú vào đội ngũ lãnh đạo đất nước". (Ảnh: Trần Khánh)

PVÔng thấy với những điều kiện, yêu cầu đặt ra, chúng ta có thể tìm được những cá nhân ưu tú đưa vào những vị trí chủ chốt hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi thấy các tiêu chuẩn đặt ra cho nhân sự đại hội rất đủ, rất hay, không sót đi đâu được những tiêu chuẩn để trở thành người cán bộ tốt lãnh đạo đất nước.

Thế nhưng tôi muốn đặt câu hỏi ngược lại: những tiêu chuẩn ấy có khác gì với tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ ở Đại hội 11, 12 hay không? Không kỳ đại hội nào chúng ta không đặt ra tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ.

Nhưng đến cuối kỳ, các vị lãnh đạo cao cấp nhất, thậm chí cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương vướng vào sai phạm. Đáng nói, những sai phạm lại không phải ở giai đoạn họ đang đương chức mà từ nhiệm kỳ trước, tại sao vẫn “lọt” qua khe cửa tuyển dụng, bổ nhiệm để vào những vị trí lãnh đạo cao cấp của đất nước.

Tôi mong muốn ở Đại hội này chúng ta sẽ có những tiêu chuẩn khác với tiêu chuẩn đặt ra ở Đại hội 11, 12 để thực chất sàng lọc được những cá nhân ưu tú vào đội ngũ lãnh đạo đất nước.

PVCụ thể theo ông những tiêu chuẩn khác đó là gì?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Rất đơn giản, chỉ cần công khai tài sản của bất cứ người nào trong gia đình người sẽ được đưa vào vị trí lãnh đạo và có sự kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban kiểm tra Đại hội.

Nếu có đơn thư tố cáo, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được bằng cách kiểm tra thật sát sao, so sánh với thu nhập của người làm lãnh đạo, nguồn gốc tài sản để khẳng định những người đó không có tài sản không lý giải được.

Chưa nói là bất minh nhưng nếu tài sản không lý giải được thì cũng không nên xếp họ vào vị trí lãnh đạo. Người làm lãnh đạo cần nhất là sự tường minh, không có bất cứ vết gợn nào trong quá khứ để ảnh hưởng đến tương lai.

PVNhiều quan điểm cho rằng chỉ dân chủ mới có thể lựa chọn nhân sự tốt nhất, ông nghĩ sao về quan điểm này?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Chúng ta đang có xu thế dân chủ, điển hình là chúng ta đã có những cuộc bầu Bí thư trực tiếp ở cấp cơ sở. Xu hướng ấy theo tôi là tất yếu, và chúng ta cần tiếp tục đi theo hướng này. 

Muốn làm được, chúng ta phải tổng kết, xem những đại hội bầu trực tiếp ấy có thực sự tốt hơn khi chưa bầu trực tiếp không, đừng khiến nó trở thành hình thức, vị nào cũng trúng cử 99,99%. Đồng thời rút kinh nghiệm cho các đại hội tới đây.

Có thể, nhiệm kỳ này, chúng ta không kịp để bầu ở các cấp cao hơn, nhưng trong kỳ bầu cử Quốc hội, với kinh nghiệm đúc kết từ Đại hội Đảng, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ và công khai, minh bạch.

PVXin cảm ơn ông./.

Theo Thanh Hà/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh